Việt Nam Mật Chiến (Phần 12)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Bài nói của Mao Trạch Đông với đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc (ngày 27/6/1950)

“Thưa các đồng chí, lần này mọi người đi làm cố vấn, đây là một việc lớn và mới. Đây là lần đầu tiên Đảng, Nhà nước và quân đội ta phái một đoàn Cố vấn ra nước ngoài, việc này có ý nghĩa lớn, là vinh dự của chúng ta. Các đồng chí sẽ đi làm một nhiệm vụ rất quan trọng, rất khó khăn. Mong sao mọi người sẽ đạt được thành tích tốt, thu được kinh nghiệm tốt. Sau này, trong quá trình xây dựng đất nước và quân đội, cùng với sự biến đổi tình hình quốc tế, chúng ta có thể còn phái nhiều cố vấn ra nước ngoài, giúp đỡ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc và quốc gia bị áp bức. Đây là vấn đề của chủ nghĩa quốc tế, là nghĩa vụ của người cộng sản. Trên thế giới còn có nhiều nước bị áp bức, bị xâm lược, họ đang ở dưới gót sắt của bè lũ đế quốc. Chúng ta không những phải đồng tình với họ mà còn phải giơ hai tay viện trợ họ.

Không được vì chúng ta đã đánh bại Tưởng Giới Thạch mà cho rằng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Cần thấy rằng lực lượng bọn đế quốc hãy còn rất mạnh, chúng không cam chịu thất bại ở Trung Quốc. Hành động của chúng ở Triều Tiên, Việt Nam là nhằm tạo ra thế bao vây chúng ta, khi nào có dịp là chúng sẽ trực tiếp nhắm vào chúng ta. Bởi vậy, giúp các dân tộc bị áp bức cũng là xuất phát từ an toàn của chúng ta. Môi hở răng lạnh, vì sự an toàn của chúng ta, vì để giúp các dân tộc anh em, các đồng chí đi Việt Nam công tác là một công đôi việc. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản chúng ta cần cử đoàn Cố vấn đi Việt Nam công tác.”

Khác với giọng nói đều đều của Lưu Thiếu Kỳ, khi nói chuyện Mao Trạch Đông thường cất cao giọng như cách nói của nhà thơ, có sức thu hút người nghe:

“Các đồng chí biết đấy, nhiều bạn nước ngoài đã tham gia cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc. Đồng chí Hồ Chí Minh đã tham gia ngay từ cuộc đại cách mạng lần thứ nhất của nước ta. Nhiều đồng chí Việt Nam đã đổ máu hy sinh vì cách mạng Trung Quốc. Dĩ nhiên còn có các đồng chí nước khác. Mọi người đều biết họ làm như thế dưới sự chỉ đạo của tư tưởng chủ nghĩa quốc tế. Người ta có tư tưởng chủ nghĩa quốc tế thì chúng ta cũng nên có tư tưởng ấy. Trung Quốc ngày xưa có câu ‘Chịu ơn một, báo ơn mười’. Xét về mặt tích cực, đó là thực hành nghĩa vụ quốc tế. Ngoài ra, mùa xuân vừa rồi, tôi có đi Moskva công tác một chuyến. Đồng chí Hồ Chí Minh cũng đi cùng, tìm kiếm sự viện trợ từ Liên Xô. Tại Moskva, Stalin chưa hiểu Hồ Chí Minh, nói không biết Hồ Chí Minh có phải là người Mác-xít hay không. Tôi nói, Hồ Chí Minh là người Mác-xít, đồng chí nên tiếp kiến đồng chí ấy. Và Stalin đã gặp Hồ Chí Minh. Nhưng khi Hồ Chí Minh nêu vấn đề xin viện trợ của Liên Xô, và đề nghị Liên Xô cử cố vấn sang giúp Việt Nam, thì Stalin chưa đồng ý. Trên đường từ Liên Xô về Trung Quốc, tôi đã bàn vấn đề này với Hồ Chí Minh, đồng chí ấy yêu cầu chúng ta cử đoàn cố vấn sang giúp Việt Nam. Tôi nói, về viện trợ vật chất, chúng tôi sẽ gắng hết sức giúp, còn về vấn đề cử đoàn cố vấn thì chúng tôi không tiện làm, bởi lẽ cán bộ chúng tôi chưa được huấn luyện chính quy, chưa được học ở nhà trường, chỉ có một số kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng Hồ Chí Minh vẫn cứ nhiều lần yêu cầu. Tôi bèn nói, cá nhân tôi không có ý kiến gì, nhưng vẫn phải về bàn với các đồng chí ở Trung ương xem sao. Cần phái cố vấn đi thì cũng là ‘Thổ cố vấn’ [cố vấn nhà, chưa được học trường lớp quân sự chính quy] thôi.”

