Chiến lược trỗi dậy về văn hóa của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lý Hồng Phong (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Lời giới thiệu: Dưới đây là nội dung chính trong bài nói chuyện của ông Lý Hồng Phong tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc (12/2009) dưới đầu đề “Sự chuẩn bị văn hóa của nước lớn trỗi dậy”. Lý Hồng Phong là Ủy viên Ủy ban Kỷ luật TƯ ĐCSTQ khóa XVII, Ủy viên Đảng bộ, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Văn hóa Trung Quốc.

Các nhà chiến lược học phương Tây cho rằng Trung Quốc (TQ) trỗi dậy trở thành cường quốc sẽ là một trong những xu thế phát triển rõ nhất trong hệ thống quan hệ quốc tế thế kỷ 21. Đúng vậy, TQ đang trỗi dậy, đang hoàn thành công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.

Nước lớn trỗi dậy phải có sự chuẩn bị về chính trị, kinh tế, đồng thời cũng phải có sự chuẩn bị văn hóa. Chủ tịch Mao Trạch Đông nhiều lần nói TQ có hai cái lạc hậu: lạc hậu về kinh tế và lạc hậu về văn hóa. Về sau ông nói một cách hình ảnh là Một nghèo hai trắng — nghèo là nói kinh tế, trắng là nói văn hóa. Ông còn nói lạc hậu thì bị đánh.

I. Tình trạng lạc hậu văn hóa của Trung Quốc chưa được căn bản thay đổi

Kinh tế TQ thời gian qua đã tiến rất nhiều nhưng văn hóa TQ vẫn lạc hậu. Sức mạnh cứng đã mạnh lên rất nhiều. Giờ đây chúng ta cần phải tăng sức mạnh mềm văn hóa.

TQ có hai ưu thế để thay đổi văn hóa:

1- Ưu thế về lý luận tư tưởng: lý luận là nòng cốt của văn hóa; Đảng CSTQ đã Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, nhờ đó đảng ta có hình thái lý luận khoa học của mình;

2- Ưu thế về chế độ chính trị: có chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ, là chế độ chính trị hợp với tình hình nước ta. Hai ưu thế đó bảo đảm công cuộc xây dựng văn hóa TQ có phương hướng đúng đắn.

Nói tình trạng lạc hậu văn hóa của TQ chưa có chuyển biến căn bản là do công cuộc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa của TQ đang đứng trước ba thách thức lịch sử:

Vấn đề hiện đại hóa văn hóa truyền thống

Trong một thời gian dài, văn hóa TQ say sưa trong cái vòng trói buộc tư tưởng tạo nên bởi thành tích huy hoàng của mình. Sau cuộc Chiến tranh Thuốc phiện năm 1840, sau những va chạm với văn hóa phương Tây, người TQ phát hiện nền văn hóa truyền thống của mình chính là nhân tố cản trở TQ tiến lên. Vì thế văn hóa truyền thống của TQ trở thành đối tượng bị phê phán.

Trải qua hơn một thế kỷ làm lễ rửa tội, nền móng của văn hóa truyền thống TQ đã có sự lung lay nào đó. Từ hình thái ý thức quốc gia cho tới hệ thống giáo dục nhà nước, từ lời lẽ dòng chính của tầng lớp tinh hoa cho tới ngôn từ của thường dân đều thể hiện sự thiếu truyền thống nào đó. Trên chừng mực khác nhau, tồn tại tình trạng đạo đức đảo lộn, mất niềm tin, tinh thần trống rỗng, lý tưởng nhạt nhòa. Hệ thống giá trị dòng chính bị thách thức.

Mặt khác, sau Chiến tranh Lạnh, văn hóa Mỹ và phương Tây bành trướng mạnh. Tư tưởng chính trị, giá trị quan, ý thức hệ, lối sống phương Tây gieo rắc khắp thế giới. Lối sống, cách tư duy, phương thức hành vi của một số người nhất là thanh niên bị xói mòn. Văn hóa và truyền thống dân tộc TQ chịu ảnh hưởng mạnh, nhiều ngôn ngữ dân tộc và loại hình nghệ thuật dân tộc có nguy cơ tuyệt diệt.

