Tác giả: FRA phỏng vấn Lê Hồng Hiệp
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ sang thăm Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 2 tới đây nhân Thượng Đỉnh Mỹ – Bắc Hàn tại Hà Nội. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo Bắc Hàn sẽ gặp các quan chức cao cấp của Việt Nam, đánh dấu một bước đi quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Bắc Hàn đến thăm Việt Nam kể từ lần cuối vào năm 1964 khi Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội của Chủ tịch Kim Jong Un đến Việt Nam. Chuyến thăm lần này được cho biết cũng là cơ hội để nhà lãnh đạo Bắc Hàn học hỏi kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam. Mối quan hệ giữa Bắc Hàn và Việt Nam đã thay đổi thế nào sau nhiều năm qua và quan hệ với Bắc Hàn có ý nghĩa thế nào với Việt Nam? Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore về vấn đề này. Trước hết nói về ý nghĩa của chuyến thăm đối với hai nước, ông Lê Hồng Hiệp cho biết:
Lê Hồng Hiệp: Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Kim Jong Un đến Việt Nam nếu được thực hiện thì đó là một chỉ dấu cho thấy hai bên đang cố gắng thúc đẩy hay làm nồng ấm hơn quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ gần đây có trở ngại là sự dính líu của cô Đoàn Thị Hương, một công dân Việt Nam, vào vụ ám sát ông Kim Jong-nam là anh trai của lãnh đạo Triều Tiên. Được biết gần đây Triều Tiên đã ngỏ ý xin lỗi về sự kiện này. Dẫu sao sự kiện đó cũng gây ra trở ngại nhất định trong quan hệ song phương. Hơn nữa, quan hệ song phương dù đã có từ năm 1950 nhưng cũng trải qua những thăng trầm nhất định. Khoảng 20 năm gần đây quan hệ hai bên cũng bắt đầu trở lại trạng thái bình thường, tức là Triều Tiên đã bắt đầu chấp nhận Việt Nam có quan hệ với Hàn Quốc và bắt đầu có những bước đi khác với mong muốn của Triều Tiên. Điều này cũng xuất phát từ thực tế là Triều Tiên cũng gặp những khó khăn về ngoại giao và rất cần những đối tác và những bạn bè truyền thống như Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian gần đây khi Kim Jong Un có ý định cải cách thì mô hình Việt Nam cũng là mô hình mà bản thân ông Kim Jong Uncũng quan tâm và muốn tìm hiểu.
Trong bối cảnh thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên được tổ chức ở Việt Nam thì việc tiến hành một chuyến thăm song phương đến Việt Nam trước thềm hội nghị là một cơ hội phù hợp và nó cũng là một cái điều tôi nghĩ bản thân Bắc Triều Tiên muốn thực hiện để thúc đẩy quan hệ song phương và tạo điều kiện cho việc tìm hiểu mô hình Việt Nam để họ áp dụng cho thời gian sau này. Việc này vừa dựa trên tính toán lợi ích giữa hai bên Triều Tiên và Việt Nam và nó cũng mang ít nhiều tính chất tình thế.
RFA: Theo ông chuyến thăm lần này khác gì so với chuyến thăm của ông Kim Nhật Thành, ông nội ông Kim Jong Un trước kia?
Lê Hồng Hiệp: Chuyến thăm của ông Kim Nhật Thành tới Việt Nam vào năm 1958 và 1964 diễn ra trong bối cảnh chiến tranh lạnh và hai bên có mối quan hệ dựa trên nền tảng ý thức hệ là chính mà không có giao lưu trao đổi khác về kinh tế, văn hóa hay những yếu tố khác. Trong bối cảnh hiện nay nếu quan hệ hai bên được phát triển bình thường trong thời gian tới thì nó có nhiều ý nghĩa thực tiễn hơn. Ví dụ như về trao đổi kinh tế sẽ nổi bật hơn ý thức hệ. Vấn đề ý thức hệ vẫn còn những phù hợp và ảnh hưởng nhất định trong quan hệ song phương nhưng không còn chi phối như trước.
