Giá dầu thấp và bài toán cải cách cơ cấu của Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ishac Diwan, “The Middle East’s Oil-Price Problem”, Project Syndicate, 07/06/2017

Biên dịch: Dương Trường Phúc |Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Từ 2014 đến 2016, thu nhập của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông đã giảm trung bình hơn 1/3 – tương đương 15% GDP – và thặng dư tài khoản vãng lai của các nước này đã chuyển thành thâm hụt ở mức hai con số. Bất chấp việc giá dầu tăng nhẹ gần đây, hầu hết các báo cáo đều cho rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức giá hiện tại trong dài hạn. Nếu như vậy, điều này sẽ tạo ra một cú sốc kinh tế vĩ mô mang tầm lịch sử và thay đổi sâu sắc khu vực Trung Đông.

Hầu hết các nước sản xuất dầu mỏ đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu, vay mượn và rút tiền dự trữ. Tuy nhiên, các nước thâm hụt thương mại lớn, dự trữ ít hoặc nợ cao nếu chưa thì cũng sẽ cảm thấy bị áp lực tài chính ngày càng nặng nề. Giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng đến Algeria, Bahrain, Iraq, Iran, Oman và các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh như Libya và Yemen trước khi tác động đến những quốc gia giàu có hơn của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nhưng sau cùng, số phận kinh tế của từng nước sẽ phụ thuộc vào các lựa chọn mà mỗi nước đưa ra ngày hôm nay.

Các nước sản xuất dầu mỏ có thể hoặc cắt giảm tiêu dùng, hoặc duy trì nó ở mức hiện tại bằng cách cải thiện năng suất. Đương nhiên, bất kỳ quốc gia nào cũng thích phương án thứ hai, vì vậy các chính phủ trong khu vực hiện đang cố gắng thoát ra khỏi những vấn đề của họ bằng cách đa dạng hoá nền kinh tế.

May mắn thay, khu vực này có điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng cất cánh hơn so với những năm 1990, do đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng đã được thực hiện khi giá dầu tăng cao trong suốt thập niên vừa qua. Nhưng để tránh cắt giảm mạnh mẽ mức tiêu dùng hiện tại, bất kỳ chiến lược tăng trưởng đáng tin cậy nào cũng đều phải ưu tiên chuyển đổi cơ cấu hơn so với ổn định kinh tế vĩ mô để tránh tình huống tăng trưởng yếu có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và cắt giảm tiêu dùng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Liệu chính phủ các nước trong khu vực có thật sự nghiêm túc trong việc thực hiện các thay đổi thực sự hay không vẫn cần phải tiếp tục theo dõi. Bài học từ cú sốc dầu gần đây nhất, vốn diễn ra sau sự sụp đổ quá trình công nghiệp hoá do nhà nước lãnh đạo vào giữa thập niên 1980, rất khó tiếp thu. Bởi các chính phủ phải vay mượn để tránh phải thực hiện những điều chỉnh cần thiết trong thời kỳ bùng nổ giá dầu 1973-1985, việc dầu rớt giá sau đó đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng nợ. Hầu hết các quốc gia không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu và chấp nhận một thập niên mất mát vì tăng trưởng yếu kém.

Cũng từ đó, các chính phủ khắp khu vực đã dùng đến những phương thức mạnh tay để trấn áp sự bất mãn của công chúng cũng như các đối thủ chính trị. Vào cuối thập niên 1990, họ đã khôi phục được cân bằng kinh tế vĩ mô nhưng chỉ thực hiện các cải cách cơ cấu bề mặt. Vào đầu những năm 2000 khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, điều đó được thúc đẩy hầu như hoàn toàn bởi một đợt bùng nổ giá dầu khác.

Cũng như trong thập niên 1980, các chính phủ trong khu vực ngày nay phải phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ để hỗ trợ tiêu dùng, việc làm và đầu tư công. Các điều chỉnh khi cần  thường được tiến hành dưới dạng cắt giảm ngân sách thay vì chuyển đổi cơ cấu. Và những khoản cắt giảm này thường rơi vào lĩnh vực đầu tư công, do đó làm xói mòn triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Giờ đây do giá dầu đã xuống mức thấp, đầu tư tư nhân giảm sút, các công ty nội địa ngưng trệ và thất nghiệp đang gia tăng.