Nói tới đây, Mao Trạch Đông bất giác cười. “Tôi từ Liên Xô trở về, Trung ương đã nghiên cứu vấn đề đó, mọi người nhất trí đồng ý cử đoàn cố vấn đi Việt Nam. Sau đó đã phái đồng chí La Quý Ba đi trước. Căn cứ theo tình hình Việt Nam mà đoàn La Quý Ba tìm hiểu được, nay quyết định cử một Đoàn Cố vấn quy mô như thế này đi Việt Nam. Như vậy là sẽ yêu cầu các đồng chí vất vả một chuyến. Trung ương còn chuẩn bị cử đồng chí Trần Canh sang Việt Nam trước các đồng chí một bước. Trần Canh quen đồng chí Hồ Chí Minh, và từng giúp các đồng chí Việt Nam chỉnh huấn và trang bị vũ khí cho bộ đội họ tại vùng biên giới Trung – Việt. Trần Canh sẽ đi giúp các đồng chí công tác một thời gian.”

“Lần này Trung ương quyết định mời đồng chí Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn Đoàn Cố vấn. lẽ ra định cử đồng chí ấy đi làm việc tại Liên Hợp Quốc, nhưng vì Liên Hợp Quốc do Mỹ thao túng, không đồng ý cho Trung Quốc vào mà vẫn giữ Tưởng Giới Thạch. Sau đấy chúng tôi lại định cử Vi Quốc Thanh làm Đại sứ tại Anh Quốc, nhưng nước Anh luôn chơi trò hai mặt với chúng ta, vì thế đành phải xuống cấp, không cử Đại sứ nữa. Và thế là chúng tôi cử Vi Quốc Thanh đi Việt Nam làm Trưởng đoàn Đoàn Cố vấn. Đồng chí ấy rất đồng ý. Như vậy là rất tốt! Đâu cần thì người cộng sản đến, nơi thuận lợi cũng như nơi gian khổ đều có thể đi. Chỉ cần công việc cần đến mình thì không tính toán mọi chuyện khác. Về điểm này, các đồng chí phải học tập đồng chí Vi Quốc Thanh.”

Khi đề cập nhiệm vụ của Đoàn Cố vấn, Mao Trạch Đông nói: “Các đồng chí có nhiệm vụ giúp các đồng chí Việt Nam đánh trận. Hiện nay, họ còn đánh du kích, chưa đánh các trận lớn. Hiện nay, quân Pháp chủ yếu kiểm soát các đô thị, đường giao thông, cảng biển. Quân đội Việt Nam chiếm giữ vùng nông thôn rộng lớn. Đại để như tình hình cuộc Kháng chiến chống Nhật của chúng ta. Nhưng chỉ đánh du kích thì không xong, phải giành thắng lợi, phải đánh những trận lớn hơn. Có đánh được công kiên chiến, vận động chiến thì mới có thể chuyển sang phản công, đánh bại nước Pháp. Muốn đánh những trận lớn hơn thì phải tập trung một số đơn vị bộ đội lớn. Hiện nay họ đã biên chế được một số đơn vị, để chúng ta giúp trang bị vũ khí. Sau này còn phải tập trung thêm một số đơn vị bộ đội có kinh nghiệm chiến đấu, biên chế thành bộ đội chính quy, sau khi được huấn luyện có thể đánh một số trận quy mô lớn. Dĩ nhiên, không được coi thường đánh du kích. Một số đội du kích được nâng cấp, mở rộng phình to ra, điều này các đồng chí đã có kinh nghiệm. Tóm lại du kích chiến kết hợp vận động chiến khi cần thiết, vẫn lấy du kích chiến là chính. Các đồng chí chủ yếu vẫn cần giúp Việt Nam tổ chức bộ đội chính quy, dạy họ đánh chiến tranh chính quy. Về du kích chiến, họ tự có kinh nghiệm, để họ tự làm. Khi chuyển sang vận động chiến cần chú ý làm từng bước, chú ý điều tra, nghiên cứu. Chớ nói nhiều. Trước tiên đánh vài trận nhỏ, rèn luyện bộ đội, tăng cường lòng tin, đánh trận đầu phái thắng đấy! Chớ quên các nguyên tắc của chiến tranh giải phóng, mỗi trận đều phải tập trung binh lực ưu thế, nhất định phải có binh lực gấp 3, gấp 5, thậm chí hơn nữa, so với quân địch. Không đánh thì thôi, đã đánh là phải đánh thắng. Vận động chiến vẫn lấy mục tiêu diệt sinh lực của địch là chủ yếu, chiếm cứ điểm đô thị là thứ yếu. Cho nên sang Việt Nam trước hết phải tập trung một số đơn vị bộ đội, tăng cường trang bị và huấn luyện. Phải lập đơn vị pháo binh, biết đánh công kiên. Không đánh công kiên thì sẽ không có dịp đánh quân tiếp viện của địch, tức càng không diệt được nhiều địch. Các đồng chí phải tổ chức đánh đêm, đánh gần, dùng bộc phá, lưỡi lê đánh địch. Phải tuỳ theo tình hình thực tế của người ta mà truyền thụ kinh nghiệm của ta. Phải thực sự cầu thị, khi chưa nắm rõ tình hình thì chớ bao giờ cứng nhắc áp dụng kinh nghiệm của chúng ta, làm thế sẽ hỏng việc. Không được nóng vội. Từ công tác chi bộ, công tác tư tưởng chính trị, quản lý, huấn luyện cho tới tác phong chỉ huy tác chiến, đều phải tìm cách nâng cao trình độ của họ trong tình hình thực tế. Các đồng chí phải làm gương cho người ta noi theo, ngoài ra phải truyền thụ kinh nghiệm của mình cho các đồng chí Việt Nam. Đánh một trận là tiến được một bước, sau đó phải không ngừng tổng kết kinh nghiệm, bài học. Khi cần thiết cũng phải tiến hành huấn luyện ngắn hạn trong thời gian nghỉ giữa các trận đánh. Có công mài sắt có ngày nên kim. Phải chịu khó học tập kinh nghiệm của người ta để nâng cao bản thân. Chỉ có không ngừng nâng cao trình độ bản thân thì mới có thể thực sự giúp được các đồng chí Việt Nam.”

Tiếp đó, Mao Trạch Đông nói tới vấn đề mọi người quan tâm nhất: “Làm thế nào để trở thành người cố vấn tốt? Muốn thế cần phải nghiên cứu. Cố vấn tức là cố vấn, trên thực tế là tham mưu, làm tốt vai trò tham mưu cho người lãnh đạo của họ. Tham mưu là phải có đề xuất ý kiến, nghĩ ra biện pháp giúp được lãnh đạo. Vì thế không được bao biện làm thay, càng không được làm Thái Thượng hoàng, ban phát mệnh lệnh. Sau khi đến Việt Nam, các đồng chí trước hết phải làm tốt quan hệ với các đồng chí Việt Nam, đặt nền móng tốt cho việc triển khai công tác. Chúng ta không được có tư tưởng nước lớn, không được coi thường người ta, không được có tâm lý kẻ chiến thắng, không được nạt nộ người ta. Phải ngăn chặn thói kiêu căng, nóng vội. Để thành tâm, thành ý giúp đỡ các đồng chí Việt Nam, thì phải coi sự nghiệp giải phóng của họ như sự nghiệp của mình. Có được tư tưởng như thế thì mới có thể làm tốt công tác của mình. Đến Việt Nam, các đồng chí phải yêu quý từng gốc cây ngọn cỏ, từng dòng sông ngọn núi ở đấy, phải yêu mến nhân dân Việt Nam như là yêu nhân dân Trung Quốc, tôn trọng phong tục tập quán của dân chúng, tuân theo Ba Kỷ luật lớn, Tám điều chú ý.

