Nguồn: “Obituary: Li Rui died on February 16th”, The Economist, 02/03/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Đó là một giấy mời mà Lý Nhuệ (Li Rui) không thể bỏ qua. Ông cũng không muốn làm vậy. Khi Mao Trạch Đông gửi một chiếc máy bay tới đón ông đến dự một cuộc gặp riêng lần đầu tiên giữa hai người vào năm 1958, ông mới 41 tuổi và đang lên nhanh. Vị trí thứ trưởng thủy lợi và thủy điện khiến ông trở thành thứ trưởng trẻ nhất trong chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa còn non trẻ.
Nhưng cũng như lần trước, sự nghi ngờ vẫn phảng phất. Nỗ lực lần trước của ông nhằm tham gia cùng Mao là một kỷ niệm chua chát. Sau khi vất vả trường chinh cuối những năm 1930 từ quê nhà Hồ Nam tới Diên An, thành trì kháng chiến của Mao, ông đã bắt đầu viết các bài xã luận trên tờ Giải phóng của cách mạng.
Nhưng những bài viết này quá sắc nhọn chỉ trích cả hai phe (tên “Nhuệ” của ông có nghĩa là tinh nhuệ, am tường, và ông đã thể hiện được phẩm chất đó), nên ông đã bị tống vào tù vì tội gián điệp, cần “chỉnh huấn”. Mẹ ông đã nói với ông trong nước mắt khi ông rời khỏi nhà rằng “Cộng sản rất tốt, nhưng con có thể bị giết”. Hoặc, rõ ràng, ông đã bị vứt qua một bên.
Bây giờ Mao là chủ tịch nước, và ông được gọi lên để thảo luận về đập Tam Hiệp, một dự án thủy điện khổng lồ được đề xuất xây trên sông Dương Tử. Ông và Mao không có chung quan điểm về dự án này. Là một kỹ sư được đào tạo bài bản, ông đã phản đối một cách quyết liệt, trong khi Mao trong một bài thơ đã tưởng tượng mình đang bơi trong bóng râm của bờ đập, chiêm ngưỡng những “bức tường đá” và mặt hồ tĩnh lặng. Nhưng, kỳ lạ thay, Mao lại thích cách ông tranh luận; và dường như cũng thích con người ông, mặc dù, là một nông dân, Mao ghét các nhà trí thức. Rồi Mao yêu cầu ông làm thư ký riêng phụ trách các vấn đề công nghiệp.
Nhiệm vụ đó chỉ kéo dài một năm. Mao không chấp nhận ý kiến bất đồng nào, khăng khăng đòi kiểm soát tâm trí của mọi người; ông thường tự nhận là hiện thân pha trộn giữa Marx và Tần Thủy Hoàng, một lãnh chúa tàn bạo giúp thống nhất Trung Quốc thời cổ đại. Vị thư ký mới của Mao là kiểu người nói thẳng, ông đã sớm bị thanh trừng vì dám chỉ trích công khai Đại nhảy vọt, thảm họa kinh tế khổng lồ khiến Trung Quốc rơi vào nạn đói khủng khiếp. Sau đó, ông phải ở tù và bị lưu đày tới vùng núi phía bắc trong suốt 20 năm tươi đẹp nhất của cuộc đời. Nhưng sự gần gũi ngắn ngủi đó với Người cầm lái vĩ đại hút thuốc lá như tàu hỏa đó đã giúp ông có được hiểu biết sâu sắc về Mao. Nó cũng cho ông một chỗ đứng trong đảng, để khi thời thế tĩnh lặng hơn, cho phép ông khuyến khích các nhà lãnh đạo khác từ bỏ phương pháp Maoist. Chừng nào đảng còn dung dưỡng chế độ chuyên chế, khi chính phủ, lãnh đạo và hệ tư tưởng vẫn là một lực lượng không bị kiểm soát, thì Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể cải cách hoặc tiến lên một cách thực thụ.
Cuối cùng, ông đã viết năm cuốn sách về Mao, từ khi sinh ra cho đến khi chết, biến mình thành một nhà sử học có giá trị trong những năm tháng đó. Tuy nhiên, mục đích của lịch sử là giúp người ra rút ra các bài học và đối mặt với nó, nhưng đảng sẽ không làm vậy. Tất cả các nhà lãnh đạo, kể từ Đặng Tiểu Bình trở đi, đều đối mặt với các ý kiến và yêu cầu của ông. Chúng thường được viết tại “tổng hành dinh” của ông, một phòng làm việc ken đầy sách và nơi ông giận dữ xua đuổi bất cứ ai muốn quay phim những gì ông đang viết. Đôi khi chúng được thể hiện dưới dạng thư ngỏ, đôi khi là các phát biểu tại các kỳ đại hội Đảng. Ông thậm chí đã lên tiếng chỉ trích sự kiện Thiên An Môn, vụ thảm sát vốn là đề tài cấm kỵ, tuyên bố một cách đơn giản nhưng dứt khoát rằng các sinh viên đã đúng và lãnh đạo Đảng đã sai. Là “một đảng viên kỳ cựu có tư tưởng tự do”, ông thường gặp phải sự im lặng, hoặc đôi khi vờ được ghi nhận để rồi bị phớt lờ. Ông đã chọc ngoáy ngay cả Tập Cận Bình trong một bữa tối khi nhà lãnh đạo tương lai mới là bí thư đảng ủy ở Chiết Giang, coi Tập như là một anh chàng học thức kém, không là gì so với người cha đáng ngưỡng mộ của Tập. Ông kinh hoàng khi chứng kiến Tập trở nên độc đoán như thế nào một khi lên nắm quyền.
Danh sách những mong muốn chính trị của ông không dài. Đầu tiên là tự do ngôn luận: đảng phải lắng nghe mọi người. Thứ hai, tự do xuất bản. Ông đã từng là một nhà báo điều tra đáng nể, cũng đồng thời là một nhà văn; nhưng các cuốn sách về Mao của ông đã bị cấm ở đại lục, và tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu (Yanhuang Chunqiu) mà ông ủng hộ mạnh mẽ trong việc đánh giá lại một cách không chính thức lịch sử Trung Quốc, đã bị đình bản và vị tổng biên tập thì bị cách chức. Quan trọng nhất là ông tìm kiếm nền cai trị dựa theo hiến pháp và dân chủ, trong đó Đảng chỉ là một đảng xã hội theo phong cách Tây Âu. Ý nghĩ đó quá mang tính lật đổ, quá phi-Trung Quốc, nên đến năm 2013 nó đã chính thức bị lên án, dù một cách bí mật. Nhưng một người đàn ông đã trải qua chín năm cô độc vì ý kiến phản biện của mình, biết luyện khí công và viết 400 bài thơ bằng thuốc tím sát trùng bên lề các trước tác của Marx sẽ không bao giờ bị đe dọa bởi điều đó. Đúng như tên gọi của mình, ông vẫn sắc sảo, gai nhọn.
Màu đỏ
Vẫn là những câu hỏi đó, cần phải làm gì với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Đảng sẽ trở thành như thế nào? Những câu hỏi đó vẫn thường trực trên miệng ông ngay cả trong những ngày cuối cùng, khi ông nằm trong một bệnh viện hạng nhất dành riêng cho các quan chức của đảng. Bởi ông chưa bao giờ bỏ Đảng, hay thậm chí là nghĩ tới điều đó. Đảng là cuộc sống của ông, kể từ khi ông vào Đảng một cách bí mật vào năm 1937 khi ông mới 20; kể từ khi còn là sinh viên và bị Quốc dân Đảng bỏ tù vì háo hức dúi vào tay mọi người những cuốn sách giáo khoa về chủ nghĩa Marx. Mao đã trục xuất ông, và, nhân danh đảng, phá hủy cuộc hôn nhân đầu tiên của ông và gần như giết chết ông; nhưng cái đảng tư duy tập thể với những cuốn sách đỏ và khăn quàng đỏ đó không chỉ là một tổ chức mà ông vội vàng đón nhận trong tư cách một thanh niên trẻ yêu nước, khẩn thiết muốn đưa Trung Quốc thoát khỏi các lãnh chúa và quân xâm lược Nhật Bản. Khi ông được phục hồi dưới thời Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980, ông hy vọng sẽ có một chính đảng của tình huynh đệ, công bằng xã hội, cũng như tự do. Nhưng thay vào đó, như ông đã viết trong một bài thơ, ông chỉ tìm thấy sự kiêu ngạo, thiếu hiểu biết, vô liêm sỉ, vô luật pháp. Ông mặc đồ đỏ – như chỉ dấu của lòng trung thành – nhưng ông đã trở nên chán ghét chính màu đỏ đó. Mọi thứ đều đỏ, đỏ, và đỏ.
Màu đỏ sẽ là màu của lá cờ phủ trên quan tài ông một khi ông nằm trong đó. Điều đó, cũng như việc ông được chôn cất tại Nghĩa trang Bát Bảo Sơn dành cho các nhà cách mạng ở Bắc Kinh, là những đặc quyền dành cho ông với tư cách là một đảng viên lão thành. Khi được hỏi liệu ông có muốn điều đó không, ông chỉ nói rằng ông muốn được chôn cất cùng bố mẹ ông ở Hồ Nam. Ông cảm thấy có lỗi vì đã không thể chăm sóc được mẹ mình khi bà về già. Nó khiến ông thở dài khi nhớ lại những lời đơn giản xưa kia của bà, rằng “Cộng sản rất tốt”.
Đám tang ông diễn ra đúng như Đảng muốn. Không có cơ quan truyền thông nào được phép đưa tin. Ông Tập, giờ đã gỡ được cái gai khó chịu nhất của mình, đã gửi tới đám tang ông một vòng hoa đẹp.