Bế tắc ở Crimea 5 năm sau sáp nhập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tikhon Dzyadko, “Stalemate in Crimea”, Project Syndicate, 16/03/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Năm năm sau khi Nga sáp nhập Crimea, không có lý do gì để tin rằng tình trạng bán đảo sẽ sớm thay đổi. Ngày nay, thật dễ hình dung hơn về sự thống nhất của hai miền Triều Tiên – một điều không thể tưởng tượng được vài năm trước – so với việc Crimea được trả lại cho Ukraine. Mặc dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn gọi tình hình ở bán đảo này là một “âm mưu thôn tính”, nhưng âm mưu này đã thành công. Và phương Tây không thể làm được gì về điều này.

Các hành động của Nga tại Crimea năm 2014 đã dẫn tới các lệnh trừng phạt quốc tế và các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Điện Kremlin. Quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn ở mức thấp nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng phản ứng của Phương Tây đã không có tác dụng gì đối với lập trường của Nga.

Bất chấp sự phản đối của quốc tế, Kremlin vẫn kiểm soát hoàn toàn bán đảo và các khu vực lân cận. Nga tiếp tục triển khai lực lượng vũ trang và xây dựng cơ sở hạ tầng ở đó, bao gồm một cây cầu đường bộ và đường sắt qua eo biển Kerch để kết nối Crimea với vùng Krasnodar Krai ở Nga. Tàu Ukraine bị trừng phạt nếu đi qua eo biển Kerch. Và Ukraine và phương Tây, cũng như các nhóm nhân quyền, đã không thể ngăn chặn giới chức Nga đàn áp người Tatar ở Crimea.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng đến hàng chục quan chức và doanh nhân Nga, nhưng chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho Điện Kremlin. Và các lệnh trừng phạt sau đó, vốn thực sự đã gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, đã được áp đặt để đáp trả lại sự ủng hộ của Nga đối với phe ly khai ở khu vực Donbas thuộc miền Đông Ukraine, chứ không phải là nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea. Nga có thể rời Donbas bất cứ lúc nào để thoát khỏi những lệnh trừng phạt đau đớn nhất. Và, nếu xét tranh cãi giữa châu Âu và Hoa Kỳ về dự án đường ống Nord Stream 2 (khi hoàn thành vào năm tới sẽ đưa khí đốt Nga trực tiếp đến Đức), Phương Tây dường như bị chia rẽ về các lệnh trừng phạt hơn so với hồi năm 2014.

Các nỗ lực nhằm cô lập Điện Kremlin về mặt ngoại giao cũng không mấy hiệu quả. Ngay sau khi sáp nhập Crimea và bắt đầu cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị ruồng bỏ tại các diễn đàn quốc tế. Nhưng mọi thứ ngày nay lại rất khác.

Mặc dù Nga không còn được mời tham dự các cuộc họp của nhóm G7, Putin vẫn là người tham gia đầy đủ các hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20. Ông đã tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Sochi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở St. Petersburg và các nhà lãnh đạo các nước châu Á tại Vladivostok. Vào tháng 7 năm 2018, ông đã có một cuộc gặp có vẻ thân mật ở Helsinki với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã nói rằng ông muốn có quan hệ tốt đẹp với Putin. Và không có quốc gia nào tẩy chay World Cup 2018 ở Nga – trái ngược hoàn toàn với việc nhiều nước tẩy chay Thế vận hội Mùa hè 1980 tại Moskva sau khi Liên Xô xâm lược Afghanistan. Nếu đây được coi là sự “cô lập” thì chắc chắn nó không gây tổn hại gì mấy cho Nga.

Nhưng mặt khác, việc thôn tính Crimea cũng không hề rẻ. Theo nhà kinh tế nổi tiếng người Nga Serge Aleksashenko, Putin đã chi 23 tỷ đô la trong năm năm qua để phát triển Crimea – tương đương với ba năm chi tiêu của chính phủ cho lĩnh vực y tế trên toàn nước Nga. Vì vậy không có gì bất ngờ  khi 92% cư dân trên bán đảo này đã ủng hộ Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018. (Ngay sau sáp nhập vào năm 2014, khoảng 86% người Nga đã ủng hộ hành động của Putin.)

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt cũng có những tác động – nhưng không phải đối với điện Kremlin mà đối với công dân Nga. Mức sống ở Nga đã giảm 11% trong năm năm qua và tăng trưởng kinh tế đã chững lại ở mức 2%. Hơn nữa, chính quyền Nga đã áp dụng các biện pháp cải cách lương hưu không được lòng dân và tăng thuế nhằm củng cố ngân sách.

Do đó, sự ủng hộ của người dân đối với Putin đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2013 và quốc gia này đang trải qua các cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, những người biểu tình không coi tình trạng tồi tệ của nền kinh tế là hậu quả của việc sáp nhập Crimea. Hơn nữa, theo khảo sát của Trung tâm Levada, gần một nửa số người Nga coi việc sáp nhập là một điều đáng tự hào.

Không gian hậu Xô Viết vẫn còn nhiều bất định. Chẳng hạn, hầu như không ai có thể hình dung được một cuộc cách mạng ở Ukraine vài ngày trước khi nó bắt đầu vào tháng 2 năm 2014. Nhưng việc mất lòng cử tri và các cuộc biểu tình rộng khắp dường như không thể đe dọa nghiêm trọng vị thế của Putin vào lúc này. Và ngay cả khi có sự thay đổi quyền lực ở Nga, dàn lãnh đạo mới cũng sẽ không nhất thiết phải áp dụng một chính sách khác đối với Crimea. Người chỉ trích hàng đầu đối với Putin, Alexei Navalny, người mà Kremlin cấm không cho ra tranh cử tổng thống, nói rằng nếu giành chiến thắng, ông sẽ khởi xướng một cuộc trưng cầu dân ý khác để xác định bán đảo Crimea thuộc về quốc gia nào. Ông không đơn giản là chỉ xem xét lựa chọn trả lại Crimea cho Ukraine.

Bế tắc ở Crimea có khả năng vẫn tồn tại. Đối với Putin, người vào năm 2005 gọi việc Liên Xô sụp đổ là “một thảm họa địa chính trị lớn của thế kỷ [20]”, việc lấy lại một phần của Liên Xô để biến thành lãnh thổ Nga là một thắng lợi lớn. Putin sẽ đưa Crimea gắn bó hơn với nước Nga, trong khi cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục phản đối sự sáp nhập và sẽ không công nhận tình trạng hiện tại trên bán đảo.

Không có giải pháp nào trong tầm tay, phương Tây có thể sẽ cần phải kiên nhẫn và tự an ủi bằng kinh nghiệm lịch sử. Hoa Kỳ đã không công nhận các quốc gia vùng Baltic là một phần của Liên Xô trong suốt 50 năm. Sau đó, Liên Xô sụp đổ, và vấn đề đã tự được giải quyết.

Tikhon Dzyadko là một nhà báo tại Moskva và là người dẫn chương trình tin tức của kênh RTVI.