Thế giới hôm nay: 11/11/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các cuộc không kích của Israel vào Gaza và Lebanon đã giết chết hơn 50 người, theo lời giới chức địa phương. Lực lượng Israel nói đòn tấn công của họ vào Jabalia ở miền bắc Gaza, được cho là làm hơn 30 người thiệt mạng, trong đó có 13 trẻ em, nhắm vào một khu vực có “khủng bố hoạt động.” Trước đó Qatar thông báo họ không còn là bên trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas.

Nga nói đã bắn hạ 34 máy bay không người lái của Ukraine xung quanh Moscow. Thị trưởng thủ đô Nga cho biết không có thiệt hại đáng kể nào, mặc dù cuộc tấn công đã làm một người bị thương và khiến ba sân bay phải tạm thời đóng cửa. Đây được cho là nỗ lực tấn công lớn nhất của Ukraine vào Moscow cho đến nay. Trong khi đó, Nga không kích Odessa ở miền nam Ukraine, làm hai người bị thương.

Trung Quốc bày tỏ tức giận với Philippines vì ​​đã thông qua hai luật mới tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Giới chức Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để “kiên quyết bảo vệ” lợi ích của mình. Các nước Philippines, Việt Nam, và Malaysia gần đây đã bắt đầu phản đối mạnh mẽ hơn các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.

Donald Trump cho biết Nikki Hailey, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông, và Mike Pompeo, cựu ngoại trưởng, sẽ không trở lại chính quyền Trump. Bà Hailey đã chạy đua với ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, còn ông Pompeo được cho là ứng cử viên cho chức bộ trưởng quốc phòng. Trung Quốc chắc chắn sẽ rất vui khi không phải đối phó với ông nữa.

Ông Trump được cho là sẽ giành chiến thắng ở Arizona, khi quá trình kiểm phiếu tại bang này gần kết thúc. Nếu vậy, tổng thống đắc cử sẽ giành chiến thắng ở cả bảy bang chiến trường. Đảng Cộng hòa cũng tiến gần hơn đến việc giành quyền kiểm soát Hạ viện, dù kiểm phiếu ở một số khu vực thậm chí còn chậm hơn Arizona.

Cuba đàn áp biểu tình sau một số vụ mất điện diện rộng. Tâm lý tức giận vì chính phủ không khôi phục được nguồn điện sau bão Rafael đã thúc đẩy người dân xuống đường ở thủ đô Havana và những nơi khác. Các quan chức cho biết rằng, như một biện pháp “phòng ngừa,” họ đã bắt giữ một số người để khôi phục trật tự.

Hàng chục nghìn người biểu tình đã xuống đường ở Valencia, khi cơn giận dữ về phản ứng của chính quyền sau trận lũ tuần trước vẫn chưa lắng xuống. Người biểu tình kêu gọi Carlos Mazón, người đứng đầu chính quyền khu vực, từ chức. Hơn 200 người đã thiệt mạng khi nước lũ nhấn chìm thành phố này; bên cạnh 80 người vẫn mất tích. Người dân Valencia nói cảnh báo lũ lụt được đưa ra quá muộn.

Con số trong ngày: 5%, là tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ cho biết họ đang sử dụng AI tạo sinh để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ.

TIÊU ĐIỂM

COP29 khai mạc

Các đại diện từ khắp nơi trên thế giới sẽ dành hai tuần tới tại Baku, thủ đô của Azerbaijan, để tham dự COP29 – hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên của Liên Hợp Quốc. Một số người cho rằng COP năm nay chỉ là một cuộc họp thủ tục, một phần do lo ngại về tính phù hợp của nước chủ nhà, với một nền kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Nhưng các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sẽ rất quan trọng – một phần vì các bên phải thống nhất về mục tiêu mới cho khoản tiền mặt hàng năm mà các nước giàu nên cung cấp cho các nước nghèo để giúp họ giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra còn có những vấn đề quan trọng khác. Vào năm 2022, các đại biểu COP đã nhất trí rằng những nước gây ô nhiễm nhiều nhất sẽ trả tiền cho các quốc gia đang phát triển để trang trải chi phí biến đổi khí hậu, thành lập một quỹ được gọi là “thiệt hại và mất mát.” Song cách thức hoạt động của quỹ này vẫn cần phải được thống nhất. Trong khi đó, tất cả các bên cũng được cho là sẽ tăng cường tham vọng cắt giảm khí thải của mình.

Đảng Cộng hoà Mỹ nhiều khả năng kiểm soát lưỡng viện quốc hội

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Donald Trump đôi khi không thể áp đặt ý chí của ông. Paul Ryan và Mitch McConnell, khi đó là lãnh đạo đảng Cộng hòa tại lưỡng viện của Quốc hội, không thuộc phe của ông Trump trong đảng. Và trong nửa sau nhiệm kỳ tổng thống trước, Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện.

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có ít ràng buộc hơn. Một số cuộc đua vào Quốc hội vẫn chưa có kết quả, nhưng đảng Cộng hòa có vẻ sẽ kiểm soát cả hai viện. Đảng này sẽ có 53 ghế tại Thượng viện nếu họ lật được một ghế ở Pennsylvania, điều có vẻ là chắc chắn. Bấy nhiêu là đủ để phê chuẩn các thẩm phán liên bang và các lựa chọn nội các của ông Trump. Đảng Cộng hòa có thể cũng sẽ giành được đa số mong manh tại Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson được ông Trump ủng hộ. Tất nhiên không điều gì trong số này đảm bảo các dự luật sẽ không bị chủ nghĩa bè phái trong đảng gây trở ngại. Nhưng nó ít nhất mang đến cho tổng thống một cơ sở quyền lực vững chắc.

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh chung Ả Rập-Hồi giáo

Ả Rập Saudi đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh chung Ả Rập-Hồi giáo tại Riyadh vào thứ Hai, nơi các nhà lãnh đạo từ hàng chục quốc gia sẽ thảo luận về chiến sự đang ngày càng tồi tệ ở Trung Đông. Sự kiện này theo sau lần thượng đỉnh trước đó vào năm 2023, vốn kết thúc bằng một thông cáo chung vô hại. Lần này có lẽ cũng không khá hơn: các nhà cầm quyền Ả Rập không có mấy tiếng nói với các bên đang tham chiến.

Trong khi đó chiến tranh vẫn tiếp diễn. Vào cuối tuần, Israel được cho là đã giết chết hàng chục người trong các cuộc không kích ở cả Jabalia, miền bắc Gaza, và tại một ngôi làng ở miền bắc Beirut, Lebanon. Ngày càng có nhiều lo ngại Iran sẽ tấn công Israel trong những ngày tới, có thể thông qua các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq. Qatar không còn trung gian cho Israel và Hamas nữa, vì cho rằng không bên nào thật sự nghiêm túc. Các nhà ngoại giao cũng không tin Joe Biden sẽ thúc đẩy lệnh ngừng bắn trong những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình. Khả năng có thay đổi là rất nhỏ, ít nhất là cho đến tháng 1.

Thủ tướng Nhật cố gắng bám trụ

Trong cuộc bầu cử sớm gần đây của Nhật Bản, Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền và liên minh của đảng này đã mất đa số ghế trong quốc hội, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Kết quả đó khiến số phận chính trị của Ishiba Shigeru, người trở thành thủ tướng Nhật Bản vào tháng 10 sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua làm lãnh đạo của LDP, trở nên bất định. Hôm nay, quốc hội Nhật Bản sẽ triệu tập một phiên họp đặc biệt, trong đó ông Ishiba có thể phải tham gia vòng bầu cử thứ hai để được tái đắc cử. Đây là lần đầu tiên quốc hội phải làm vậy sau ba mươi năm.

Ông Ishiba có thể sẽ giữ nguyên vị trí của mình. Đảng Dân chủ Lập hiến, phe đối lập chính, không thể phối hợp với các đảng nhỏ hơn để hình thành một mặt trận thống nhất. Nhưng ngay cả khi ông sống sót, vị thế chính trị của ông Ishiba vẫn suy yếu. Theo hãng thông tấn Kyodo, tỷ lệ chấp thuận nội các của ông đã giảm mạnh từ 51% xuống còn 32% trong tháng qua. Tình hình này khiến ông khó thực hiện các chính sách cấp bách nhưng không được lòng dân, chẳng hạn như tăng thuế để thúc đẩy chi tiêu quốc phòng.