Di sản của Shinzo Abe – Thủ tướng Nhật nắm quyền lâu nhất

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Japan’s prime minister breaks a record”, The Economist, 21/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Tuần này Shinzo Abe sẽ trở thành thủ tướng phục vụ lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, với 2.886 ngày tại vị. Ông đã vượt qua Taro Katsura, người phục vụ ba nhiệm kỳ hồi đầu thế kỷ 20, một thời kỳ cách đây rất lâu. Nhưng để giành được kỷ lục về thời gian nắm quyền không bị gián đoạn lâu nhất, ông Abe, người đã có một thời gian ngắn làm thủ tướng vào năm 2006-7, gặp vấn đề sức khỏe yếu, trước khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, sẽ phải chờ đến ngày 24 tháng 8 năm sau. Nhiều người, chứ không chỉ ông Abe, nhớ đến người mà ông sẽ phải vượt qua: Eisaku Sato chính là ông trẻ của ông Abe. Ông Abe cũng là con trai của một bộ trưởng ngoại giao và cháu trai của một thủ tướng đáng chú ý khác sau Thế chiến II, Nobusuke Kishi. Ở Nhật Bản, số phận ủng hộ một số gia đình hơn những gia đình khác.

Thời Sato nắm quyền, từ năm 1964 đến năm 1972, là thời kỳ hoàng kim. Sự cạnh tranh Đông-Tây là một điều cố hữu, có thể dự đoán được, và Nhật Bản đã được hưởng sự bảo vệ toàn diện do Mỹ chi trả. Nhật có thể tập trung vào mức tăng trưởng cao 10% một năm, được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang phương Tây. Ngay cả Chiến tranh Việt Nam cũng tốt cho một nước Nhật theo chủ nghĩa hòa bình, tạo ra nhu cầu cho hàng hóa Nhật. Trong khi đó, một mức lạm phát vừa phải giữ cho các khoản nợ trong tầm kiểm soát.

Khi ông Abe lên nắm quyền năm 2012, ông được thừa hưởng một nước Nhật rất khác. Dân số đang lão hóa và suy  giảm. Thị trường chứng khoán đã giảm hai phần ba so với mức đỉnh. Tăng trưởng chậm và giảm phát đã làm suy yếu nền kinh tế, không chỉ vì nó làm hạn chế nguồn thu của chính phủ. Người Nhật sợ thế giới vượt qua họ. Ông Abe đã thay đổi tâm lý. Nhật Bản, ông tuyên bố, “đã quay trở lại”.

Cách “tiếp thị” của ông cũng rất trơn tru: “Chính sách Abenomics” – một chương trình cải cách cơ cấu không bao giờ làm đúng những gì nó tuyên bố sẽ làm. Nhưng ông Abe đã gặp may: ông lên nắm quyền khi kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng trưởng. Ông thêm vào đó các khoan chi thâm hụt ngân sách. Chính sách tiền tệ dẫn đến sự sụt giảm mạnh về tỉ giá đồng yên, dẫn tới sự bùng nổ du lịch và một thị trường chứng khoán cao hơn. Giới trẻ Nhật ra khỏi trường đại học hiện đang tự tin về triển vọng việc làm – một lý do khiến Nhật Bản không phải là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề. Mặc dù thúc đẩy việc làm cho phụ nữ, giới nữ vẫn đang cố gắng để được tỏa sáng, không chỉ trong một chính phủ do nam giới thống trị của ông Abe. Trong khi đó, các khoản nợ khổng lồ của nhà nước và các khoản thanh toán phúc lợi cho người già được hỗ trợ bởi một lực lượng lao động ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng mà một ngày nào đó điều này có thể tạo ra sẽ là nhiệm vụ dành cho một thủ tướng tương lai.

Thế giới chú ý đến Nhật Bản một lần nữa trong năm nay vì một Nhật hoàng mới lên ngôi và một kỳ World Cup bóng bầu dục thành công; năm tới Thế vận hội Tokyo sẽ gây tiếng vang. Ông Abe, một người công du không mệt mỏi, đã thúc đẩy các thị trường mở ngay cả khi nước Mỹ quay vào trong. Cải thiện quan hệ với một số nền dân chủ châu Á khác, đặc biệt là Úc và Ấn Độ, là một biện pháp phòng hộ chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Mỹ khó lường. Tương tự là một nền tảng quốc phòng mạnh mẽ hơn, tiến tới các giới hạn đặt ra bởi hiến pháp hòa bình của Nhật.

Ông Abe, một người theo chủ nghĩa dân tộc, chưa bao giờ chấp nhận những ràng buộc do tội lỗi của Nhật trong Thế chiến II để lại. Giống như ông ngoại (vốn từng bị người Mỹ cầm tù vì nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh) và ông trẻ của ông, ông xem sự bảo vệ của Mỹ là một điều cần thiết nhưng chỉ tạm thời. Trước mộ Kishi, năm 2012, ông Abe tuyên bố sẽ phục hồi nền độc lập thực thụ của Nhật Bản. Tuy nhiên, giấc mơ của ông về việc cắt bỏ các phần hòa bình trong hiến pháp sẽ gần như chắc chắn thất bại vì thiếu sự ủng hộ của dân chúng.

Mặc dù vậy, ông và các đồng minh theo quan điểm xét lại trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của mình đã thay đổi Nhật Bản theo hướng hữu khuynh, với một số hậu quả tiêu cực. Động thái này đã làm xuống cấp mối quan hệ với các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc và, gây thiệt hại nhiều nhất là với Hàn Quốc. Ở trong nước, động thái này đã làm suy yếu tự do báo chí và thu hẹp không gian công cộng để nêu lên các vấn đề gây tranh cãi. Người Nhật lớn tuổi lo lắng về chủ nghĩa dân tộc của ông Abe hơn so với thanh niên, và ông đã hạ độ tuổi bầu cử hồi năm 2016.

Không có lực lượng đối lập nào đủ làm phiền ông Abe, vì vậy ông sẽ không khó vượt qua kỷ lục của Sato. Về lý thuyết, ông phải từ chức vào tháng 9 năm 2021: dù không có giới hạn số nhiệm kỳ làm thủ tướng, nhưng LDP có giới hạn chín năm đối với nhiệm kỳ chủ tịch đảng mà ông đang nắm giữ. Đã có nhiều đồn đoán cho rằng sau thành công của Thế vận hội, ông sẽ tuyên bố rởi bỏ vị trí thủ tướng vào mùa thu tới. Nhưng vẫn chưa rõ ai là người trong đảng LDP có thể kế nhiệm ông. Vì vậy, một khả năng khác xuất hiện: rằng ông Abe sẽ kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm vào năm tới trước khi Thế vận hội khai mạc.

Điều đó sẽ trao cho ông tư cách để phục vụ hết nhiệm kỳ chủ tịch đảng LDP của mình. Thậm chí đến lúc đó cũng sẽ không mất nhiều thời gian để viết lại điều lệ đảng để cho phép ông phục vụ lâu hơn. Và do đó, di sản nổi bật nhất của ông Abe có thể là tình trạng thiếu người kế vị ông.