Maxim Gorky là ai?

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch: Ngân Xuyên

Lời người dịch: Câu hỏi đặt ra nghe có vẻ lạ lùng. Ở Việt Nam những ai yêu thích văn học lại không biết Maxim Gorky (Макси́м Го́рький, 1868 – 1936) là nhà văn xô viết nổi tiếng, chủ soái của nền văn học cách mạng ở Liên Xô, có tác phẩm nổi tiếng là tiểu thuyết “Người mẹ”. Nhưng ông không đơn giản và một chiều là vậy. Maxim Gorky trước hết là một nhà văn Nga, cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông nằm trong dòng chảy của nền văn chương Nga vĩ đại. Ngày 28/3/2018 nhân kỷ niệm 150 năm sinh của Maxim Gorky, nước Nga đã có dịp nhìn lại rõ hơn về một nhà văn của mình từng trước đây bị mặc định một chiều. Tiếc là ở Việt Nam dịp này lại không có thông tin gì về Maxim Gorky và gần như là “chôn vùi” luôn một nhà văn lớn mà có thời ta đã tụng ca không hết lời là nhà văn cách mạng vĩ đại, bạn của Lenin. Thói thường người đời là thế, và như là người Việt thì càng thế. Vì thế, tôi muốn cập nhật một số thông tin trên báo chí Nga về Maxim Gorky trong dịp này cho những ai quan tâm được biết.

***

Kỷ niệm 150 năm sinh Maxim Gorky, Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VSIOM) đã tiến hành khảo sát ý kiến của 2000 người Nga về di sản của nhà văn. 91% người được hỏi đã đọc các tác phẩm của Gorky, 71% biết đến sáng tác của ông qua phim, 34% qua kịch. Những người đầu tiên nghe đến tên Gorky trong lúc trưng cầu ý kiến chiếm 3%, trong lớp trẻ (18-24 tuổi) tỷ lệ đó là 17%.

Theo những người được hỏi, tác phẩm nổi tiếng nhất của Gorky là tiểu thuyết “Người mẹ” (32%), xếp thứ hai là vở kịch “Dưới đáy”, và thứ ba là truyện ngắn “Bài ca chim báo bão”.
Đối với phần đông người được hỏi (55%) Gorky trước hết là một trong những nhà văn Nga nổi bật nhất cuối TK 19 – đầu TK 20, 31% coi ông là nhà tư tưởng của cuộc cách mạng Tháng Mười và “lãnh tụ văn học” của cuộc cách mạng đó.

Thực tế từ đầu những năm 1990 ở Nga đã có những ý đồ định vứt Maxim Gorky ra khỏi con tàu hiện đại. Nhưng không thành. Các vở kịch của ông vẫn được dàn dựng, phim vẫn được quay, học sinh vẫn học các tác phẩm của ông. Không thể nào vứt bỏ ông được. Vì sao? Cuốn sách “Gorky: đam mê về Maxim” của Pavel Basinsky, người viết tiểu sử cuộc đời ông, ra dịp này đã phần nào trả lời câu hỏi đó. Trong sách có các hồi ức về Gorky của các nhà văn nhà thơ Nga nổi tiếng như Khodasevich, Chukovsky, Shklovsky, thậm chí có cả cáo phó do Lev Tolstoy viết. Nhân dịp này Pavel Basinsky đã trả lời phỏng vấn của báo “Nhân chứng và Sự kiện” (28/3/2018).

NCSK: Thưa ông, nhà thơ Marina Tsvetaeva, một người không đảng phái, đã thành thật cho rằng Maxim Gorky là ứng viên xứng đáng nhất cho giải Nobel. Bà đã bực bội việc năm 1933 người ta đã không trao giải cho ông mà cho Bunin. Hôm nay điều này nghe có vẻ khó tin. Tsvetaeva mà lại ủng hộ Gorky! Theo ông, Gorky có thể thực sự được giải Nobel không?

