Tại sao Philippines đổi ý về việc chấm dứt Hiệp định VFA với Mỹ?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Richard Javad Heydarian | Giới thiệu: Hồng Quyên

Hôm 11 tháng 2, Philippines thông báo chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, đến ngày 2 tháng 6 nước này lại tuyên bố hoãn quyết định chấm dứt VFA. Điều gì uẩn khúc đằng sau sự thay đổi bất ngờ của Philppines?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là một nhân vật “tiền hậu bất nhất” khó đoán. Thế nhưng có một điều ông luôn tỏ ra kiên định trong suốt nhiều thập kỷ hoạt động chính trị, đó là sự giận dữ âm ỉ từ lâu đối với phương Tây, đặc biệt là ảnh hưởng của Mỹ ở Philippines.

Trong tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của Duterte với tư cách là tổng thống, ông nói: “Tôi sẽ vạch ra một tiến trình mới không phụ thuộc vào Mỹ dành riêng cho Philippines”. Đối với Duterte, Philippines thực sự cần “độc lập”. Điều này chắc chắn có liên quan đến việc hạ cấp độ hợp tác quân sự vốn kéo dài cả thế kỷ với Mỹ và nâng cấp các mối quan hệ chiến lược với các siêu cường khác là Trung Quốc và Nga. Như vậy, quyết định của Tổng thống Philippines hồi đầu tháng 6 hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ dường như là sự đảo ngược 180 độ đầy bất ngờ.

Tuy nhiên, có hai nhân tố đã ngăn cản Duterte hiện thực hóa những lời đe dọa mà ông nhiều lần đưa ra đối với liên minh Philippines-Mỹ: các mối quan hệ thể chế sâu sắc giữa bộ máy quốc phòng của Washington và Manila, cũng như mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu do sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra, đặc biệt là ở Biển Đông.

Hai đánh giá về Rodrigo Duterte

Là một vị tổng thống được lòng dân và có sức mạnh, Duterte có thể phớt lờ những đánh giá của các cựu chiến binh và các nhà ngoại giao, cũng như những hành vi cơ hội chủ nghĩa chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đôngtrong những tháng gần đây. Nhìn chung có 2 trường phái đánh giá về Tổng thống Duterte và chính sách đối ngoại của ông.

Một mặt, những người chỉ trích đã mô tả Duterte là một “tỉnh trưởng của Trung Quốc”, một ứng cử viên Mãn Châu ủng hộ Bắc Kinh, người sẽ bán nước cho Trung Quốc để duy trì một cuộc cách mạng thiếu suy xét chống lại Mỹ. Những lời bình luận gần như mù quáng của Duterte về Trung Quốc, trong đó ông bày tỏ mong muốn có được sự lãnh đạo nhân từ của Bắc Kinh mà ông hằng kính trọng, đã chỉ làm gia tăng những sự mô tả gây hoang mang sợ hãi đó. Dưới thời Tổng thống Duterte, những người chỉ trích ông khẳng định Philippines đang trên con đường trở thành một tỉnh của Trung Quốc.

Mặt khác, có những người cho rằng đó chỉ là biểu hiện bề ngoài của Duterte, bởi ông luôn thất bại trong việc giảm bớt những yếu tố vốn là nền tảng của liên minh Philippines-Mỹ, đồng thời cũng chẳng đạt được một thỏa thuận phòng thủ lớn nào với Trung Quốc hay Nga. Một số nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng như một số đồng minh then chốt của Duterte có cùng quan điểm này.

Cả hai quan điểm này đều đúng, nhưng chúng lại bỏ qua tính phức tạp trong tính toán chiến lược của Tổng thống Duterte. Trước hết, người ta cần phải hiểu được tâm lý cá nhân của Duterte. Vốn có quyền lực gần như tuyệt đối từ lâu ở thành phố Davao quê hương ông, nơi ông được coi là thị trưởng suốt đời và là nhân vật không bị thách thức, Duterte hầu như không có sự khoan dung đối với những lời chỉ trích, đặc biệt là từ người bên ngoài.

Coi người Mỹ là những kẻ kiêu ngạo và hống hách, Duterte tuy là một quan chức địa phương nhưng luôn muốn tìm cách hạn chế một cách thận trọng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong phạm vi thẩm quyền của mình. Ngay cả khi hòn đảo Mindanao quê hương ông biến thành “mặt trận thứ hai” trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, ông đã ngăn cản người Mỹ sử dụng căn cứ không quân của Davao cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung “Vai kề vai” quy mô lớn ở sân sau của ông.

Ở đây cũng có yếu tố hệ tư tưởng. Duterte đã hoàn toàn chìm vào thế giới quan chống Mỹ. Đối với nhân vật theo chủ nghĩa dân túy này của Philippines, người sinh ra trong những năm tháng xảy ra chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ là cường quốc đế quốc hầu như không tôn trọng chủ quyền của các quốc gia nhỏ bé hơn. Ông không che giấu việc công khai sỉ nhục bất kỳ quan chức nào của Mỹ dám chỉ trích hồ sơ nhân quyền và phong cách cai trị của ông. Đối với ông, Mỹ là kẻ đạo đức giả.

Vị cựu thị trưởng thành phố Davao này đồng thời còn là một người tài giỏi. Ông đã giành thắng lợi trong tất cả các cuộc bầu cử nhờ có nhận thức sâu sắc về hoàn cảnh chính trị. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, Duterte thể hiện sự nhạy bén đối với lập trường của giới tướng lĩnh và quan chức trong bộ máy quốc phòng và ngoại giao cũng như các thành viên cấp cao của nội các Philippines, những người đã đầu tư nhiều vào liên minh giữa Mỹ-Philippines. Đại đa số giới tinh hoa về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Philippines đều được đào tạo tại Mỹ, có họ hàng hay người thân ở đó. Những người này coi liên minh Mỹ-Philippines là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với an ninh quốc gia. Những nghi ngờ đối với Trung Quốc ăn sâu trong giới tinh hoa và dân chúng Philippines. Trong nhiều dịp, Duterte đã thừa nhận những lo ngại bị lật đổ nếu ông hoàn toàn phớt lờ bộ máy quốc phòng.

Tuy nhiên, mọi việc đã xảy ra khi Mỹ áp đặt những hạn chế đi lại đối với các nhân vật thân cận của Duterte, trong đó có cựu Tư lệnh cảnh sát quốc gia và hiện là Thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa, người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Khả năng Mỹ còn đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại chính Duterte và những đồng minh then chốt khác của ông.

Đáp lại, Duterte đã chỉ trích mạnh mẽ Mỹ thiếu tôn trọng Philippines và cảnh báo Mỹ sẽ không còn căn cứ nào ở Philippines trừ phi Mỹ bắt đầu nói chuyện với Philippines về việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt. Không đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào về khả năng nhượng bộ, Duterte không chỉ áp đặt những hạn chế đi lại trả đũa đối với một số chính trị gia của Mỹ, mà còn đơn phương khởi xướng chấm dứt VFA hồi tháng 2 vừa qua.

Những phí tổn của việc chấm dứt VFA

Kết quả là sự gián đoạn của hơn 100 hoạt động tập trận chung giữa Mỹ và Philippines chỉ riêng trong năm nay và sự tê liệt trong hợp tác an ninh song phương nói chung. Xét cho cùng, VFA đem lại khuôn khổ pháp lý cho binh lính Mỹ hiện diện với số lượng lớn và quyền tiếp cận luân phiên tới các căn cứ then chốt trên toàn nước Philippines. Như Bộ trưởng Tư pháp Philippines đã cảnh báo, việc chấm dứt thỏa thuận phòng thủ VFA có thể khiến liên minh quân sự này trên thực tế trở nên “vô dụng”. Việc chấm dứt VFA được cho là hoàn tất vào tháng 8 sau tiến trình bãi bỏ 180 ngày.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã tuyên bố rằng theo “chỉ thị của Tổng thống”, trước mắt tiến trình chấm dứt VFA sẽ bị đình chỉ. Ban đầu, Bộ Ngoại giao Philippines đã trích dẫn một cách mơ hồ “những diễn biến chính trị và những diễn biến khác trong khu vực” là cơ sở dẫn đến sự thay đổi chính sách đáng chú ý này. Tuy nhiên, ngay sau đó, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho rằng “một số vấn đề đang xảy ra ngay lúc này ởBiển Đông” có thể đã buộc Tổng thống Duterte phải thay đổi lập trường.

VFA không những có ý nghĩa then chốt đối với sự hợp tác quy mô lớn giữa hai nước chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng nhân đạo và đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), mà thỏa thuận này còn là một sự răn đe ngầm đối với hành vi dốc sức xâm chiếm của Trung Quốc bên trong lãnh hải của Philippines. Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận hải quân cũng như các cuộc triển khai bán quân sự của nước này nhằm bảo vệ bờ biển trên khắp khu vựcBiển Đông. Trung Quốc không những công bố kế hoạch thành lập hai “khu vực hành chính” mới trên các vùng biển tranh chấp, mà họ còn đâm chìm một tàu cá của Việt Nam và quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trong khu vực này.

Lo ngại trước những hành vi gây hấn vô liêm sỉ của Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Philippines đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam sau khi tàu cá của Việt Nam bị các lực lượng của Trung Quốc đâm chìm, đồng thời Bộ Quốc phòng Philippines đã lên án hành vi trước đó của một tàu chiến Trung Quốc khi chĩa súng radar một cách vô cớ và thù địch vào một tàu khu trục của Philippines.

Để củng cố lập trường trên thực địa, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, cựu tùy viên quốc phòng Philippines tại Washington, đã có chuyến thăm đáng chú ý tới quần đảo Trường Sa. Tại đây, ông đã cắt băng khánh thành việc xây dựng một khu bãi mới trên đảo Thị Tứ và công bố những nỗ lực chưa từng có nhằm sửa chữa và mở rộng các cơ sở dân sự và quân sự của Philippines trên hòn đảo này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước ông vào Mỹ và tạo dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Trung Quốc gia tăng các hành vi nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền của nước này ởBiển Đôngtrong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu đã khiến cho bước đi này của Duterte không nhận được sự tán thành từ ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất trong khu vực.

Tóm lại, vào thời điểm xảy ra những tình huống bất trắc lớn hiện nay, Tổng thống Duterte, một chính trị gia khôn ngoan và tự xưng là theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, ở một mức độ nào đó vẫn phải cần đến liên minh vốn đã kéo dài cả thế kỷ này với Mỹ.

Richard Javad Heydarian, học giả, cây bình luận tờ Philippines Daily Inquirer tại Manila. Bài viết được đăng trên The star.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông