#135 – Dân chủ và thị trường: Khía cạnh kinh tế chính trị của NAFTA

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:  David J. Sousa,  “Democracy and Markets: The IPE of NAFTA,” in David N. Balaam & Michael Vaseth, Introduction to International Political Economy, (New Jersey: Pearson Education), 2001, pp. 254-271.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tổng quan

Vấn đề tự do thương mại với Mexico đã khuấy động những quan tâm hiếm thấy trong nền chính trị Mỹ. Đối với một số người, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) biểu hiện việc Mỹ chấp nhận sự toàn cầu hóa của nền kinh tế toàn cầu và đánh dấu điểm xuất phát cho nỗ lực hội nhập kinh tế Bắc Mỹ để đối phó với các thách thức kinh tế từ Châu Âu và Châu Á trong thế kỷ 21. Tự do thương mại với Mexico sẽ rất có lợi cho Mỹ, đảm bảo cho thương nhân vào thị trường Mexico tự do hơn và tạo ra hàng ngàn công việc dựa trên hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, đối với những người khác, những người lo ngại về sự suy thoái kéo dài của kinh tế Mỹ và cả những lo ngại về sự xói mòn sức mạnh kinh tế thì NAFTA là một tác nhân xấu gây tác động nhanh chóng. Những người chỉ trích NAFTA lo ngại rằng mức lương thấp, những quy định lỏng lẻo về môi trường, sức khỏe và an toàn sẽ thu hút sự đầu tư và sản xuất của các nhà kinh doanh Mỹ chuyển dịch xuống phía Nam – những lo ngại này bắt nguồn từ những công nhân có cái nhìn bi quan và cũng chính là những người đã từng chứng kiến những lần công ty nơi họ làm việc giảm lợi nhuận và bản thân họ bị cắt giảm lương rất nhiều, họ lo sợ thực sự về tương lai của nền kinh tế Mỹ. Sau những tranh cãi gay gắt trong công chúng và phải đối mặt với những ý kiến đối ngược rõ rệt, NAFTA đã được quốc hội thông qua với đa số ít ỏi. Hiện nay, hiệp định này điều tiết những quan hệ thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada.

Những tranh cãi của công chúng về tự do thương mại với Mexico đối lập rõ ràng với các nhà kinh tế, những người cho rằng hiệp định này là đáng mơ ước và tất cả các bên sẽ có lợi từ những hàng rào thương mại đang được hạ thấp và dỡ bỏ. Trong giai đoạn tranh luận về NAFTA, khoảng 300 nhà kinh tế, tự do cũng như bảo thủ, đã kí một lá thư gửi tới Tổng thống Bill Clinton, bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với hiệp định. Họ lập luận rằng tự do thương mại với Mexico mang lại hiệu quả ít nhưng tích cực đối với thu nhập và việc làm ở Mỹ.[1] Những hàng rào thương mại Mỹ đối với những sản phẩm của Mexico đã được giảm đi sau NAFTA và công nhân Mỹ sản xuất năng suất hơn so với đồng nghiệp ở Mexico; chỉ một số ít nhà kinh tế cho rằng nếu loại bỏ hoàn toàn những rào cản thương mại sẽ tạo ra dòng chảy vốn và việc làm từ Mỹ tới Mexico. Những người ủng hộ NAFTA vốn theo xu hướng tự do thương mại với quan điểm rằng tự do thương mại tạo ra lợi nhuận và an sinh xã hội tối đa cho tất cả các bên tham gia thì cho rằng những lợi nhuận từ hiệp định là điều hiển nhiên. Họ đã coi những người phản đối là những người theo chủ nghĩa bảo hộ có suy nghĩ nông cạn, đang cố chống lại xu thế thay đổi kinh tế toàn cầu một cách ngu xuẩn. Nhà kinh tế của Viện công nghệ Massachusetts Paul Krugman đã gọi NAFTA là “chuyện nhỏ về phương diện kinh tế” đối với Mỹ và bác bỏ “luận điệu đơn giản” do những người chỉ trích NAFTA đưa ra. Ông viết,

Những người phản đối chính…. bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tuý hiện đại có mong muốn tột cùng bảo vệ nền công nghiệp Mỹ chống lại các lực lượng mà  đang dẫn chúng ta tới một nền kinh tế dịch vụ…. Khoản thuế trung bình 4% đang đánh vào hàng nhập khẩu từ Mexico có thể cứu vài công việc mức lương thấp trong một thời gian, nhưng hầu như nó sẽ không làm gì để ngăn cản, hoặc thậm chí làm chậm lại các xu hướng trong dài hạn, những vấn đề thực sự quan tâm của những người phản đối NAFTA.[2]

