Nguồn: J. Lawrence Broz & Jeffry A. Frieden (2001). “The Political Economy of International Monetary Relations”, Annual Review of Political Science 2001, No.4, pp. 317–343. >>PDF
Biên dịch: Phan Thị Ngọc Mai | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tóm tắt: Cấu trúc của quan hệ tiền tệ quốc tế đã trở thành vấn đề nổi bật trong suốt hai thập kỉ qua. Cả chính sách tỷ giá hối đoái trong nước và đặc tính của hệ thống tiền tệ quốc tế đều cần được giải thích. Ở cấp độ quốc gia, lựa chọn chế độ tỷ giá và mức độ kì vọng của tỷ giá hối đoái đều liên quan đến sự đánh đổi về phân phối lợi ích. Vì thế, áp lực từ các nhóm lợi ích và các đảng phái, cấu trúc của các thể chế chính trị, và động cơ tranh cử của các chính trị gia đều ảnh hưởng đến quyết định chọn chế độ tỷ giá và mức tỷ giá. Ở cấp độ quốc tế, tính chất của hệ thống tiền tệ quốc tế phụ thuộc vào sự tương tác chiến lược giữa các chính phủ, điều này vốn chịu tác động từ lợi ích quốc gia và bị ràng buộc bởi môi trường quốc tế. Đặc biệt, chế độ tiền tệ cố định quy mô toàn cầu hay khu vực đều đòi hỏi ít nhất có sự phối hợp và hợp tác rõ ràng giữa chính phủ các quốc gia.
Giới thiệu
Nghiên cứu về quan hệ tiền tệ quốc tế từ lâu đã được coi là thuộc phạm vi của các nhà kinh tế và một số ít các nhà khoa học về chính trị. Người ta thường cho rằng, không giống như quan hệ thương mại quốc tế, các khoản nợ, hay đầu tư nước ngoài, tỷ giá hối đoái hay các chính sách tiền tệ đối ngoại có liên quan đều quá chuyên môn hoặc xa vời so với mối quan tâm của công chúng và các nhóm lợi ích đặc biệt, vì thế ít thu hút sự quan tâm trực tiếp của các nhà kinh tế chính trị (Gowa 1988). Điều này không thực sự chính xác theo như minh họa từ lịch sử về khía cạnh chính trị đầy bất ổn của chế độ bản vị vàng và gần đây hơn là mối quan tâm đến chính sách tiền tệ của các quốc gia nhỏ có nền kinh tế mở như ở Bắc Âu và các nước đang phát triển. Tuy nhiên, đúng là việc giá trị tiền tệ dễ dự đoán tới mức tẻ nhạt dưới thời kì hệ thống Bretton Woods đã khiến nhiều học giả thờ ơ không để ý tới lĩnh vực này (ngoại trừ Cooper 1968, Kindleberger 1970, Strange 1971, Cohen 1977, Odell 1982 và Gowa 1983)
Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods đã khiến các nhà khoa học chính trị quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này, và trong những năm 1980, vấn đề tiền tệ quốc tế đã thu hút sự quan tâm của giới chính trị trong nước và quốc tế cũng như giới học thuật. Đồng đôla tăng giá 50% cùng với các quan ngại bùng nổ trong nước và quốc tế do nó gây ra, sự sụp đổ hệ thống tiền tệ ở các quốc gia đang phát triển mắc nợ nhiều, cùng những nỗ lực gây nhiều tranh cãi xung quanh việc cố định tỷ giá hối đoái Châu Âu, tất cả đều khiến các nhà nghiên cứu quan tâm hơn đến vấn đề này.
Từ năm 1990, quan hệ tiền tệ quốc tế trở nên nổi bật hơn trong thực tiễn, và nghiên cứu về khía cạnh kinh tế chính trị của nó cũng vì thế mà gia tăng tầm quan trọng. Chính sách tỷ giá trở thành trọng tâm của cả hai sự kiện có thể nói là đáng chú ý nhất trong nền kinh tế quốc tế gần đây: đó là việc thiết lập đồng tiền chung châu Âu và làn sóng các cuộc khủng hoảng tiền tệ lây lan qua các nước Châu Á, Mỹ Latinh và Nga trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1999.
Mặc dù phần lớn các nghiên cứu về khía cạnh kinh tế chính trị của quan hệ tiền tệ quốc tế chủ yếu là trong thời gian gần đây nhưng nó đã đem đến những cách tiếp cận thú vị và quan trọng về mặt lý thuyết, các tranh luận mang tính phân tích và các kết luận thực nghiệm. Chúng tôi tóm tắt các nghiên cứu này nhưng không thể bao quát thấu đáo hết các văn liệu phức tạp với số lượng ngày một tăng lên. Trong mục này, chúng tôi phác thảo vấn đề phân tích, vạch ra phạm vi các kết quả cần được giải thích. Phần tiếp theo tập trung vào một nhóm các vấn đề cần giải thích, các lựa chọn chính sách của chính phủ các quốc gia, các nghiên cứu điều tra về khía cạnh kinh tế chính trị trong nước đối với lựa chọn về tỷ giá hối đoái. Phần thứ ba xem xét nhóm các vấn đề thứ hai cần được giải thích, sự hình thành và quá trình phát triển của các thể chế tỷ giá khu vực và toàn cầu.
Hai nhóm có liên quan với nhau trong các hiện tượng tiền tệ quốc tế đều cần được giải thích. Nhóm đầu tiên ở phạm vi quốc gia: chính sách của từng chính phủ cụ thể đối với tỷ giá hối đoái. Nhóm thứ hai ở phạm vi quốc tế: đặc tính của hệ thống tiền tệ quốc tế. Cả hai có tương tác với nhau theo các hướng quan trọng. Lựa chọn chính sách trong nước, đặc biệt là các nước lớn, có tác động mạnh mẽ đến bản chất của hệ thống tiền tệ quốc tế. Vương quốc Anh và Hoa Kì theo thứ tự là các nhà tạo lập nên hệ thống bản vị vàng cổ điển và trật tự tiền tệ Bretton Woods, và việc hai nước trên quyết định rút ra khỏi các hệ thống này đã đặt dấu chấm hết cho chúng. Tương tự như vậy, chế độ tiền tệ quốc tế cũng có tác động mạnh mẽ đến lựa chọn chính sách của các quốc gia. Một nước nhỏ như Bỉ hoặc Costa Rica sẽ dễ có khả năng cố định tỷ giá theo vàng trước năm 1914, theo đôla hoặc một loại tiền tệ khác kể từ năm 1945, khi phần lớn các nước láng giềng cũng làm như vậy. Hai nhóm vấn đề quốc gia và quốc tế tương tác với nhau rất phức tạp, nhưng để dễ dàng phân tích chúng ta sẽ quan sát hai biến phụ thuộc tách biệt: các lựa chọn chính sách quốc gia của các chính phủ và đặc tính của hệ thống tiền tệ quốc tế.
Chính sách tỷ giá hối đoái quốc gia
Chính phủ mỗi quốc gia phải quyết định xem nên cố định đồng tiền vào đôla, vào một đồng tiền khác, hoặc vào vàng (trong những giai đoạn trước đó) hay thả nổi. Nếu quốc gia đó chọn cách thả nổi đồng tiền, nó phải quyết định xem có nên để thị trường tự do định giá đồng tiền hay nên nhắm đến một phạm vi tỷ giá cụ thể. Nếu là phương án thứ hai thì chính phủ phải quyết định mức giá mong muốn, nói khái quát là nên để tỷ giá hối đoái “mạnh” (tương đối tăng giá) hay “yếu” (tương đối giảm giá). Trong những trường hợp cụ thể, chính phủ phải quyết định ngay lập tức xem sẽ bảo vệ hay phá giá đồng tiền khi bị tấn công. Nhìn chung là có hai loại quyết định phải được đưa ra. Một là chế độ tỷ giá (ví dụ, cố định hay thả nổi) và hai là mức giá của đồng tiền (mạnh hay yếu).
Các lựa chọn này đều có tác động quan trọng về kinh tế và chính trị, và cũng không có một quan điểm kinh tế áp đảo nào về thế nào là một chính sách tỷ giá quốc gia tối ưu. Về điểm này, chính sách tiền tệ quốc tế khác với chính sách thương mại. Có nhiều quan điểm kinh tế thuyết phục xoay quanh lợi thế về của cải được tạo ra nhờ tự do thương mại, và tự do thương mại có thể được coi là đường cơ sở mà chính sách các quốc gia xoay quanh, và khoảng cách từ chính sách quốc gia tới tự do thương mại là điều cần được lý giải. Đối với chính sách tiền tệ, không có một lập luận rõ ràng nào về hiệu quả kinh tế để ủng hộ hay phản đối một mức độ cụ thể nào đó của tỷ giá hối đoái thực tế. Một loại tiền tệ mạnh (tăng giá) có giá trị tương đối so với các loại tiền tệ khác, vì thế mà các cư dân của quốc gia đó có sức mua cao hơn. Tuy nhiên, một đồng tiền mạnh sẽ khiến các nhà sản xuất trong nước các mặt hàng (hàng hóa và dịch vụ) có thể buôn bán trên thế giới vấp phải cạnh tranh nhiều hơn từ nước ngoài vì đồng tiền mạnh làm cho giá cả hàng hóa nước ngoài rẻ hơn một cách tương đối. Mặc dù các chính trị gia chắc chắn quan tâm đến các hiệu ứng này – cân nhắc mặt tích cực của việc thu nhập chung tăng lên so với hiệu ứng tiêu cực do cạnh tranh với nước ngoài tăng lên- cũng không có một lý do kinh tế thuần khiết nào là thắng thế hoàn toàn về việc chọn một chính sách nào đó. Trong văn liệu về một số khu vực tiền tệ tối ưu tồn tại một cách tiếp cận kinh tế chiếm ưu thế đối với vấn đề liên minh tiền tệ (và vì vậy, đối với tỉ giá hối đoái cố định). Nhưng văn liệu này không mang tính bao quát toàn diện, do đó chỉ có ít yếu tố thuần kinh tế có thể giải thích các chính sách của chính phủ các quốc gia.
Điều này có nghĩa là chính sách tỷ giá hối đoái của các quốc gia cần được cân nhắc cùng với các hệ quả chính trị của nó, vì sự đánh đổi mà các chính phủ phải cân nhắc là giữa các giá trị có tầm quan trọng khác nhau đối với các chủ thể chính trị – xã hội khác nhau. Chính phủ phải cân nhắc tầm quan trọng tương đối của sức mua của người tiêu dùng, sức cạnh tranh của nhà sản xuất các mặt hàng có thể buôn bán quốc tế, và tính ổn định của các biến kinh tế vĩ mô danh nghĩa. Sau đây chúng tôi khảo sát các cân nhắc chính trị tác động đến chính sách, nhưng trước tiên là miêu tả cấp độ quốc tế của việc phân tích các vấn đề tiền tệ quốc tế.
Các hệ thống tiền tệ quốc tế
Có hai loại chế độ tiền tệ quốc tế lý tưởng, và hệ thống tiền tệ hiện nay có xu hướng đi theo một trong hai loại này. Một là hệ thống tỷ giá cố định, theo đó đồng nội tệ được neo vào một đồng tiền khác tại một tỷ suất ngang bằng được công bố chính thức (và được thiết lập rõ ràng về mặt pháp lý). Một số hệ thống tỷ giá cố định có đồng tiền neo vào một loại hàng hóa như là vàng hay bạc, một số khác lại được neo vào một đồng tiền khác như đồng đôla Mỹ. Một chế độ tiền tệ điển hình mang tính lý tưởng khác là thả nổi hoàn toàn, theo đó giá trị của đồng tiền thay đổi theo điều kiện của thị trường và các chính sách kinh tế vĩ mô của quốc gia. Có thể có nhiều cấp độ khác nhau nằm giữa hai thái cực này.
Trong vòng 150 năm qua, thế giới đã trải qua ba trật tự tiền tệ quốc tế được biết đến rộng rãi. Trong khoảng 50 năm trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, và sau đó lặp lại trong một dạng thức được cải tổ đáng kể vào những năm 1920, phần lớn các quốc gia chủ chốt trên thế giới sử dụng chế độ bản vị vàng, một hệ thống tỷ giá cố định điển hình. Dưới chế độ bản vị vàng, chính phủ các quốc gia tuyên bố một giá trị tương đương vàng cố định cho đồng tiền của họ và cam kết sẽ trao đổi tiền với vàng theo tỷ lệ này. Từ cuối những năm 1940 đến đầu những năm 1970, thế giới tư bản đã được hệ thống theo trật tự tiền tệ Bretton Woods, một hệ thống tỷ giá cố định đã được sửa đổi. Dưới trật tự Bretton Woods, đồng nội tệ được cố định theo đồng đôla và đồng đôla được cố định theo vàng. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia có thể và thực tế đã thay đổi tỷ giá hối đoái trong những trường hợp đặc biệt, vì thế tỉ giá không cố định hoàn toàn như dưới chế độ bản vị vàng cổ điển. Từ năm 1973 đến nay, và trong khoảng thời gian ngắn vào những năm 1930, đã có một trật tự thống trị khác trong đó các quốc gia lớn nhất không ít thì nhiều đã thả nổi hoàn toàn đồng nội tệ và không có một cột neo danh nghĩa nào, trong khi các nước nhỏ hơn lại có xu hướng cố định theo một trong những đồng tiền mạnh hoặc để đồng tiền thả nổi với các mức độ khác nhau dưới sự quản lý của chính phủ.
Chế độ tiền tệ có thể mang tính khu vực hoặc quốc tế. Dưới chế độ tỉ giá hối đoái tự do (thả nổi) quốc tế phổ biến từ những năm 1973, một số hệ thống tỷ giá cố định mang tính khu vực vẫn đã xuất hiện hoặc được đưa ra xem xét. Một số hệ thống đơn giản là cố định đồng tiền của các nước nhỏ vào đồng tiền một nước lớn hơn, ví dụ, khu vực đồng frăng CFA (Cộng đồng tài chính châu Phi) đã neo tỷ giá 12 nước châu Phi với nhau và với đồng frăng của Pháp (hiện nay là đồng Euro). Một số nước khu vực Mỹ Latinh và vùng Ca-ri-bê tương tự đã neo đồng tiền của mình vào đồng đôla Mỹ và một số nước khác cũng đang cân nhắc điều này. Một loại khác của chế độ tỷ giá cố định trong khu vực là liên kết một số đồng tiền khu vực với nhau, thường là một bước đi hướng tới áp dụng một đồng tiền chung. Đó là trường hợp của đồng tiền chung châu Âu, vốn ban đầu dựa trên một thỏa thuận khu vực hạn chế, sau đó phát triển thành một kiểu liên kết với đồng Mác Đức, và cuối cùng trở thành một liên minh tiền tệ với một đồng tiền chung và một ngân hàng chung châu Âu. Các nước khu vực Đông Ca-ri-bê và Nam Phi cũng đã phát triển các liên minh tiền tệ.
Vì vậy, các biến phụ thuộc của chúng ta là, (a) chính sách tỷ giá của một số chính phủ quốc gia cụ thể, đặc biệt là lựa chọn mức và chế độ tiền tệ; và (b) chế độ tiền tệ quốc tế, đặc biệt là mức độ mà các đồng tiền được cố định với nhau. Sự thực là hai biến phụ thuộc này có liên quan với nhau. Chính sách tiền tệ quốc gia phụ thuộc vào đặc tính hệ thống tiền tệ quốc tế, và sự phát triển của các mối quan hệ tiền tệ quốc tế bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi quyết định của các quốc gia chính về thương mại và đầu tư. Tương tự như vậy, các mối quan hệ tiền tệ quốc tế cũng tương tác với các chính sách kinh tế khác. Các biện pháp định giá tiền tệ sai lệch thường dẫn tới áp lực bảo hộ nền công nghiệp trong nước và thậm chí là chiến tranh thương mại, tương tự như khi sự phát triển của quan hệ thương mại ảnh hưởng lại quyết định chọn chính sách tỷ giá hối đoái. Các chính sách đối với dòng tiền tài chính và đầu tư quốc tế đều bị ảnh hưởng bởi và tác động đến sự vận động của tỷ giá hối đoái. Hiệu ứng tương tác phức tạp này rất quan trọng, nhưng chúng ta không biết cần phải suy nghĩ về chúng như thế nào cho thống nhất và có hệ thống. Bài viết này tập trung vào khía cạnh kinh tế chính trị của bản thân chính sách tiền tệ quốc tế, nhấn mạnh vào các câu trả lời tiềm năng đối với hai câu hỏi mang tính giải thích được định nghĩa hẹp của chúng tôi.
Các tài liệu cùng nguồn gốc về khía cạnh kinh tế chính trị của các chính sách kinh tế quốc tế quan trọng khác cũng rất hữu ích cho việc phân tích chính sách tiền tệ quốc tế. Các phân tích chính sách thương mại và đầu tư quốc tế bắt đầu bằng một nhận thức cho trước về lợi ích phân phối bị ảnh hưởng, như các lợi ích theo ngành, theo lĩnh vực, và theo từng công ty cụ thể, vốn bắt nguồn từ lý thuyết hoặc các điều tra thực nghiệm. Sau đó các phân tích này tìm hiểu xem các lợi ích này được tập hợp lại và được dàn xếp như thế nào bởi các thể chế chính trị xã hội như công đoàn và các hiệp hội kinh doanh, các đảng phái chính trị, hệ thống bầu cử, cơ quan lập pháp và bộ máy hành chính. Cuối cùng, các phân tích này sẽ tìm hiểu mối tương quan giữa các chính sách bắt nguồn từ quốc gia và các chính sách bắt nguồn từ các nước khác, đặc biệt trong các tình huống tương tác chiến lược giữa các quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng, như khi chính sách của một chính phủ này phụ thuộc vào phản ứng của các chính phủ khác. Cấu trúc đang hình thành về việc phân tích và giải thích khía cạnh chính trị của tiền tệ và tài chính quốc tế đều tuân theo mẫu hình này. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tóm tắt lại cấp độ phân tích trong nước, đặc biệt là cách thức mà các nhóm lợi ích và các thể chế tương tác với nhau trong quá trình thiết lập chính sách quốc gia.
Khía cạnh kinh tế chính trị trong nước của chính sách tỷ giá hối đoái
Các nhà hoạch định chính sách trong nước quyết định về chế độ tỷ giá hối đoái và mức kì vọng của tiền tệ. Quyết định về chế độ tiền tệ là liệu có nên để tiền tệ tự do thả nổi hoặc cố định nó theo một đồng tiền khác hay không. Chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn hoặc cố định bất biến chỉ là hai trong số nhiều lựa chọn có thể mà thôi. Có ít nhất là chín loại chế độ tỷ giá đang tồn tại, từ thả nổi hoàn toàn tới liên minh tiền tệ, thái cực cao nhất của hệ thống tỷ giá cố định (Frankel 1999). Với tất cả những chế độ tồn tại giữa hai thái cực này, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với các lựa chọn liên quan đến mức giá của tỷ giá hối đoái. Quyết định mức giá bao gồm những chính sách ảnh hưởng đến giá trị của đồng nội tệ được định giá so với đồng ngoại tệ. Tỷ giá hối đoái này bản thân nó có thể là mục tiêu hướng đến của chính sách, với một tỷ giá cụ thể được xác định sẵn hoặc được tính theo một công thức rõ ràng nào đó. Lựa chọn khác là chính sách tỷ giá có thể được quản lý chủ động kết hợp với các thành phần khác trong chính sách tiền tệ. Một số chính phủ công bố một biên độ mà theo đó đồng tiền được phép vận động, hoặc họ hành động mà không tuyên bố chính thức nhằm giới hạn dao động của tỷ giá hối đoái trong phạm vi biên độ đó. Dù cơ chế là như thế nào, quyết định mức giá cũng nằm trong phạm vi giữa một đồng tiền được định giá cao hay thấp hơn. Mặc dù quyết định về chế độ tỷ giá và mức giá có liên quan đến nhau, chúng tôi sẽ phân tích riêng biệt để dễ tìm hiểu rõ ràng hơn. Chúng tôi cố gắng phác họa các yếu tố kinh tế chính trị trong nước có ảnh hưởng đến quyết định của chính phủ trong cả hai khía cạnh của vấn đề này.