Ở đây có vấn đề nên nhìn nhận như thế nào nền văn hóa 5000 năm của TQ. Thập niên 40 thế kỷ 20, Hoàng Viêm Bồi[1] đến Diên An khảo sát, đề xuất Vấn đề Hoàng Viêm Bồi, tức vấn đề “Làm thế nào để nhảy ra khỏi luật chu kỳ lịch sử”. Ngoài ra còn có Vấn đề Lương Khải Siêu[2] và Vấn đề Needham[3] rất nổi tiếng. Năm 1904, Lương Khải Siêu viết: “Sau Trịnh Hòa, nước ta không có một Trịnh Hòa nào nữa”.[4] Trong bộ sách Lịch sử Khoa học kỹ thuật TQ, Needham ca ngợi TQ từng có bao nhiêu cái nhất thế giới về trí tuệ sáng tạo, thế nhưng vì sao cuộc cách mạng KHKT cận đại lại không xảy ra ở TQ?

Ba vấn đề trên, nói cho tới cùng đều có thể quy kết là vấn đề văn hóa, nói lên nền văn hóa của chúng ta có khiếm khuyết.

Hiện nay TQ đang ở vào giai đoạn phục hưng vĩ đại, chúng ta cần có sự tự giác văn hóa tỉnh táo; vừa phải khai thác tinh túy của văn hóa TQ lại vừa phải nghiêm chỉnh kiểm điểm các khiếm khuyết văn hóa của chúng ta, sao cho có thể hấp thu tinh hoa văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác, và giải thích một cách hiện đại nền văn hóa TQ, đem lại cho nó sức sống và cơ hội mới.

Vấn đề tố chất dân tộc và tự tin dân tộc

Sau 60 năm giải phóng và 30 năm cải cách mở cửa, tố chất dân tộc TQ đã được nâng cao rõ rệt. Nhưng do công cuộc cải cách mở cửa và hiện đại hóa có chiều rộng, chiều sâu và tốc độ nhanh chưa từng có, vì thế nhìn chung toàn dân tộc và quốc gia mà xét thì sự chuẩn bị về tố chất của chúng ta còn chưa đủ.

Nâng cao tố chất dân tộc là một trong các nhân tố nội tại quan trọng nhất đối với một nước lớn trỗi dậy. Xin nêu ví dụ nước Đức và Nhật.

Dân tộc Đức có lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa sâu xa, sinh ra nhiều đại sư nổi tiếng thế giới như Kant, Hegel, Marx, Goethe,… tư tưởng và hành vi của họ ảnh hưởng tới quảng đại dân chúng Đức. Văn hóa dân tộc Đức có ba đặc điểm:  – Tôn trọng lý trí, kỷ luật, – Tố chất văn hóa phổ biến cao; – Tôn thờ tinh thần tự cường. Hàng hóa Đức xưa nay có chất lượng được cả thế giới công nhận.

Dường như đằng sau người Nhật có một bàn tay vô hình sai khiến họ làm việc hết mình, đốc thúc nhau, hoàn thiện công việc ngày một tốt hơn. Người lao động cổ trắng Nhật khi làm việc thường mặc âu phục, thắt ca vát, dù trời nóng tới 40 độ cũng vậy. Cả lái xe taxi cũng thế. Đây là thói quen nghề nghiệp. Ngoài phố thường thấy cảnh sát Nhật tuổi ngoài 60 vẫn chạy đi chạy lại chỉ huy giao thông. Nhân viên hiệu sách quỳ xuống đất lau sàn nhà — đây là chuyện rất bình thường. Cho dù sức ép công việc rất lớn, họ vẫn ung dung, có trật tự. Tokyo xanh rợp bóng cây, hầu như không một khoảnh đất trống nào không trồng cây cỏ. Người Nhật rất chú ý trật tự. Xếp hàng là thói quen, bao giờ cũng tự giác đứng cách nhau 1 mét. Trên thang cuốn, ai nấy đứng né hết sang bên trái để người nào vội có thể chạy ở bên phải. Những chi tiết ấy nhiều không kể hết, nói lên tố chất cao của dân Nhật.

Lòng tự tin dân tộc là một mặt quan trọng của tố chất dân tộc. Tố chất dân tộc TQ kém dân tộc khác, trong đó thiếu tự tin dân tộc là một biểu hiện quan trọng. Ví dụ trước mặt người phươngTây, tầng lớp tinh hoa TQ thường tỏ ra thiếu tự tin. Xét về mặt văn hóa, đây là một vấn đề rất lớn.

Vấn đề ảnh hưởng quốc tế của văn hóa TQ

Hiện nay văn hóa Mỹ có ba thứ tràn ngập khắp thế giới: phim bom tấn Hollywood, văn hóa ăn nhanh (fastfood), chip điện tử và hệ điều hành Microsoft.