Về cơ bản, chính phủ các nước sản xuất dầu mỏ đang rơi vào một thế lưỡng nan: Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn dù đáng mong muốn nhưng lại đòi hỏi chế độ phải chấp nhận những rủi ro có thể đe dọa sự sống còn của họ. Tách thu nhập dầu mỏ khỏi các khoản trợ cấp cho người dân sẽ đòi hỏi một khế ước xã hội mới ít dựa hơn vào tiêu dùng do nhà nước đảm bảo, và tăng cường tự chủ cá nhân hơn.

Tuy nhiên, trong khi đa dạng hóa nền kinh tế đòi hỏi cần có nhiều không gian hơn cho các doanh nghiệp tư nhân thì chính phủ các nước trong khu vực, nhất là trong thời kỳ bùng nổ giá dầu, lại có xu hướng ưa chuộng các công ty có quan hệ chính trị tốt. Thực tiễn này luôn là rào cản cho cạnh tranh, làm sai lệch việc cấp vốn ngân hàng, và hạn chế sự năng động của nền kinh tế; nhưng lại giúp cho những kẻ độc tài duy trì quyền lực của mình.

Thật không may, hệ thống bảo trợ và chủ nghĩa thân hữu này càng được củng cố từ sau sự kiện Mùa xuân Arab, vì chính phủ phải tăng cường việc mua chuộc đồng thuận chính trị. Các nước xuất khẩu dầu mỏ, ngoại trừ Libya và Yemen, có thể đã tránh được sự thay đổi chế độ, nhưng quyền lực độc quyền – và bất kỳ cố gắng nào để xóa bỏ điều đó – đều đã trở nên tốn kém hơn.

Một số chế độ sẽ bị cám dỗ phải giữ nguyên nguyên trạng, hi vọng giá dầu tăng trở lại, và trong lúc đó thì thẳng tay đàn áp xã hội dân sự mạnh mẽ hơn. Nếu điều đó xảy ra, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn so với những năm 1990. Người dân ở khu vực này càng ngày càng quen với mức chi tiêu cao của nhà nước, và sự bất mãn của công chúng được thể hiện qua Mùa xuân Arab vẫn chưa biến mất.

Những nước lựa chọn cải cách không chỉ cần sự can đảm chính trị mà còn cần các chính sách được xây dựng tốt. Ở hầu hết các quốc gia Trung Đông, tỉ lệ tham gia thị trường lao động thuộc vào loại thấp nhất thế giới, và tỷ lệ tiêu hao năng lượng so với đầu ra sản phẩm thuộc nhóm cao nhất. Để tăng năng suất đồng thời duy trì ổn định xã hội, cần xoá bỏ trợ cấp với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chứ không phải chỉ để cắt giảm ngân sách. Và cần thiết lập một hệ thống trợ cấp ngân sách mới nhằm để hỗ trợ đầu tư hơn là tiêu dùng.

Tuy vậy, các chính phủ không thể chỉ tự do hóa thị trường và hy vọng những điều tốt nhất sẽ tự đến. Khối tư nhân trong khu vực sẽ cần được hỗ trợ tích cực, bền vững để phát triển và trưởng thành. Quản lý các nền kinh tế hỗn hợp bao gồm các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sẽ đòi hỏi kỷ luật, qua đó các tài sản năng suất cao sẽ không bị lãng phí, hoặc được tư hữu hóa ở mức giá bèo.

Sự mất cân bằng ngoại thương sẽ đặt ra thách thức lớn cho khu vực. Tỷ giá hối đoái linh hoạt rõ ràng không có lợi khi quốc gia không có khả năng xuất khẩu và việc thiết lập các biện pháp kiểm soát nhập khẩu hay ngoại hối sẽ chỉ tạo ra những kẻ tham nhũng và trục lợi. Tuy nhiên, một số nước vẫn còn dư địa để tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng tiêu dùng nhất định. Và nếu họ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường các nỗ lực bảo tồn năng lượng, họ có thể tăng xuất khẩu năng lượng.

Thật khó để dự đoán tương lai nguồn thu từ dầu thấp sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với Trung Đông. Các tầng lớp tinh hoa trong khu vực có thể hoặc là chấp nhận thay đổi, hoặc là không làm gì cả và chấp nhận nguy cơ tụt hậu nhanh chóng. Thời gian để đưa ra lựa chọn đang cạn dần.

Ishac Diwan là thành viên của Sáng kiến Trung Đông của Trung tâm Belfer tại Đại học Harvard và là giám đốc Trung tâm về Thế giới Arab tại Đại học Khoa học tự nhiên và xã hội Paris.

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Middle East’s Oil-Price Problem
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]