Tại sao Belarus được gọi là nền độc tài cuối cùng của châu Âu?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Why Belarus is called Europe’s last dictatorship”, The Economist, 25/05/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Quyết định của tổng thống Belarus Alexander Lukashenko buộc một chuyến bay chở khách từ Hy Lạp đến Litva phải hạ cánh ở Minsk, thủ đô Belarus, để bắt giữ một nhà báo trên máy bay đã gây sốc cho thế giới. Nhưng có lẽ mức độ gây sốc sẽ không nhiều như khi bất kỳ lãnh đạo châu Âu nào khác làm như vậy. Sự sẵn sàng đàn áp người dân trong khi không sẵn lòng từ bỏ quyền lực của Lukashenko đã khiến ông nổi tiếng là nhà độc tài cuối cùng của châu Âu. Năm ngoái, ông đã “đánh cắp” một cuộc bầu cử và đàn áp các cuộc biểu tình lớn sau đó. Lukashenko đã cai trị Belarus trong 26 năm qua như thế nào?

Lukashenko được bầu làm tổng thống Belarus vào năm 1994, ba năm sau khi đất nước tuyên bố độc lập khi Liên Xô giải thể. Không giống như các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác, ông đã bảo tồn các di tích của chủ nghĩa cộng sản. Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười năm 1917 vẫn là một ngày lễ quốc gia, và các nhà máy quốc doanh vẫn nằm dưới sự kiểm soát của ông. Sự tiến bộ của nền dân chủ và thị trường tự do đã rất chậm chạp.

Tổng thống có mối quan hệ thân thiết với Nga: nước láng giềng hùng mạnh này đã cung cấp cho Belarus khí đốt giá rẻ và dầu thô có trợ giá, được Belarus đem lọc và bán kiếm lời. Năm 1999, hai nước đã thành lập một “quốc gia liên hiệp” để tăng cường hội nhập kinh tế. Mặc dù ông Lukashenko đã cảnh giác với việc nền độc lập bị ảnh hưởng, sự hỗ trợ của Nga đã giúp duy trì mức sống khá ở đất nước ông — vốn tốt hơn so với nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác — điều giúp xoa dịu công chúng trong nhiều năm qua.

Tất cả đã thay đổi vào tháng 8 năm 2020 khi ông Lukashenko tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống để giành nhiệm kỳ thứ sáu của mình. Cuộc bỏ phiếu được nhiều người cho là bị gian lận. Một số ứng cử viên đối lập đã bị cấm tranh cử, bao gồm cả Sergei Tikhanovsky, một cựu doanh nhân và vlogger, người vẫn đang ngồi tù. Vợ ông, Svetlana Tikhanovskaya, đứng ra thay vị trí của ông, và bà có lẽ là người chiến thắng hợp pháp. Nhưng Lukashenko tuyên bố rằng ông đã giành được 80% số phiếu bầu.

Khi hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình, cảnh sát đã đáp trả bằng bạo lực. Theo Nash Dom, một tổ chức phi chính phủ Belarus, đến tháng 12, 30.000 người đã bị bắt và hơn 4.000 người tuyên bố đã bị tra tấn. Người biểu tình đã bị làm nhục trên sóng truyền hình nhà nước và trong một số trường hợp bị buộc phải rút lại tuyên bố của họ về cuộc bầu cử hoặc sự tàn bạo của các cơ quan nhà nước. Bà Tikhanovskaya đã phải sống lưu vong ở Litva. Ít nhất bốn người đã chết. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, mặc dù số người tham gia giảm dần. Trong những tháng gần đây, tổng thống đã nhắm vào các nhà báo Belarus: tuần trước, 11 nhân viên của Tut.by, một trang tin tức độc lập, đã bị bắt giữ.

Phản ứng của các nhà lãnh đạo châu Âu đối với chế độ chuyên quyền của ông Lukashenko cho đến nay vẫn còn yếu ớt. Một số trong đó, bao gồm thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã gặp bà Tikhanovskaya. EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt — đóng băng tài sản và cấm đi lại — đối với 88 người Belarus, bao gồm cả ông Lukashenko. Mỹ có danh sách trừng phạt riêng, dù ngắn hơn.

Sẽ có nhiều hậu quả hơn sau vụ bắt cóc máy bay chở khách. Vào ngày 24 tháng 5, EU đã cấm máy bay của Belarus bay vào không phận của mình và yêu cầu các chuyến bay của châu Âu không được vào không phận Belarus. Họ cũng hứa hẹn các biện pháp trừng phạt kinh tế mới. Nhưng Sergei Lavrov, ngoại trưởng Nga, đã ủng hộ ông Lukashenko. Với sự ủng hộ của Nga dành cho Belarus vẫn không đổi và phần còn lại của châu Âu đã tẩy chay Lukashenko từ trước, các biện pháp trừng phạt bổ sung này có thể không giúp ích nhiều trong việc thách thức quyền lực của ông Lukashenko.

Thấy gì từ sự kiện Belarus bắt cóc máy bay trên không phận mình?