Thượng đỉnh Trump-Kim và bài học của Việt Nam cho Triều Tiên

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Khi Kim Jong-un tới Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này, ông sẽ không chỉ tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Rốt cuộc, một thỏa thuận như vậy sẽ chỉ là công cụ để Kim đưa Triều Tiên thoát khỏi sự cô lập và trừng phạt quốc tế để cải cách đất nước nghèo đói của mình, điều này sẽ giúp nhà lãnh đạo 35 tuổi duy trì sự cai trị của mình trong nhiều thập niên tới. Do đó, hội nghị lần này và chuyến thăm song phương tới Việt Nam mang đến cho Kim một trải nghiệm hiếm hoi về những gì có thể là một nguồn kinh nghiệm hữu ích cho các kế hoạch tương lai của ông nhằm cải cách đất nước.

Triều Tiên ngày nay mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam trước khi mở cửa và áp dụng cải cách thị trường, còn gọi là chính sách Đổi mới, vào cuối những năm 1980. Trước đó, giống như  Triều Tiên ngày nay, Việt Nam là một nền kinh tế chỉ huy bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và kém phát triển rộng khắp do chi tiêu quá mức cho quốc phòng và các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề vì gửi quân vào Campuchia. Sau 30 năm cải cách, Việt Nam đã tăng quy mô nền kinh tế hơn 30 lần, trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với tổng kim ngạch thương mại gấp đôi GDP và thoát khỏi tình trạng thu nhập thấp vào năm 2010.

Quan trọng hơn, mặc dù Việt Nam không bị cai trị bởi một cá nhân lãnh đạo tập quyền như Kim, nhưng hệ thống độc đảng do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thống trị phần lớn tương đồng với Bắc Triều Tiên, nơi Đảng Lao động Triều Tiên của Kim đang nắm quyền lực độc tôn. Những cải cách kinh tế trong ba thập niên qua đã củng cố sự cai trị của ĐCSVN bằng nhiều cách, trong đó có việc nâng cao tính chính danh cho Đảng ở trong nước lẫn quốc tế. Vì Kim Jong-un rất lo lắng cho an ninh của bản thân cũng như chế độ của mình, các bài học của ĐCSVN có thể được ông quan tâm.

Về đối ngoại, Việt Nam cũng từng là kẻ thù không đội trời chung với Hoa Kỳ, và mãi đến năm 1994, Washington mới dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam để mở đường cho bình thường hóa quan hệ một năm sau đó. Kể từ đó, quan hệ song phương liên tục được củng cố đến mức hai nước gần như trở thành “bán đồng minh”. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ mười một, trong khi Việt Nam đang trở thành thị trường xuất khẩu ngày càng thiết yếu đối với các công ty Mỹ và là đối tác quan trọng trong chiến lược an ninh khu vực của Washington.

Trong bối cảnh Kim Jong-un đang mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và tiến hành cải cách kinh tế, Việt Nam là một mô hình hợp lý hơn so với Trung Quốc để Kim có thể tham khảo. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn với 1,5 tỷ dân, tạo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc dư địa nhằm thực hiện một số chính sách mà các quốc gia nhỏ hơn nhiều như Triều Tiên và Việt Nam không thể có được. Quan trọng hơn, Triều Tiên sẽ không muốn tỏ ra phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc bằng cách áp dụng mô hình của nước này, vì một sự phụ thuộc như vậy không chỉ khiến Triều Tiên dễ bị tổn thương trong dài hạn mà còn cản trở nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nước ngày càng xem Trung Quốc như một mối đe dọa.

Theo nhiều cách, vấn đề hạt nhân đối với Triều Tiên cũng tương tự như vấn đề Campuchia đối với Việt Nam trong những năm 1980. Việt Nam đã phải trải qua những khó khăn rất lớn để giải quyết vấn đề Campuchia trước khi có thể thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế và đạt được những bước đột phá trong đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Tương tự, Triều Tiên sẽ phải giải quyết vấn đề hạt nhân trước khi Washington có thể đưa ra những “phần thưởng” cho quốc gia này. Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai có thể được coi như một bước đi tiếp theo mà Kim thực hiện để đạt được mục tiêu đó.

Với các lợi ích lớn mà hai bên đưa ra mặc cả, việc kỳ vọng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ được giải quyết chỉ sau vài vòng đàm phán là không thực tế. Tuy nhiên, có những lý do để tin rằng hai bên sẽ cố gắng đạt được một số kết quả có ý nghĩa khi gặp nhau tại Hà Nội tuần này. Vì đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, họ muốn có một số kết quả cụ thể để cho thấy sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán song phương. Kim cần một kết quả tích cực để thể hiện thiện chí của mình và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ, trong khi Trump cần một phần thưởng để đóng góp vào bộ sưu tập di sản đối ngoại của mình, đồng thời củng cố vị thế trong nước trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Như vậy, một định nghĩa rõ ràng hơn về khái niệm “phi hạt nhân hóa” có thể là một trong những kết quả mà hai bên hướng tới. Hoặc hai bên có thể cố gắng đưa ra một tuyên bố chấm dứt chính thức Chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến mà về mặt kỹ thuật vẫn chưa kết thúc vì giao tranh chấm dứt vào năm 1953 theo một thỏa thuận đình chiến thay vì một hiệp ước hòa bình.

Bất kể hội nghị thượng đỉnh lần này mang lại kết quả ra sao, Kim vẫn có thể muốn quan tâm tới một bài học khác từ Việt Nam trong ứng xử với Hoa Kỳ. Một số lãnh đạo ĐCSVN từng rất lo ngại về ý định của Hoa Kỳ nhằm lật đổ chế độ của họ thông qua chính sách mà họ gọi là “diễn biến hòa bình”, một kế hoạch khuyến khích cải cách kinh tế và chính trị theo hướng tự do tại Việt Nam, điều cuối cùng sẽ làm xói mòn sự cai trị của ĐCSVN. Để làm dịu mối lo đó, Việt Nam đã nhất quyết đòi đưa vào bản tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện song phương với Mỹ năm 2013 một cam kết rằng hai bên sẽ tôn trọng lợi ích chính trị của nhau, ngụ ý rằng Hoa Kỳ sẽ từ bỏ mọi nỗ lực nhằm lật đổ chế độ của ĐCSVN.

Triều Tiên có thể muốn đạt được một cam kết tương tự từ Mỹ ngay tại hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai, ngay cả khi như trường hợp của Việt Nam cho thấy, việc lật đổ các chế độ như của Kim hay ĐCSVN không phải là lợi ích của Washington, đặc biệt là trong bối cảnh Đông Á . Lợi ích tối quan trọng của Washington bây giờ và trong nhiều thập niên tới chính là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giống như một Việt Nam ngày càng trở nên độc lập so với Trung Quốc kể từ sau Đổi Mới, một Triều Tiên cải cách mạnh mẽ và độc lập sẽ phục vụ cho lợi ích chiến lược của Mỹ tốt hơn nhiều so với một Triều Tiên nghèo đói và phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, một cam kết như vậy sẽ giúp Kim tự tin hơn để buông bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, và giúp Trump có cơ hội thể hiện sự chân thành trong đàm phán với Triều Tiên.

Một phiên bản của bài viết đã được đăng trên Vietnam Finance.