Thế giới hôm nay: 14/11/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Jeanine Áñez Chávez, một thượng nghị sĩ phe đối lập, đã tuyên bố bà là tổng thống lâm thời của Bolivia và cho biết sẽ tổ chức bầu cử sớm. Việc lên nắm quyền của bà được tòa án tối cao của nước này ủng hộ. Evo Morales, người đã xin tị nạn ở Mexico sau khi từ chức tổng thống hôm Chủ nhật, đã tweet rằng động thái của bà Áñez đã “xâm phạm quyền lực của người dân”. Các thành viên trong đảng của ông cho biết hôm nay họ sẽ cố gắng vô hiệu hóa lời tuyên bố của bà Chavéz.

Trong phiên điều trần công khai, truyền hình trực tiếp đầu tiên của cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump, William Taylor, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Ukraine, một lần nữa nêu cảnh báo về việc ông Trump gây áp lực buộc tổng thống Ukraine tiến hành điều tra Joe Biden, một đối thủ chính trị. Đảng Dân chủ hy vọng các phiên điều trần công khai sẽ thuyết phục được nhiều người Mỹ rằng ông Trump đã uy hiếp nhà lãnh đạo Ukraine vì lợi ích chính trị.

Israel tăng cường các cuộc tấn công không quân và pháo kích vào dải Gaza, giết chết ít nhất 24 người, theo Bộ Y tế Palestine. Israel cho biết họ đang đáp trả các chiến binh Palestine, những người đã bắn hàng trăm quả rocket vào Israel, làm bị thương nhiều người. Tình hình đã nóng lên sau vụ ám sát Baha Abu al-Ata, thủ lĩnh nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine, người mà Israel nói đang lên kế hoạch tấn công họ.

Alibaba được cho là đang lên kế hoạch niêm yết đợt cổ phiếu thứ hai trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc có thể huy động khoảng 13 tỷ đô la. Nếu vậy, đây sẽ là một cú hích lớn cho Hồng Kông sau nhiều tháng náo loạn. Alibaba vẫn sẽ được niêm yết tại New York, nơi họ đã huy động 25 tỷ đô la trong năm 2014, đợt IPO lớn nhất trong lịch sử.

Elon Musk, ông chủ của Tesla, tuyên bố nhà máy tại châu Âu đầu tiên của công ty sẽ ở gần Berlin. Đây sẽ là nhà máy sản xuất ô tô điện thứ hai bên ngoài nước Mỹ, sau Thượng Hải. Ông Musk nói sự không chắc chắn xoay quanh vấn đề Brexit đã khiến cho việc đầu tư vào Anh trở nên quá “mạo hiểm”.

Unilever, một tập đoàn Anh-Hà Lan, đã bổ nhiệm chủ tịch mới. Nils Andersen, một doanh nhân người Đan Mạch, sẽ thay thế Marijn Dekkers, người có nhiệm kỳ ba năm thất bại trong nỗ lực củng cố các trụ sở công ty ở Rotterdam, sau khi chuyển đi khỏi London. Nhiều người hy vọng ông Andersen sẽ làm sống lại thương hiệu này, với các nhãn hàng như trà Lipton và bột nêm Knorr.

Lũ lụt đã khiến phần lớn Venice chìm trong nước. Thành phố này bị ảnh hưởng bởi thủy triều lên tới 1,87m, cao nhất kể từ năm 1966. Thị trưởng Venice đổ lỗi cho “các tác động của biến đổi khí hậu”. Một rào cản lũ trị giá hàng tỷ euro dự kiến sẽ chỉ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021.

TIÊU ĐIỂM

Cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan bị trì hoãn

Đáng lẽ người Afghanistan hôm nay sẽ biết được ai sẽ là tổng thống tiếp theo của họ. Thay vào đó, sự mơ hồ và thù địch vẫn tồn tại. Kết quả sơ bộ từ các cuộc bầu cử tháng 9 đã bị hoãn vô thời hạn vì các đối thủ cáo buộc gian lận và các quan chức phải tiến hành sàng lọc lại phiếu bầu. Tỷ lệ cử tri có lẽ là thấp nhất kể từ khi bầu cử bắt đầu vào năm 2004, sau sự sụp đổ của Taliban. Theo một số tính toán, tỉ lệ này thấp hơn cả 20%. Abdullah Abdullah, đối thủ chính của tổng thống Ashraf Ghani đương nhiệm, nói các quan chức bầu cử đã không loại bỏ được 300.000 phiếu bầu đáng ngờ – lý do rõ ràng cho sự chậm trễ này.

Niềm hy vọng cuộc bỏ phiếu có thể đưa đến một nhà lãnh đạo có đường hướng đàm phán rõ ràng với phe nổi dậy trông có vẻ tuyệt vọng. Tuy nhiên, vẫn còn một tia sáng. Các quan chức Afghanistan trong tuần này đã đồng ý trao đổi tù nhân, từ bỏ ba chiến binh để đổi lấy hai giáo sư phương Tây do Taliban bắt giữ. Điều đó có thể giúp khơi dậy những cuộc đàm phán, thứ mang đến hy vọng duy nhất chấm dứt đau khổ ở đất nước này.

