Thế giới hôm nay: 09/02/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Giá trị bitcoin lên cao kỷ lục sau khi có thông tin Tesla đã đầu tư 1,5 tỷ đô la vào loại tiền điện tử này. Nhà sản xuất ô tô điện của Elon Musk cũng sẽ chấp nhận bitcoin làm phương thức thanh toán mua xe của họ, một trong những tuyên bố hậu thuẫn bitcoin lớn nhất cho đến nay bởi một công ty Mỹ nổi tiếng.

Trong khi đó, cổ phiếu Hyundai và công ty con Kia mất giá sau khi nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc thừa nhận họ “không đàm phán” hợp tác với Apple để cùng nhau sản xuất xe hơi. Cổ phiếu của hai công ty đã tăng vọt hồi tháng 1 do tin đồn gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang xem xét hợp tác với họ nhằm phát triển và sản xuất xe điện tự hành.

Mỹ tuyên bố tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với tư cách quan sát viên. Chính quyền Trump đã rút khỏi hội đồng này vào năm 2018 sau nhiều năm chỉ trích hội đồng, với lý do hội đồng thiên vị chống Israel cũng như hồ sơ nhân quyền đáng ngờ của một số thành viên khác. Ngoại trưởng Antony Blinken công nhận vai trò của hội đồng trong cuộc chiến chống lại “bất công và chuyên chế” nhưng lưu ý rằng nó có “thiếu sót”.

Andrés Arauz, một nhà kinh tế cánh tả, đã thắng vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Ecuador vào Chủ nhật, nhưng không đạt đủ 40% số phiếu cần thiết để giành chiến thắng hoàn toàn. Ở vòng hai, ông sẽ đối mặt Yaku Pérez, người kỳ vọng trở thành tổng thống người bản địa đầu tiên của nước này, hoặc Guillermo Lasso, một cựu chủ ngân hàng; hai người này đang sít sao nhau ở vòng đầu.

Iceland đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phong tỏa sau khi kiềm chế thành công tỷ lệ lây nhiễm covid-19 ở mức thấp. Các quán bar, nhà hàng và phòng gym, cùng những nơi khác, đã mở cửa trở lại. Các địa điểm dịch vụ nghệ thuật và tôn giáo hiện được đón tới 150 người, tăng so với giới hạn trước đây là 100. Nước này ít bị ảnh hưởng bởi covid-19 hơn các nước khác ở châu Âu, khi chỉ ghi nhận 29 người chết vì đại dịch.

Trung Quốc chặn Clubhouse sau khi hàng nghìn người dùng đổ xô vào ứng dụng trò chuyện âm thanh này để thảo luận về các vấn đề chính trị nhạy cảm. Trong số này có vấn đề đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và nền độc lập của Đài Loan. Ứng dụng chỉ dành cho người được mời này nổi tiếng về bảo vệ quyền riêng tư, vì nó không ghi lại các tệp âm thanh của người dùng.

Boohoo, một nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Anh, đã mua ba thương hiệu và trang web từ Arcadia, công ty vừa phá sản năm ngoái. Thỏa thuận trị giá 25 triệu bảng (34 triệu USD) không bao gồm các cửa hàng Dorothy Perkins, Wallis và Burton. Khoảng 2.450 người có thể mất việc làm. Trong một giao dịch tương tự vào tháng trước, Boohoo đã mua thương hiệu và trang web của cửa hàng bách hóa Debenhams với giá 55 triệu bảng.

TIÊU ĐIỂM

Thượng viện bắt đầu phiên tòa luận tội Trump

Phiên tòa luận tội Donald Trump bắt đầu hôm nay tại Thượng viện. Phiên tòa trước đó của ông (ông Trump là tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần) kéo dài ba tuần, và liên quan một loạt bằng chứng cũng như các vấn đề chính sách đối ngoại phức tạp. Phiên tòa lần này sẽ ngắn và đơn giản hơn. Hạ viện đã luận tội ông Trump với chỉ một tội danh kích động nổi dậy — cụ thể là đám đông những người ủng hộ Trump xông vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 khi cả thế giới bàng hoàng theo dõi.

Phát biểu ngay trước vụ đột nhập, con trai ông Trump đã cảnh báo những người Cộng hòa không trung thành rằng: “Chúng tôi sẽ tìm đến các anh.” Bản thân ông Trump, sau nhiều tháng tuyên bố cuộc bầu cử tháng 11 bị “đánh cắp”, cũng đã nói với đám đông đó rằng hãy “chiến đấu đến cùng” và “thể hiện sức mạnh”. Các luật sư của ông có thể lập luận vụ bạo loạn đã được lên kế hoạch từ trước chứ không phải do ông Trump xúi giục. Họ cũng nói rằng thủ tục tố tụng là vi hiến và bài phát biểu của ông được Tu chính án Thứ Nhất bảo vệ. Luận tội thành công cần có 17 phiếu ủng hộ từ các thượng nghị sĩ Cộng hòa – một viễn cảnh khó xảy ra.

Ngày cuối WHO điều tra nguồn gốc virus tại Vũ Hán

Hôm nay, thế giới có thể được nghe tin tức về chuyến đi của các nhà khoa học quốc tế đến Vũ Hán. Nhiệm vụ của họ là điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 – loại virus gây ra đại dịch covid-19. Các chuyên gia đến Trung Quốc từ tháng 1, làm việc với các nhà nghiên cứu địa phương, và đến các địa điểm được quan tâm. Nhóm nghiên cứu do WHO triệu tập đã tìm ra “những manh mối quan trọng” về vai trò của chợ động vật sống trong đợt bùng dịch, vốn ban đầu được cho là nguồn gốc của virus, nhưng sau đó lại bị loại trừ.

