Nhìn lại sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản 30 năm trước

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Carl Bildt, “Remembering the Miracle of 1989”, Project Syndicate, 19/08/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Tháng này đánh dấu 30 năm kể từ khi châu Âu – và nền văn minh nhân loại nói chung – bắt đầu trải qua một sự biến đổi kỳ diệu mà hiện đã được khắc sâu trong ký ức của thế giới. Vào mùa hè năm 1989, Liên Xô đã lâm vào cảnh hấp hối. Câu hỏi duy nhất là liệu chủ nghĩa cộng sản sẽ tan rã một cách hòa bình hay trong cảnh bạo lực và tàn phá.

Ở Liên Xô, chính sách glasnost (công khai hóa) và perestroika (cải tổ) của Mikhail Gorbachev đã mở toang một loạt thay đổi, nhưng Gorbachev dường như vẫn tin rằng hệ thống cộng sản có thể được cứu vãn nhờ cải cách. Trong khi đó, ở ngoại vi của đế chế Xô-viết, nhiều người lo ngại rằng sự sụp đổ tiềm tàng của hệ thống sẽ đưa xe tăng của Hồng Quân trở lại đường phố và các quảng trường thành phố. Ký ức về các cuộc đàn áp của Liên Xô tại Berlin năm 1953, Budapest năm 1956 và Prague năm 1968 vẫn còn sống động, cũng như sự đàn áp khốc liệt đối với các quốc gia vùng Baltic trong thời gian sắp sửa diễn ra Thế chiến II.

Sinh ra trong khủng bố, Liên Xô đã được duy trì bởi quân đội và cảnh sát mật. Không ai biết liệu nó có thể sống sót mà không cần đến vũ lực một lần nữa hay không. Đó là một khoảng thời gian đầy lo lắng đối với châu Âu.

Nhưng đó cũng là thời điểm phải thay đổi. Những nỗ lực nhằm đàn áp công đoàn độc lập của Ba Lan, phong trào Đoàn kết (Solidarność), đã thất bại. Buộc phải thỏa hiệp, chế độ cộng sản Ba Lan đã tổ chức các cuộc bầu cử bán tự do vào tháng 6 năm 1989, trong đó Công đoàn Đoàn kết đã giành được tất cả trừ một ghế trong số những ghế được tranh cử tự do. Trong khi đó, tại ba nước cộng hòa Baltic (Estonia, Latvia và Litva), các “mặt trận nhân dân” giành được sự ủng hộ rộng rãi đã kêu gọi quyền tự trị nhiều hơn từ Liên Xô, và sớm bắt đầu đòi hỏi được độc lập hoàn toàn.

Vào ngày 23/08, hai triệu người đã tạo thành một hàng dài 372 dặm (600 km) trải qua Estonia, Latvia, và Litva, kêu gọi độc lập. Thời điểm của cái gọi là Phương cách Baltic (Baltic Way) không phải là ngẫu nhiên. Đúng 50 năm trước đó, Hitler và Stalin đã tham gia một hiệp ước không xâm lược bí mật, theo đó Đông Âu sẽ bị phân chia giữa Đức Quốc xã và Liên Xô. Điều đó đã mở đường cho Thế chiến II, và ngay lập tức đánh dấu sự chấm dứt cho tự do và độc lập của các nước vùng Baltics.

Nhưng đấu trường trung tâm, có khả năng bùng nổ vào năm 1989 chính là Cộng hòa Dân chủ Đức  – tức nước Đông Đức cộng sản. Đây về cơ bản là một nhà nước doanh trại, được xây dựng để bảo vệ năm tập đoàn quân Liên Xô – bao gồm 19 sư đoàn và gồm 500.000 binh sĩ – vốn đóng quân ở đó kể từ năm 1945. Mặc dù Bức tường Berlin đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của sự chia rẽ châu Âu sau tháng 8 năm 1961, chúng ta cần nhớ lại tại sao nó lại được dựng lên ngay từ đầu: đó là nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của CHDC Đức, và theo đó là đế chế hải ngoại của Liên Xô ở châu Âu.