Chính phủ liên minh kì lạ ở Tây Ban Nha

Ngay sau chiến thắng khó khăn trong cuộc bầu cử ngày 10 tháng 11, Pedro Sánchez, quyền thủ tướng Tây Ban Nha, trong tuần này đang cố gắng thiết lập thế đa số ở nghị viện bằng cách tìm kiếm một liên minh giữa Đảng Xã hội của ông và đảng cực tả Podemos. Cả hai đã mất vị thế trong cuộc bầu cử, lần thứ tư trong nhiều năm qua, một phần vào tay đảng cực hữu Vox. Nhà lãnh đạo Podemos, Pablo Iglesias, người sẽ trở thành phó tổng thống, cho đến nay vẫn ủng hộ yêu cầu của phe ly khai Catalan về một cuộc trưng cầu dân ý xoay quanh vấn đề độc lập; ông cũng muốn hủy bỏ một cuộc cải cách thị trường lao động và siết chặt giới nhà giàu.

Ông Sánchez không đồng ý với ông về cả hai vấn đề. Ngay cả khi các xung đột được giấu kín, liên minh này cũng chỉ có thể kéo dài được một vài năm. Để lên nắm quyền, họ còn phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đảng khu vực và, có lẽ, bảo đảm một số người ly khai ở Catalan không đi bỏ phiếu. Nếu ông Sánchez thành công, Tây Ban Nha sẽ có chính phủ liên minh đầu tiên kể từ những năm 1930.

Tổng thư ký NATO đến thăm Washington

Các đồng minh phương Tây đã quá quen với những phát ngôn bất ngờ từ Donald Trump. Trước khi trở thành tổng thống, ông đã gọi NATO là “lỗi thời”, và cũng thể hiện thái độ thiếu thiện chí tại các hội nghị thượng đỉnh. Nhưng giờ đây NATO lại có thêm một người phản đối khác: Emmanuel Macron của Pháp, người trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã nói với The Economist rằng liên minh đang ở trong tình trạng “chết não”, và đặt câu hỏi về độ tin cậy của cam kết phòng thủ chung.

Vì vậy, trong chuyến thăm Washington vốn được lên kế hoạch từ lâu vào hôm nay, Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO, hy vọng sẽ có một sự thể hiện tinh thần đoàn kết từ một nguồn khó tin: ông Trump. Ông Stoltenberg có mối quan hệ tốt với tổng thống, cũng như với những người khác ở Washington. Ông đã nhận được nhiều tràng vỗ tay cho bài phát biểu của ông tại phiên họp Quốc hội vào tháng 4, khi ông nói với các nhà lập pháp rằng “thật tốt khi có bạn bè”. Khi ông Stoltenberg chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh ở London vào tháng tới để kết thúc lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của NATO, ông sẽ muốn chứng minh rằng tình bạn giữa các đồng minh vẫn còn hiệu lực.

Một bộ phim chiến tranh khơi dậy vấn đề tự do ngôn luận ở Nhật Bản

Một tòa án ở Tokyo hôm nay sẽ nghe các tranh luận trong một vụ kiện nhằm ngăn chặn các buổi chiếu phim tài liệu về hồ sơ chiến tranh của Nhật Bản. Các nguyên đơn cho rằng “Shusenjo: The Main Battleground of The Comfort Women Issue” đã thể hiện sai quan điểm của họ. Bộ phim thể hiện các học giả và chính trị gia phủ nhận việc phụ nữ châu Á bị đưa vào các nhà thổ quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II. Những người theo chủ nghĩa dân tộc nói rằng các phụ nữ này là gái mại dâm, không phải nô lệ tình dục.

Bộ phim tài liệu, được đạo diễn bởi Miki Dezaki, một người Mỹ gốc Nhật, đã trở thành thuốc thử mới nhất về tự do ngôn luận ở Nhật Bản. Vào tháng 8, một triển lãm về nghệ thuật qua kiểm duyệt, bao gồm một bức tượng một người phụ nữ giải khuây của Hàn Quốc, đã bị buộc phải đóng cửa sau khi bị đe dọa dữ dội bởi các nhà hoạt động. Tháng trước, một buổi chiếu của “Shusenjo” cũng bị đình chỉ tại một liên hoan phim gần Tokyo vì những quấy phá tương tự. Cả hai sự kiện sau đó vẫn được tiếp tục sau khi rà soát các biện pháp an ninh. Hàng động quấy phá đã phản tác dụng: sự chú ý đã giúp bộ phim của đạo diễn Dezaki trở thành một hit bất ngờ.

Nền kinh tế Đức trước nguy cơ suy thoái

Nền kinh tế Đức, động cơ của cả châu Âu, đã gặp rắc rối được một thời gian. Sau khi sản lượng sụt giảm trong quý 2 năm nay, số liệu được công bố hôm nay sẽ cho thấy liệu sản lượng có lại giảm trong quý 3 hay không, mà nếu có sẽ đồng nghĩa với suy thoái. Ngay cả khi nền kinh tế không rơi vào suy thoái, nó cũng chỉ có thể tránh được điều đó qua gang tấc. Sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất, nơi sản lượng đã giảm trong hơn một năm, giải thích cho phần lớn những rắc rối của kinh tế Đức.

Đồng thời, rủi ro về việc chiến tranh thương mại leo thang và Brexit không có thỏa thuận nghĩa là sự ảm đạm sẽ tiếp diễn trong năm tới. Cả IMF và Ủy ban châu Âu đều dự đoán tăng trưởng của Đức năm 2020 sẽ thấp hơn mức trung bình của khu vực đồng euro. Hiện tại, chính phủ Đức vẫn cho thấy rất ít mong muốn từ bỏ quy tắc “Số không đen”, hay ngân sách cân bằng, bất chấp những khuyến nghị cần kích thích nền kinh tế từ các tổ chức quốc tế và các nước láng giềng. Nhưng nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, họ có thể sẽ phải làm vậy.