Tác động từ cách mạng dầu đá phiến của Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

shutterstock_175228745

Nguồn: Martin Wolf, “Understanding the new global oil economy”, The Financial Times, 01/12/2015

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nếu mức nhập khẩu của Mỹ giảm, tầm quan trọng của một Trung Đông ổn định đối với Mỹ sẽ giảm trong khi lại tăng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Tại sao giá dầu giảm? Đây có phải là một hiện tượng tạm thời hay nó phản ánh một thay đổi mang tính cấu trúc của thị trường dầu quốc tế? Nếu mang tính cấu trúc, nó sẽ có nhiều hệ quả quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, địa chính trị và khả năng kiềm chế biến đổi khí hậu của chúng ta.

Nếu lấy giá tiêu dùng Mỹ làm hệ số giảm phát, thì giá dầu thực tế đã giảm hơn một nửa từ tháng 6/2014 đến tháng 10/2015. Vào tháng 10/2015, giá dầu thực tế thấp hơn giá trung bình kể từ năm 1970 đến 17%, cho dù vẫn cao hơn mức giá đầu thập niên 1970 và thời kỳ từ năm 1986 đến năm 2000 (xem biểu đồ).

gia dau
Lịch sử giá dầu và khí. Nguồn: FT.

Một bài phát biểu của Stephen Dale, kinh tế trưởng của BP (và cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh) cho chúng ta biết thêm về những điều ảnh hưởng đến giá dầu thô. Ông lập luận rằng mọi người thường nghĩ rằng dầu là một tài nguyên có hạn và giá sẽ tăng theo thời gian, rằng đường cong cung và cầu rất dốc (gọi là “không đàn hồi” theo thuật ngữ chuyên môn), rằng dầu được cung cấp phần lớn đến các thị trường phương Tây, và Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) sẽ sẵn sàng bình ổn thị trường. Ông cho rằng phần lớn những nhận thức phổ biến này về dầu là sai.

Một phần của những điều làm lung lay những giả định trên là cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ. Từ mức gần như con số 0 vào năm 2010, mức sản xuất dầu đá phiến đã tăng lên khoảng 4,5 triệu thùng mỗi ngày. Theo Dale, phần lớn dầu đá phiến có lời khi giá dầu thô ở khoảng 50-60 đô la Mỹ một thùng.

Một tác động là mức đàn hồi ngắn hạn của cung dầu cao hơn trước kia. Một tỷ lệ tương đối cao trong chi phí sản xuất dầu đá phiến có thể biến đổi tùy thuộc vào quy mô sản xuất (variable costs) bởi vì đầu tư nhanh và mang lại lợi nhuận cũng nhanh. Kết quả là nguồn cung (dầu đá phiến) phản ứng với giá dầu nhanh hơn là nguồn cung dầu truyền thống vốn có chi phí cố định cao và chi phí có thể biến đổi thấp.

Tính chất đàn hồi tương đối cao hơn so với trước kia của cung dầu có nghĩa là thị trường sẽ bình ổn giá một cách hiệu quả hơn so với quá khứ. Nhưng việc sản xuất dầu đá phiến cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung tín dụng hơn là các nguồn dầu truyền thống. Điều này tạo nên một kênh tài chính trực tiếp cho việc cung dầu.

Một tác động khác là một sự chuyển dịch lớn về hướng đi của thương mại. Đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành những nước nhập khẩu dầu quan trọng hơn, trong khi mức nhập khẩu của Mỹ giảm. Nhiều khả năng là tới 60 phần trăm mức tăng của nhu cầu dầu thô toàn cầu trong 20 năm tiếp theo sẽ đến từ hai gã khổng lồ châu Á này.

xuat nhap khau dau
Sản lượng xuất khẩu ròng về dầu thô của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Nguồn: FT.

Đến năm 2035, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhập khẩu ¾ nhu cầu dầu thô của họ, và Ấn Độ sẽ nhập đến 90%. Dĩ nhiên là điều này dựa trên giả định rằng hệ thống giao thông sẽ vẫn phụ thuộc vào dầu trong giai đoạn dài này. Nếu vẫn như vậy, thì chúng ta không cần phải nghĩ nhiều để thấy rằng sự quan tâm của Mỹ đến việc bình ổn Trung Đông sẽ giảm trong khi mức quan tâm của Trung Quốc và Ấn Độ đối với vấn đề này sẽ tăng. Hệ quả về mặt địa chính trị có thể sẽ sâu rộng.

