Học giả Trung Quốc: Quan hệ Mỹ – Nga bước vào thời kỳ ‘tối như hũ nút’

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Ngô Đại Huy (Trung Quốc)* | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Gần đây, Mỹ và các nước châu Âu ngày càng tăng cường gây sức ép chính trị và trừng phạt kinh tế lên Nga. Việc Mỹ dẫn đầu gây ra vụ trục xuất các quan chức ngoại giao Nga đã dẫn đến tình trạng phương Tây và Nga trục xuất lẫn nhau các quan chức ngoại giao của mỗi bên. Điều đó làm cho thế giới cảm nhận được mùi vị bầu không khí của cuộc chiến trục xuất với quy mô lớn các nhà ngoại giao giữa phương Đông và phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Một ngày trước đó, Sứ quán Mỹ tại Nga tuyên bố rằng Đại sứ Sullivan sẽ không rời Nga [để về Mỹ báo cáo tình hình], thế nhưng ngày 20 giờ địa phương, Sứ quán Mỹ bất ngờ ra thông báo cho biết ông Sullivan sẽ về Mỹ trong tuần này để trực tiếp trao đổi về mối quan hệ Mỹ – Nga với các lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Biden. Cho đến nay, đại sứ của hai bên đều đã về tới nước mình.

Khi đánh giá hướng đi của mối quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Biden, Tổng thống Nga Putin từng nói như sau: Quan hệ Nga-Mỹ “đã bị hủy hoại” và “một mối quan hệ vốn đã tồi tệ thì không có cách nào để nó bị phá hủy thêm nữa.” Không khó nhận thấy Putin đã chuẩn bị tâm lý cho sự xấu đi toàn diện của quan hệ Nga – Mỹ. Xuất phát từ cách phân tích theo quan điểm thực tiễn chính sách của Mỹ đối với Nga trong ngót 100 ngày sau khi Biden nhậm chức, có thể thấy quan hệ Nga – Mỹ ngày nay không tránh khỏi việc ngày càng xấu đi.

Thứ nhất, thái độ “chống Nga” đã từ chỗ được nội bộ nước Mỹ coi là “đúng đắn về chính trị” gấp rút chuyển biến thành “đúng đắn về chính trị” trong các nước EU.

Nếu nói rằng Đảng Dân chủ Mỹ có một kiểu cuồng tín tôn giáo về ý thức hệ, thì chính sách đối với Nga của chính quyền Biden đang thực thi đến cùng “chứng rối loạn tâm thần [hysteria] chống Nga” bắt đầu hình thành từ cuối thời Obama. “Chống Nga” được coi là sự đúng đắn chính trị lớn nhất của Mỹ, thậm chí chống Nga chỉ vì để chống Nga mà thôi, căn bản chẳng để ý đến hiệu quả thiết thực và hậu quả nghiêm trọng nó có thể mang lại. Ý tưởng về “các giá trị dân chủ” trong chiến lược đối ngoại của Đảng Dân chủ Mỹ đang bị tuyệt đối hóa. Biden đã hơn một lần công khai tuyên bố “Tôi nghĩ Nga là kẻ địch lớn nhất của Mỹ.” Lời cáo buộc “Trump là con chó săn nhỏ của Putin” trong chiến dịch tranh cử của Biden và lời nói gần đây về chuyện “Putin là kẻ giết người” bị giới truyền thông Nga coi là cực kỳ xúc phạm.

Biden nhiều lần tuyên bố công khai rằng ông “sẽ dẫn dắt thế giới tự do đấu tranh chống lại chủ nghĩa chuyên chế đang trỗi dậy.” Cuộc đại cạnh tranh mới này rất phù hợp với tư duy Chiến tranh Lạnh của giới tinh hoa chính trị Mỹ, chỉ có điều vai trò của Liên Xô hiện nay do Nga và một quốc gia lớn khác ở phía đông [ý nói Trung Quốc] đảm nhận. Kịch bản này yêu cầu ban lãnh đạo Mỹ phải duy trì một liên minh lớn mạnh các quốc gia dân chủ để đấu tranh chống lại các “đối thủ ý thức hệ” trên phạm vi toàn cầu. Trên cơ sở “giá trị dân chủ” mà liên kết các đồng minh nhằm bóp nghẹt Nga. Điều đó chẳng hẹn mà trùng hợp với ý tưởng của các nước châu Âu đang cố gắng xoay chuyển mối quan hệ Mỹ – châu Âu trong thời kỳ hậu Trump. “Chống Nga” không chỉ là “sự đúng đắn về chính trị” ở nội bộ nước Mỹ, mà còn đang trở thành “sự đúng đắn về chính trị” của các nước EU. Việc thuận theo ý muốn của Biden và tăng cường dàn xếp chống Nga đã trở thành một thứ “chứng chỉ uỷ nhiệm” để các nước EU xích lại gần hơn với Mỹ.

Nhìn từ góc độ ấy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy các đồng minh châu Âu của Mỹ theo đuôi Washington trục xuất các nhà ngoại giao Nga trên quy mô lớn.

Thứ hai, Nga đã làm xong việc chuẩn bị xảy ra xung đột quân sự và cắt đứt các hoạt động trao đổi với Mỹ và các nước châu Âu.

Chính sách lấn tới [nguyên văn: kích tiến] hiện tại của Washington đối với Nga đã làm cho Chính phủ Ukraine nhìn thấy cơ hội tốt được Mỹ ủng hộ để thách thức Nga và tiến tới giải quyết vấn đề hai vùng miền đông Ukraine, thậm chí có thể thu hồi Crimea. Cho tới nay, người Ukraine vẫn nhớ chuyện năm 2014, sau khi nổ ra chiến sự ở miền đông Ukraine, ông Biden với tư cách là phó tổng thống Mỹ đã đến thăm Kiev, và chiếc chuyên cơ của ông được trang bị radar phản pháo binh do Mỹ khẩn cấp cung cấp cho quân đội Ukraine. Trong thời kỳ Obama, Biden còn chủ trì hoạch định chính sách của Mỹ đối với Ukraine.

Sau khi nhậm chức tổng thống, Biden đã nhiều lần công khai bày tỏ quyết tâm trở lại với “Sáng kiến ​​tái đảm bảo châu Âu” dưới thời Obama, tức là phải kết hợp với các đồng minh châu Âu tăng cường những điểm có vị thế yếu kém về quân sự của NATO trên tuyến “Ba quốc gia Baltic -— Ba Lan — Biển Đen. ” nhằm cảnh báo tuyến này là” lằn ranh đỏ “mà Nga mãi mãi không thể vượt qua. Chính trên nhận thức đó mà quân đội chính phủ Ukraine đã tăng sức ép quân sự lên hai vùng đông Ukraine, và hy vọng bằng cách đó thu hút sự can thiệp quân sự trực tiếp từ Mỹ và NATO.

Mặt khác, xung quanh vấn đề hai vùng đông Ukraine và Crimea, Nga đã triển khai xong cuộc cạnh tranh quân sự khốc liệt với Mỹ và NATO, thậm chí đã chuẩn bị xong cho việc nổ ra xung đột quân sự trực tiếp. Từ tháng 3 trở đi, Nga đã tăng cường triển khai bố trí quân lực một cách có trật tự ở khu vực biên giới Nga — Ukraine, đồng thời bình thường hóa các cuộc tập trận ở khu vực Biển Đen nhằm chống lại sự xâm nhập quân sự liên tục của NATO vào khu vực Biển Đen. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố “Các lực lượng vũ trang Nga đã làm xong việc chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh tổng lực”.

Để đối phó với sức ép chính trị và trừng phạt kinh tế do Mỹ và các đồng minh châu Âu gây ra, Nga đã phát động một cuộc phản kích cứng rắn khác với trước đây, thậm chí mức độ phản kích còn vượt quá mức độ sức ép của Mỹ và châu Âu gây ra với Nga. Trong danh sách trừng phạt có đi có lại còn có cả việc cấm nhập cảnh vào Nga đối với 8 quan chức cấp cao đương chức và cựu quan chức cấp cao của Mỹ. Đó là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam James Carvajal, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Michael Mayorkas, Cố vấn của Tổng thống về Chính sách Nội địa Susan Rice, Giám đốc FBI Christopher Ray, Giám đốc Cục Tình báo Quốc gia James Haynes, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và cựu Giám đốc CIA Susan Woolsey. Điều này chủ yếu là để đáp trả lệnh trừng phạt ngày 2 tháng Ba của Mỹ đối với 7 quan chức cấp cao Nga với lý do bắt giam Navalny. Trong số các quan chức Mỹ cấp cao bị Nga trừng phạt có 6 người đứng đầu các cơ quan ngành tình báo Mỹ. Nga và Mỹ luôn duy trì quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tình báo và an ninh, giờ đây việc cấm người đứng đầu các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ vào Nga có thể có nghĩa là Nga không có ý định thực hiện các hợp tác thực chất về tình báo và an ninh với Mỹ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã sẵn sàng chuẩn bị tạm thời đình chỉ quan hệ ngoại giao với Mỹ và các đồng minh cấp tiến ở châu Âu. Xét cho cùng, về mặt này trước đây Nga đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh ngoại giao với Mỹ và phương Tây.

Thứ ba, trên vấn đề Ukraine, Mỹ và các nước châu Âu một mặt hạ thấp khả năng xung đột quân sự với Nga, mặt khác lại không ngừng gia tăng xung đột chính trị với Nga.

Ngày 13 tháng 4, Biden đã chủ động nêu sáng kiến tổ chức trao đổi điện thoại giữa hai nguyên thủ Nga và Mỹ. Vì vậy, Mỹ đã hoãn lại việc công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Trong cuộc điện đàm với ông Putin, ông Biden đề nghị trong thời gian tới hai nguyên thủ Nga và Mỹ sẽ gặp nhau tại một nước thứ ba ở châu Âu. Sau đó, Mỹ tuyên bố hủy kế hoạch cho hai tàu khu trục Mỹ đi vào Biển Đen. Rõ ràng hiện nay Mỹ và các đồng minh chủ yếu ở châu Âu vẫn còn khó làm được, hoặc chưa chuẩn bị xong việc điều động quân đội thậm chí đánh liều làm một cuộc chiến nhỡ tay cướp cò với quân đội Nga. Đây là lý do tại sao Biden đã chủ động nêu ra chuyện liên lạc điện thoại với Putin, và đề nghị Nga và Mỹ thiết lập một “cơ chế tương tác ổn định và có thể dự đoán được” — hai bên có thể tiếp tục nói những lời gay gắt, đồng thời Mỹ có thể chơi đến cùng trò trừng phạt kinh tế và gây sức ép chính trị với Nga, nhưng trên mặt quân sự, Mỹ sẽ cố gắng tránh chạm trán với Nga.

Nếu nói rằng quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Trump đã nguội lạnh và đã tiến vào đêm trước của “thời kỳ hũ nút”,[1] thì mối quan hệ Nga – Mỹ sau khi ông Biden lên nắm quyền đang không tránh khỏi bước vào “thời điểm hũ nút”. Điều này có nghĩa là trong tình hình hiện nay, Mỹ và Nga khó có thể đưa ra những thu xếp chiến lược lâu dài và có thể đoán trước được. Ngay cả khi Nga và Mỹ trong thời gian tới có thể tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa hai nguyên thủ quốc gia đi nữa thì vẫn sẽ khó nâng cao được khả năng dự đoán trong ngắn hạn mối quan hệ song phương. Hai bên chỉ có thể mò mẫm tiến về phía trước và cố gắng tuỳ cơ đối phó với những diễn biến khó lường mà thôi.

Ngô Đại Huy (Wu Da-hui) là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Thanh Hoa.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ bản tiếng Trung trên Thời báo Hoàn cầu, ngày 22/4/2021吴大辉:美俄关系跨入“黑障时刻”

————–

[1] 黑障期, trong đó 黑障(tiếng Anh là blackout), ở đây có nghĩa là mất ánh sáng.