Thái Lan: Dịch chuyển giữa Hoa Kỳ và một Trung Quốc trỗi dậy

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Pongphisoot Busbarat | Biên dịch: Đinh Nho Minh

Thailand: Shifting Ground between the US and a Rising China. Tác giả: Benjamin Zawacki. London: ZED Books, 2017. Bìa mềm: 370 trang.

Trong cuốn Thái Lan: Dịch chuyển giữa Hoa Kỳ và một Trung Quốc Trỗi dậy, Benjamin Zawacki đã có đóng góp quan trọng cho nghiên cứu về quan hệ đối ngoại của Thái Lan. Tác giả đã đưa ra một quan điểm đi ngược lại với quan niệm truyền thống: đặc điểm chính của ngoại giao Thái Lan là giữ vị trí cân bằng giữa các cường quốc để không phải chọn phe. Thay vào đó, Zawacki cho rằng kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Thái Lan đã chọn phe: Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh, và Trung Quốc kể từ khi bước sang thế kỉ 21.

Zawacki lập luận rằng mặc dù Washington đã tạo quan hệ gần gũi với Bangkok trong thời kì Chiến tranh Lạnh, chính Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm cho việc Thái Lan ngày càng gần gũi với Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã không bắt kịp được với xu thế nội bộ của thế hệ lãnh đạo Thái Lan mới sau Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Sau đó, Hoa Kì bắt đầu vô tình tạo khoảng trống quyền lực ở Thái Lan để Trung Quốc nhảy vào thông qua tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị và ngoại giao ở mọi tầng nấc. Thái Lan cũng có cái nhìn thân thiện về Trung Quốc một phần nhờ sự tái trỗi dậy của bản sắc người Hoa trong tầng lớp người Thái gốc Hoa có ảnh hưởng lớn.

Cuốn sách được chia thành hai phần và mười chương. Phần đầu nói về lịch sử hình thành quan hệ tam giác giữa Bangkok, Bắc Kinh và Washington từ thời kì đầu sau Thế chiến II cho đến khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra đắc cử năm 2001. Phần hai phân tích về tam giác Trung Quốc-Thái Lan-Hoa Kỳ từ thời Thaksin cho đến khi quân đội đảo chính năm 2014.

Trong Phần Một, Zawacki cho thấy Thái Lan rất trung thành theo Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh. Ông miêu tả lại sự hình thành của quan hệ song phương vốn có vai trò quan trọng trong việc hình thành đặc điểm chính trị của Thái Lan trong vòng năm mươi năm tiếp theo; Washington rất thực dụng và ủng hộ giới tinh hoa Thái Lan (chủ yếu là quân đội) để đối lấy việc Thái Lan thân với Hoa Kỳ. Sự ủng hộ của Hoa Kỳ cũng giúp quân đội Thái Lan có quyền lực chính trị xuyên suốt Chiến tranh Lạnh. Quan hệ Thái Lan-Hoa Kỳ ngày càng phát triển khi xung đột ở Đông Dương gia tăng, trong khi quan hệ Thái-Trung trở nên xấu đi cho đến giữa những năm 1970.

Tác giả sau đó tiếp tục nói về những thay đổi trong quan hệ của Thái Lan với Hoa Kỳ từ giữa những năm 1970 cho đến cuối Chiến tranh Lạnh. Sau khi các cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Thái Lan đóng cửa giữa những năm 1970, giới cầm quyền Thái Lan bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về cam kết của Hoa Kỳ đối với Thái Lan. Một giai đoạn dân chủ ngắn từ 1973 đến 1976 cho phép thành lập một chính phủ theo hướng tự do để điều chỉnh chính sách đối ngoại của đất nước, kết thúc sự can dự của Thái Lan trong xung đột ở Đông Dương và thiết lập quan hệ với các nước cộng sản, bao gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1975. Mặc dù chính quyền quân sự sau năm 1976 vẫn khá thân Mỹ, quan hệ Thái-Trung trở nên gần gũi hơn sau khi Việt Nam đánh vào Campuchia năm 1978. Sự kiện này dẫn đến mục tiêu an ninh chung của Thái Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ là đảm bảo an ninh cho Thái Lan và kiềm chế ảnh hưởng của Việt Nam và Liên Xô ở Đông Nam Ấ. Vì vậy, Trung Quốc trở thành một yếu tố lớn trong tính toán đối ngoại của Thái Lan. Trong thời kì đầu sau Chiến tranh Lạnh, Zawacki cho rằng chính sách của giới cầm quyền Thái Lan vẫn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ mặc dù Trung Quốc ngày càng gia tăng hợp tác kinh tế với Vương quốc này. Ví dụ, trong Chương Sáu, tác giả chỉ ra rằng chính phủ của Thủ tướng Chuan Leekpai (1992-95 và 1997-2001) vẫn ủng hộ mạnh mẽ trật tự thế giới do Hoa Kỳ đứng đầu, bất chấp việc Hoa Kỳ ủng hộ chương trình thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo của IMF sau Khủng hoảng Tài chính Châu Á năm 1997-98.

Phần Hai có lẽ là phần quan trọng nhất của cuốn sách vì Zawacki cho rằng Thái Lan dịch chuyển về phía Trung Quốc nhiều nhất dưới thời Thủ tướng Thaksin (2001-06). Tác giả cho rằng Thaksin sử dụng gốc Hoa của ông để tận dụng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng doanh nhân người Thái gốc Hoa. Vì vậy, quan hệ giao thương và đầu tư Thái-Trung mở rộng mạnh mẽ dưới thời Thaksin. Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Thaksin cũng ủng hộ một cấu trúc khu vực (tồn tại thời gian ngắn) lấy Châu Á làm trung tâm trong đó Thaksin đặt Trung Quốc ở vị trí cốt lõi. Thaksin thích mô hình Trung Quốc cũng bởi vì nó coi trọng phát triển kinh tế hơn tự do chính trị và nhân quyền.

Zawacki tiếp tục lập luận rằng Thái Lan ngả về Trung Quốc bất chấp các thay đổi về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2011. Đây là lúc Washington tập trung nhiều hơn vào Thái Lan và Đông Nam Á. Mặc dù Thái Lan ủng hộ “cuộc chiến chống khủng bố” của chính quyền Bush, họ cảm thấy Hoa Kỳ không tham vấn với Thái Lan nhiều mà chỉ tìm cách bắt họ phải trợ giúp Washington. Mặc dù Washington ủng hộ quân đội đảo chính năm 2006 để giới bảo thủ lấy lại quyền lực từ tay Thaksin, nó không thay đổi sự dịch chuyển của Thái Lan về phía Trung Quốc. Và dù chính quyền Obama hứa sẽ cải thiện quan hệ với Thái Lan như một phần trong chính sách “xoay trục về Châu Á”, nhưng quan hệ Hoa Kỳ-Thái Lan vẫn trở nên lạnh nhạt sau cuộc đảo chính năm 2014. Các đòn trừng phạt của Hoa Kỳ và chỉ trích của Washington đối với vi phạm nhân quyền của chính quyền quân sự Thái Lan tiếp tục làm giảm niềm tin giữa hai nước.

Theo Zawacki, vấn đề cốt lõi trong quan hệ song phương là Washington không hiểu được văn hóa chính trị của Thái Lan và không tạo được quan hệ với giới tinh hoa mới. Điều này đi ngược hẳn với Trung Quốc, một nước luôn tìm cách tạo quan hệ với mọi tầng lớp của xã hội Thái Lan. Điểm khác biệt chính này đã khiến Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp cận khủng hoảng chính trị kéo dài hơn một thập niên của Thái Lan theo những cách khác nhau. Washington đã tuân theo nguyên tắc của mình và chỉ trích Thái Lan, trong khi Bắc Kinh thì thực dụng và khéo léo hơn.

Nhìn chung, cuốn sách này đã miêu tả lại rất tốt sự dịch chuyển của Thái Lan từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc và đóng góp vào cuộc tranh luận về việc Châu Á định vị chiến lược của mình như thế nào giữa Washington và Bắc Kinh. Mặc dù luận điểm của cuốn sách có thể không mới, nhưng nó đã bổ sung vào các nghiên cứu ít ỏi về quan hệ đối ngoại của Thái Lan. Nó khẳng định lại sự dịch chuyển bằng các dẫn chứng mới và hấp dẫn. Ví dụ, Zawacki phá luật bất thành văn trong giới học giả là không trích dẫn WikiLeaks. Cùng với các cuộc phỏng vấn thú vị, tác giả đã xây dựng nên một câu chuyện hấp dẫn.

Tuy nhiên, các sự kiện và bằng chứng về chính trị đều có thể được diễn giải theo nhiều cách. Kết luận của Zawacki, dựa trên các công điện được làm lộ bởi Wikileaks và các cuộc phỏng vấn, có thể đã làm phóng đại vấn đề, đặc biệt là nếu cân nhắc các nguồn khác. Ví dụ, việc Thủ tướng Chuan ủng hộ các giá trị dân chủ trong Khủng hoàng Tài chính Châu Á có thể xuất phát từ việc ông muốn lôi kéo các nhà đầu tư phương Tây, chứ không có nghĩa là ông trung thành với phương Tây. Trong nhiều trường hợp, Chuan cùng chính quyền của ông không ngần ngại bày tỏ sự bất mãn với Washington và sự nghi ngờ về mối quan hệ này. Cũng chính Chuan, chứ không phải Thủ tướng Chatichai Choonhavan theo như Zawacki viết, đã bắt đầu dự án Tứ giác Phát triển năm 1993 để kết nối Đông Nam Á với Trung Quốc. Trong trường hợp này, cách tiếp cập của Chuan với Washington và Bắc Kinh giống với cách của Thaksin. Vì vậy, sự dịch chuyển của Bangkok về phía Trung Quốc có thể đã diễn ra sớm hơn so với những gì Zawacki viết.

Cuốn sách này cung cấp một cách diễn giải quan trọng về chính sách đối ngoại của Thái Lan. Nó sẽ hấp dẫn những ai muốn hiểu sâu hơn về chính trị và quan hệ đối ngoại của Thái Lan, cũng như việc Hoa Kỳ bỏ rơi Vương quốc này.

Pongphisoot Busbarat là Nghiên cứu viên Khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yussof Ishak Institute), Singapore.

Nguồn bài điểm sách bằng tiếng Anh: Contemporary Southeast Asia, Vol. 40, No.1 (2018), pp. 166-69.