Quá trình bình thường hóa quan hệ Malaysia – Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Mustafa Izzudin | Biên dịch: Đinh Nho Minh

China–Malaysia Relations and Foreign Policy. Tác giả: Abdul Razak Baginda. Abingdon, Oxon. Nhà xuất bản: Routledge, 2016. Bìa cứng: 255 trang.

Cuốn Quan hệ Trung-Mã và Chính sách Đối ngoại kết hợp lý thuyết với lịch sử để phân tích quá trình hoạch định chính sách dẫn đến bình thường hóa quan hệ Trung-Mã ngày 31 tháng 5 năm 1974, cũng như ảnh hưởng của đột phá này đến quan hệ song phương về sau. Là một nghiên cứu về chính sách đối ngoại của các nước đang phát triển, cuốn sách được phát triển từ luận án tiến sĩ của Baginda sử dụng phân tích nhiều tầng biến số – cấp độ cá nhân, quốc gia và hệ thống quốc tế – và kết hợp với khái niệm chính trị tương quan (linkage po litics) – các biến quốc tế ảnh hưởng đến chính trị trong nước và biến trong nước ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại như thế nào – để hiểu rõ hơn quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Malaysia.

Bằng cách nhấn mạnh sự giao thoa giữa các yếu tố đối nội và đối ngoại, cũng như vai trò của các cá nhân ra quyết định, Baginda lập luận rất thuyết phục rằng mối quan hệ gần gũi giữa môi trường bên ngoài của Malaysia (khu vực/quốc tế) và tình trạng sắc tộc-chính trị trong nước (chủ yếu là quan hệ giữa người Malay và người Hoa), cũng như sự lãnh đạo của Thủ tướng Malaysia Tun Abdul Razak (Razak) đã dẫn đến bình thường hóa quan hệ. Từng bước một, Baginda phân tích sự dịch chuyển của môi trường trong nước và nước ngoài, đầu tiên là quan hệ đối ngoại của Malaysia với Trung Quốc kể từ khi giành được độc lập năm 1957 đến lúc kết thúc thời kỳ Konfrontasi (đối đầu Indonesia-Malaysia) (1963-66) ở Chương 3; thứ hai là giai đoạn từ năm 1967 đến 1969 (Chương 4) khi chính sách của Malaysia với Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi phong trào du kích cộng sản trong nước, xung đột Trung-Xô và sự hình thành ASEAN năm 1967. Baginda cho rằng Razak có đóng góp lớn trong sự thay đổi chính sách từ thù địch và không công nhận Trung Quốc dưới thời Thủ tướng đầu tiên Tunku Abdul Rahman tới xích lại một cách thận trọng. Cụ thể hơn, tính cách của Razak có vai trò then chốt trong việc lựa chọn chính sách đối ngoại dựa trên cả các yếu tố đối ngoại lẫn đối nội (trang 88-89).

Chương hấp dẫn nhất là chương nói về quá trình quyết định chính sách và con đường dẫn tới bình thường hóa quan hệ từ năm 1972 đến 1974 (Chương 6), một phần vì Baginda đã tìm được những bức thư, bản ghi nhớ và biên bản họp của các cuộc đối thoại, cùng với thông tin từ phỏng vấn các quan chức cấp cao, những nguồn không công bố rộng rãi. Các tư liệu này giúp ta hiểu được suy nghĩ của các quan chức có liên quan đến quá trình bình thường hóa quan hệ. Theo trình tự thời gian, Baginda kể lại quá trình Razak xem xét tính khả thi của việc bình thường hóa quan hệ qua các cử chỉ thiện chí, giao thương, sự kiện thể thao và gặp mặt song phương bí mật. Một trong những cuộc đối thoại bí mật đó là cuộc gặp giữa Raja Tun Mohar, cố vấn kinh tế của Razak và cũng là người trực tiếp báo cáo lại với ông, và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1972. Các bước đi này giúp thay đổi cách nhìn về Trung Quốc từ một địch thủ đến một đối tác ngoại giao, với “con đường giờ đã rộng mở để hai quốc gia này thiết lập quan hệ chính thức” (trang 127).

Baginda tiết lộ rằng măc dù Malaysia khá lưỡng lự trong việc “ASEAN hóa” quan hệ song phương với Trung Quốc, nói rằng “Kuala Lumpur (KL) không nên công bố lộ trình của họ với bất cứ nước ASEAN nào”, họ vẫn theo dõi sát sao các bước đi ngoại giao của các thành viên ASEAN khác. Thậm chí Malaysia còn bắt các nước này thông báo dự định của họ với Trung Quốc (trang 141-44). Baginda kể lại trao đổi giữa Kuala Lumpur và Jakarta về sự dịch chuyển chính sách của Malaysia với Trung Quốc, có lẽ vì “Malaysia muốn được Indonesia đồng ý và quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ không làm phật ý người láng giềng khổng lồ này” (trang 146). Tác giả cũng cho rằng quan điểm về vấn đề Trung Quốc của các nhà lãnh đạo khá đa dạng: các nhà hoạch định an ninh bi quan hơn các lãnh đạo chính trị vì Trung Quốc liên tục can thiệp vào nội bộ Malaysia thông qua Đảng Cộng sản Malaya (trang 151).