Vài ngày trước khi hàng người hình thành ở Baltics, khoảng 600-700 công dân Đông Đức đã tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa mà tại đó họ đã băng qua hàng rào thép gai gần Sopron, một thị trấn nhỏ của Hungary dọc biên giới với Áo. Sự kiện được gọi là Cuộc dã ngoại xuyên châu Âu đã trở thành cuộc đào thoát lớn nhất từ ​​phía sau Bức màn sắt kể từ khi Bức tường Berlin được dựng lên. Chính xác hơn thì nó đã được lên kế hoạch cẩn thận để kiểm tra phản ứng của giới chức Liên Xô.

Tại Điện Kremlin, ban lãnh đạo Liên Xô – hay ít nhất là Gorbachev – tiếp tục tin rằng đế chế vẫn an toàn và có thể được cải tổ. Phương cách Baltic được dung thứ, và cuộc dã ngoại xuyên châu Âu đơn giản là được bỏ qua. Nhưng tiềm năng của những cuộc biểu tình đó đã sớm trở nên rõ ràng. Hàng ngàn người bắt đầu chạy trốn khỏi CHDC Đức. Ngay sau đó, chính quyền Hungary không còn cách nào khác ngoài việc mở cửa biên giới. Hàng đoàn người Đông Đức tràn vào Tiệp Khắc để tìm đường sang phương Tây. Vào ngày 9 tháng 11, các nhà lãnh đạo Đông Đức thậm chí đã cho mở cửa Bức tường Berlin.

Nhà nước Đông Đức sẽ biến mất trong vòng chưa đầy một năm. Sau cuộc bầu cử dân chủ vào tháng 3 năm 1990, người Đông Đức đã quyết định sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức. Khi Đông Đức biến mất, sự sụp đổ của đế chế Xô viết đã gần như hoàn tất.

Một số người nghĩ rằng sự thay đổi trọng đại bắt đầu vào năm 1989 là điều không thể tránh khỏi. Họ cần nhớ rằng vào tháng 6 năm đó, các nhà lãnh đạo cao niên của Trung Quốc đã triển khai xe tăng để nghiền nát (theo đúng nghĩa đen) phong trào đòi tự do hòa bình ở Quảng trường Thiên An Môn. Và có rất nhiều nhà lãnh đạo cộng sản đang thúc giục một “giải pháp Trung Quốc” cho các cuộc biểu tình năm 1989. Trên thực tế, tại sở chỉ huy của quân đội Liên Xô ở phía nam Berlin (từng là trung tâm đầu não của Quân đội Đức trong Thế chiến II, và bị Liên Xô chiếm từ tay Hitler mấy thập niên trước), các nguyên soái Hồng quân vẫn đang chờ lệnh tiến quân vào và cứu vãn đế chế bằng mọi cách cần thiết.

Không ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra nếu các lực lượng bảo thủ hơn trong Điện Kremlin đã thắng thế. Nhiều khả năng sẽ xảy ra sự hỗn loạn và bạo lực lan rộng trên hầu khắp khu vực, điều sẽ khiến phương Tây chịu áp lực đáng kể phải can thiệp. Chiến tranh mở đã là một kịch bản rõ ràng. Rốt cuộc, các đế chế lớn trong suốt lịch sử nhìn chung đều tan rã qua khói lửa chiến tranh. Vì vậy có thể nói trường hợp của Liên Xô là một ngoại lệ.

Rất may, mệnh lệnh đó cho Hồng quân đã không bao giờ được đưa ra. Một phần lý do là các nhà lãnh đạo Liên Xô đã lầm tưởng rằng một cuộc đàn áp là không cần thiết và hệ thống sẽ tự tồn tại. Nhưng đó cũng là vì các lực lượng dân chủ đã bắt đầu khẳng định vai trò của mình trong chính nước Nga. Nhà lãnh đạo đang lên ở Moskva chính là Boris Yeltsin, người không hề muốn hoài niệm về một đế chế dàn trải quá mức và không bền vững.

Ba mươi năm trước, châu Âu đã trải qua một vài tháng thực sự kỳ diệu. Ngày nay, chúng ta nên tôn vinh không chỉ những người đã đấu tranh cho sự thay đổi, mà cả những người đã từ chối điều động xe tăng. Máu có thể đã chảy tràn trên đường phố châu Âu một lần nữa, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Carl Bildt là ngoại trưởng Thụy Điển từ năm 2006 đến tháng 10 năm 2014, và là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU ở Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Balkan, và là Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton.