Điều gì đã xảy ra với thần học giải phóng?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: What happened to liberation theology?”, The Economist, 05/11/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Các giáo dân gặp phải hai kết luận trái ngược nhau khi họ chứng kiến các nghi thức hân hoan tại lễ phong thánh vào tháng trước tại Rome cho Oscar Romero, một tổng giám mục El Salvador, người đã bị giết trên bàn lễ thánh bởi một nhóm ám sát cánh hữu vào năm 1980. Đây hoặc là minh chứng tối hậu cho sự đúng đắn của thần học giải phóng, hoặc là tiếng thở trần thế cuối cùng của một phong trào đã đi vào lịch sử.

Thần học giải phóng quay trở lại Mỹ Latinh vào những năm 1950 và 1960. Đó là một lời kêu gọi đưa quỹ đạo của hoạt động tôn giáo vào cuộc sống của những người nghèo khổ và thiệt thòi, trái ngược với việc để nó gắn với giới tinh hoa tôn giáo và thế tục. Các giáo sĩ quyết tâm chống lại sự bất bình đẳng và áp bức chính trị tại khu vực Mỹ Latinh đã đóng góp rất lớn vào Công đồng Vatican II, một sự tụ họp mang tính bước ngoặt của các giáo sĩ Công giáo được tổ chức từ năm 1962 đến năm 1965. Tư tưởng Công giáo cấp tiến về kinh tế, chính trị và xã hội đã được củng cố một cách phản động bởi các chế độ độc tài chi phối phần lớn lục địa này, thống trị Brazil từ 1964 đến 1985 và Argentina từ 1976 đến 1983.

Các nhà thần học giải phóng như Gustavo Guttiérez người Peru và Leonardo Boff người Brazil đã công khai dựa vào chủ nghĩa Marx để đưa kịch liệt phê phán cấu trúc quyền lực tại Nam Mỹ, quy cấu trúc này là do thời thời kỳ thực dân gây nên. Họ định nghĩa lại các khái niệm tôn giáo như sự hóa thân của Thiên Chúa và vương quốc thiên đàng để mang đến cho những khái niệm này một ý nghĩa thế tục hơn. Đáng gây tranh cãi hơn là việc họ cho rằng Thiên Chúa sẽ được mặc khải nhiều hơn qua hành động cách mạng hơn là qua suy đoán siêu hình. Họ đã lấy cảm hứng từ các nhà tiên tri Do Thái, những người đã thách thức trật tự hiện hành, và từ các cộng đồng Cơ đốc giáo sơ khai duy trì tài sản làm của chung.

Việc giáo hoàng chống cộng gốc Ba Lan, John Paul II, được bầu vào năm 1978 đã dẫn tới phản ứng chống lại khuynh hướng Marxist của các giáo sĩ có tư tưởng giải phóng, những người mà trong mắt các nhà phê bình dường như quan tâm đến chính trị trần thế hơn là sự ăn năn cá nhân. Miguel d’Escoto Brockmann, người từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao trong chính quyền cực tả của Nicaragua, là một trong nhiều giáo sĩ trong phong trào cách mạng Sandinista. Ông đã bị kỷ luật và đình chỉ chức vụ sau khi từ chối một sắc lệnh của Vatican, buộc ông phải thực hiện lựa chọn khó khăn giữa phục vụ nhà thờ và theo đuổi chính trị thế tục. Năm 1985, Boff bị Đức Hồng y Joseph Ratzinger, tức Giáo hoàng Benedict tương lai, người lúc đó phụ trách giám sát giáo lý cho Vatican, ra lệnh thực hiện một năm trầm mặc thần học (theological silence). Năm 1992, Boff đã nhận được một yêu cầu trầm mặc khác, nhưng đã quyết định rời bỏ dòng Francis và quay về thế tục. Năm 2001, sự rạn nứt giữa ông với Vatican trở nên lớn hơn khi ông buộc tội Hồng y Ratzinger thực hiện “chủ nghĩa khủng bố tôn giáo”.

Tuy nhiên, vào năm 2013, sự tấn phong của Đức Giáo hoàng Francis người Argentina, người đã bày tỏ sự bất bình của các nước phương Nam đối với phương Bắc tư bản, đã mang đến hy vọng cho những người ủng hộ thần học giải phóng, rằng thời khắc của họ đã đến. Bằng những cách gây chú ý, Giáo hoàng Francis đã ủng hộ các chủ đề của phong trào bằng cách tiếp cận với những người bị thiệt thòi, bao gồm người di cư, nạn nhân của nạn buôn người và những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Thông điệp môi trường của ông đã được gắn với sự phê phán nói chung đối với chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu khí. Nhiều người cảm thấy rằng phong trào thần học giải phóng đã có được một chiến thắng ngọt ngào khi Guttiérez được mời phát biểu tại một sự kiện danh giá của Vatican vào năm 2015.

Ở một mức độ nào đó, sự phê phán về bất bình đẳng của những người theo chủ nghĩa tự do giờ đây đã đi vào tư duy chuẩn mực của Vatican, khi nó chấp nhận pha trộn các tư tưởng truyền thống về đạo đức và cấu trúc gia đình với các quan điểm khá cấp tiến về kinh tế toàn cầu. Sự kết hợp này đã được thể hiện dưới thời hai giáo hoàng vừa qua.

Tuy nhiên, khả năng mang lại sự thay đổi xã hội của Giáo hội Công giáo đã giảm đi khi một bộ phận các con chiên tại Mỹ Latinh rời bỏ giáo hội để tham gia Phong trào Ngũ Tuần (Pentecostalism) hoặc trở nên thờ ơ với tôn giáo. Các nhà giảng thuyết Ngũ Tuần nhấn mạnh nhiều hơn vào sự tự tiến bộ cá nhân thay vì hành động tập thể của người nghèo. Sự nhấn mạnh mới này đã buộc Giáo hội Công giáo phải vay mượn một phần từ phong trào Ngũ tuần. Thay đổi diễn ra nhanh chóng. Vào năm 1970, khi các nhà thần học giải phóng đang tìm đường thực hiện lý tưởng của họ, Nam Mỹ có tới 90% dân số là người Công giáo. Chỉ sau khoảng một thập niên, số lượng người theo Công giáo trong số những người theo đạo ở đây giảm còn dưới 50%. Nếu trong tương lai, người nghèo Mỹ Latinh lại vươn lên chống lại những giai cấp trên họ, có vẻ ít có khả năng họ sẽ làm điều đó dưới lá cờ Công giáo.