Các nhà nghiên cứu cũng đã đến thăm Viện Virus học Vũ Hán, nơi đã trở thành tâm điểm của các thuyết âm mưu về một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Khi bắt đầu chuyến đi, nhóm nghiên cứu khá dè dặt về những tiến bộ có thể đạt được — việc tìm kiếm nguồn gốc các đợt bùng phát virus có thể khó khăn. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu trong đoàn cho biết ông kỳ vọng sẽ có thể nói được điều gì đó có giá trị vào cuối chuyến đi, tức ngày mai.

Vụ kiện Autonomy – HP ra tòa London

Hôm nay một cuộc chiến dẫn độ gây ra bởi một cuộc đối đầu giữa hai doanh nghiệp sẽ được đưa ra tòa ở London. Vụ kiện liên quan đến thương vụ 11,6 tỷ USD bán Autonomy, vốn từng là ngôi sao sáng nhất trong giới công nghệ Anh, cho Hewlett-Packard một thập niên trước. Một năm sau cuộc mua lại, HP đã ghi giảm giá trị của nó 8,8 tỷ đô la, trong đó hãng quy 5 tỷ đô la là do các sai phạm về kế toán, những sai sót trong công bố thông tin hoặc “trình bày sai”. Các công tố viên Mỹ đã theo đuổi Mike Lynch, đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành Autonomy, cũng như những người khác.

Họ muốn ông hầu tòa ở San Francisco về 14 tội danh âm mưu và lừa đảo. Ông phủ nhận hành vi sai trái; luật sư của ông nói HP gặp phải “sự hối hận của người mua”. Họ sẽ tranh luận rằng Anh – nơi đang diễn ra một vụ kiện dân sự liên quan do HP khởi kiện – mới là nơi thích hợp hơn để xử kiện. Họ được ủng hộ bởi một nhóm các nghị sĩ Anh, những người nhìn thấy một câu chuyện lớn hơn: rằng các thỏa thuận dẫn độ chung của nước họ với Mỹ quá thiên vị Mỹ và do đó cần được tái cân bằng.

Công đảng Scotland bầu lãnh đạo giữa lúc khó khăn

Hôm nay bắt đầu bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới của Công đảng Scotland — lần thứ sáu trong thập niên qua. Các ứng viên là Anas Sarwar và Monica Lennon, các thành viên Quốc hội Scotland. Công đảng đã từng thống trị ở Scotland. Tuy nhiên đến nay họ đã bị gạt ra rìa, chỉ có một nghị sĩ đại diện Scotland tại Westminster và chỉ có 23 trên 129 ghế tại Holyrood.

Tỷ lệ đó có thể còn giảm hơn nữa trong các cuộc bầu cử ở Scotland vào tháng 5. Các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Dân tộc Scotland (SNP) có thể thắng đa số áp đảo. Công đảng đã phải vật lộn để được lắng nghe trong cuộc tranh luận về nền độc lập Scotland, trong bối cảnh lãnh thổ này bị thống trị bởi SNP theo hướng ly khai và đảng Bảo thủ thân Anh. Các cử tri của đảng bị chia rẽ về nền độc lập, và do đó đảng muốn nói về trường học, bệnh viện và chống lại nạn nghiện ma túy. Trừ khi hồi sinh được ở Scotland, còn không Công đảng sẽ rất khó để lập được chính phủ ở Westminster, trong khi Scotland độc lập trở thành một triển vọng khả dĩ hơn.

Một loạt sứ mệnh không gian đến Sao Hỏa

Hành tinh này chứng kiến các hoạt động của con người nhiều hơn bất kỳ hành tinh nào ngoài Trái đất và sắp trở nên còn bận rộn hơn. Trong vài ngày tới, ba sứ mệnh mới sẽ đến sao Hỏa. Al-Amal, một tàu thăm dò của UAE, sẽ hạ cánh vào hôm nay, và sau đó một ngày là sứ mệnh của Trung Quốc mang tên Thiên Vấn-1. Vào ngày 18 tháng 2 sẽ đến lượt Perseverance, một sứ mệnh từ Mỹ. Hai sứ mệnh của Trung Quốc và Mỹ mang theo các xe tự hành được thiết kế để đi trên bề mặt Sao Hỏa.

Đến nay Mỹ đã gửi được bốn chiếc xe tự hành như vậy; còn với Trung Quốc đây là lần đầu. Sao Hỏa thu hút nhiều chú ý vì một số lý do. Một là khoa học. Sao Hỏa từng có nước, giống như Trái đất. Các nhà khoa học rất muốn biết nước của nó đã mất đi đâu. Một số người kỳ vọng tìm thấy bằng chứng về sự sống trước đây — hoặc thậm chí là dấu vết của người ngoài hành tinh ngày nay. Nhưng việc gửi các tàu thăm dò lên sao Hỏa cũng đánh dấu một bước tiến kỹ thuật so với chuyến du hành lên Mặt trăng. Và trong tâm trí của các nhà lãnh đạo, sức mạnh công nghệ trong không gian có liên hệ với sức mạnh trên Trái đất.