PB: Không chỉ có thể mà còn phải là thế, nếu như không có những mưu mô, chúng ta sẽ nói thẳng nhé, của Bunin và những hoàn cảnh chính trị. Gorky là nhà văn Nga thứ hai sau Lev Tolstoy được đề cử giải thưởng này. Ngay từ năm 1918 người ta đã xem xét đề cử của ông (Bunin mãi đến năm 1923). Ông đã được đề cử năm lần, đều là trước năm 1933. Điều này là dễ hiểu: ông là nhà văn Nga nổi tiếng nhất và được dịch nhiều nhất ở nước ngoài. Tất cả những đề cử khác – Bunin, Shmelyov, Merezhkovsky và Balmont – đều không phải là những đối thủ cạnh tranh thực tế của ông. Nhưng ông bị dán cái mác “cộng sản”, mà người cộng sản đã xử tử gia đình Sa hoàng có họ hàng với hoàng gia Thụy Điển, mà giải Nobel lại do nhà vua Thụy Điển trao. Nếu được giải thì diễn từ Nobel của “con chim báo bão của cách mạng” biết đâu lại chẳng gây rắc rối. Biết đâu ông lại nói điều gì đó không hay.

NCSK: Gorky đã gặp gỡ và tiếp xúc với Lenin, đã viết cả một bài bút ký về ông ta. Nhưng cô em họ của Winston Churchill (Thủ tướng Anh) là nhà điêu khắc Clare Sheridan cũng say mê các tư tưởng của Lenin, đã đến nước Nga và tạc tượng bán thân Lenin. Nhiều các trí thức, các ngôi sao cũng đã đến nước Nga xô viết. Sau đó họ đã viết về Lenin với thái độ rất tôn kính. Bây giờ người ta cố gắng quên những người đó đi, nhưng lại không tha thứ cho Gorky. Vì sao vậy?

PB: Vấn đề ở đây không hẳn là ở Lenin, mà ở người kế tục ông ta là Stalin. Thái độ của các trí thức “cánh tả” châu Âu (tất cả họ nếu không hoàn toàn “đỏ” thì cũng là “hồng”) đối với Stalin cũng rất tôn kính. Châu Âu khi đó đang bị cuộc khủng hoảng kinh tế nên cuộc “thực nghiệm” xô viết khiến nhiều người mê mẩn. Thêm nữa họ thấy Liên Xô là đối trọng thực tế duy nhất với chủ nghĩa phát xít, và quả thực là vậy. Hiện nay đúng là cả phái tự do ở ta lẫn những người tự do ở châu Âu đều không thích nhớ lại chuyện này. Thì cần phải có “đứa trẻ chịu đòn” và thế là Gorky thành ra đứa trẻ đó.

NCSK: Dù sao thì Lenin/Stalin hoặc những tư tưởng xây dựng con người mới của họ cũng đã rất thân thiết với Gorky?

PB: Vấn đề của Gorky là ở chỗ ông không chỉ là nhà văn, mà còn là một nhà cách mạng hoạt động và nhà thiết kế văn hóa. Phẩm chất này của ông lôi cuốn tôi hơn. Ông không “đợi” cách mạng đến như phần đông các trí thức, ông làm ra cách mạng. Và ông thật sự yêu thích văn hóa, văn học, chứ không phải sáng tác của mình là cái mà ông thường xuyên có cái nhìn nghiêm khắc, tỉnh táo. Người không làm gì thì có sai bao giờ. Thử tính Bunin xem? Ông ta không tạo ra các nhà xuất bản, không hỗ trợ tài chính cho những người Bolshevich, không trở về Liên Xô để giúp cho các nhà văn trẻ xô viết. Ông ta đã vạch mặt nước Nga trong truyện vừa “Làng quê”, nhưng đó chỉ là ngôn từ. Còn Gorky thì “bôi trát”. Ông đã tìm cách chơi trò chơi mà ông coi là khôn khéo của mình với Lenin và Stalin. Ông giao lại một số vị trí, nhưng lại chiếm lĩnh một số vị trí khác. Về sau này Fadeev, Simonov và Tvardovsky cũng đã xử sự như vậy, cũng chơi trò chơi đó, tuy ở quy mô nhỏ hơn. Đó là kiểu nhà văn hành động. Thái độ của tôi đối với chuyện này là phức tạp nhưng kính trọng. Thật khó chịu khi những nhà văn tự mê mình trong sáng tạo lại giẫm đạp họ.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An