Chương này khảo sát sự đối lập giữa các ý kiến khác nhau của công chúng về NAFTA và sự nhất trí cao giữa các nhà kinh tế và giới tinh hoa Bắc Mỹ cho rằng tự do thương mại là điều đáng mong muốn. Các cuộc tranh luận của công chúng về NAFTA thường không đi sâu vào vấn đề, tuy nhiên chương này cho thấy cuộc tranh luận bắt nguồn từ một mâu thuẫn chủ yếu trong kinh tế chính trị. Robert Gilpin đã giúp hiểu được mâu thuẫn này dễ dàng hơn với các phân tích của ông về xung đột giữa “logic của nhà nước”, điều mà ông cho là đưa những hoạt động kinh tế đáp ứng lợi ích quốc gia một cách tốt nhất, với “logic của thị trường” – để các hoạt động kinh tế ở nơi có hiệu quả nhất.[3] Lập luận của Gilpin là một điểm khởi đầu rất tốt, nhưng cũng không hữu ích lắm vì nó đã không giải thích được các cuộc xung đột bên trong các quốc gia, đặc biệt là bên trong các quốc gia dân chủ, về nội hàm của cái gọi là “logic của nhà nước”. Chương này lập luận rằng mấu chốt để hiểu được cuộc tranh luận về NAFTA nằm trong việc hiểu rõ mâu thuẫn giữa logic của thị trường và logic mở rộng của dân chủ. Các tổ chức của công dân đã ảnh hưởng đến hiệp định theo một số cách, nhưng cuộc tranh luận về NAFTA bắt nguồn từ một thực tế rằng những logic này cơ bản không thể điều hoà được.

Chương này giới thiệu tổng quát về NAFTA và quay lại thảo luận về những xung đột giá trị phát sinh từ việc thúc đẩy tự do thương mại. Chương này cũng cho rằng trong khi các nhà kinh tế và những người khác có thể đúng khi cho rằng chế độ bảo hộ công nghiệp trong nước là hẹp hòi và thiển cận, lập luận của họ là quá đơn giản. Toàn cầu hoá về vốn đã đặt ra những thách thức mới lớn lao đối với các thể chế dân chủ, và trong một số trường hợp, các cuộc đấu tranh là nhằm mục đích bảo vệ chế độ dân chủ hơn là bảo hộ các ngành công nghiệp không hiệu quả: đảm bảo những thắng lợi chính trị trước đây và mở rộng những lĩnh vực mà người dân có thể kiểm soát những lực lượng có ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Tự do thương mại có thể tối đa hoá hiệu quả kinh tế, nhưng hiệu quả không phải ở mọi nơi và luôn là giá trị cao nhất. Một số người phản đối NAFTA đã khẳng định các giá trị khác – đó là các quyền hưởng không khí và nước sạch, an toàn thực phẩm, cộng đồng hài hoà, mức lương và điều kiện làm việc tương đối. Thật khó để gọi họ là những người ích kỉ, suy nghĩ hẹp hòi mang tư tưởng bảo hộ. NAFTA có lẽ là mục tiêu cụ thể đầu tiên đối với những người Mỹ quan tâm đến những tác động của việc tiếp tục dịch chuyển việc làm và đầu tư sang Thế giới thứ Ba lên nền kinh tế trong nước và các tiêu chuẩn môi trường, sức khoẻ và an toàn lao động. Những người này sợ rằng những tiêu chuẩn mà rất khó khăn mới đạt được – những quyền mới này- sẽ bị làm xói mòn bởi những quy định tạo điều kiện cho sự lưu chuyển của đồng vốn tới một quốc gia có những luật lệ lỏng lẻo hơn và mức lương thấp hơn nhiều. Trên phương diện này, không có gì phải ngạc nhiên khi có một cuộc tranh luận rất quyết liệt của công chúng về tự do thương mại với Mexico.

NAFTA là gì?