Nhìn chung toàn bộ văn hóa phương Tây mỗi thời kỳ đều có những từ ngữ chủ đạo mang tính tiêu chí, như thời cổ Hy Lạp có từ Dân chủ, thời La Mã có Luật pháp, thời Văn nghệ phục hưng có Người và Tính người, thời hiện đại có Lý trí và Ý chí cá nhân … So với họ, văn hóa TQ có tiếng nói quá yếu ớt, nói đúng ra là chưa có ảnh hưởng.

Hỏi ý kiến người phụ trách và phát thanh viên các đài phát thanh nói tiếng TQ ở hơn 30 nước với câu hỏi thứ nhất ai là danh nhân trong số Khổng Tử, Tô Đông Pha,[5] Lỗ Tấn, Lý Tiểu Long,[6] thì trừ một người Hàn Quốc ra, tất cả đều chọn Lý Tiểu Long; câu thứ hai: ai nổi tiếng nhất trong số 4 người đẹp TQ là Tây Thi, Dương Quý Phi, Lâm Đại Ngọc, Củng Lợi[7] thì tất cả đều nói Củng Lợi. Nghĩa là nhiều người phương Tây không có hiểu biết thường thức gì về văn hóa TQ, thường hiểu nhầm về văn hóa TQ. Trong ngành văn hóa, nói chung tồn tại cảnh Tây mạnh ta yếu.

II. Điều kiện văn hóa của nước lớn trỗi dậy

Tiến trình trỗi dậy của các nước lớn cho thấy biến đổi văn hóa sâu sắc và tiến bộ văn hóa là nhân tố quan trọng nhất, có ảnh hưởng nhất đối với sự chuyển dịch trung tâm phát triển KHKT và kinh tế thế giới.

Nhiều sử gia cho rằng, lịch sử thế giới chỉ thực sự có ý nghĩa bắt đầu từ khoảng năm 1500, vì trước đó con người sống ở các nơi trên thế giới chỉ có tiếp xúc và trao đổi cục bộ, chưa ai biết thế giới hoàn chỉnh là như thế nào.

Các phát hiện địa lý trước sau năm 1500 đã mở màn cho cuộc đối thoại và cạnh tranh giữa các quốc gia, từ đó mới có khái niệm cường quốc thế giới. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha dựa vào văn hóa biển phát triển mà xây dựng được hai cường quốc thực dân sớm nhất. Hà Lan nổi lên nhờ dựa vào văn hóa thương mại dẫn đầu thế giới. Nước Anh trỗi dậy nhờ văn hóa công nghiệp phát triển cao. Nước Mỹ dựa vào văn hóa sáng tạo mà dẫn đầu thế giới suốt 200 năm qua.

Jacob Burckhardt tác giả cuốn Văn hóa thời kỳ Văn nghệ phục hưng ở Italy cho rằng: Thời Trung thế kỷ, dù là quan sát thế giới hoặc tự nhận thức bản thân, bất cứ người nào cũng bị che khuất bởi một tấm màn tín ngưỡng tôn giáo, ảo tưởng vô căn cứ và thành kiến. Người Italy đầu tiên xé tan tấm màn che đó, nhận thức được thế giới và bản thân, qua đó giải phóng được một sức mạnh vô cùng lớn để thúc đẩy họ tạo ra kỳ tích. Những nhà thơ như Dante không thể nào xuất hiện tại châu Âu hồi đó bị bao phủ bởi triết học kinh viện. Vào thế kỷ 15, 16, nhiều người Italy đã phát triển cá tính tới giới hạn cao nhất, cộng thêm tính cách kiên cường và nhu cầu của đời sống hiện thực bấy giờ, họ dần dần trở thành những thiên tài có thành tựu trên nhiều mặt. Sau khi phá tan gông cùm Trung thế kỷ, người Italy chẳng những phát hiện thế giới mà còn phát hiện chính mình. Thành tích càng quan trọng hơn của Văn nghệ phục hưng là phát hiện tính người.

Nước lớn muốn trỗi dậy cần coi trọng 4 điều kiện sau đây:

1- Tăng cường ý thức quốc gia, kiên trì giữ lấy văn hóa truyền thống. Ý thức quốc gia là sự tự giác đối với tồn tại dân tộc; ý nghĩa lớn nhất của nó là tăng cường sự đồng thuận dân tộc, nâng cao lực ngưng tụ và quy thuộc của nhân dân. Nó là công cụ đắc lực nhất để tăng cường lòng tự tin, tự tôn dân tộc, thức tỉnh nguyện vọng bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ. Truyền thống văn hóa gắn liền với ý thức quốc gia.

2- Tăng cường sức cảm hóa văn hóa là biện pháp quan trọng tăng cường ảnh hưởng chiến lược quốc gia. Tác dụng chiến lược của sức mạnh mềm văn hóa trong quốc lực tổng hợp ngày một tăng; trên mức độ lớn, sức cảm hóa của văn hóa quyết định sự thắng thua của một quốc gia trong cuộc cạnh tranh quốc tế.

3- Trau dồi tâm thái dân tộc cởi mở, dám học tập văn hóa tiên tiến của nước ngoài; có như vậy mới nâng cao được tố chất văn hóa của mình. Các cường quốc trỗi dậy trong lịch sử cận đại đều phát triển trong tiến trình tham khảo hấp thu văn hóa nước ngoài. Khi Italy trở thành vườn Văn nghệ phục hưng, học giả các nước châu Âu đều hăng hái đến đây học hỏi văn hóa tiên tiến của họ. Khi Anh quốc trở thành nước tư bản tiên tiến, nhiều nhà tư tưởng Pháp đến Anh khảo sát. Nhật từng cử nhiều phái đoàn Chính phủ sang Âu Mỹ học tập văn hóa và KHKT tiên tiến, ồ ạt nhập khẩu văn minh phương Tây. Dân tộc Mỹ cũng học hỏi các tư tưởng tiên tiến của châu Âu.

4- Kiên trì tư tưởng dẫn dắt và đổi mới cơ chế. Nhà tư tưởng nổi tiếng thời Minh Trị Fukuzawa[8] từng nói: Một dân tộc muốn trỗi dậy thì phải thay đổi lòng dân, thay đổi chế độ chính trị, thay đổi kinh tế; trong đó quan trọng nhất là thay đổi lòng người. Phương Tây trỗi dậy là nhờ có sự dẫn dắt của các phong trào Văn nghệ phục hưng thế kỷ 14-16 và phong trào Khai sáng (“Khởi mông”) thế kỷ 17-18. Tư tưởng của các triết gia kiệt xuất Kant, Hegel, Marx, Nietzsche trở thành nguồn tư tưởng quan trọng của nước Đức.

III. Chiến lược xây dựng văn hóa Trung Quốc

TQ cần có một chiến lược phát triển văn hóa như sau:

1- Trước hết cần nhận thức đầy đủ địa vị chiến lược của văn hóa, nếu không sẽ phạm sai lầm lịch sử trong tình hình cạnh tranh quốc tế gay gắt hiện nay. Cần xác lập tư tưởng chiến lược phối hợp phát triển sức mạnh cứng và sức mạnh mềm.

2- Xây dựng lòng tự tin văn hóa. Cần thấy là văn hóa TQ có 5.000 năm lịch sử, nguồn gốc sâu xa rộng lớn, chưa từng gián đoạn, là nền văn hóa có một không hai trên thế giới. Không được có thái độ hư vô lịch sử, quên tổ tiên, nhưng cũng phải tránh thái độ nệ cổ, không thay đổi, quỳ mọp dưới chân cổ nhân không tiến lên. Phải dùng con mắt thế giới, con mắt lịch sử để nhận thức sâu sắc giá trị vĩ đại của văn hóa TQ, qua đó xây dựng lòng tự tin và tự hào, sáng tạo đỉnh cao văn hóa mới.

3- Tăng cường xây dựng quan niệm văn hóa. Coi trọng xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi XHCN.

4- Xây dựng nền móng văn hóa chắc chắn, nâng cao tố chất quốc dân; trong vòng 15-20 năm phải nâng cao đáng kể tố chất đạo đức tư tưởng, tố chất khoa học văn hóa, tố chất dân chủ pháp chế, văn minh lành mạnh; tăng cường nghiên cứu lý luận cơ sở văn hóa và bảo vệ bản quyền trí thức; xây dựng nền đại học TQ theo kịp trình độ tiên tiến thế giới.

5- Tìm kiếm quy luật phát triển văn hóa. Đặng Tiểu Bình từng nói: Đảng lãnh đạo công tác văn hóa không phải là ra lệnh, không phải là yêu cầu văn học nghệ thuật phụ thuộc vào các nhiệm vụ chính trị cụ thể, trực tiếp, mà là căn cứ theo đặc điểm và quy luật phát triển văn hóa, giúp các nhà công tác văn nghệ có điều kiện sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật và thành quả nghệ thuật biểu diễn ưu tú.

6- Tạo dựng bầu không khí tôn trọng văn hóa trong toàn xã hội. Phải tạo dựng cho được trong đảng, trong xã hội một bầu không khí tôn trọng văn hóa, trí thức, người tài. Phải căn cứ vào sự phát triển lâu dài của quốc gia và dân tộc, xây dựng một đội ngũ nhân tài văn hóa tố chất cao, ra đời một loạt nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà nghệ thuật, nhà văn và học giả, nhất là một loạt nhân tài văn hóa bậc thầy.

7- Tích cực triển khai giao lưu văn hóa. 30 năm qua, TQ đã có tiến bộ lớn trong học tập phương Tây và thế giới, đây là hướng đi đúng cần tiếp tục. Nhưng chúng ta “dẫn vào” nhiều, “đưa ra” ít.  Công ty xuất bản phiên dịch đối ngoại TQ thành lập 30 năm qua chỉ dịch ra Tây văn 33 cuốn sách tiếng Trung mà dịch từ Tây văn sang Trung văn 1.000 cuốn. Theo điều tra của GS Vương Nhạc Xuyên ở ĐH Bắc Kinh, từ sau khi bắt đầu tuân theo “chủ nghĩa lấy về” của Lỗ Tấn, tổng cộng TQ đã dịch được 106.800 đầu sách phương Tây, nhưng trong thế kỷ 20, cả thế giới phương Tây mới dịch được có hơn 1.000 đầu sách TQ. Chênh lệch như thế là quá lớn.

Bởi vậy, chúng ta phải ra sức đưa văn hóa Trung Hoa “đi ra thế giới”, tăng cường ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, sao cho tiếng nói, quan niệm, những câu chuyện của TQ được truyền bá rộng rãi khắp thế giới./.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch và chú thích từ nguồn tiếng Trung: 大国崛起的文化准备李洪峰在中共中央党校的讲演  2009-12-26  来源:文汇报 (Báo Văn Hối  26/12/2009).

—————

[1] Hoàng Viêm Bồi, 1878-1965, nhà giáo dục yêu nước, dân chủ nổi tiếng TQ. Vấn đề Hoàng Viêm Bồi, tức vấn đề “Làm thế nào để nhảy ra khỏi luật chu kỳ lịch sử”, ở đây là nói cuộc trao đổi tại Diên An giữa Hoàng với Mao Trạch Đông; Hoàng nói nếu cứ tiếp tục chế độ phong kiến thì ai tài giỏi mấy cũng không thay đổi được lịch sử, tiếp tục chu kỳ hưng vong như cũ của đất nước. Mao đáp: Chúng tôi đã tìm ra dân chủ là phương thức để dân giám sát chính phủ khiến chính quyền không thể lơi là công việc.

[2] Lương Khải Siêu, 1873-1929, nhà hoạt động chính trị, nhà tư tưởng khai sáng, nhà giáo dục, nhà văn, sử gia nổi tiếng thời cận đại. Vấn đề Lương Khải Siêu ở đây là nói vấn đề trau dồi tố chất quốc dân TQ do ông đưa ra.

[3] Joseph Terence Montgomery Needham, người Anh, 1900-1995, nhà khoa học sinh hóa và sử gia khoa học kỹ thuật, nổi tiếng với bộ sách đồ sộ Lịch sử KHKT TQ. Trong sách này, ông nêu ra câu hỏi: Vì sao TQ ngày xưa KHKT rất phát triển nhưng đến thời cận đại lại không phải là nơi phát sinh cuộc cách mạng KHKT. Vấn đề này còn gọi là Nan đề Needham, vì người TQ đã bàn cãi nhiều nhưng chưa có lời giải thống nhất.

[4] Trịnh Hòa, 1371-1433, nhà hàng hải đời Minh, năm 1405 dẫn hạm đội 62 thuyền, 27 nghìn thủy thủ (?) ra biển đi tới quần đảo Nam Dương và Ấn Độ Dương. Trong 28 năm đã đi biển 7 lần.

[5] Tô Đông Pha, tức Tô Thức, 1037-1101, nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống, một trong 8 đại gia đời Đường Tống.

[6] Lý Tiểu Long, người Mỹ gốc Hoa, diễn viên võ thuật nổi tiếng trong các bộ phim Hollywood và Hong Kong.

[7] Củng Lợi, nay là công dân Singapore; trước kia từng là nữ diễn viên điện ảnh TQ nổi tiếng.

[8] Fukuzawa Yukichi, người Nhật, 1835-1901, (âm Hán Việt là Phúc Trạch Dụ Cát): nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu đầu thời kỳ Minh Trị, có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Khai sáng ở Nhật cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tạo tiền đề để Nhật trở thành cường quốc.