Hình hài của cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở Châu Á

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Yoon Young-Kwan, “The Shape of Asia’s New Cold War”, Project Syndicate, 10/06/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Nếu nhìn lại, quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về việc áp đặt một luật an ninh mới lên Hồng Kông dường như đã được định trước. Trong lịch sử, các cường quốc đanglên luôn cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của họ một khi họ vượt qua một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc sẽ xoá bỏ hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” và áp đặt luật pháp, quy tắc của mình lên Hồng Kông – một lãnh thổ mà họ coi là một thành phần không thể tách rời của tổ quốc.

Từ quan điểm của Trung Quốc, sự mục ruỗng và và suy tàn của Mỹ trong 12 năm qua – kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho tới nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump – đã mang lại cho Trung Quốc một cơ hội để tăng tốc sự bành trướng chiến lược. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ lâu đảm bảo với thế giới rằng Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, chính sách thực tế của ông thường cho thấy những điều khác. Ngoài quân sự hóa Biển Đông, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường cũng nhằm mục đích biến Trung Quốc thành điểm nút trung tâm cho toàn bộ lục địa Á – Âu.

Giờ đây, khi ông Tập quyết định không chấp nhận gì khác ngoài sự quy thuận toàn diện của Hồng Kông, ông cũng có khả năng sẽ thách thức hiện trạng của Đài Loan, tin rằng một chính quyền Trump theo hướng cô lập, bị phân tâm sẽ không làm gì. Nhưng Mỹ đã lưu ý về sự hung hăng của Tập. Sau hai thập niên hy vọng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một thành viên có trách nhiệm trong nền kinh tế thế giới, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ cuối cùng đã xác nhận rằng điều này sẽ không xảy ra. Kể từ khi ĐCSTQ xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào tháng 3 năm 2018, giới hoạch địnhchính sách đối ngoại Mỹ đã từ bỏ mọi kỳ vọng về sự hội tụ các quy chuẩn giữa Trung Quốc của Tập và phương Tây.

Trong khi đó, sau khi cuộc chiến thương mại của Trump mở đầu một giai đoạn mới, ngày càng mang tính đối kháng trong quan hệ Trung – Mỹ, thì đại dịch COVID-19 lại bổ sung một động lực mới cho chính sách đối đầu hơn của Mỹ đối với Trung Quốc. Do đó, một sự đồng thuận chiến lược đã xuất hiện trên khắp châu Á rằng khu vực này sẽ là “chiến trường” trung tâm của một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu.

Để hiểu bản chất của cuộc xung đột sắp tới, các nhà lãnh đạo châu Á – cùng với phần còn lại của thế giới – nên tập trung vào ba lĩnh vực khác nhau nhưng có liên quan trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung:chính trị-quân sự, kinh tế và ý thức hệ.

Ở lĩnh vực chính trị-quân sự, câu hỏi chính là liệu Trung Quốc có tìm cách trục xuất Mỹ khỏi châu Á, qua đó trở thành bá chủ tối cao của khu vực hay không. Nếu điều đó không xảy ra, Trung Quốc sẽ cố gắng làm suy yếu các cam kết an ninh của Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và bên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Nhưng nếu cách tiếp cận hung hăng của ĐCSTQ gia tăng, nó có thể thúc đẩy các nước láng giềnghình thành một liên minh chống Trung Quốc mới, liên kết theo cách nào đó với Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, sẽ rất khó cho Trung Quốc có thể thiết lập sự chung sống hòa bình với Mỹ. Tồi tệ hơn, cuộc chiến tranh lạnh mới của châu Á sẽ có nguy cơ biến thành các cuộc chiến tranh nóng ngoài ý muốn.

Lĩnh vực đáng quan tâm thứ hai là kinh tế. Bất kỳ cuộc đối đầu ở cấp độ chính trị-quân sự nào cũng chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình tách rời, biến nền kinh tế hợp tác “có tổng dương” của khu vựcthành nền kinh tế “có tổng âm”. Nhiều nước châu Á đã được hưởng lợi về kinh tế nhờ gia tăng quan hệ với Trung Quốc, ngay cả khi họ tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ về an ninh. Đối với các quốc gia này, một sự tách rời toàn diện khỏi Trung Quốc sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn, phức tạp và nguy hiểm. Điều đó sẽ khiến họ có khả năng chống lại những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy một sự tách rời toàn diện, đồng thời ủng hộ cách tiếp cận hạn chế hơn nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp công nghệ cao nhạy cảm liên quan đến an ninh.