Tác giả cho thấy mặc dù bình thường hóa có lợi trong nước, đặc biệt là giúp duy trì sự sống còn của chính quyền Barisan Nasional (BN) do đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) lãnh đạo, Baginda cho rằng nên cẩn trọng không đánh giá quá cao ảnh hưởng của bình thường hóa lên các vấn đề trong nước (trang 178-96). Ví dụ, Baginda cho rằng mặc dù Razak tận dụng chuyến đi thăm Trung Quốc trong cuộc tranh cử năm 1974, chính quyền BN do UMNO lãnh đạo đằng nào cũng sẽ thắng áp đảo vì “mọi điều kiện đều quá thuận lợi cho BN để chiến thắng” (trang 186). Trong cuộc tranh cử này, BN là một liên minh 11 đảng chính trị nên “hầu như không có đối thủ” (trang 181). Tuy nhiên trong vòng bỏ phiếu chính, Razak vẫn muốn tận dụng chính sách đối ngoại để thực hiện mục tiêu chính trị trong nước của ông, đó là giành lại sự ủng hộ từ người gốc Hoa. Trong cuộc tranh cử năm 1968, phe Liên minh (tiền thân của BN) đã không giành được phiếu bầu của nhóm cử tri này.

Baginda phủ nhận huyền thoại cho rằng các nước ASEAN khác cho phép Malaysia trở thành thành viên đầu tiên được bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Vì vậy mặc dù “luận điểm cho rằng động thái tiên phong của KL đã bật đèn xanh cho các nước khác thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh là khá hấp dẫn”, nhưng thực tế cho thấy “có một chút cạnh tranh giữa các nước Châu Á trong việc tiếp cận Trung Quốc” (trang 196). Mặc dù vậy, tác giả đồng ý rằng lộ trình bình thường hóa quan hệ của Malaysia là hình mẫu để các nước ASEAN khác học tập. Tác giả chứng minh luận điểm này bằng các thông cáo báo chí chung của Trung Quốc-Philippines tháng 6 năm 1975 và giữa Trung Quốc và Thái Lan một tháng sau đó. Cả hai thông cáo này đều giống thông cáo chung giữa Malaysia và Trung Quốc (trang 201). Hơn nữa, mặc dù chính sách bình thường hóa quan hệ được chờ đợi sẽ tạo sự trung lập cho khu vực, trên thực tế, nó không chỉ thất bại trong mục tiêu đó mà còn “không đem lại nhiều lợi ích cho an ninh khu vực”, biểu hiện qua cuộc chiến ở Đông Dương và xung đột Trung-Xô (trang 202).

Điểm yếu đầu tiên của cuốn sách là tiêu đề. “Quan hệ Trung-Mã” sẽ khiến người đọc dễ hiểu nhầm cuốn sách nói về góc nhìn của Trung Quốc. Vì nghiên cứu là về chính sách bình thường hóa quan hệ Trung Quốc của Malaysia, tiêu đề hợp lí hơn sẽ là “Quan hệ Malaysia-Trung Quốc”. Điểm yếu thứ hai của cuốn sách là phần tác giả phê phán phương pháp phân tích chính sách đối ngoại (FPA) ở Chương 2. Trong phần FPA, ông đã không nhắc đến các lý thuyết Quan hệ Quốc tế. Nếu tác giả làm vậy, ông có thể thấy rằng chủ nghĩa hiện thực tân cổ điển – một lý thuyết có sáng tạo trong các biến số phù hợp cho các nhà phân tích chính sách đối ngoại – sẽ giống với phương pháp “chính trị tương quan” mà tác giả sử dụng. Điểm yếu thứ ba là việc tác giả hoàn toàn không đề cập đến khái niệm “phòng bị nước đôi” (hedging, hay “đi dây”). Thiếu sót này khá bất ngờ vì nhiều nghiên cứu trước đó về quan hệ Malaysia-Trung Quốc có đề cập đến khái niệm “hedging” để phân tích mối quan hệ song phương này. Liệu Malaysia có đang “hedging” bằng cách bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc? Tác giả không đề cập. Điểm yếu thứ tư là kết luận. Mặc dù tác giả đáng được ca ngợi trong việc miêu tả quan hệ Malaysia-Trung Quốc cho đến giờ, ông chỉ dành mỗi hai đoạn văn ngắn cho quãng thời gian 40 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Sẽ tốt hơn cho người đọc nếu tác giả so sánh các giai đoạn khác nhau của quan hệ Malaysia-Trung Quốc vì quan hệ song phương đã đi một chặng đường dài kể từ nhiệm kỳ của Razak đến nhiệm kỳ Thủ tướng của con trai ông, Najib Abdul Razak.

Tuy nhiên nhìn chung, điểm mạnh và tầm quan trọng của cuốn sách nhiều hơn điểm yếu của nó. Cuốn sách không chỉ đóng góp vào cuộc tranh luận về quan hệ đối ngoại của Malaysia, vốn không có nhiều, mà còn đóng góp vào các nghiên cứu về quan hệ song phương giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các nghiên cứu là về quan hệ giữa Trung Quốc với cả khu vực Đông Nam Á. Quan trọng hơn nữa, cuốn sách của Baginda là cuốn sách duy nhất nghiên cứu quan hệ Malaysia-Trung Quốc thông qua nguồn tài liệu sơ cấp không  dễ tiếp cận với công chúng. Vì vậy, đây là một cuốn sách đáng đọc dành cho cả giới giới học giả cũng như độc giả thông thường.

Mustafa Izzuddin là Nghiên cứu viên chính ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yussof Ishak Institute), Singapore.