Một hàm ý khác liên quan đến khó khăn của OPEC trong việc bình ổn giá. Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới 2015, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo giá dầu ở mức 80 đô la một thùng vào năm 2020, vì nhu cầu tăng sẽ hấp thụ nguồn cung dư thừa tạm thời hiện nay. Khả năng mức giá dầu thấp hơn cũng được dự báo, với giá ở mức gần 50 đô một thùng trong thập niên này.

Hai giả định đứng đằng sau kịch bản giá dầu thấp: một là nguồn cung vững vàng từ Mỹ, và một là quyết định từ các nước OPEC, đặc biệt là Ả-rập Saudi (không giảm sản lượng dầu), nhằm bảo vệ thị phần sản xuất và thị trường dầu thô của mình. Nhưng giá thành thấp sẽ tạo nhiều khó khăn cho những nước sản xuất dầu khi chi tiêu công tiếp tục vượt mức thu từ dầu trong một thời gian dài. Sự căng thẳng này sẽ tồn tại bao lâu?

Một số những hàm ý cuối cùng liên quan đến chính sách khí hậu. Sự trỗi dậy của dầu đá phiến giúp nhấn mạnh một điều đã tương đối rõ ràng, đó là nguồn cung dầu toàn cầu không chỉ khổng lồ mà còn ngày càng tăng. Hãy quên mức đỉnh sản lượng dầu, và như ông Dale cho biết, “Sơ sơ thì trong 35 năm qua, thế giới đã tiêu thụ khoảng 1 ngàn tỷ thùng dầu. Trong cùng khoảng thời gian đó, các nguồn dự trữ dầu có thể chứng minh được cũng đã tăng hơn 1 ngàn tỷ thùng.”

Vấn đề ở đây không phải là thế giới sắp hết dầu, mà là thế giới có nhiều dầu hơn mức có thể đốt trong khi vẫn phải hi vọng giới hạn tình trạng tăng nhiệt độ trung bình thế giới ở mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đốt hết nguồn dự trữ dầu hiện tại sẽ làm vượt mức khí thải carbon toàn cầu đến 3 lần. Điều này có nghĩa là khía cạnh kinh tế của nhiên liệu hóa thạch và việc hạn chế biến đổi khí hậu đang đối nghịch nhau. Một trong hai phải lui bước. Thay đổi công nghệ sâu sắc có thể làm suy yếu khía cạnh kinh tế của dầu thô. Nếu không có các thay đổi công nghệ đó thì các chính trị gia phải vào cuộc.
Điều này nhấn mạnh quy mô của thách thức mà các lãnh đạo đối mặt ở hội nghị khí hậu Paris. Nhưng phản ứng về việc giá dầu giảm cho thấy sự vô vọng của các nhà hoạch định chính sách. Theo IEA, trợ giá cho cung cấp và sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn ở mức 493 tỉ đô la trong năm 2014. Đúng ra con số này sẽ ở mức 610 tỉ đô nếu không có các cải cách từ năm 2009. Đúng là đã có các tiến triển.

Nhưng giá dầu thấp bây giờ là bằng chứng ủng hộ cho việc xóa bỏ trợ giá dầu. Tại các nước giàu thì giá dầu thấp tạo cơ hội để áp thuế tiêu dùng, qua đó khuyến khích tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tăng thu ngân sách và cho phép giảm các loại thuế khác, như là thuế đánh vào lao động. Nhưng cơ hội quan trọng này đã gần như bị bỏ qua.

Người ta tự hỏi không biết có một chút cơ hội nào cho những hành động hiệu quả, chứ không chỉ có các cử chỉ phô trương, sẽ xảy ra ở Paris hay không. Tôi mong là tôi sẽ sai, nhưng tôi không có nhiều hy vọng./.

Xem thêm:

http://nghiencuuquocte.net/2014/12/09/tac-dong-dia-chinh-tri-gia-dau-giam/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]