Mao Trạch Đông nhắc lại lịch sử: “Việt Nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp như thế nào? Đó là vào cuối đời nhà Thanh, triều đình thối nát cực độ. Khi nổ ra chiến tranh Trung Quốc – Pháp, vốn dĩ Trung Quốc đã giành được thắng lợi không nhỏ, nhưng Pháp đe doạ nhà Thanh, ép buộc nhà Thanh ký hoà ước cắt đất và bồi thường, thừa nhận Pháp chiếm Việt Nam, và như vậy Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Trong Thế chiến II, chính nước Pháp lại bị Đức chiếm, Pháp chẳng thể quan tâm tới Việt Nam. Thừa cơ, Nhật nhảy vào kiểm soát Việt Nam. Năm 1945, Thế chiến II kết thúc, Nhật thua trận và đầu hàng, đội du kích của Hồ Chí Minh tiến vào Hà Nội, thành lập Chính phủ. Ít lâu sau, nước Pháp giành lại được lãnh thổ của mình bèn đưa quân sang Việt Nam, đuổi du kích quân của Hồ Chí Minh ra khỏi Hà Nội. Hồi ấy chúng ta đang làm cuộc chiến tranh giải phóng cho nên không có cách nào giúp đỡ Việt Nam. Hiện nay chúng ta vừa mới giải phóng xong đất nước thì bắt đầu viện trợ…… Chúng ta là người cộng sản, Trung Quốc là quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thực hiện chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, khác hẳn với chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa đế quốc. Chúng ta viện trợ Việt Nam hoàn toàn vô tư, thành tâm thành ý giúp họ đánh bại thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Sau khi giành thắng lợi, họ sẽ xây dựng đất nước độc lập tự chủ.”

Phát biểu nói trên của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã xác lập nền tảng lập trường chính trị cho Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam. Nói đến đây, ông lại nhắc tới đồng chí Hồng Thuỷ [tức Thiếu tướng Nguyễn Sơn] vừa từ Việt Nam trở lại Trung Quốc. Đây là một vụ việc rất rắc rối mà La Quý Ba sau khi đến Việt Nam ít lâu đã giải quyết được. Hồng Thuỷ từ Trung Quốc về Việt Nam làm Tư lệnh một quân khu, từng lập công trong chiến đấu xây dựng và củng cố căn cứ địa. Nhưng đồng chí ấy có mâu thuẫn ngày càng sâu sắc với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Cuối cùng mâu thuẫn rất căng thẳng, đến mức Hồ Chí Minh thân chinh gặp La Quý Ba bàn việc giải quyết chuyện này. Hồ Chí Minh cho biết Hồng Thuỷ muốn về Trung Quốc công tác, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đồng ý như thế, đề nghị Chủ tịch Mao phê chuẩn. Mao Trạch Đông có quen biết Hồng Thuỷ nên đã nhanh chóng trả lời đồng ý, và giao cho La Quý Ba chịu trách nhiệm hộ tống Hồng Thuỷ về Bắc Kinh. Tháng 1 năm 1948, Hồng Thuỷ từng được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1955, Hồng Thuỷ lại được phong quân hàm Thiếu tướng Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc. Và như vậy, Hồng Thuỷ trở thành tướng lĩnh nước ngoài duy nhất được phong quân hàm của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Chủ tịch Mao mượn chuyện Hồng Thuỷ để nhắc nhở mọi người phải khiêm tốn, không được kiêu ngạo, coi thường các đồng chí Việt Nam. Nếu làm không tốt có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa hai nước.

