Ai tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Who is blowing up ships in the Gulf?”, The Economist, 13/06/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Abe Shinzo hy vọng lúc này là thời điểm phù hợp để tiến hành ngoại giao. Chuyến thăm của ông tới Tehran trong tuần này, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, là nhằm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Sau cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ông Abe cảnh báo khu vực này có thể “vô tình” bị trượt vào xung đột. Và sau đó, chỉ một vài dặm ngoài khơi bờ biển phía nam Iran, người ta đã chứng kiến một ví dụ minh họa cho việc điều đó có thể xảy như thế nào.

Vào ngày 13 tháng Sáu, hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman đã phát các tín hiệu cấp cứu sau khi chúng bị hư hại do các vụ nổ lớn. Tàu Front Altair, gắn cờ Quần đảo Marshall và thuộc sở hữu của Frontline, một công ty vận tải Na Uy, đang vận chuyển naphtha, một sản phẩm dầu mỏ, từ Abu Dhabi; và tàu Kokuka Sangrage, được đăng ký tại Panama và được điều hành bởi công ty Kokuka Sangyo của Nhật, đang vận chuyển mặt hàng methanol.

Cả hai đang hướng đến các cảng châu Á. Hình ảnh từ các hãng tin Iran cho thấy một ngọn lửa đang bùng cháy ở phía mạn phải tàu Front Altair. Luồng khói đen trên đầu đủ dày để có thể nhìn thấy được trong các bức ảnh vệ tinh. Một phần năm nguồn cung hàng hóa trên thế giới đi qua eo biển Hormuz, một điểm nghẽn quan trọng trong vận tải biển quốc tế.

Đây là lần thứ hai chỉ trong hơn một tháng qua các tàu chở dầu bị hư hại ở vùng Vịnh. Vào ngày 12 tháng 5, bốn chiếc tàu neo đậu ngoài khơi Fujairah, một cảng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã bị nổ với nhiều lỗ thủng trên thân tàu. Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy chúng đã bị phá hoại bởi mìn limpet (một loại mìn hải quân gắn bằng nam châm – ND). Vụ nổ mới nhất gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều, buộc thủy thủ đoàn phải sơ tán khỏi cả hai tàu. Sẽ mất nhiều tuần để điều tra những gì đã xảy ra giữa các báo cáo cho rằng ngư lôi đã được sử dụng trong các sự cố này. Nhưng vụ nổ dường như không phải là ngẫu nhiên. Chủ tịch của hãng Kokuka Sangyo cho biết tàu Kokuka Courageous đã bị “tấn công” hai lần trong vòng ba tiếng.

Cũng không có khả năng hai đợt nổ, cách nhau vài tuần và trong cùng một khu vực, chỉ là sự trùng hợp. Mặc dù một nhóm điều tra do UAE đứng đầu chưa đổ lỗi cho ai trong vụ phá hoại tháng trước, nhưng họ cho rằng một “chủ thể nhà nước” mà họ không nêu tên đã thực hiện vụ tấn công đó. Mỹ đã đổ lỗi cho Iran về cả hai cuộc tấn công. Iran, một đối thủ khu vực của UAE và Saudi Arabia, cả hai đều là đồng minh của Mỹ, từ chối nhận trách nhiệm và cho rằng các vụ nổ mới nhất được dàn dựng bởi các đối thủ của Iran. “Nghi ngờ không phải là từ mô tả những gì đã xảy ra”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Muhammad Javad Zarif đã tweet như vậy vào ngày 13 tháng 6.

Iran trong quá khứ đã đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu bị tấn công. Một số người sẽ xem các cuộc tấn công nhằm vào các tàu trong khu vực như một lời cảnh báo của Iran rằng họ sẵn sàng thực hiện lời đe dọa của mình. Messrs Zarif và Rouhani có thể hiểu rằng tấn công vào tuyến đường vận tải biển khu vực sẽ là chơi với lửa. Nhưng họ không phải là người ra mọi quyết định ở Iran. Họ bị mắc kẹt trong một trận chiến nội bộ giữa những giáo sĩ cầm quyền, những người không tin tưởng phương Tây, và lực lượng Vệ binh Cách mạng, những người đang hỗ trợ các lực lượng địa phương ở Syria và Yemen chiến đấu chống lại các lực lượng do UAE và Saudi Arabia hậu thuẫn. Iran có một lịch sử tiến hành chiến tranh phi chính quy cho phép họ duy trì một khả năng chống tiếp cận đáng kể. Hồi những năm 1980, Iran đã tiến hành cái gọi là cuộc chiến tàu chở dầu với Iraq. Cuộc xung đột đã tàn phá ngành vận tải biển quốc tế.

Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng kể từ mùa xuân năm ngoái, khi Donald Trump rút khỏi một thỏa thuận ký năm 2015 vốn nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Ông Trump đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt và bổ sung các biện pháp mới, cơ bản đã phong tỏa Iran khỏi nền kinh tế toàn cầu. Sau một năm tuân thủ thỏa thuận, một nỗ lực để giành được thiện cảm của châu Âu, Iran hồi tháng trước cho biết họ sẽ bắt đầu làm giàu uranium vượt quá giới hạn quy định. Ông Rouhani cảnh báo rằng ông sẽ bãi bỏ các điều khoản khác của thỏa thuận trừ khi các bên ký kết khác – gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu – giúp nước ông vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ, điều khó có thể xảy ra. Những người chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump từ lâu đã cảnh báo rằng tình trạng kinh tế khó khăn sẽ khiến Iran phải hành động đáp trả.

Đối với các quốc gia Ả Rập tại vùng Vịnh, những vụ nổ mới nhất này góp phần vào với một môi trường ngày một bất ổn. Hồi tháng Năm, chỉ hai ngày sau sự cố ở Fujairah, hai vụ nổ ở trung tâm Saudi Arabia, cách biên giới với Yemen 700km về phía bắc, đã làm hỏng một đường ống dẫn dầu chuyển dầu thô đi khắp vương quốc. Vào ngày 12 tháng 6, một tên lửa đã tấn công sân bay quốc tế ở Abha, một thành phố của Saudi Arabia cách biên giới với Yemen 200km, làm 26 người bị thương. Cả hai cuộc tấn công đều được thực hiện bởi người Houthi, một lực lượng dân quân dòng Shia kiểm soát những khu vực rộng lớn của Yemen và đang chiến đấu chống lại một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ở đó. Một hội đồng chuyên gia của Liên Hợp Quốc kết luận rằng Iran đã cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi, bao gồm cả máy bay không người lái và tên lửa, mặc dù nhóm này không phải lúc nào cũng hành động theo lệnh của Iran.

Nhưng Saudi Arabia và các đồng minh đã cố gắng không leo thang trực tiếp một cuộc xung đột vốn sẽ tàn phá ngành xuất khẩu dầu mỏ cũng như nền kinh tế của họ. UAE đã đặc biệt kiềm chế trong các tuyên bố công khai về vụ phá hoại hồi tháng trước (mặc dù khi nói chuyện riêng các quan chức của họ không có chút nghi ngờ nào về sự dính líu của Iran). Nếu cần phải có phản ứng, họ muốn nó đến từ Mỹ. John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia diều hâu của Mỹ, từ lâu đã ủng hộ sự thay đổi chế độ ở Iran và thậm chí là hành động quân sự chống lại nước này. Nhưng tổng thống Trump, như mọi khi, lại không nhất quán như vậy, lúc thì đe dọa bốc lửa, lúc thì đề nghị đối thoại. Trump được cho là đã gửi cho Abe một thông điệp để chuyển đến nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ali Khamenei (người từ chối trả lời). “Chúng tôi không hề tin rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm các cuộc đàm phán thực sự với Iran; bởi vì các cuộc đàm phán chân thành sẽ không bao giờ đến từ một người như Trump,” Ayatollah Khamenei nói.

Ông Trump đã tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Tháng trước, ông đã điều một nhóm tàu sân bay tấn công đến khu vực. Những tàu này vẫn chưa đi qua eo biển Hormuz, một nỗ lực để tránh căng thẳng leo thang. Chúng có thể sẽ tăng cường tuần tra; một tàu khu trục Mỹ đã cứu được một số thủy thủ từ các tàu chở dầu bị tấn công (Iran nói họ cũng đã cứu được một số người khác). Lầu Năm Góc đang triển khai thêm 1.500 binh sĩ tới các căn cứ ở Qatar, Bahrain và Iraq, và ông Trump đang sử dụng các quyền hạn khẩn cấp để lách sự phản đối của quốc hội và bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE.

Tất cả các bên khẳng định họ không muốn chiến tranh. Nhưng ngay cả khi họ chân thành, ý định tốt chỉ đi được đến đó. Các quốc gia vùng Vịnh (với sự bảo hộ của Mỹ) không thể chấp nhận các mối đe dọa đối với vận tải biển. Ông Abe đã đúng khi thúc đẩy ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Nhưng chuyến thăm của ông, và những sự kiện làm lu mờ nó, nhấn mạnh thực tế rằng ngoại giao sẽ khó khăn đến nhường nào.