Tiềm năng hợp tác hạt nhân của Nhật với Mỹ, Úc, Ấn Độ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Satoru Nagao, “Japan’s nuclear reactors can power US–Asian security”, East Asia Forum, 23/06/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Khuê

Hồi tháng Tư, chính sách xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Itochu, một công ty lớn của Nhật Bản, đã quyết định rút khỏi một dự án nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ do chi phí dành cho các biện pháp an toàn nhà máy điện hạt nhân tăng cao.

Sau trận động đất năm 2011 và thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau đó, hầu hết các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đã không được tái khởi động. Kết quả là thị trường duy nhất cho ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản là ở nước ngoài. Nhưng nếu một công ty lớn như Itochu không thể tìm thấy đủ lợi ích kinh tế ở thị trường nước ngoài, thì việc liệu ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản có thể tồn tại được hay không đang là một câu hỏi lớn.

Một ngành công nghiệp hạt nhân bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản vì điều này loại bỏ ba lợi ích chính mà các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã mang lại trong lịch sử.

Thứ nhất, năng lượng hạt nhân đã mang lại cho Nhật Bản một nguồn năng lượng ổn định giúp phát triển nền kinh tế. Gần như tất cả năng lượng dầu mỏ của Nhật Bản được tạo ra từ dầu nhập khẩu, và điều này cũng đúng trong lịch sử: vào năm 1973, hơn 75% tiêu thụ năng lượng của Nhật Bản được tạo ra từ dầu mỏ. Sau cú sốc giá dầu năm 1973 và 1979, Nhật Bản đã đẩy mạnh nguồn cung năng lượng bằng cách tăng dự trữ dầu, đa dạng hóa nguồn nhiên liệu hóa thạch và tìm kiếm các nguồn năng lượng mới như năng lượng tái tạo và khi mê-tan. Việc tăng tỷ trọng điện năng được tạo ra bởi các nhà máy điện hạt nhân là một yếu tố quan trọng trong những thay đổi này. Ngay trước trận động đất năm 2011, gần 30% sản lượng điện ở Nhật Bản được tạo ra bởi các nhà máy hạt nhân. Con số đó giảm xuống còn gần 0% sau trận động đất.

Thứ hai, ngành công nghiệp hạt nhân đã giúp Nhật Bản tiết kiệm chi phí bảo vệ các tuyến đường thương mại hàng hải chính của mình. Hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Trung Đông. Con số này đã không thay đổi sau trận động đất năm 2011. Điều đáng lưu ý là một trong những lý do chính khiến Nhật Bản quyết định tấn công Trân Châu Cảng là bởi tình trạng thiếu dầu do các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản. Thật vậy, trong Thế chiến II, Hoa Kỳ đã phong  tỏa Nhật Bản bằng cách tấn công các tuyến đường thương mại chính của Nhật. Nếu không có nguồn năng lượng khác (như các nhà máy điện hạt nhân), Nhật Bản sẽ cần một lực lượng hàng hải khổng lồ để bảo vệ các tuyến đường thương mại chính của mình nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng.

Thứ ba, bất chấp lập trường chính thức của chính phủ Nhật Bản, nhiều nước trên thế giới tin rằng Nhật Bản có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân nếu xét đến ngành công nghiệp hạt nhân của nước này. Thực vậy, tiềm năng hạt nhân của Nhật Bản đã chứng tỏ là một yếu tố rất quan trọng trong quan hệ Nhật – Mỹ. Trong thời kỳ diễn ra các thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc vào năm 1964, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều yêu cầu Hoa Kỳ mở rộng “ô hạt nhân” để giúp bảo vệ hai nước này. Trong khi trường hợp của Nhật Bản được Mỹ lắng nghe, lời kêu gọi của Ấn Độ đã không được đáp ứng. Kết quả là, Nhật Bản đã có thể ngừng đàm phán việc phát triển hạt nhân chung với Tây Đức, trong khi Ấn Độ buộc phải tiếp tục kế hoạch phát triển hạt nhân của riêng mình. Hoa Kỳ đã coi việc Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân là một vấn đề đáng lo ngại hơn so với trường hợp của Ấn Độ. Khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Nhật Bản vì vậy đã mang lại cho Nhật một khả năng răn đe hạt nhân ngầm và giúp tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Khả năng Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân cũng có thể thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ không nhắm vào Bắc Kinh, nhưng nếu Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, thì khả năng Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Nhật Bản sẽ tự phát triển vũ khí hạt nhân cũng sẽ gia tăng. Điều này có nghĩa là việc Nhật Bản có (hoặc không có) năng lực phát triển vũ khí hạt nhân là một nhân tố quan trọng trong sự hợp tác của Trung Quốc với Hoa Kỳ để loại bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ngành công nghiệp hạt nhân đang thu hẹp của Nhật Bản không chỉ quan trọng đối với Nhật mà còn đối với an ninh của Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước khác. Vậy làm thế nào để chúng ta đối phó với tình trạng này? Ngay cả khi Nhật Bản mở cửa lại thị trường trong nước, cũng sẽ không dễ dàng để ngành công nghiệp này mở rộng hơn nữa. Nhật Bản vẫn cần tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài.

Hợp tác hạt nhân dân sự giữa Nhật, Mỹ, Ấn Độ  và Úc mang lại một lựa chọn. Ấn Độ cần nhiều nhà máy hạt nhân hơn, nhưng họ lại thiếu công nghệ để xây dựng chúng. Hoa Kỳ đang tìm cách thâm nhập vào thị trường hạt nhân ở Ấn Độ, nhưng các công ty hạt nhân của Mỹ cần nhập khẩu các bộ phận từ Nhật để xây dựng các nhà máy hạt nhân. Úc có nguồn nguyên liệu uranium và đã bán uranium cho Ấn Độ. Cả bốn quốc gia này đều có lợi ích từ việc phát triển ngành điện hạt nhân của Ấn Độ. Sự hợp tác này có khả năng trở thành một phần quan trọng trong chiến lược về một  “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”.

TS Satoru Nagao là nghiên cứu viên khách mời tại Viện Hudson. Ông cũng là chuyên gia về hợp tác an ninh Mỹ – Nhật – Ấn Độ.