Dự báo kinh tế thế giới năm 2018

Nguồn: Michael J. Boskin, “The World Economy in 2018”, Project Syndicate, 21/12/2017.

Biên dịch: Phan Nguyên

Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô chủ chốt, như tăng trưởng, thất nghiệp và lạm phát, gợi ý rằng năm 2017 sẽ là năm tốt nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ trong một thập niên qua. Nền kinh tế toàn cầu cũng đang trải qua giai đoạn tăng trưởng đông bộ và rộng khắp, vượt qua những gì được mong đợi. Câu hỏi bây giờ là liệu kết quả mạnh mẽ này sẽ tiếp tục trong năm 2018 hay không.

Đương nhiên, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại cũng như các chính sách liên quan tại Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới. Và cũng khó dự đoán được các đề xuất chính sách mới nào sẽ xuất hiện trong năm 2018. Mỹ, Pháp và Anh đều có các lãnh đạo quốc gia tương đối mới, còn các lãnh đạo của Đức vẫn chưa thành lập được một chính phủ liên minh kể từ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9/2017. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) vẫn đang chờ vị trí chủ tịch của mình được phê chuẩn. Hơn nữa, những thay đổi lớn tại các nền kinh tế đang phát triển quan trọng như Argentina, Saudi Arabia và Brazil khiến cho triển vọng tương lai càng khó dự đoán hơn.

Dù vậy, chúng ta vẫn nên hi vọng những điều tốt đẹp nhất. Trước tiên, chúng ta nên hi vọng rằng tăng trưởng toàn cầu đồng bộ ở tỷ lệ khoảng dưới 4% sẽ tiếp tục trong năm 2018 như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo hồi tháng 10.  Tăng trưởng không chỉ làm tăng thu nhập mà còn khiến cho các vấn đề khó khăn như nợ xấu ngân hàng và thâm hụt ngân sách trở nên có thể quản lý được, như lời cố Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy từng nói một câu nổi tiếng trong bài phát biểu hồi tháng 10/1963 khi ông thúc đẩy việc giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, rằng “nước nổi thì thuyền nào cũng nổi”.

Về phần mình, tôi dự báo rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tiếp diễn nhưng với mức tăng trưởng chậm hơn một ít, khoảng ở mức 3,5%. Hai rủi ro rõ ràng nhất khiến chúng ta cần phải theo dõi chính là châu Âu, nơi sự phục hồi theo chu kỳ có thể gặp trở ngại, và khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ, nơi các căng thẳng có thể tiếp tục bùng phát trở lại.

Thứ hai, chúng ta nên hi vọng rằng Fed, dưới sự dẫn dắt vững vàng của vị tân chủ tịch Jerome “Jay” Powell, sẽ tiếp tục hoặc thậm chí tăng tốc quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng cách nâng tỷ lệ lãi suất liên bang cũng như giảm quy mô bảng cân đối đang phình to của mình. Và chúng ta nên hi vọng rằng các điều kiện kinh tế sẽ cho phép các ngân hàng trung ương chủ chốt khác, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Châu Âu, tiếp bước Fed.

Về vấn đề này, tôi dự báo rằng các ngân hàng trung ương chủ chốt sẽ tiếp tục bình thường hóa chính sách tiền tệ một cách chậm rãi hơn mức cần thiết. Rủi ro lớn nhất ở đây là các thị trường có thể cố gắng kiểm tra phản ứng của Fed dưới thời của ban lãnh đạo mới, ví dụ như nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự báo.

Thứ ba, chúng ta hãy cùng hy vọng rằng gói cải cách thuế của Đảng Cộng hòa nếu được thông qua sẽ giúp thực hiện lời hứa về gia tăng đầu tư, sản lượng, năng suất và tiền lương trong thập niên tới. Ở đây, tôi dự đoán rằng dự luật cải cách thuế sẽ được thông qua và đầu tư vào Hoa Kỳ trong vòng một vài năm tới sẽ tương đối cao hơn so với khi không có hành động nào được thực hiện.

Chắc chắn liệu đầu tư có gia tăng so với mức thấp hiện tại hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng gói cải cách thuế có thể vẫn sẽ được kỳ vọng làm gia tăng sản lượng và tiền lương. Vấn đề không phải là điều đó có xảy ra hay không mà là xảy ra vào lúc nào.

Nếu các tác động đầy đủ của dự luật này không được cảm nhận rõ trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 hay cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, sự chậm trễ đó có thể có các hệ quả chính trị. Mối nguy lớn nhất là các lợi ích của gói cải cách này sẽ bị trì hoãn và các điều khoản chính của đạo luật sẽ bị đảo ngược ngay khi Đảng Dân chủ quay lại nắm quyền.

