Thế giới hôm nay: 25/11/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một bồi thẩm đoàn ở Brunswick, Georgia đã kết luận ba người đàn ông da trắng phạm tội giết Ahmaud Arbery, một người đàn ông da đen 25 tuổi không vũ trang. Travis McMichael, cùng cha là Gregory McMichael và hàng xóm William Bryan, đã truy đuổi Arbery, người khi ấy chỉ đang chạy bộ, vì nghi ngờ anh ta ăn trộm. Bryan ghi lại cảnh hai bên cự cãi, và cuối cùng Travis McMichael bắn chết Arbery. Các bị cáo đều khai chỉ hành động tự vệ; họ đối mặt mức án tối thiểu là tù chung thân. Một thẩm phán sẽ quyết định liệu họ có khả năng được ân xá hay không.

Ít nhất 31 người di cư đã chết đuối khi cố vượt eo biển Manche từ Pháp, trong vụ việc đơn lẻ có số người tử vong cao nhất từ khi thống kê được thu thập. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông “kinh hoàng” và hứa sẽ trả cho Pháp nhiều tiền hơn để tăng cường tuần tra cảnh sát dọc bờ biển Pháp. Tính đến nay đã có 26.000 người di cư vượt eo biển thành công trong năm nay, nhiều hơn gấp ba tổng số năm ngoái.

Ba bên hy vọng thành lập chính phủ mới của Đức đã hoàn tất một thỏa thuận liên minh. Lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội, Olaf Scholz, sẽ làm thủ tướng mới. Các chính sách đã được thống nhất bao gồm loại bỏ dần than đá cho tới năm 2030 và hợp pháp hóa cần sa tại các cơ sở được cấp phép. Thỏa thuận sẽ được bỏ phiếu bởi các hội nghị đảng của Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Dân chủ Tự do, cũng như bởi các đảng viên của Đảng Xanh.

Tuần vừa qua ghi nhận 199.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm 71.000 so với tuần trước đó và là con số thấp nhất kể từ năm 1969. Không nghi ngờ gì, thị trường lao động Mỹ đã phục hồi sau đại dịch nhưng con số này có thể là quá cao vì quá trình điều chỉnh dữ liệu theo thời vụ. Trong khi đó, lạm phát “lõi” tính theo năm của tháng trước đã tăng lên 4,1%.

Khi châu Âu đối mặt làn sóng ca nhiễm covid-19 kỷ lục, một số nước đang xem xét áp đặt trở lại các hạn chế chặt chẽ hơn, ngay cả đối với người đã tiêm chủng. Tin này gây ra biểu tình trên khắp lục địa. Đức sẽ sớm quyết định phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần, trong khi chính phủ Hà Lan sẽ áp đặt các biện pháp mới từ thứ Sáu. Với số ca bệnh tăng, tiêm chủng bắt buộc có thể sẽ trở nên phổ biến hơn.

Barbados sẽ trở thành nước cộng hòa phi quân chủ vào ngày 30 tháng 11, khi họ chính thức không còn coi Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Đảo quốc này vốn là thuộc địa của Anh hơn 300 năm, đã chọn toàn quyền Sandra Mason để thay thế nữ hoàng trong vai trò nguyên thủ. Bà Mason trước đây đã nhấn mạnh tính cấp thiết của quyền tự trị, nói rằng “đã đến lúc bỏ lại hoàn toàn quá khứ thuộc địa của chúng ta.”

Thụy Điển bầu Magdalena Andersson làm nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước. Bộ trưởng tài chính kiêm lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội sẽ lên nắm quyền sau khi một chính phủ mới được thành lập, dự kiến ​​vào thứ Sáu, để thay thế Stefan Lofven, người vào tháng 6 đã trở thành thủ tướng đầu tiên thua trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Con số trong ngày: 1863, là năm mà bang Georgia lần đầu ban hành luật bắt giữ công dân, cho phép mọi người có quyền bắt giữ người phạm tội ngay cả khi người đi bắt không chứng kiến ​​người bị bắt phạm tội. Ngày nay, mọi tiểu bang ở Hoa Kỳ đều cho phép thực hiện một số hình thức bắt giữ công dân.

TIÊU ĐIỂM

Tranh cãi xoay quanh Bongbong Marcos, ứng viên tổng thống Philippines

Vào thứ Sáu, cơ quan bầu cử Philippines sẽ bắt đầu nghe điều trần xoay quanh các kiến nghị ngăn Ferdinand “Bongbong” Marcos tranh cử tổng thống. Marcos – con trai của cố Tổng thống Ferdinand Marcos và bà Imelda – là người có khả năng cao nhất sẽ thắng cuộc bầu cử tháng 5 tới, theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây. Nhưng nhiều người dân Philippines có thái độ thù địch sâu sắc đối với ông và gia đình ông.

Ba trong số các đơn kiến nghị là về một bản án hình sự của ông Marcos vào năm 1995, vì đã không khai thuế thu nhập từ năm 1982 đến năm 1985. (Trớ trêu thay, cha của ông cấm bất kỳ quan chức nào bị kết án liên quan đến thuế giữ chức vụ công; dù đến nay chưa lần nào luật này được sử dụng). Cơ quan bầu cử dường như không có thiện cảm với ông Marcos. Hầu hết họ đều được bổ nhiệm bởi Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte, người không hề tha thứ cho đối thủ tiềm năng của ông vì đã khiến con gái ông là Sara Duterte không tranh cử tổng thống. Thay vào đó, bà đang tranh cử phó tổng thống.

Đức sắp có chính phủ mới

Hai tháng đàm phán sau chiến thắng sít sao của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong cuộc bầu cử liên bang, vào thứ Tư một thỏa thuận thành lập chính phủ mới đã được thống nhất. Một “liên minh đèn giao thông” gồm SPD, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) sẽ do Olaf Scholz, bộ trưởng tài chính trong chính phủ của Angela Merkel, lãnh đạo.

Họ đã phân chia các bộ trong chính phủ. Đảng Xanh được nhận năm ghế, bao gồm bộ ngoại giao và một bộ mới được thành lập về kinh tế và bảo vệ khí hậu. FPD sẽ nắm Bộ tài chính và 3 bộ khác. SPD có bảy bộ: bên cạnh thủ tướng, họ sẽ có các bộ nội vụ, quốc phòng, lao động, xây dựng, phát triển và y tế. Với bộ y tế, đảng sẽ đối mặt thách thức lớn nhất mùa đông này: ngăn chặn làn sóng covid-19 mới có thể sẽ khiến các bệnh viện Đức quá tải.

Châu Âu tiến thêm một bước tới dự luật thị trường kỹ thuật số

Bộ trưởng của các nước châu Âu ​​vào thứ Năm sẽ đồng ý rằng Ủy ban châu Âu là cơ quan thực thi chính của các quy tắc mới để đảm bảo cạnh tranh công bằng và hạn chế quyền lực của các công ty “gác cổng” kỹ thuật số: như Amazon và Alphabet (công ty mẹ Google). Các hãng này hoạt động như bên trung gian giữa số lượng lớn doanh nghiệp và người dùng. Đó là một dấu hiệu khác cho thấy EU đang tiến tới thông qua Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số đầy tham vọng của mình. Tuần trước, các thành viên nghị viện châu Âu đã đồng ý mở rộng phạm vi dự luật để nó có thể áp dụng ra ngoài phạm vi năm công ty lớn nhất, tất cả đều của Mỹ.

Nhưng Đạo luật còn lâu mới hoàn tất. Nó có thể sẽ thay đổi trong những tháng tới. Ủy ban châu Âu, các nước thành viên và nghị viện vẫn phải thống nhất một phiên bản chung. Trong khi họ cố gắng làm vậy, các công ty công nghệ lớn, đặc biệt là Google, sẽ vận động hành lang quyết liệt. Các quan chức muốn kết thúc thảo luận vào đầu năm tới, trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp.

Pháp và Ý sắp ký hiệp ước quan trọng

Châu Âu quen thuộc với những mối tình Pháp-Đức. Nhưng khi Tổng thống Emmanuel Macron tới Rome vào thứ Năm để gặp thủ tướng Ý Mario Draghi, điều đó sẽ đánh dấu một mối quan hệ xuyên biên giới khác. Vào thứ Sáu, hai người sẽ ký Hiệp ước Quirinale, một thỏa thuận Pháp-Ý được thiết kế nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh cũng như làm sâu sắc hoạt động giao lưu văn hóa, thanh niên và các hoạt động khác giữa hai nước. Nó được ví, ít nhất là về mặt biểu tượng, với Hiệp ước Elysée năm 1963 ràng buộc Pháp và Đức, đồng thời tạo cơ sở cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất hiện nay trong Liên minh châu Âu.

Thỏa thuận Pháp-Ý mới là một nỗ lực nhằm làm sâu sắc quan hệ giữa các nước lớn trong EU. Với việc Angela Merkel sớm rời nhiệm sở và nước Anh ra đi, điều này có thể báo trước một kỷ nguyên lãnh đạo nhiều thay đổi hơn. Ông Draghi và ông Macron có tầm nhìn chung, và đây là lý do hiệp ước ra đời. Nhưng các nhà lãnh đạo tương lai có thể không muốn có hiệp ước này.