“Còn một vấn đề nữa: cần làm cho các đồng chí Việt Nam hiểu được ý nghĩa quan trọng của tư tưởng tự lực cánh sinh. Làm cách mạng thì phải tranh thủ sự viện trợ từ bên ngoài, nhưng không thể hoàn toàn dựa vào viện trợ. Điều đó chẳng những vì chúng ta nghèo, chưa thể đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Nghèo là một sự thực. Hơn trăm năm nay nước ta rối ren, chiến tranh liên miên không dứt, chúng ta trở nên rất nghèo. Tuy chúng ta vô tư viện trợ các dân tộc bị áp bức, nhưng chúng ta đâu chỉ viện trợ có mỗi Việt Nam, vì thế viện trợ của chúng ta là có hạn. Ý nghĩa to lớn của tự lực cánh sinh là ở chỗ tự mình có tư tưởng, tinh thần và phương pháp khắc phục khó khăn. Những chuyện đó, chúng ta đã có kinh nghiệm phong phú, cần giới thiệu cho họ biết.”

“Một Nhà nước, một Đảng, một quân đội phải có tư tưởng tự lực cánh sinh, có tinh thần vượt khó khăn, có biện pháp và năng lực vượt khó khăn. Nhà nước, Đảng, quân đội như thế thì mới kiên cường, mới có hy vọng chiến thắng. Giành thắng lợi rồi mới có sức mạnh để xây dựng đất nước mình, mới giàu mạnh, mới là độc lập giải phóng thực sự, mới có thắng lợi thực sự.”

“Cuối cùng, xin nói qua về vấn đề giữ bí mật. Việc này cần đặc biệt chú ý. Không được tuỳ tiện nói tên Đoàn Cố vấn mà phải dùng một cái tên thay thế. Nếu bọn đế quốc biết việc ta cử đoàn cố vấn [ra nước ngoài], chúng nhất định sẽ làm rùm beng chuyện đó lên. Vì vậy các đồng chí phải hành động tuyệt đối bí mật, không được ba hoa huênh hoang, phải giữ bí mật ngay cả với người thân. Phải thường xuyên mặc thường phục hoặc quân phục của bộ đội Việt Nam, nhất thiết không được mang theo quân phục của Trung Quốc. Đến Việt Nam không được tuỳ tiện đi ra ngoài, không được đơn độc hành động. Khi tác chiến phải hết sức thận trọng, không được tiến lên phía trước quá xa nhằm tránh bị địch bắt làm tù binh. Làm cố vấn cũng không được chỉ huy thay người ta, cũng không được xung phong hãm trận, xông lên tuyến đầu. Các đồng chí phải nghĩ ra nhiều cách giữ bí mật thật nghiêm ngặt.”

Sau đó Mao Trạch Đông hỏi mọi người một số vấn đề cụ thể, như đã ấn định những thứ mang theo người hay chưa. Chu Đức nói: Đã đưa ra một bản danh mục các thứ ấy, nhưng cần nghiên cứu xem, một số thứ có vẻ không cần thiết lắm, như đồng hồ đeo tay, giày da, bút máy Parker.

Chủ tịch Mao phẩy tay: “Tổng Tư lệnh duyệt rồi là được, chớ nên bắt người khác nghiên cứu, chuyện này càng ít người biết càng tốt. Tổng Tư lệnh rộng rãi một chút đi. Đồng hồ, giày da, bút máy… tất cả đều nên đáp ứng yêu cầu của các đồng chí cố vấn. Lần đầu tiên ta cử đoàn cố vấn xuất ngoại mà, thay mặt đất nước ta, dù chúng ta khó khăn nữa cũng chẳng để tâm mấy thứ vặt vãnh ấy. Các đồng chí thấy thế nào?” — Mao Trạch Đông hỏi Lưu Thiếu Kỳ và mấy vị lãnh đạo đứng đấy.

Dĩ nhiên, Chủ tịch đã nói thì mọi người đều đồng ý cả thôi, ai nấy đồng thanh: “Được ạ, cứ theo bản danh mục ấy mà làm ạ”. Hội trường rộ lên tiếng cười nói vui vẻ. Mọi người đứng cả dậy. Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức lần lượt bắt tay từng thành viên Đoàn Cố vấn. Cuối cùng, Chủ tịch Mao nói lớn: “Thế nhé! Chúc các đồng chí khoẻ mạnh, thắng lợi!”.

(còn nữa)