Điều gì giúp LDP thống trị nền chính trị Nhật Bản?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: How the LDP dominates Japan’s politics”, The Economist, 28/10/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Đảng đã nắm quyền gần như liên tục kể từ năm 1955. Điều đó không có nghĩa là cử tri hạnh phúc.

Từ ngày thành lập năm 1955, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật đã thống trị nền chính trị của đất nước này. Đảng đã cầm quyền liên tục, trừ hai nhiệm kỳ ngắn ngủi vào các năm 1993-1994 và 2009-2012. Kể từ khi giành lại quyền lực vào năm 2012, LDP và đối tác liên minh nhỏ hơn của mình, Đảng Komeito (Đảng Công minh), đã thắng sáu cuộc bầu cử quốc gia liên tiếp. Khi cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hạ viện vào ngày 31 tháng 10 này, LDP có khả năng lại về đầu. Điều này xảy ra không phải trong một hệ thống chuyên quyền, mà trong một nền dân chủ với các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Làm thế nào mà LDP có thể giữ được quyền lực vững chắc như vậy?

LDP nổi lên sau khi Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau Thế chiến II và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sau khi các lực lượng cánh tả hợp nhất thành Đảng Xã hội Nhật Bản vào năm 1955, những người bảo thủ Nhật Bản, với sự thúc đẩy từ CIA của Mỹ, đã quyết định hợp nhất hai đảng bảo thủ chính: Đảng Tự do và Đảng Dân chủ Nhật Bản. Đảng LDP mới đã thiết lập ưu thế và sau đó giúp dẫn dắt phép màu tăng trưởng kinh tế của Nhật. Đảng cũng được hưởng lợi từ một hệ thống bầu cử thuận lợi nghiêng về các khu vực nông thôn, nơi ảnh hưởng của đảng rất mạnh. Các phe phái nội bộ đảng cạnh tranh nhau, với sự thay đổi chế độ đến từ bên trong; các lợi ích kinh tế giành cho các khu vực cử tri đã giúp bôi trơn bánh xe bầu cử.

Giai đoạn thống trị này của LDP, được gọi là “hệ thống năm 1955”, kết thúc vào năm 1993, khi một nhóm các ứng viên nặng ký của LDP ly khai khỏi đảng và thành lập một chính phủ liên minh với các đảng đối lập. Liên minh nổi loạn đã tan rã vào năm sau, nhưng đã kịp thông qua một cuộc cải cách bầu cử vốn mở đường cho sự xuất hiện sau đó của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng đã chiến thắng trước LDP vào năm 2009 và giúp củng cố một kỷ nguyên cạnh tranh liên đảng thực sự.

Tuy nhiên, khi nắm quyền, DPJ đã phải vật lộn để thực hiện các chính sách, làm mất lòng bộ máy hành chính quyền lực của Nhật, và bị ảnh hưởng bởi các cuộc đấu đá nội bộ, thay đổi thủ tướng hai lần trong ba năm. Đảng này cũng gặp xui xẻo khi đang cầm quyền thì xảy ra thảm họa động đất ở miền Đông Nhật Bản năm 2011, gây ra sóng thần và sự cố tan chảy tại nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Việc DPJ xử lý yếu kém cuộc khủng hoảng đã tạo điều kiện cho sự hồi sinh của LDP.

Trong những năm sau đó, phe đối lập tan rã; phiên bản tái sinh của họ, Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP), hiện vẫn không được lòng dân và đã phải vật lộn để loại bỏ các mối liên hệ của mình với cuộc khủng hoảng 2011. (Việc lãnh đạo đảng, Edano Yukio, là chánh văn phòng nội các của DPJ trong thời gian xảy ra thảm họa đã không có lợi cho CDP trên khía cạnh này.) LDP cũng đã dựa vào liên minh của mình với Komeito, bắt đầu từ năm 1999, để duy trì quyền lực trong những thập niên gần đây. Komeito là đảng không chính thức của Soka Gakkai, một hội Phật tử tại gia có khoảng 8 triệu thành viên trên khắp đất nước, và đặc biệt mạnh ở các khu vực thành thị, nơi LDP yếu hơn. Liên minh này đã chứng minh là một sự kết hợp hiệu quả cùng với mạng lưới chính trị rộng lớn của LDP trên khắp 47 tỉnh của cả nước.

Ít nhất, trên bề mặt, sự thống trị của LDP khiến nền chính trị Nhật Bản có vẻ ổn định hơn so với các nền dân chủ giàu có khác, khi nhiều quốc gia đã phải hứng chịu chủ nghĩa dân túy và tình trạng phân cực đảng phái cực đoan. Nhưng nó cũng đi kèm với các chi phí khác. Tình trạng thiếu cạnh tranh đã khiến cử tri thờ ơ: tỷ lệ cử tri đi bầu đã giảm đều đặn trong thập niên qua (xem biểu đồ), một xu hướng cũng không quá đáng ngại với lợi ích của LDP. Nó khiến các chính trị gia, và bản thân LDP, ít phải chịu trách nhiệm giải trình hơn trước công chúng. Trong cuộc tranh cử lãnh đạo đảng vào cuối tháng 9, đảng đã chọn Kishida Fumio, một cựu ngoại trưởng có xu hướng trung dung, người làm hài lòng các đảng viên cấp cao khác của đảng nhưng lại có sự ủng hộ hạn chế của người dân.

Sự thống trị của LDP cũng không báo hiệu sự hài lòng với hiện trạng. Trong một nghiên cứu toàn cầu gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã xác định sáu quốc gia nơi hơn một nửa dân số muốn “thay đổi lớn hoặc cải cách hoàn toàn hệ thống chính trị, kinh tế và chăm sóc sức khỏe”: Mỹ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản và Tây Ban Nha. LDP có thể mất một số ghế trong cuộc bầu cử hôm nay. Nhưng cho đến khi một giải pháp thay thế khả thi xuất hiện, và miễn là liên minh của họ với Komeito vẫn được giữ vững, thì quyền lực của LDP vẫn sẽ được bảo toàn.