Sự không chắc chắn về lập trường của Hoa Kỳ là điều gây khó khăn. Các nhà hoạch định chính sách châu Á vẫn băn khoăn khi nào thì Mỹ sẽ chia sẻ một tầm nhìn rõ ràng, toàn diện về kỷ nguyên hậu chia tách mà Mỹ đang muốn. Chính quyền Trump đã gợi ý rằng họ muốn tạo ra một “Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế” mới trong khu vực. Nhưng vẫn chưa rõ dàn xếp này có dựa trên cùng cách tiếp cận đơn phương, mang tính ngắn hạn “Nước Mỹ trước tiên” vốn định hình tất cả các chính sách khác của Hoa Kỳ dưới thời Trump hay không.

Nếu thực sự như vậy, các chính phủ châu Á sẽ ít có xu hướng ủng hộ. Bằng cách phung phí phần lớn thiện chí của Châu Á đối với nước Mỹ trong ba năm qua, Trump đã làm giảm đáng kể khả năng tạo ra sự đồng tâm nhất trí của các nước trong khu vực về các vấn đề an ninh.

Trong khi khía cạnh chính trị-quân sự là yếu tố quyết định của cuộc chiến tranh lạnh mới, còn kinh tế là khía cạnh đi kèm, sự đối đầu về ý thức hệ sẽ đóng vai trò củng cố hơn hai khía cạnh kia. Một lần nữa, câu hỏi chính là Trung Quốc sẽ quyết tâm đến đâu để quảng bá mô hình “chủ nghĩa tư bản độc đoán” của họ như là một lựa chọn thay thế “ưu việt” hơn so với mô hình dân chủ tự do.

Nếu Trung Quốc đẩy mạnh mô hình của mình một cách mạnh mẽ như Liên Xô từng làm, thì cuộcchiến tranh lạnh mới sẽ có tất cả các thành phần – đi kèm vô vàn các căng thẳng – như cuộc Chiến tranh Lạnh trước kia. Trung Quốc càng quyết liệt trong việc quảng bá mô hình của mình thì các nước dân chủ càng có khả năng hơn sẽ đoàn kết chống lại Trung Quốc nhằm bảo vệ hệ thống tư tưởng của họ.

Chắc chắn, các nền dân chủ hàng đầu thế giới cũng không hoàn toàn miễn nhiễm trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Nhưng các nguyên tắc dân chủ – như tôn trọng quyền con người, tự do dân sự, pháp quyền – là những giá trị phổ quát vẫn đang thu hút sự ủng hộ trên diện rộng của người châu Á, đặc biệt là khi so sánh với chủ nghĩa độc đoán. Trung Quốc với nhà nước mang tính bòn rút của mình sẽ gặp khó nếu muốn tạo ra các điều kiện giúp các cá nhân có thể hiện thực hoá đầy đủ tiềm năng của họ, và giới hạn mang tính cấu trúc đó sẽ cản trở khát vọng của Trung Quốc trong việc thay thế Mỹ trởthành nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới.

Vẫn còn chưa rõ ba chiều kích trên của cuộc xung đột sẽ tương tác như thế nào. Các nhà lãnh đạo châu Á sẽ cần phải thận trọng, nhận ra rằng tình hình luôn thay đổi và cần lên kế hoạch cho các kịch bản khác nhau. Và chắc chắn sẽ không có gì đáng xấu hổ nếu Mỹ hoặc Trung Quốc để thể hiện thêm một chút sự khiêm tốn, nhún nhường của mình. Đáng tiếc là đặc điểm tính cách đó không xuất hiện trong tâm trí khi người ta nghĩ về Trump hoặc Tập. Nhưng điều đó là hoàn toàn cần thiết nếu chúng ta muốn tránh một thảm họa vô tình.

Yoon Young-kwan, cựu ngoại trưởng Hàn Quốc, là Giáo sư hưu trí về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul.