Bất bình đẳng tư pháp và tác động tới địa vị kinh tế của người Mỹ gốc Phi

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The grim racial inequalities behind America’s protests”, The Economist, 03/06/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Vào ngày thứ tám của các cuộc biểu tình phản đối việc sát hại George Floyd, Donald Trump đã khoe thành tích củamình về việc giảm đói nghèo và thất nghiệp của người da đen cũng như việc thông qua các cải cách tư pháp hình sự. “Chính quyền của tôi”, ông tweet, “đã làm được nhiều điều cho Cộng đồng Da đen hơn so với bất kỳ tổng thống nào khác kể từ thời Abraham Lincoln.” Điều đó có chính xác không? Người Mỹ gốc Phi có cuộc sống tốt hơn dưới thời ông Trump không, và điều đó có liên quan gì đến các cuộc biểu tình?

Theo Cục Điều tra Dân số, người Mỹ gốc Phi kiếm được chưa tới ba phần năm so với người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha. Năm 2018, thu nhập hộ gia đình người da đen trung bình là 41.400 đô la, so với 70.600 đô la của người da trắng. Khoảng cách đó là khá lớn. Ở Anh, nơi quan hệ chủng tộc cũng có thể căng thẳng, người da đen kiếm được bằng 90% so với người da trắng. Khoảng cách tại Mỹ hiện nay hẹp hơn so với hồi năm 1970, khi người Mỹ gốc Phi chỉ kiếm được một nửa so với người da trắng. Nhưng tất cả sự cải thiện diễn ra từ năm 1970 đến năm 2000, và kể từ đó mọi thứ trở nên tồi tệ trở lại. Khoảng cách thu nhập của người da đen đã được giảm bớt phần nào do tăng chi tiêu liên bang sau Covid-19. Nhưng nó có thể sớm được nới rộng hơn vì người Mỹ gốc Phi làm nhiều công việc không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp, vốn là những việc làm dễ bị tổn thương nhất do suy thoái vì coronavirus.

Thống kê về thu nhập chưa đánh giá được hết sự chênh lệch kinh tế thực sự bởi vì chúng chỉ mô tả những người đang làm việc. Theo nghiên cứu của Patrick Bayer thuộc Đại học Duke và Kerwin Charles thuộc Đại học Chicago, có tới 35% thanh niên da đen đang thất nghiệp hoặc hoàn toàn không tham gia lực lượng lao động, gấp đôi tỷ lệ người da trắng. Con số khổng lồ này dường như có liên quan đến tỷ lệ ngồi tù cao của người Mỹ gốc Phi: bên cạnh những người đang ngồi tù, nhiều người đã ngừng tìm việc bởi vì các nhà tuyển dụng sẽ không tuyển dụng những người phạm tội trước đây. Do đó, sự bất bình đẳng tư pháp vốn là vấn đề trọng tâm trong các cuộc biểu tình xoay quanh cái chết của Floyd càng củng cố sự bất bình đẳng về thu nhập và việc làm.

Tình trạng bất bình đẳng giữa người da đen và người da trắng tại Mỹ.

Khoảng cách về tài sản giữa người da đen và người da trắng thậm chí còn rộng hơn khoảng cách thu nhập. Theo khảo sát của Ủy ban Dự trữ Liên bang năm 2017, giá trị tài sản ròng trung bình của người Mỹ gốc Phi chỉ bằng 1/10 so với người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha: 17.600 đô la so với 171.000 đô la. Khoảng cách nàygiống với thời điểm năm 1990. Điều này thể hiện trong trải nghiệm tài chính hàng ngày của các hộ gia đình người Mỹ gốc Phi. Số người da đen có giá trị tài sản ròng bằng 0 hoặc âm (nghĩa là các khoản nợ lớn hơn tài sản), hay bị từ chối tín dụng hoặc thanh toán chậm trong 60 ngày qua gấp đôi số người da trắng; và số người da đen nói rằng họ không thể thanh toán tất cả các hóa đơn trong một tháng điển hình nhiều hơn gấp đôi số người da trắng gặp hoàn cảnh tương tự; chỉ 43% nói rằng họ có thể vay 3.000 đô la trong trường hợp khẩn cấp từ gia đình hoặc bạn bè, so với 71% người da trắng. Về mặt tài chính, nhiều người Mỹ gốc Phi hơn người da trắng đang sống trongcảnh bấp bênh, chỉ cần không có lương một tháng là đã rơi vào cảnh thảm họa.

Covid-19 là một thảm họa và người Mỹ gốc Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Người New York da đen và gốc Tây Ban Nha có khả năng chết vì Covid-19 cao gấp đôi so với người da trắng; Người da đen Chicago thì gấp năm lần. Điều này một phần là do họ phần đông làm các công việc vẫn được duy trì trong dại dịch (như làm điều dưỡng, lái xe giao hàng); một phần vì họ nhiều khả năng không có bảo hiểm y tế hơn so với người da trắng (12,2% so với 7,8% trong năm 2018); và trên hết là bởi vì họ có nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính hơn khiến họ dễ tử vong nếu nhiễm virus. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, người Mỹ gốc Phi từ 18 đến 49 tuổi có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp đôi so với người da trắng, 50% có khả năng bị huyết áp cao và khả năng họ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi người da trắng.

Khi các cuộc biểu tình đang diễn ra, Barack Obama lập luận rằng việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng tư pháp trước pháp luật là bước đầu tiên để thay đổi xã hội nói chung. Có bằng chứng về tình trạng bất bình đẳng tư pháp và mối liên hệ giữa bất bình đẳng tư pháp với tình trạng kinh tế. Theo Văn phòng Tư pháp, tỷ lệ người da đen bị giam giữ trong năm 2016 cao gấp sáu lần so với người da trắng (và điều đó, thật đáng kinh ngạc, đã là một sự cải thiện: hồi năm 2006, tỉ lệ đó nó là 7 lần). Người Mỹ gốc Phi, những người thường sống ở những khu nghèo, nhiềutội phạm, trung bình phạm nhiều tội hình sự hơn người da trắng – nhưng tỉ lệ chưa tới sáu lần.

Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan và Đại học British Columbia cho thấy người da đen và người gốc Tây Ban Nha nhận bản án dài hơn cho cùng một tội. Một nghiên cứu khác lập luận rằng điều này là do các thẩm phán không nghĩ rằng người da đen có thể trả tiền phạt thay vì vào tù và sợ rằng nếu họ được thả ra, họ không thể có được việc làm và sẽ phạm tội trở lại. Nói cách khác, nghèo đói và thất nghiệp làm người da đen có khả năng nhận án nặng cao, và điều này lại càng khiến người da đen khó kiếm việc hơn.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người biểu tình tin rằng người Mỹ gốc Phi không bình đẳng trước pháp luật, không bình đẳng về thu nhập và việc làm, và không bình đẳng về sức khỏe. Và tình trạng của họ chỉ được cải thiện rất ít, nếu có, dưới thời ông Trump. Như George W. Bush đã nói vào cùng ngày mà ông Trump đã tự hào khoe khoang thành tích của mình: “Đã đến lúc nước Mỹ xem xét những thất bại bi thảm này của chúng ta”.