Chiến tranh thương mại tác động đến tài chính: Trường hợp Alibaba

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The trade war and finance”, The Economist, 30/05/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Nếu bạn muốn tìm hiểu sự nguội lạnh dần trong quan hệ Mỹ – Trung đang làm biến đổi môi trường kinh doanh toàn cầu như thế nào, một nơi tốt bạn nên tìm đến là Alibaba, một gã khổng lồ internet. Đó là công ty có giá trị lớn nhất và được ngưỡng mộ nhất của Trung Quốc, trị giá 400 tỷ đô la. Trong năm năm qua, nó cũng là một “sản phẩm lai” nằm vắt qua hai siêu cường, bởi vì cổ phiếu của công ty chỉ được niêm yết ở Mỹ. Bây giờ Alibaba đang xem xét một khoản niêm yết trị giá 20 tỷ đô la ở Hồng Kông, theo Bloomberg. Bối cảnh của quyết định này là nguy cơ ngày càng tăng của việc Mỹ tiến hành các động thái chống lại lợi ích của Trung Quốc, cũng như vai trò ngày càng tăng của thị trường vốn Hồng Kông. Việc niêm yết ở đó sẽ là một chỉ dấu cho thấy các công ty Trung Quốc đang “mua bảo hiểm” để giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài chính phương Tây.

Thế giới trông rất khác vào năm 2014, khi Alibaba lần đầu tiên được niêm yết. Mặc dù có trụ sở tại Hàng Châu và có 91% doanh thu đến từ Trung Quốc đại lục, nhưng công ty này đã chọn niêm yết cổ phiếu tại New York, nơi có thị trường vốn phát triển nhất thế giới, và cũng là nơi cho phép cơ cấu niêm yết phức tạp của công ty này. Các ngân hàng Phố Wall đã bảo lãnh cho việc chào bán cổ phiếu ra công chúng. Ông chủ của Alibaba, Jack Ma, vốn đã là một ngôi sao ở Trung Quốc, đã được tung hô trong xã hội thượng lưu Manhattan như một kiểu nhà tư bản tự do mà người Mỹ có thể làm ăn cùng. Ông không đơn độc: 174 công ty Trung Quốc hiện đang niêm yết chính ở Mỹ, với tổng giá trị thị trường đạt 394 tỷ đô la, bao gồm các ngôi sao công nghệ như Baidu và JD.com. Một sự xuất hiện đáng chú ý gần đây là Luckin Coffee, một công ty bắt chước Starbucks, với khoản niêm yết trị giá 4 tỷ đô la hồi tháng Năm.

Tuy nhiên, như Alibaba đã nhận ra, nước Mỹ đã trở nên ít hiếu khách hơn. Lợi nhuận của công ty đã tăng vọt và các nhà đầu tư đã kiếm bộn. Nhưng vào tháng Giêng năm 2018, Ant Financial, công ty con chuyên về thanh toán của Alibaba, đã bị ngăn không được mua lại MoneyGram, một công ty đối thủ của Mỹ, vì lý do an ninh quốc gia. Vào tháng 11, vầng hào quang của ông Ma ở Mỹ đã biến mất khi người ta tiết lộ rằng ông là một đảng viên Cộng sản, giống như nhiều nhà tài phiệt Trung Quốc khác (ông sẽ nghỉ hưu không còn làm cho Alibaba trong năm nay). Các lãnh đạo ở Thung lũng Silicon ngầm bàn tán rằng mảng kinh doanh dịch vụ đám mây toàn cầu của Alibaba là một mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ. Nếu Alibaba đầu tư vào các công ty start-up, họ có thể phạm một luật mới, được gọi là luật FIRRMA, trong đó yêu cầu các thương vụ mua lại “các công nghệ quan trọng” bởi người nước ngoài phải bị thẩm tra an ninh. Công ty vẫn chưa bị tấn công, không giống như công ty đồng hương của họ, Huawei, nhưng tâm trạng của Alibaba rất căng thẳng.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan rộng ra ngoài lĩnh vực thuế quan để bao gồm các vấn đề khác như dẫn độ, đầu tư mạo hiểm và hệ thống thanh toán toàn cầu bằng đồng đô la. Thật dễ dàng để nhận thấy việc các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ có thể trở thành một điểm yếu tiềm tàng. Ví dụ, nếu Trung Quốc tẩy chay Apple hoặc Boeing, Mỹ có thể đáp trả bằng cách đình chỉ việc giao dịch cổ phiếu của các công ty Trung Quốc và ngăn họ gọi vốn.

Thị trường vốn rộng lớn nhưng chưa trưởng thành của Trung Quốc Đại lục không thể thay thế được cho Phố Wall. Hồng Kông, trung tâm tài chính hải ngoại của Trung Quốc, chưa hoàn hảo, nhất là vì Trung Quốc dường như có ý định dần dần làm suy yếu hệ thống pháp quyền ở đó. Tuy nhiên, Hồng Kông đã trở thành một địa điểm thay thế hợp lý cho các công ty toàn cầu của Trung Quốc. Bây giờ Hồng Kông đang chào đón các công ty có các loại cổ phiếu khác nhau (dual-share classes) sau khi thay đổi quy định vào năm 2018. Họ đã mở rộng vai trò của mình như một kênh dẫn mà thông qua đó các nhà đầu tư đại lục có thể mua cổ phiếu và các nhà đầu tư toàn cầu cũng được tiếp cận với Trung Quốc. Năm ngoái, lượng vốn được huy động trong các vụ IPO ở Hồng Kông (37 tỷ đô la) lớn hơn so với trên sàn Nasdaq hoặc Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Sự trỗi dậy của Hồng Kông đã đi kèm với sự xói mòn của bá quyền phương Tây trong lĩnh vực tài chính cao cấp của châu Á. Một thập niên trước các ngân hàng Trung Quốc vẫn nằm ở ngoại vi. Bây giờ các công ty Phố Wall không còn quan trọng như trước đây. Năm ngoái, bảy trong số 20 nhà bảo lãnh phát hành cổ phiếu hàng đầu ở châu Á đến từ Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc nằm trong số những chủ nợ xuyên biên giới lớn nhất ở châu Á. Mỹ vẫn kiểm soát hệ thống thanh toán bằng đồng đô la, nhưng theo thời gian điều này cũng có thể thay đổi.

Với việc niêm yết tại Hồng Kông, Alibaba sẽ có một kênh khác để huy động vốn. Công ty vẫn đang mở rộng nhanh chóng – doanh số bán hàng tăng 51% trong năm ngoái. New York sẽ tiếp tục phát triển như một trung tâm tài chính, ngay cả khi các công ty Trung Quốc bắt đầu né tránh nơi này. Nhưng thông điệp lớn hơn là: khi cuộc chiến thương mại kéo dài, mạng lưới quan hệ tài chính và thương mại toàn cầu vốn vô cùng phức tạp đang phải điều chỉnh. Các công ty sản xuất phần cứng lớn đang điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ. Các nhà bán lẻ đang chuyển dịch nguồn cung ứng để hàng hóa bày bán ở Mỹ không được sản xuất tại Trung Quốc. Các ngân hàng đang giảm tiếp xúc với những đối tác nào có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Và ngay cả các công ty thành công nhất thế giới, như Alibaba, cũng cảm thấy họ cần phải có một kế hoạch dự phòng. Đó là một tầm nhìn rất khác so với những gì mà ông Ma nhìn thấy khi ông rung chuông niêm yết Alibaba tại Sở giao dịch chứng khoán New York vào năm 2014.