Trong thời gian tới nếu Bắc Triều Tiên mở cửa kinh tế, về đối ngoại thì tôi nghĩ đó cũng là cơ hội tốt cho hai bên, đặc biệt là phía Việt Nam phát triển quan hệ kinh tế với Triều Tiên, ví dụ về giao thương và đầu tư chẳng hạn. Tôi nói ví dụ như tập đoàn quân đội Viettel họ cũng đang rất là quan tâm tới việc đầu tư vào Triều Tiên và họ đang tìm cách để có được giấy phép. Nếu quan hệ hai bên phát triển tốt trong thời gian tới và hai bên thoát được các lệnh cấm vận thì các cơ hội để hai bên phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư rất là lớn và nó sẽ là nền tảng mới quan trọng trong quan hệ song phương, nó không còn dựa trên cái nền tảng ý thức hệ như từ trước tới nay.
RFA: Bắc Hàn muốn học hỏi mô hình đổi mới kinh tế của Việt Nam, theo ông Bắc Hàn hiện tại có những lợi thế và khó khăn gì mà Việt Nam không có trước kia khi bước vào đổi mới?
Lê Hồng Hiệp: Lợi thế của Bắc Hàn so với Việt Nam trước đổi mới thì tôi nghĩ là cũng tương đối thôi tại vì mỗi thời điểm sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng. Về thuận lợi thì tôi nghĩ là đối với Triều Tiên hiện nay thì xuất phát điểm cao hơn Việt Nam. Họ đã có những cái đổi mới nhất định trong nước dù quy mô hạn chế. Thứ hai là tiềm lực khoa học công nghệ của họ mặc dù là họ cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với việc họ phát triển được chương trình hạt nhân tên lửa chẳng hạn thì tiềm lực về khoa học kỹ thuật rất tốt. Bản thân xã hội của họ cũng rất kỷ luật, rất có sự bền bỉ, quyết tâm của một dân tộc đáng nể, dù họ còn gặp nhiều khó khăn. Về môi trường quốc tế thì vừa có thuận lợi vừa có khó khăn. Ví dụ như về thuận lợi là bây giờ có những thành tựu khoa học công nghệ mà có thể giúp các nước phát triển sau có thể nắm bắt được. Ví dụ Triều Tiên có nền tảng khoa học kỹ thuật tốt như vậy, họ cũng có những thế mạnh nhất định nếu họ nắm bắt được xu thế đó, họ có thể phát triển tương đối nhanh chóng.
Tuy nhiên mặt trái là trong bối cảnh hiện tại khi mức độ hội nhập quốc tế đang sâu rộng và trình độ phát triển nhìn chung của thế giới đạt ở mức độ cao thì để cho một quốc gia ở xuất phát điểm còn thấp và chậm như vậy bắt kịp các nước khác thì cũng khó khăn, vì bây giờ có nhiều rào cản. Ví dụ bây giờ có các quy định của WTO và của các hiệp định thương mại tự do khiến các nước đi phía sau không thể khai thác được những lợi thế như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Ví dụ như trong thời kỳ chiến tranh lạnh thì Hàn Quốc họ có thể có những chính sách về bảo hộ, ưu đãi các tập đoàn trong nước, khuyến khích xuất khẩu. Bây giờ trong bối cảnh thương mại đa phương thì những chính sách như vậy không còn khả thi nữa. Như vậy nó sẽ làm cho các nước đi sau mất đi một số công cụ đã từng hữu ích đối với các nền kinh tế đang phát triển trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nói như vậy để thấy những thuận lợi và khó khăn của Triều Tiên hiện nay có điểm khác và giống với Việt Nam trong những năm 90.
RFA: Theo ông, Bắc Hàn nên tránh học những gì từ Việt Nam trong quá trình đổi mới kinh tế?
Lê Hồng Hiệp: Mô hình nào cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng. Mô hình Việt Nam cũng như vậy thôi, cũng có những cái tồn tại, những bất cập. Ví dụ như tình trạng tham nhũng vẫn còn phổ biến. Nó cũng là cản trở lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế hay sức mạnh quốc gia. Những vấn nạn khác về mặt xã hội và con người chẳng hạn. Lâu nay chúng ta vẫn đề cập đến những vấn đề như là giáo dục, giao thông chẳng hạn, y tế chẳng hạn. Nhưng tôi thấy những bất cập đó không phải chỉ là đặc thù của riêng Việt Nam mà là của các nước đang phát triển.