Giống như các lĩnh vực khác của chính sách kinh tế, quyết định về tỷ giá hối đoái cũng bao gồm sự đánh đổi giữa các mục tiêu mong muốn. Một lượng văn liệu kinh tế hiện hữu đã nghiên cứu chi phí và lợi ích của các chính sách tiền tệ khác nhau từ góc độ của một nhà hoạch định xã hội “nhân từ”, vốn có thể coi là một điểm khởi đầu hữu ích để đánh giá mức độ hấp dẫn của chính sách trên phương diện phúc lợi quốc gia. Tuy nhiên, các nghiên cứu về kinh tế chính trị trong thời gian gần đây có xét đến vai trò của áp lực đến từ các nhóm lợi ích và các phe phái, các thể chế chính trị và các động cơ liên quan đến bầu cử của các chính trị gia. Một chủ đề quan trọng là các chính sách tiền tệ có tác động phân phối lại lợi ích trong nước và tạo thành môi trường chính trị xã hội mà trong đó các nhà hoạch định chính sách có thể đánh giá chi phí và lợi ích. Một chủ đề thứ hai là các thể chế bầu cử, lập pháp và hành chính trong nước ảnh hưởng đến động cơ của các chính trị gia khi họ phải đối mặt với những sự đánh đổi trong chính sách tiền tệ. Chúng tôi phát triển các chủ đề đó ở phần dưới đây, nhấn mạnh rằng các đánh đổi về kinh tế được định hình bởi các yếu tố chính trị và thể chế.
Cố định hay thả nổi
Cuộc tranh luận của chúng ta về lựa chọn chế độ [tỉ giá] tập trung vào hai thái cực: thả nổi hoàn toàn và cố định hoàn toàn – vì việc phân tích các trường hợp nằm giữa đều xuất phát từ việc phân tích hai thái cực này. Sự đánh đổi mà chúng tôi miêu tả cũng áp dụng đối với các lựa chọn nằm ở giữa – như khu vực mục tiêu (target zone), neo tỉ giá có điều chỉnh và neo tỉ giá với biên độ điều chỉnh (crawling peg and bands), v.v…, mặc dù các đánh đổi này không nổi bật rõ như ở hai thái cực (Frankel 1999). Cách xử lý về kinh tế đối với lựa chọn chế độ tỉ giá đến từ hai góc nhìn chính (a) các cách tiếp cận vĩ mô của nền kinh tế mở, bao gồm việc xem xét các tiêu chí khu vực tiền tệ tối ưu; và (b) xử lý các kỳ vọng hợp lý đối với vấn đề niềm tin vào chính sách tiền tệ.
Từ góc độ nền kinh tế mở, lợi ích chủ yếu của một chế độ tỉ giá cố định là giảm thiểu rủi ro tỷ giá và chi phí giao dịch vốn có thể ngăn cản thương mại và đầu tư quốc tế (Mundell 1961, Mc Kinnon 1962, Kenen 1969). Tỷ giá không ổn định sẽ tạo sự không chắc chắn trong giao dịch quốc tế, gây thêm chi phí dự trù rủi ro được tính vào giá của hàng hóa và tài sản được buôn bán qua biên giới quốc gia. Mặc dù có thể phòng ngừa rủi ro này trên các thị trường phái sinh, hành động phòng ngừa này cũng luôn bao gồm chi phí, và chi phí này tăng lên tỉ lệ thuận với khoảng thời gian của giao dịch. Và các kinh nghiệm gần đây cho thấy có những sự bất ổn trên thị trường tiền tệ không thể giải thích được, vì thế phòng ngừa rủi ro càng trở nên khó khăn với tiền tệ của các quốc gia nhỏ. Bằng cách ổn định đồng nội tệ, chính phủ có thể giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ rủi ro tỷ giá, khuyến khích thương mại và đầu tư – một mục tiêu đáng mong ước. Một bước tiếp theo tiến tới liên minh tiền tệ sẽ loại bỏ các chi phí giao dịch còn lại, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc hội nhập kinh tế.
Tuy nhiên việc cố định tỉ giá cũng có chi phí của nó. Để có thể đạt được lợi ích của việc hội nhập kinh tế bằng việc cố định tỷ giá hối đoái, các chính phủ phải hi sinh khả năng vận hành một chính sách tiền tệ độc lập. Nguyên tắc “bộ ba bất khả thi” (impossible trinity) giải thích rằng ở những nơi mà nguồn vốn có thể linh động di chuyển trên phạm vi quốc tế, các quốc gia không thể đạt được sự độc lập về chính sách tiền tệ và chế độ tỷ giá cố định cùng một lúc (Mundell 1962, 1963). Nguyên tắc này chỉ ra rằng một quốc gia phải từ bỏ một trong ba mục tiêu: ổn định tỷ giá, độc lập tiền tệ, và hội nhập thị trường tài chính. Khi nguồn vốn có thể tự do dịch chuyển trên phạm vi quốc tế, lãi suất trong nước không thể khác quá xa so với lãi suất trên thế giới, vì dòng vốn bị hấp dẫn bởi các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá sẽ nhanh chóng làm loại bỏ sự khác biệt này. Có nhiều chứng cớ mạnh mẽ ở cả các quốc gia đã phát triển (Marston 1995) và các quốc gia đang phát triển (Edwards 1999) cho thấy hội nhập tài chính đã tiến triển rất nhiều khiến cho sự linh động vốn có thể ít nhiều được coi như điều đương nhiên, khiến cho chỉ còn hai lựa chọn là hi sinh ổn định tỷ giá hoặc từ bỏ độc lập về tiền tệ.[1] Một chế độ tỷ giá cố định cùng với dòng vốn linh hoạt di chuyển quốc tế làm cho chính sách tiền tệ trở nên không hiệu quả, cũng có nghĩa là không còn có thể sử dụng chính sách tiền tệ cho mục đích kiểm soát cầu hoặc điều chỉnh cán cân thanh toán. Điều đó đặt ra sự đánh đổi giữa hai giá trị xung đột lẫn nhau: ổn định và linh hoạt. Đạt được ổn định về tiền tệ là một lợi ích đáng kể cho các quốc gia đã gánh chịu lạm phát cao và biến đổi liên tục cũng như có các sự xáo trộn về tiền tệ trong nước. Nhưng vì đạt được sự ổn định này đồng nghĩa với việc phải từ bỏ sự linh hoạt về tiền tệ, nên đây có thể là một chi phí lớn cho các quốc gia đối mặt với cá cú sốc nặng nề từ bên ngoài mà khi đó [sử dụng] chính sách tiền tệ có thể là một cách ứng phó phù hợp.
Trong khi quan điểm truyền thống về tỷ giá ổn định phụ thuộc vào lợi ích của sự hội nhập, các phân tích gần đây lại có xu hướng nhấn mạnh vào vấn đề niềm tin và vai trò của chế độ tỷ giá cố định trong việc làm bình ổn các kì vọng lạm phát. Xuất phát từ văn liệu về kì vọng hợp lý, công trình này dựa vào các vấn đề mâu thuẫn về thời gian được miêu tả bởi Kydland và Presscott (1977), Barro và Gordon (1983). Vấn đề phát sinh khi chính sách tiền tệ được thiết lập trong điều kiện bảo mật và lương cùng với giá cả không hoàn toàn linh động. Trong các điều kiện như vậy, một nhà hoạch định chính sách có thể tìm cách đánh lừa các chủ thể tư nhân bằng việc tạo ra lạm phát bất ngờ, hi vọng tạo ra một sự tăng trưởng tạm thời về sản lượng. Tuy nhiên các chủ thể tư nhân đã lường trước xu hướng này và đưa nó vào xem xét khi đặt ra kì vọng về lạm phát. Các kì vọng này có thể tạo ra một xu hướng tính trước lạm phát vào việc mặc cả lương và thiết lập giá. Do đó, khi các nhà hoạch định chính sách gây ra lạm phát bất ngờ, kết quả là lạm phát cao hơn chứ không phải sản lượng cao hơn. Mấu chốt trong giải quyết vấn đề mâu thuẫn thời gian này là vấn đề niềm tin. Nếu khu vực tư nhân tin rằng chính sách sắp sửa được công bố là đáng tin cậy, lạm phát kì vọng có thể được kiểm soát mà không ảnh hưởng tới sản lượng.
Cố định tỷ giá hối đoái tạo nên một nguyên tắc tự động cho việc tiến hành các chính sách tiền tệ theo hướng phòng ngừa vấn đề mâu thuẫn thời gian và tăng mức độ đáng tin cậy trong cam kết của chính phủ nhằm giữ lạm phát thấp (Giavazzi và Pagano 1988, Canavan và Tommasi 1997). Trong chế độ tỷ giá cố định, chính sách tiền tệ phụ thuộc vào các yêu cầu để duy trì tỷ giá cố định, do đó loại bỏ quyền tự do quyết định của chính phủ. Các vấn đề trong nước như ổn định giá cả được đề cao hơn mục tiêu đối ngoại như cân bằng cán cân thanh toán và sức cạnh tranh. Trong lịch sử, cam kết của quốc gia đối với chế độ bản vị vàng là mục tiêu bên ngoài quan trọng nhất. Gần đây, nhiều quốc gia đã neo đồng nội tệ vào đồng tiền của một quốc gia lớn có lạm phát thấp (Mishkin 1999).
Mặc dù cố định tỷ giá không phải là cách duy nhất để cam kết chính sách lạm phát thấp – sự độc lập của ngân hàng trung ương với các mục tiêu về giá hoặc lạm phát có thể là phương án thay thế- tính minh bạch khiến nó trở thành một biện pháp phổ biến trong trường hợp các giải pháp thay thế không thể được công chúng kiểm soát dễ dàng (Herrendorf 1999, Canavan và Tommasi 1997). Khi chính phủ cam kết neo tỉ giá, điều đó trở thành một lời hứa có thể xác thực dễ dàng. Hoặc chính phủ theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô thống nhất với chế độ tỷ giá cố định, hoặc không, mà trong trường hợp đó chế độ tỷ giá cố định sẽ bị sụp đổ. Trên thực tế không có một lý do kỹ thuật nào khiến cho không thể duy trì được một chế độ tỷ giá cố định, ngay cả trong trường hợp bị tấn công đầu cơ quy mô lớn (Obstfeld và Rogoff 1995). Vì thế, phá giá đồng tiền là một chỉ dấu công khai cho thấy chính phủ không thể thực hiện lời hứa. Tính minh bạch của chế độ tỷ giá cố định làm tăng mức độ tin cậy vào cam kết của chính phủ nhằm giữ lạm phát thấp nhưng cũng có giá của nó, thể hiện ở sự mất đi tính linh động trong chính sách tiền tệ. Sự đánh đổi ở đây là giữa lòng tin và tính linh động.
Vậy liệu các quốc gia chọn chế độ tỷ giá cố định có thực sự chứng kiến sự tăng trưởng trong thương mại và niềm tin hay không? Các nghiên cứu chuỗi thời gian của mối quan hệ giữa sự thay đổi trong tỷ giá và thương mại (hoặc đầu tư) thường nhận thấy các hiệu ứng nhỏ và yếu (Frankel 1995). Tuy nhiên, các hiệu ứng mạnh mẽ hơn lại được tìm thấy trong các phân tích toàn bộ dân số nghiên cứu tại một thời điểm (cross-sectional evaluations). Các quốc gia dùng đồng tiền chung (hoặc có chế độ tỷ giá ổn định lâu dài) buôn bán nhiều gấp ba lần các quốc gia tương đương có đồng tiền riêng biệt (Rose 2000). Về vấn đề niềm tin, chế độ tỷ giá cố định được coi là biện pháp ưa dùng ở các quốc gia đang tìm cách giải quyết nhanh chóng cho vấn đề lạm phát kéo dài (Vegh 1992). Các bằng chứng mang tính hệ thống từ 136 quốc gia trong thời kì hơn 30 năm đã cho thấy rằng chế độ tỷ giá cố định đi kèm với lạm phát thấp nhưng sản lượng biến động nhiều hơn so với dưới chế độ tỷ giá linh hoạt (Ghosh et al 1997).
Lý thuyết và thực tiễn đã cho thầy rằng cố định tỷ giá vào đồng tiền của một quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp sẽ (a) thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế và (b) tạo ra trật tự cho chính sách tiền tệ vì cung cấp một cột neo danh nghĩa có thể quan sát được để định giá đồng nội tệ. Mặt khác, lợi thế của chế độ tỷ giá thả nổi lại cho phép chính phủ độc lập về chính sách tiền tệ. Dưới chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn, cung và cầu nội tệ so với đồng ngoại tệ là cân bằng trên thị trường. Ngân hàng trung ương không có nghĩa vụ hay cần thiết phải can thiệp. Vì thế, tổng lượng tiền nội tệ không bị ảnh hưởng bởi dòng tiền từ bên ngoài, vì thế một chính sách tiền tệ có thể được thực hiện mà không phải để ý nhiều đến chính sách tiền tệ các nước khác. Sự độc lập này là rất quan trọng vì nó cho phép có được sự linh hoạt để ứng phó với các cú sốc trong nước và nước ngoài, bao gồm các thay đổi trong điều kiện trao đổi thương mại bên ngoài và lãi suất. Tổng quát hơn, dưới chế độ thả nổi hoàn toàn, chính sách tiền tệ có thể tự thiết lập cho phù hợp với hoàn cảnh trong nước (ví dụ như mục tiêu ổn định) và tỷ giá hối đoái trở thành phụ thuộc, đi theo bất cứ con đường nào phù hợp với chính sách ổn định đó.
Một lợi thế liên quan khác của chính sách thả nổi là nó cho phép tỷ giá hối đoái có thể được sử dụng như một công cụ chính sách. Sự linh động này là rất đáng giá khi đồng tiền tăng giá thực, gây ra bởi nguyên nhân lạm phát do quán tính (inertial inflation) hoặc dòng vốn chảy vào trong thời gian ngắn, đe dọa ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên trường quốc tế và gây ra khủng hoảng cán cân thanh toán – một biểu hiện thường thấy ở các quốc gia đang phát triển hoặc có nền kinh tế đang chuyển đổi vốn sử dụng chế độ tỷ giá cố định như một chiếc neo danh nghĩa vì mục đích gây dựng niềm tin (Edwards và Savastano 1999). Khi xuất hiện sự chênh lệch về mức lạm phát giữa quốc gia cố định tỷ giá và quốc gia neo, nó sẽ gây ra một sự tăng giá thật, mà nếu không có sự tăng lên về năng suất bù lại sẽ gây ra các vấn đề về cán cân thanh toán. Một chế độ tỷ giá linh hoạt sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái danh nghĩa để đảm bảo tính cạnh tranh của khu vực sản xuất hàng hóa buôn bán được. Tuy nhiên, chế độ tỷ giá càng linh hoạt thì mức độ tin cậy càng hạn chế. Sự đánh đổi giữa niềm tin và sức cạnh tranh là đáng lưu tâm ở các quốc gia nơi mà lạm phát là vấn đề kéo dài (Frieden et al 2001).
Chế độ nào là tốt nhất cho một quốc gia cụ thể một phần dựa vào đặc điểm nền kinh tế của quốc gia đó. Các tài liệu về khu vực tiền tệ tối ưu chỉ ra một số yếu tố chủ yếu, trong đó tiêu biểu là mức độ mở cửa, quy mô nền kinh tế, độ nhạy cảm với các cú sốc, và độ linh hoạt của lao động khi dịch chuyển giữa các khu vực. Nói chung, khi một khu vực có đặc trưng là sự di chuyển dễ dàng của lao động, hoặc khi các quốc gia hội nhập mật thiết với các nước láng giềng đến mức cùng chịu các biến động chung thì lợi ích từ việc duy trì tỷ giá cố định sẽ lớn hơn chi phí do từ bỏ sự độc lập về tiền tệ (Frankel 1995). Các quốc gia dễ chịu ảnh hưởng từ những biến động bên ngoài (như sự thay đổi trong điều kiện mậu dịch) thì sẽ thích hợp hơn với chế độ tỷ giá thả nổi, trong khi các quốc gia lo ngại về cú sốc với đồng nội tệ nên duy trì tỷ giá cố định. Hơn nữa, khi các cú sốc ảnh hưởng tới một quốc gia và các nước lân cận có tính tương quan cao thì không cần thiết duy trì chính sách tiền tệ độc lập vì một chính sách duy nhất sẽ là phù hợp cho toàn bộ khu vực. Ngoài ra, có ít sự đồng thuận nhất trí về tiêu chí phúc lợi trong các sự lựa chọn chế độ tỷ giá (Frankel 1999). Khi mà các điều kiện kinh tế đối với việc chọn chế độ tối ưu là rất đa dạng, thật không có gì đáng ngạc nhiên khi các phát hiện về mặt thực nghiệm thường rất yếu ớt hoặc mâu thuẫn (Tavlas 1994, Edison và Melvin 1990).
Một nhược điểm cơ bản trong cách tiếp cận vấn đề niềm tin và nền kinh tế mở là giả định ngầm rằng các nhà hoạch định chính sách lựa chọn chế độ tiền tệ để tối đa hóa tổng phúc lợi xã hội. Có ít lí do để tin rằng chính sách tiền tệ ít mang yếu tố chính trị hơn các chính sách kinh tế. Trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ rời khỏi giả định về nhà hoạch định xã hội “tốt bụng” và khảo sát các công trình nghiên cứu các động cơ chính trị và các ràng buộc có tác động đến quyết định chế độ tiền tệ.
Các nhóm lợi ích và lựa chọn chế độ tiền tệ
Một điều tối ưu cho cả một đất nước không có nghĩa là tối ưu cho một vài nhóm cụ thể trong phạm vi nước đó. Ví dụ như chính sách tự do thương mại, mặc dù được cho là tăng phúc lợi cho toàn bộ đất nước, nhưng lại có người được lợi và cả người chịu thiệt vì chính sách đó. Hiệu ứng phân phối này tạo nên nền tảng cho “lý thuyết thuế quan nội sinh”, giải thích cho việc trốn tránh tự do thương mại bằng cách vạch ra các nhóm ủng hộ và phản đối sự bảo hộ và các điều kiện mà theo đó họ có ảnh hưởng nhiều nhất (Milner 1999). Quyết định lựa chọn chế độ tiền tệ, cũng như lựa chọn giữa tự do thương mại và bảo hộ, đều có các hiệu ứng về phân phối ở trong nước.