NAFTA là kết quả của một tiến trình do hai Tổng thống của Mexico là Miguel de la Madrid Hurtado và Carlos Salinas de Gortari khởi xướng nhằm đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế của Mexico trong những năm 1980. Sự sụp đổ của hệ thống giá dầu thế giới và những nỗ lực lâu dài của Mexico trong chính sách thay thế nhập khẩu đã khiến nước này phải đối mặt với những khoản nợ nước ngoài khổng lồ, thâm hụt liên bang lớn, bùng phát lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp cao, và mức sống sụt giảm. Mexico thực tế đã sụp đổ và đến năm 1982 đã tuyên bố không thể trả các khoản nợ nước ngoài. Đối mặt với cuộc khủng hoảng này và những sức ép lớn từ IMF, de la Madrid, người kế vị Salinas, đã cố gắng tự do hoá nền kinh tế Mexico. Người Mexico hạ thấp hàng rào thuế quan đối với nhiều sản phẩm, bán nhiều doanh nghiệp nhà nước, và tham gia GATT, một hiệp định quốc tế nhằm mở rộng thị trường thế giới. Ồng Salinas đã thương lượng giảm nợ với Mỹ, cắt giảm chi tiêu xã hội, nới lỏng luật đã hạn chế đầu tư nước ngoài và tư nhân hoá các ngân hàng lớn nhất của Mexico. Ông đã thi hành một cách nhiệt tình chủ nghĩa tự do kinh tế, đấu tranh loại bỏ những gì ông gọi là “các quan điểm lỗi thời nhầm lẫn giữa sự tiến bộ với quan điểm đề cao vai trò nhà nước.”[4]

Các chính sách của Salinas nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích xuất khẩu khá thành công. Trong 5 năm, từ 1986 đến 1991, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mexico đã tăng gần gấp đôi, từ 17 tỷ USD lên đến 34 tỷ USD. Lĩnh vực sản xuất cũng tăng trưởng rất nhanh, các nhà máy đã vượt ngành dầu khí, trở thành nguồn xuẩt khẩu quan trọng của đất nước. Quan hệ thương mại với Mỹ tăng lên đáng kể, tăng gấp đôi từ năm 1987 đến 1990, và tăng 50% trong giai đoạn 1990-1991. Ông Salinas đã rất quyết tâm thu hút đầu tư nước ngoài, và vì 80% hàng xuất khẩu của Mexico được đưa vào Mỹ, việc tiếp cận ổn định vào thị trường Mỹ ngày càng trở nên quan trọng với người Mexico.[5]

Tháng 6 năm 1990, Tổng thống Salinas đã đề nghị một hiệp định tự do thương mại với Mỹ. Quyết định nhằm hội nhập kinh tế chính thức đã gây ra tranh luận căng thẳng ở Mexico vì lâu nay Mexico luôn nghi kị và thù địch với nước láng giềng mạnh ở phía Bắc. Tuy nhiên, tổng thống Salinas nhấn mạnh tham vọng của ông đưa Mexico tới Thế giới Thứ nhất. Ông xây dựng hình ảnh một Mexico mới với nền kinh tế về cơ bản có trật tự, khả năng đối mặt với những thách thức của cuộc cạnh tranh toàn cầu. NAFTA sẽ là một công cụ thay đổi nền kinh tế và là một biểu tượng mạnh mẽ của cam kết theo đuổi chủ nghĩa tự do và cũng là tài sản quan trọng nhất của tổng thống Silinas. Nhà văn Mexico Carlos Monsivais đã nhận xét: “Salinas là NAFTA, toàn bộ chính quyền của ông là NAFTA. Ông đã đánh cược vào đó một cách dứt khoát và mạnh mẽ. Nó giống như một học thuyết chính trị; tất cả chúng ta sẽ lên thiên đường hoặc xuống địa ngục.”[6]

Nếu “Mexico mới” của Salinas là thiên đường thì những người phản đối NAFTA ở Mỹ có một cách nhìn khác về đất nước của ông. Những người chỉ trích NAFTA coi Mexico là “một quốc gia độc tài nhất của Mỹ Latinh chỉ sau Cuba và Peru”, cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách duy trì mức lương thấp, luật pháp lỏng lẻo và sử dụng quyền lực áp chế quan điểm bất đồng và sự bất bình của tầng lớp lao động.[7] Nhiều người cho rằng chiến thắng của Silinas trong cuộc bầu cử năm 1988 là hành động đánh cắp từ một ứng cử viên đã rời khỏi đảng PRI của Salinas để phản đối việc áp dụng chủ nghĩa tự do kinh tế; tiền lương được duy trì dưới mức tỉ lệ lạm phát theo thỏa thuận giữa chính phủ và các công đoàn do chính quyền kiểm soát, mặc dù hiệu suất làm việc đều đặn tăng; các nhà lãnh đạo công đoàn chống đối bị tống giam; những luật lệ về lao động và môi trường của Mexico đều có hiệu lực rất kém. “Mexico mới” vẫn là một nước không dân chủ bị xé nát bởi bất bình đẳng và sự nghèo đói cùng cực. Cuộc nổi loạn của nông dân ở bang Chiapas nghèo đói phía nam tháng 1/1994 (giai đoạn NAFTA có hiệu lực) đã nhắc nhở thế giới về điều đó. Các nhà chỉ trích của NAFTA vô cùng lo ngại về tác động của hội nhập kinh tế đối với những tiêu chuẩn về việc làm, tiền lương, lao động và môi trường của Mỹ.