Vấn đề khác là tự do chính trị thì nhiều tổ chức và nhà quan sát cho rằng Việt Nam có thể làm tốt hơn, nhưng có lẽ phải đặt trong bối cảnh độc đảng thì cải cách về chính trị, tự do tư tưởng sẽ có những giới hạn nhất định. Trong trường hợp Bắc Triều Tiên họ áp dụng mô hình Việt Nam nhưng do đặc thù của họ thì mặc dù họ nhận thấy những vấn đề đấy nhưng tôi không nghĩ là họ sẽ làm khác Việt Nam. Ưu tiên của họ vẫn là an ninh của chế độ và sự cầm quyền của đảng Lao động Triều Tiên và bản thân ông Kim Jong Un thôi.
RFA: Theo ông Trung Quốc đóng vai trò thế nào trong đổi mới kinh tế của Bắc Hàn?
Lê Hồng Hiệp: Trung Quốc có tác động thế nào thì chúng ta vẫn chưa biết nhưng rõ ràng chúng ta có thể thấy là nếu Triều Tiên mở cửa và phát triển thì họ sẽ trở nên độc lập hơn so với Trung Quốc. Nhiều khi họ sẽ trở thành thách thức cho Trung Quốc về mặt chính trị, an ninh. Có lẽ cũng dễ hiểu nếu Trung Quốc không muốn Triều Tiên mở cửa, không muốn Triều Tiên đổi mới, thay vào đó họ muốn Triều Tiên bị cô lập và bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặc dù đó là suy luận của tôi nhưng tôi nghĩ là nó hoàn toàn có thể xảy ra và thực tế trong thời gian vừa qua Triều Tiên đã có những bước đi để trở nên độc lập hơn với Trung Quốc và không phụ thuộc vào Trung Quốc thể hiện ở việc họ không quan tâm đến mô hình Trung Quốc bằng mô hình Việt Nam.
RFA: Trong quá khứ cha của ông Kim Jong Un cũng đã từng có những cải cách nhỏ về kinh tế và sau đó dừng lại. Ông Kim Jong Un hiện nắm trong tay quyền lực truyền từ đời ông đến cha, vậy lý do gì khiến ông ta muốn đổi mới kinh tế vào lúc này?
Lê Hồng Hiệp: Ông Kim Jong Un còn rất trẻ mới hơn 30 thôi và với tầm nhìn của ông thì chắc chắn là ông muốn cai trị thêm 20 – 30 năm tới hoặc thậm chí dài hơn. Nếu chúng ta nhìn vào bối cảnh Triều Tiên hiện tại nếu ông Kim Jong Un tồn tại trên vị trí của mình thêm 30 năm nữa mà Triều Tiên không mở cửa, không đổi mới và vẫn là một đất nước nghèo như vậy thì chúng ta sẽ thấy cái sự cai trị đó sẽ khó khăn thế nào và nó kém tính chính danh như thế nào. Tôi nghĩ đổi mới của Triều Tiên trong giai đoạn này mà xảy ra là bắt nguồn từ mong muốn duy trì sự nắm giữ quyền lực của ông Kim Jong Un. Ông muốn tạo ra tính chính danh lớn hơn trong nước cũng như quốc tế, tạo ra nền tảng quyền lực bền vững hơn và có thể nó mang tính chất nhân bản hơn, dễ dàng chấp nhận hơn với người dân trong nước. Rõ ràng những trường hợp như Trung Quốc và Việt Nam đã cho thấy điều đó. Cải cách kinh tế vừa tạo ra sự phát triển cho đất nước vừa có thể giúp đảng cầm quyền duy trì được tính chính danh của mình, nhận được sự chấp nhận lớn hơn của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Tôi nghĩ lần này ông Kim Jong Un đã thể hiện sự nghiêm túc trong ý định đổi mới, thể hiện trong những bước đi khoảng hơn một năm nay.
RFA: xin cảm ơn ông đã dành cho Đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn.
Hình minh họa. Hình của KCNA hôm 28/7/2013: Chủ tịch Kim Jong Un (giữa bên trái) chào đón Ủy viên Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng (giữa phải) ở Bình Nhưỡng. Nguồn: AFP.
Nguồn: RFA