Thứ tư, chúng ta cùng hi vọng rằng các chính phủ ở khắp mọi nơi sẽ bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng sắp sửa diễn ra trong lĩnh vực lương hưu và chi phí chăm sóc sức khỏe vốn đã gia tăng trong nhiều thập niên qua. Do các chương trình xã hội đã trở nên tốn kém hơn, chúng có thể làm giảm chi tiêu chính phủ đối với các lĩnh vực cần thiết khác như quốc phòng, đồng thời làm gia tăng áp lực phải áp đặt mức thuế cao hơn khiến cho tăng trưởng bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, châu Âu không được phép để cho sự phục hồi theo chu kỳ làm họ rơi vào tình trạng tự mãn. Nhiều quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu vẫn cần giảm nợ chính phủ và khu vực eurozone vẫn cần giải quyết cuộc khủng hoảng của các “ngân hàng xác sống”. Ngoài ra, các cải cách cơ cấu thị trường lao động giống như những cải cách mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang theo đuổi sẽ là hết thức sức cần thiết.

Không may, tôi e rằng tiến triển trong các cải cách cấu trúc sẽ không thật rộng khắp. Mối nguy ở đây là tăng trưởng chậm sẽ không dẫn tới mức gia tăng tiền lương và việc làm đủ lớn để tháo ngòi quả bom nổ chậm gây ra bởi tình trạng thất nghiệp cao trong giới thanh niên ở nhiều quốc gia. Một rủi ro khác là các nỗ lực cải cách có thể tạo ra những phản ứng chính trị gây tác hại cho đầu tư dài hạn.

Thứ năm, chúng ta cùng mong rằng khu vực eurozone có thể tránh được một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu thủ tướng Đức Angela Merkel có tạo ra được một chính phủ liên minh và phục hồi sự ổn định chính trị cho nền kinh tế lớn nhất của Châu Âu hay không.

Thứ sáu, hi vọng rằng EU và Anh có thể thống nhất về một thỏa thuận hậu Brexit hợp lý, cho phép duy trì quan hệ thương mại tương đối mạnh mẽ giữa hai bên. Rủi ro chính ở đây là sự suy giảm cục bộ về thương mại có thể lan tỏa và gây ra những tác hại rộng hơn.

Về các nước bên ngoài châu Âu, hãy cùng hy vọng rằng các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ sẽ mang lại một dàn xếp giúp tạo điều kiện cho thương mại ở lục địa này phát triển. Đối với thương mại nói chung, rủi ro lớn nhất là chính quyền Trump có thể khởi đầu một tranh chấp thương mại khiến tất cả các bên cùng thua xuất phát từ mong muốn có thể hiểu được của chính quyền Trump trong việc giúp đỡ các công nhân ngành chế tạo Hoa Kỳ.

Thứ bảy, hy vọng rằng các chính sách mới nhắm vào công nghệ thông tin và truyền thông sẽ đạt được một sự cân bằng hợp lý giữa các mối quan ngại dù có cơ sở nhưng mâu thuẫn nhau của tất cả các bên. Một mặt, có lý do để lo lắng về sự tập trung quyền lực thị trường của một số công ty internet, đặc biệt là trong lĩnh vực phân phối và nội dung online, và về tác động của các công nghệ mới lên quyền riêng tư cá nhân, thực thi pháp luật và an ninh quốc gia. Mặt khác, các tiến bộ công nghệ mới có thể mang lại những lợi ích kinh tế vô cùng lớn.

Thật dễ để hình dung ra một viễn cảnh mà trong đó có quá nhiều hoặc quá ít các quy định. Cũng không khó để mường tượng ra một sự phản ứng mạnh mẽ quy mô lớn của công chúng chống lại các công ty công nghệ lớn, đặc biệt là nếu các chính sách tự kiểm soát kém hiệu quả hoặc việc từ chối hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật dẫn tới một số sự kiện tồi tệ.

Ở đây, tôi dự đoán rằng một sự cân bằng chính sách phù hợp sẽ phải mất nhiều năm mới đạt được. Nếu một số sự kiện trong tương lai gây ra tác động tâm lý, thái độ của công chúng có thể thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, rốt cuộc, tôi cho rằng sự cạnh tranh và sáng tạo sẽ vượt qua được khuôn khổ quy định sắp tới.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, hãy cùng hi vọng rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ bị ngăn chặn ở khắp mọi nơi, xung đột sẽ suy giảm, dân chủ và chủ nghĩa tư bản sẽ giành lại được những động lực mới, và sự văn minh và đối thoại chân thành sẽ quay lại nhiều hơn với công chúng. Nếu điều đó diễn ra trong năm 2018, đó thực sự sẽ là một năm tốt lành.

Michael J. Boskin,  giáo sư kinh tế học của đại học Stanford, là thành viên cấp cao của Viện Hoover. Ông cũng là chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của George H. W. Bush từ năm 1989 đến năm 1993 và đứng đầu Uỷ ban Boskin – một bộ phận tham mưu của Quốc hội giúp chỉ ra các sai sót trong dự báo lạm phát chính thức ở Mỹ.

Copyright: Project Syndicate 2017 –The World Economy in 2018