Các chính khách thế giới trước bà Merkel đã nghỉ hưu như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “Zapfenstreich für Angela Merkel: Rententipps für die Bundeskanzlerin aus dem Ausland”, WELT, 3/12/2021.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Với 16 năm làm thủ tướng, bà Angela Merkel có nhiều đồng nghiệp ở nước ngoài hơn bất kỳ người đứng đầu chính phủ nào khác. Hầu hết trong số họ đã nghỉ hưu về chính trị từ lâu. Tuy nhiên bà Thủ tướng không nên lấy tất cả các vị này làm hình mẫu cho mình.

Khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng liên bang, bà Angela Merkel được Quân đội Cộng hòa Liên bang Đức tiễn đưa bằng một nghi lễ truyền thống của nước Đức dành cho các vị nguyên thủ. Chính thức bà thủ tướng sẽ nghỉ hưu trong tuần tới, khi chính phủ mới lên nắm quyền. Vậy bà Markel sẽ định hình việc nghỉ hưu của mình ra sao? Các cựu nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ ở các nước khác, những người mà bà Merkel đã cộng tác trong 16 năm qua, cho thấy điều đó có thể được thực hiện như thế nào.

Nước Pháp

Hai vị cựu đồng nghiệp người Pháp của bà Angela Merkel là ông Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy, hai vị này sau khi nghỉ hưu thì dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của họ cho các hoạt động tố tụng. Chirac, người luôn lịch lãm chào đón Thủ tướng Đức bằng một nụ hôn hoàn hảo trên mu bàn tay, đã bị kết án hai năm quản chế hồi năm 2011 vì tội biển thủ công quỹ. Từ khi ông bị đột quỵ năm 2005 thì hầu như không còn xuất hiện trước công chúng. Ông qua đời năm 2019, tuy nhiên thiên hạ có cảm giác ông ấy đã quy tiên từ lâu lắm rồi.

Người kế nhiệm ông, Nicolas Sarkozy, gần đây bị kết án một năm quản thúc tại gia với cùm mắt cá chân, nhưng đã kháng án. Thời gian còn lại, như các chính khách Pháp thực thụ, “Sarko” bận rộn với chuyện viết sách. Trong cuốn “Promenades”, ông thú nhận rằng đang thực hiện các bước đi văn hóa nối gót Picasso và Zola. Một chương trình không tồi đối với bà Merkel. Cả chiến sỹ xã hội chủ nghĩa François Hollande cũng chăm chú viết lách khi ông không bận rộn với việc tiếp khách trong văn phòng của mình ở Rue de Rivoli, nơi con chó cái Philae giống Labrador thường chễm chệ trên ghế sofa khi ông chủ của nó đàm đạo về chuyện chính trị. Cuốn sách gần đây nhất của ông, “Affronter”, nói về mâu thuẫn của ông với gã con nuôi chính trị Emmanuel Macron, người mà ông vẫn chưa tiêu hóa được sự phản bội. Đây là cuốn sách từng bán chạy nhất ở Pháp.

Vương quốc Anh

Thời kỳ bà Angela Merkel tại vị là lúc ở Anh lần lượt có tới 5 vị thủ tướng trong tòa nhà chính phủ ở phố Downing: Tony Blair, Gordon Brown, David Cameron, Theresa May và hiện tại là Boris Johnson. Khi Blair ra đi vào năm 2007, ông ta mới 54 tuổi. “Tôi muốn mình còn đủ trẻ và có đủ năng lượng để làm điều gì đó khác biệt”, chính trị gia của Công Đảng đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo WELT.

Ông có lời khuyên nào cho những người nghỉ hưu không? Blair sẽ không còn là Blair nếu ông ấy thực sự nhập vai một nhà cựu lãnh đạo quốc gia và đưa ra lời khuyên: “Tất cả phụ thuộc vào cảm giác của bà ấy. Bà ấy nhận được sự tôn trọng to lớn trên toàn thế giới. Nhu cầu sẽ rất lớn; bà Merkel có thể chọn những gì mà bà có thể làm được. Cũng có thể là việc đảm nhận một vị trí quốc tế lớn nào đó.”

Bản thân ông Blair cho đến nay đã dành phần lớn thời gian nghỉ hưu chính trị của mình cho những hoạt động mới mẻ, kể cả về tài chính. Báo chí Anh ước tính khối tài sản cá nhân của ông ít nhất đã lên tới 20 triệu euro. Sau các hợp đồng tư vấn gây tranh cãi, ví dụ như tư vấn cho tổng thống Kazakstan, vài năm gần đây ông Blair đã tập trung vào công việc của Viện nghiên cứu các vấn đề toàn cầu của riêng mình. Do đó, ông vẫn là một tiếng nói có ảnh hưởng.

Vậy liệu điều cuối cùng nói trên có phải là hình mẫu đối với bà Angela Merkel? “Nếu bà ấy quyết định truyền kinh nghiệm của mình cho thế hệ lãnh đạo chính trị tiếp theo, thì nhiều người sẽ rất biết ơn bà.”

Italia

Nếu các cựu thủ tướng chính phủ Ý có thể đưa ra một lời khuyên cho bà Merkel trong tương lai thì điều đầu tiên sẽ là, giã từ phủ thủ tướng không phải là dấu chấm hết con đường hoạt động chính trị còn tiếp tục dài dài. Silvio Berlusconi, Enrico Letta, Matteo RenziGiuseppe Conte đều là cựu thủ tướng và hiện đang là chủ tịch của các đảng tương ứng. Các cựu thủ tướng thường “liếc mắt đưa tình” với cái ghế tổng thống, như trường hợp của ông Berlusconi gần đây.

Ngoài xu hướng tiếp tục làm chính trị, bà Merkel cũng có thể lấy cảm hứng cho một vita dolce (cuộc sống thượng lưu, sang chảnh) từ những người đồng cấp cũ ở Ý: Ví dụ, người từng đứng đầu cánh tả của chính phủ Massimo D’Alema vượt Địa Trung Hải trên con tàu Ikarus của ông và trồng nho để làm rượu trong thời gian còn lại. Nhà máy rượu của ông mỗi năm sản xuất khoảng 45.000 chai, bao gồm các loại như Cabernet Franc và Pinot Nero.

Nếu trí tuệ hơn một chút, Merkel có thể noi gương Romano Prodi, người đã xuất bản tạp chí “Rivista Energia” cùng với đồng nghiệp cũ của ông, cựu bộ trưởng Alberto Clò, và chăm lo cho tạp chí chuyên về mảng năng lượng và các nghiên cứu về chủ đề này.

Nước Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hẳn phải ghen tị với bà thủ tướng Đức mãn nhiệm. Angela Merkel có thể nghỉ hưu với lương tâm trong sáng mà không cần lo lắng về sự an toàn cá nhân của mình. Bà Merkel phải tính đến khả năng di sản chính trị của bà có thể bị chỉ trích và đánh giá lại, như thường thấy ở các nền dân chủ, nhưng không phải sợ những người kế nhiệm chính trị ở các nước hậu Xô Viết trả thù.

Vấn đề của Putin là hệ thống độc tài mà ông đã dày công xây dựng trong hơn 20 năm cầm quyền đang bị cá nhân hóa một cách vô vọng. Người đứng đầu Điện Kremlin 69 tuổi gợi nhớ tới việc 8,6 triệu người về hưu vẫn đang đi làm ở Nga. Ông cụ này cũng phải tiếp tục đi làm, không phải vì không có đủ tiền. Nhưng vì cụ này chưa biết làm thế nào để giảm tối thiểu các rủi ro khi về vườn. Đó là lý do tại sao Putin đang tìm mọi cách để giữ mọi thứ ở thế cân bằng.

Năm ngoái, Tổng thống Nga đã sửa đổi hiến pháp. Điều này cho phép ông làm tiếp nhiệm kỳ tổng thống thứ năm và thứ sáu. Putin có thể tại vị đến năm 2036, khi đó ông ấy sang tuổi 84.

Mỹ

Angela Merkel đã làm việc với 4 đời tổng thống Mỹ trong 16 năm tại vị của mình, nhiều hơn bất kỳ thủ tướng Đức nào khác trước bà. Cuộc sống của các cựu tổng thống Mỹ, gồm George W. Bush, Barack Obama Donald Trump, vô cùng khác nhau. Bush rút lui khỏi chính trường, điều này đã từng là thông lệ đối với các vị tổng thống tiền nhiệm, tức là khi họ không muốn làm người kế vị của người kế vị mình. Bush, hiện 75 tuổi, vào mùa đông sinh sống trong trang trại ở Crawford, Texas, và vào mùa hè thì ở tại khuôn viên gia đình xinh đẹp trên bờ biển Đại Tây Dương ở Kennebunkport, Maine. Ông có lúc đã say mê với hội họa. Nhiều năm trước, ông đã biến Angela Merkel trở thành bất tử qua bức tranh sơn dầu của mình. Cũng có lời càm ràm vì ông đã lấy ảnh trên mạng internet làm mẫu. Vài tháng trước, ông Bush đã cho đài Deutsche Welle xem một vài bức tranh của mình trên iPad, và thậm chí ông còn hát bài ca ngợi Merkel: Bà ấy đã mang lại “đẳng cấp và phẩm giá cho công việc quan trọng của mình”, là một “nhà lãnh đạo đầy tình nhân ái, một người phụ nữ không hề biết sợ hãi ở cương vị người lãnh đạo”.

Người kế nhiệm ông Bush là Barack Obama, năm nay lục tuần, gần đây đã làm một việc mà bà Merkel có lẽ sau khi rời quyền lực sẽ không bao giờ nghĩ đến, đó là tham gia vào các cuộc vận động tranh cử. Obama đã phát biểu trước một cuộc mít tinh vận động tranh cử tại khu vực bầu cử ở Virginia, nơi đảng của ông đã sớm bị thất bại. Ngoài ra, ông cũng biết cách kiếm được bộn tiền, trong đó có chuyện viết hồi ký. Riêng tập 1 đã dày tới 800 trang, tập 2 thì còn phải chờ lâu mới ra tiếp. Không biết bà Merkel có muốn giao tiếp như vậy không?

Cựu Tổng thống Trump, 75 tuổi, chắc chắn không phải là hình mẫu đối với bà Merkel. Cho đến nay, ông này vẫn chưa công nhận thắng lợi của đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử vừa qua. Ông bêu riếu Biden qua e-mail, và ngày nào cũng tha thiết kêu gọi những người ủng hộ đóng góp cho mình mà không hề lăn tăn ngượng ngùng. Ông cũng đang nhăm nhe chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tới đây. Nhưng ngay cả khi kẻ chuyên quyền này cai trị Hoa Kỳ từ năm 2025 đến năm 2029, khi cụ Trump đã 84 tuổi, thì thời gian ở vị trí lãnh đạo của ông cũng chỉ bằng một nửa thời gian mà bà Merkel lãnh đạo đất nước của tổ tiên ông ngày xưa.

Trung Đông

Chắc chắn bà Angela Merkel không muốn tìm kiếm cảm hứng cho thời gian nghỉ hưu của mình theo kiểu nghỉ hưu của các đồng nghiệp ở Trung Đông. Hầu hết các nhà lãnh đạo mà bà từng tiếp xúc trong nhiệm kỳ của mình thì hoặc đã về với tiên tổ hoặc bỏ trốn, bị giết, hoặc đang ngồi trong tù, phần lớn do tham nhũng.

Cựu thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người cũng đã từ nhiệm trong năm nay, hiện đang hầu tòa. Ông ta lo sợ sẽ có số phận như người tiền nhiệm Ehud Olmert, người hiện đang thụ án 16 tháng tù. Ở Israel, người ta thường so sánh sự ra đi của ông Netanyahu với sự ra đi của bà Merkel, và nhận thấy ông này hoàn không xứng đáng để so sánh với bà Merkel. Bà thủ tướng là người biết khi nào cần phải ra đi, ngược lại với Netanyahu, người đã tham gia bốn cuộc tranh cử ở Israel và vẫn tự xưng là thủ tướng sau khi thất bại.

Không thể buông bỏ là một điểm yếu phổ biến trong khu vực này. Ví dụ, cuối nhiệm kỳ của mình năm 2013, cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tuyên bố ông sẽ trở lại làm công tác khoa học. Ông có bằng tiến sĩ về kỹ thuật xây dựng dân dụng trong lĩnh vực giao thông. Nhưng ông ta đã không xuất hiện tại Đại học Kỹ thuật Tehran. Thay vào đó, ông đã cố gắng thêm hai lần nữa, vào năm 2017 và 2021, để ra tranh cử tổng thống. Cả hai lần ông ta đều thất bại.

Nam Phi

Việc bà Angela Merkel nghỉ hưu hoàn toàn không có gì tương đồng với tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, 79 tuổi, là điều không có gì phải bàn cãi. Ông tổng thống này thuộc diện tham nhũng nhất bảng ở Nam Phi, điều cho đến nay đã thu hút nhiều sự chú ý, khi ông buộc phải từ chức sau khi quá hạn vào năm 2018, với một loạt âm mưu về chính trị. Ông bị kêu án tù vì coi thường lệnh tư pháp và gần đây nhất đã công khai kêu gọi lật đổ người kế nhiệm.

Vài tháng trước, mạng lưới của Zuma đã giật dây gây ra các vụ cướp bóc hàng loạt ở Durban và Johannesburg. Hiện kẻ từng được coi là người hùng đang tận hưởng chế độ nghỉ hưu tại dinh thự ở Nkandla, nơi ông từng chi 16 triệu euro tiền thuế của dân để cải tạo. Ông ta sẽ chờ ngày xuất hiện tại tòa một lần nữa, điều nhất định sẽ diễn ra.

Trung Quốc

Khi các chính khách ở châu Âu và Mỹ nghỉ hưu, họ thường dành thời gian để viết hồi ký. Hoặc họ đăng đàn diễn thuyết tại các cuộc hội nghị, hội thảo và hưởng mức thù lao hậu hĩnh. Đấy là chuyện bên Tây, ở Trung Quốc thì không có chuyện đó. Tại Trung Quốc có luật bất thành văn nhưng được áp dụng khá rộng rãi, cụ nào đã về thì xin mời không xuất hiện trước công chúng. Cái lối bí mật, kín kín hở hở này bắt nguồn từ hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng cầm quyền độc tôn, là một hộp đen, rất ít người biết về trung tâm quyền lực thực sự của đảng này.

Tuy nhiên, đôi khi những chuyện bí mật bẩn thỉu vẫn bị lộ ra ngoài, có thể là với sự giúp đỡ tích cực của các đối thủ chính trị. Ôn Gia Bảo là một chính khách nổi tiếng và được đánh giá là gần dân. Ông là thủ tướng từ năm 2003 đến năm 2013. Ông đã gặp bà Angela Merkel nhiều lần, và mối quan hệ giữa hai chính trị gia này được đánh giá là thân tình. Nhưng vào năm 2012, ngay trước khi ông Ôn nghỉ chế độ, tờ New York Times đã tung ra một phóng sự điều tra, cho thấy thủ tướng và gia đình ông đã tích lũy được hơn hai tỷ đô la Mỹ trong thời gian ông tại nhiệm. Một tiết lộ bùng nổ không lâu trước khi nghỉ hưu, mà theo quan điểm của ông Ôn Gia Bảo, là một điều thật ngu ngốc. Ở Trung Quốc, lời khuyên dành cho các chính khách khi nghỉ hưu, là hãy liệu mà giữ mồm giữ miệng.