Cái chết của các đảng chính trị

Nguồn: John Lloyd, “The death of political parties”, Reuters, 03/01/2018.

Biên dịch: Phan Nguyên

Không khó để chỉ ra rằng một số đảng chính trị đáng kính trọng nhất của thế giới dân chủ có thể đang đối mặt với các cao trào khủng hoảng. Điều khó khăn là xác định liệu chính phủ của một đảng hay liên minh các đảng đó có thể kéo dài sự tồn tại lâu dài hay không.

Thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn về hầu hết các phương diện vật chất, nhưng mọi thứ không được như vậy đối với các đảng chính trị lâu đời vốn giúp mang lại điều đó. Đây là bởi các chính đảng này đang phải chấp nhận để cho số phận mình được định đoạt bởi một loạt các phong trào rộng lớn ở quy mô toàn cầu thay vì trong phạm vi các quốc gia – dân tộc.

Tại Hoa Kỳ, Đảng Cộng hòa của Abraham Lincoln đã bị “chiếm đoạt” bởi tổng thống Donald Trump, người có vẻ thích độc tài hơn dân chủ. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi các lực lượng như những người lao động ngày càng dễ bị tổn thương và đầy bất mãn, sự phản kháng của người da trắng chống lại nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama, và các doanh nghiệp đang hoan hỉ với kế hoạch thu thuế mới vốn mang lại lợi ích cho giới nhà giàu.

Các cử tri có thể chống lại Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng Đảng Dân chủ cũng chưa thể tìm ra được một nhà lãnh đạo hay một thông điệp thống nhất cho mình.

Tại Đức, người chiến thắng sát sao trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 9 là liên minh trung hữu CDU/CSU vừa bắt đầu vào tháng này các cuộc đàm phán với liên minh trung tả của các nhà dân chủ xã hội vốn là các đối tác của họ trong chính phủ liên minh nhiệm kỳ trước. Cả hai đảng vốn có lịch sử hàng thập kỷ đấu tranh chính trị và nắm quyền nổi bật đã làm việc này một cách đầy miễn cưỡng khi cả hai bên đều lo sợ sự trỗi dậy của các chính đảng mới, những người đang giành được sự ủng hộ của khoảng 40% số cử tri, trong một dấu hiệu của sự cách li khỏi giới chính trị gia dòng chính.

Tại nước Anh Chính phủ của Đảng bảo thủ đang tìm cách thoát ra khỏi Liên minh châu Âu, trong khi vẫn chưa thể xoa dịu được những mâu thuẫn mạnh mẽ trong nội bộ. Tại Pháp, các đảng dòng chính đã bị gạt ra lề trong Quốc hội bởi một làm sóng những nhân vật chính trị mới thuộc phong trào Nền Cộng hóa Tiến bước vừa mới ra đời. Đây là một nhóm hậu thuẫn đứng sau vị tổng thống đầy quyền lực Emmanuel Macron.

Đảng bảo thủ cầm quyền của Tây Ban Nha vẫn đang bị bế tắc do sự ủng hộ của các cử tri ở Catalonia dành cho các chính đảng theo xu hướng ly khai. Tại Trung Âu, Ba Lan và Hungary đang được cai trị bởi các đảng chuyên chế nhưng được lòng dân.

Tất cả những điều này diễn ra trong khi ở Trung Quốc, Nga, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo chuyên chế không chịu trách nhiệm giải trình trước công chúng nhưng vẫn đang có được sự ủng hộ của người dân.

Các giá trị tự do đã và đang vẫn là một phần của toàn cầu hóa, và thực tế vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Các giá trị này bao gồm quyền tự do ngôn luận, bình đẳng giới, sự chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, và xu hướng chấp nhận rộng rãi hơn các xu hướng tính dục khác nhau. Các giá trị này được phát triển bởi các chính đảng chủ yếu thuộc về phe tự do hoặc phe tả trên chính trường nhưng cũng khá nhanh chóng được chấp nhận bởi các chính đảng thuộc phe trung hữu.

Do các đảng trung dung thường đồng thuận về các chính sách kinh tế và ủng hộ thị trường, sự khác biệt giữa các chính đảng này đã giảm xuống, thậm chí biến mất, khiến các đảng này ngày càng kém tích cực chính trị và dần trở thành các công cụ phát triển chính sách của các chuyên gia.

Thay vào đó sự tích cực chính trị đã được chuyển sang cho các tổ chức phi chính phủ, còn chức năng lập pháp của quốc hội dịch chuyển sang các thể chế toàn cầu, trong khi mức lương và điều kiện làm việc của công nhân ngày càng trở nên tồi tệ do sự cạnh tranh từ hàng triệu công nhân được trả lương thấp tại các nước đang phát triển.

Đối với những người thu nhập thấp tại các nước phát triển, tác động của toàn cầu hóa được nhìn nhận là sự áp bức và chính phủ lại bị coi là bất lực, không thể giúp giải quyết vấn đề này. Hầu hết các đảng chính trị dòng chính được thành lập để thúc đẩy hoặc chống đối các vấn đề không còn liên quan tới thế giới ngày nay. Các đảng này đang cố thích nghi nhưng sự thích nghi càng ngày càng khó khăn và trong đa phần các trường hợp, số thành viên các đảng này ngày càng giảm.

Nhiều khả năng là các đảng chính trị mới vốn hiện tại mới chỉ lấp đầy các “thị trường ngách” trong nền chính trị sẽ mở rộng và thay thế vị trí của các đảng lâu đời. Cũng có thể như sử gia Jill Lepore đã đề cập, “đảng một người” hay các công dân được trao quyền bởi truyền thông xã hội sẽ áp đảo trong một phiên bản dân chủ Athens được số hóa một cách phức tạp ngoài sức tưởng tượng.

Cho dù là cách nào đi nữa thì các chính đảng từng một thời là trung tâm của quyền lực, chính sách và hi vọng sẽ khó có thể tiếp tục duy trì được vai trò của mình.

John Lloyd là người đồng sáng lập Viện Reuters về Nghiên cứu Báo chí tại Đại học Oxford.