Chúng tôi bắt đầu bằng việc xem xét các ưu điểm và nhược điểm của nhóm gây áp lực, hay cách tiếp cận “phía cầu” đối với lựa chọn chế độ tiền tệ, mà theo đó một trong những nguyên nhân giải thích cho nó là hiệu ứng phân phối gây ra bởi lựa chọn chế độ tỉ giá hối đoái. Sau đó chúng tôi sẽ trình bày các phân tích về “phía cung”, như tính chất của các thể chế chính trị và tiền tệ trong nước cùng với động cơ của các chính trị gia tư lợi làm việc trong các thể chế đó. Mặc dù các khía cạnh của mối liên hệ giữa các nhóm lợi ích, chính trị và chính sách vẫn chưa hoàn thiện, tài liệu này là những nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu khía cạnh kinh tế chính trị trong việc lựa chọn chế độ tiền tệ.
Quyết định lựa chọn chế độ tiền tệ bao gồm những sự đánh đổi giữa các mục tiêu như đã được nói đến ở trên. Các tranh luận nhấn mạnh đến nhu cầu cần có một chế độ tiền tệ cho rằng các nhóm xã hội có sự ưu tiên khác nhau trong việc đánh đổi giữa tính ổn định và sự linh động. Hãy nhớ lại rằng một trong những lợi thế quan trọng của tỷ giá ổn định là thương mại và đầu tư quốc tế có thể được tiến hành mà trong đó rủi ro mất mát về vốn do dao động tỷ giá sẽ được tối thiểu hóa. Sự đánh đổi ở đây là chế độ tỷ giá cố định yêu cầu hạ thấp tầm quan trọng của chính sách tiền tệ trong nước so với các quan tâm về đồng tiền và cán cân thanh toán. Có một khuôn khổ cơ bản nhận diện cách các nhóm trong xã hội nhìn nhận về sự đánh đổi giữa ổn định và linh động (Frieden 1991, Hekefer 1997). Một cách đơn giản nhất, các nhóm này được sắp xếp theo thang đo mức độ tham gia vào hoạt động kinh tế trong nước hay quốc tế. Những nhóm tham gia nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế (như là nhà sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tài chính, các nhà buôn quốc tế) sẽ thích sự ổn định trong tỷ giá hối đoái, vì sự thay đổi tỷ giá sẽ gây ra mối lo ngại khiến kinh doanh rủi ro và tốn kém hơn. Tương tự, họ không quan tâm nhiều đến sự đánh mất tự chủ về chính sách tiền tệ vì họ tiến hành hoạt động kinh doanh ở nhiều nước, cho nên khi điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước không thuận lợi họ có thể chuyển hướng kinh doanh hoặc tài sản ra nước ngoài.
Ngược lại, các nhóm mà hoạt động kinh tế chủ yếu diễn ra trong phạm vi quốc gia thì có lợi hơn khi áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi. Khu vực sản xuất không giao dịch quốc tế được (như dịch vụ, xây dựng, giao thông vận tải) và các nhà sản xuất mặt hàng cạnh tranh với nhập khẩu đều thuộc nhóm này. Các nhà sản xuất mặt hàng không buôn bán quốc tế được không phải quan tâm quá nhiều đến tỷ giá hối đoái vì hoạt động kinh tế của họ chủ yếu hạn chế ở phạm vi trong nước. Vì thế, họ không phải chịu rủi ro và chi phí do thay đổi tỷ giá. Tuy nhiên, khu vực sản xuất mặt hàng không buôn bán quốc tế được lại rất nhạy cảm với các điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước, vì thế họ ưu tiên sự tự chủ quốc gia tạo ra nhờ chế độ tỷ giá thả nổi. Logic này cũng đúng với nhà sản xuất các mặt hàng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, với điều kiện là thay đổi trong tỷ giá có thể giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu bằng cách làm cho việc nhập khẩu trở nên rủi ro và tốn kém hơn.
Ưu điểm của cách tiếp cận dựa trên nhóm áp lực là nó đưa ra một dự đoán rõ ràng về ưu tiên của các nhóm xã hội khác nhau đối với chế độ tỉ giá theo hướng giống như lý thuyết thuế quan nội sinh (endogenous tariff theory). Nó cũng tạo lập nền tảng cho việc cải thiện dự đoán. Ví dụ, mức độ nhạy cảm của nền công nghiệp nhập khẩu với thay đổi tỉ giá phụ thuộc vào khả năng của nó trong việc chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá. Thông thường, những ngành mà sự khác biệt sản phẩm và danh tiếng là điều quan trọng thì sẽ ít chuyển chi phí cho người tiêu dùng hơn so với các nhà sản xuất các mặt hàng tiêu chuẩn hóa nơi mà cạnh tranh chủ yếu là bằng giá cả (Goldberg và Knetter 1997). Điều đó hàm ý rằng nhà sản xuất các mặt hàng chuyên biệt hóa được buôn bán quốc tế sẽ quan tâm đến việc giảm thiểu biến động tỷ giá hơn là nhà sản xuất các mặt hàng chế tạo tiêu chuẩn hóa hoặc hàng hóa thông thường, vì thế họ sẽ thích chế độ tỷ giá cố định hơn.
Tuy nhiên, những tranh luận về các nhóm gây áp lực là rất khó để đánh giá. Một vấn đề là, không giống như chính sách thương mại, các quyết định về chế độ tỷ giá hối đoái ít khi là chủ đề được bỏ phiếu ở các cơ quan lập pháp (quốc hội) và cũng ít khi nổi bật trong các chiến dịch và kết quả bầu cử quốc gia. Nghiên cứu có tính hệ thống nhất về áp lực nhóm và sự lựa chọn chế độ tiền tệ cần đến các dữ liệu đáng tin cậy từ cuộc tranh cãi xoay quanh chế độ bản vị vàng hơn một thế kỉ trước. Vào những năm 1890, quốc hội Mỹ bỏ phiếu liên tục để chọn giữa chế độ bản vị vàng và bản vị bạc (Frieden 1997). Tương tự, cuộc bầu cử tổng thống năm 1896 là một cuộc bầu cử hiếm hoi mà trong đó vấn đề chính là chế độ tỷ giá hối đoái. William Jennings Byran ủng hộ chính sách tiền tệ hóa bạc và thả nổi đôla so với các tiền tệ bản vị vàng (Eichengreen 1995). Hội nhập tiền tệ châu Âu trong thế kỉ 19 cũng cung cấp thêm một vài trường hợp khác (Hefeker 1995). Các phân tích này, khi kiểm soát các yếu tố khác, nhận thấy rằng ảnh hưởng từ áp lực của các nhóm có liên quan nhiều đến kết quả bỏ phiếu.
Số lượng các trường hợp phù hợp cho nghiên cứu thực nghiệm có thể tăng lên khi vấn đề tỷ giá hối đoái tăng tầm quan trọng trong chính trị nội địa trong những năm gần đây. Sự nổi bật gần đây có thể do sự tăng lên của di chuyển dòng vốn quốc tế, bởi điều này làm nổi bật vấn đề “bộ ba bất khả thi” (Frieden 1996). Ở Châu Âu, thời kì hậu Hiệp định Maastricht được đặc trưng bởi sự tăng lên của tình trạng bất ổn và phân cực trong liên minh tiền tệ. Ở các nước đang phát triển, lựa chọn chế độ tiền tệ trở thành vấn đề nóng hổi trong các tranh luận về chính sách và bầu cử, và các nước đang thử nghiệm các chế độ tiền tệ khác nhau (Edwards và Savastano 1999). Sự thay đổi đáng kể trong chế độ tiền tệ ở Mỹ Latinh có thể được khai thác để nghiên cứu ảnh hưởng từ các áp lực của nhóm lợi ích. Trong trường hợp này, sự đánh đổi giữa niềm tin và sự linh động là đặc biệt quan trọng vì các vấn đề kiểm soát lạm phát ở khu vực này. Phù hợp với quan điểm nhóm lợi ích, các nền kinh tế với khu vực sản xuất lớn sẽ dễ có khuynh hướng áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi hoặc chế độ tỉ giá cố định có điều chỉnh theo chênh lệch lạm phát trong quá khứ (backward-looking crawling pegs),[2] cả hai đều có xu hướng tạo ra tỷ giá hối đoái có sức cạnh tranh cao hơn (Frieden et al 2001). Ảnh hưởng của khu vực sản xuất với chế độ tỷ giá hối đoái cũng sẽ trở nên quan trọng hơn khi thương mại tương đối mở vì thương mại tự do sẽ khiến các nhà sản xuất gặp nhiều cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài hơn. Những nghiên cứu này củng cố thêm lập luận rằng mức độ mà các nhà hoạch định chính sách chấp nhận hi sinh niềm tin nhường chỗ cho sức cạnh tranh là kết quả ảnh hưởng chính trị của các nhà sản xuất các mặt hàng có thể buôn bán quốc tế được.
Cách tiếp cận phân tích toàn bộ dân số nghiên cứu tại một thời điểm (cross-sectional approach) có vẻ hứa hẹn, ngay cả với các quốc gia đã phát triển, nơi mà sự đánh đổi giữa sự ổn định và linh động nhiều khả năng xảy ra (Henning 1994, Frieden 2000). Tuy nhiên, đo lường mong muốn của các nhóm và ảnh hưởng của chính trị là không dễ dàng, và các hạn chế về dữ liệu khiến các nhà phân tích phải sử dụng các ước đoán gián tiếp (ví dụ dùng tỉ lệ của một ngành trong tổng sản lượng nội địa như một phương pháp đo lường mức độ ảnh hưởng của ngành đó). Một chiến lược thay thế khác là xem xét lập luận về phân phối (lợi ích của chế độ tỉ giá) ở cấp độ cá nhân trong phân tích và tận dụng dữ liệu ý kiến công chúng về ưu tiên chế độ tỉ giá và hành vi bầu cử (Scheve 1999). Scheve phát hiện thấy rằng sở hữu tài sản và lợi thế về kĩ năng cao đều có mối quan hệ tỉ lệ thuận với mức độ ủng hộ của cá nhân đối với việc thống nhất đồng tiền chung châu Âu và với hành vi bầu cử trong các cuộc bầu cử quốc gia. Điều này xác định mối liên hệ giữa mong muốn cá nhân về sự hội nhập tiền tệ với bầu cử, vì thế cung cấp một kiểm chứng trực tiếp đối với các tác động phân phối (lợi ích) mà cách tiếp cận kinh tế mở đề ra.
Bất chấp những bước tiến như vậy, hướng tiếp cận theo lợi ích nhóm cũng khó có khả năng tạo ra các nghiên cứu sâu và rộng như các công trình tương tự về chính sách thương mại. Hành động của các nhóm áp lực đối với tỷ giá hối đoái giới hạn hơn so với trong các vấn đề thương mại do bản chất kinh tế vĩ mô của tỷ giá hối đoái và các hạn chế đối với hành động tập thể liên quan đến vấn đề này. Tỷ giá hối đoái có hiệu ứng phân phối lợi ích quy mô rộng khắp, vì thế làm giảm thiểu động cơ vận động hành lang. Ví dụ, tỷ giá hối đoái ổn định đem lại lợi ích cho tất cả các ngành xuất khẩu; ngược lại, bảo hộ thương mại có thể chỉ nhằm để tạo ra lợi nhuận vượt trên mức bình thường cho một vài ngành cụ thể (Gowa 1988). Chính sách tỷ giá ít mang tính cục bộ hơn các chính sách thương mại, hàm ý có nhiều chủ thể không làm gì mà vẫn được hưởng lợi hơn (free riding) ( Olson 1971). Nhưng cũng như các nghiên cứu về thương mại đã bao hàm cả vấn đề ngồi không hưởng lợi (free rider), các phân tích về chính sách tiền tệ cũng có thể làm tương tự. Ví dụ, các ngành công nghiệp tập trung cao sẽ là những nhà vận động hành lang hiệu quả hơn cho chính sách tỷ giá hối đoái, cũng như chính sách thương mại (Trefler 1993). Mặc dù tỷ giá hối đoái có thể không cho thấy rõ ràng tác động của vận động hành lang như trong chính sách thương mại, vận động hành lang vẫn có thể xảy ra, thậm chí có thể đoán trước được đối với nhiều ngành và nhiều nước. Việc xem xét kỹ hơn các cân nhắc hành động tập thể sẽ giúp chúng ta phát triển một mối liên hệ giữa ưu tiên của các nhóm, hành động vận động hành lang với quyết định về chế độ tiền tệ của chính phủ.
Hướng tiếp cận dựa trên yếu tố đảng phái đối với quyết định chế độ tiền tệ
Các thể chế chính trị và quyết định chọn chế độ tiền tệ
Tăng giá hay giảm giá?
Các nhóm lợi ích và mức tỷ giá hối đoái
Các thể chế chính trị và mức tỷ giá hối đoái
Khía cạnh kinh tế chính trị quốc tế của chính sách tỷ giá hối đoái
Phối hợp trong quan hệ tiền tệ quốc tế
Hợp tác trong quan hệ tiền tệ quốc tế
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: KTCT cua quan he tien te quoc te.pdf
[1] Các chế độ trung gian sẽ cho phép các quốc gia theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu ở một mức độ nào đó (Edwards và Savastano 1999).
[2] Trong chế độ này, tỷ giá hối đoái danh nghĩa được điều chỉnh cơ học dựa trên khác biệt trong tỷ lệ lạm phát quá khứ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]