Các quan chức Mỹ đã đánh giá đề nghị hiệp định tự do thương mại như thế nào? Chính quyền Bush ban đầu e ngại một hiệp định tự do thương mại với Mexico, nhưng cuối cùng, một số lý do kinh tế, chính trị đã khiến Mỹ theo đuổi hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ. Tổng thống Bush đã quá chán tốc độ chậm chạp trong các cuộc thương lượng của GATT, ông muốn làm một cái gì đó để giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp đang tăng lên, muốn ủng hộ các lực lượng tự do, và là một tổng thống thân thiện tại Mexico. Sự hưng thịnh của nền kinh tế Mexico là vô cùng quan trọng đối với Mỹ. Hai nước này ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, thể hiện qua ví dụ khi Mexico tuyên bố vào năm 1982 rằng họ không thể trả được các khoản nợ quốc tế, 7 trong số 9 ngân hàng lớn nhất của Mỹ (các ngân hàng này đã cho Mexico vay nhiều tỷ đôla) đã bị đưa đến bên bờ vực phá sản. Tổng thống Bush hi vọng rằng chính sách của Salinas sẽ củng cố nền kinh tế Mexico theo cách giúp tránh được các cuộc khủng hoảng trong tương lai, và tăng trưởng kinh tế sẽ làm cho trật tự chính trị của Mexico vững chắc thêm. Cuối cùng, NAFTA đem lại một số lợi ích đáng kể cho các công ty Mỹ – có thể tận dụng vốn và chuyên gia công nghệ từ lực lượng lao động Mexico có mức lương rẻ mạt trong những nỗ lực sản xuất chung, và giống như rất nhiều công ty Nhật Bản hoạt động tại Châu Á bên ngoài nước Nhật- Mỹ có thể tận dụng một số lợi ích khi tham gia vào khối thương mại này.[8] Mexico cung cấp lực lượng lao động trẻ, có trình độ với mức lương lại thấp, và một thị trường đang phát triển cho các sản phẩm của Mỹ (trung bình hàng năm khoảng 70% hàng hoá của Mexico là nhập khẩu từ Mỹ). Các doanh nghiệp Mỹ đạt được lợi nhuận đáng kể từ sự tăng trưởng kinh tế của Mexico: Mỗi đô la tăng trưởng GDP của Mexico tương đương lượng xuất khẩu của Mỹ tăng thêm 15 cent.[9]

Tháng 9 năm 1990, Tổng thống George Bush đã thông báo rằng ông sẽ bắt đầu đàm phán với Mexico. Chính quyền Bush ban đầu giành được “quyền đàm phán nhanh” từ Quốc hội, tức là các nhà lập pháp sẽ phải biểu quyết đồng ý hay không về hiệp định đã được chính quyền Bush đàm phán với đại diện của Canada và Mexico mà không được phép đưa ra các sửa đổi nhằm bảo vệ lợi ích của các cử tri. Chính quyền Bush cho rằng nếu không có “quyền đàm phán nhanh” thì họ sẽ không thể đàm phán về NAFTA, bởi Mexico và Canada lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ bị làm vô hiệu thông qua quá trình lập pháp tại Washington. Ba quốc gia này đã thông qua lần cuối cùng bản hiệp định này vào tháng 8/1992, đặt nền móng cho một khối kinh tế gồm 358 triệu người dân và nền các kinh tế với tổng GDP là 6,2 tỷ USD.

T Yukon đến Yuncatan: Trọng tâm của thỏa thuận

Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ bao gồm 5 tập, nặng gần 7 kg và được bổ sung thêm Hiệp định về lao động, môi trường và các thủ tục giải quyết các vấn đề của các ngành bị ảnh hưởng bất lợi bởi thương mại tự do. Mặc dù NAFTA là một hiệp định dài và phức tạp song mục đích của nó lại rất đơn giản: Hiệp định này nhằm xoá bỏ hoặc hạ thấp hàng rào thương mại đối với hàng hoá và dịch vụ và tạo ra một thị trường chung “từ Yukon đến Yucatan”.

Bản hiệp định này có 2 yếu tố chính: Một là giảm hoặc xoá bỏ thuế nhập khẩu của Mỹ, Mexico, Canada đối với nhiều hàng hoá sản xuất ở Bắc Mỹ và tạo điều kiện cho đầu tư qua biên giới trên lục địa này. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là hiệp định NAFTA không có nghĩa là xoá bỏ tất cả những rào cản thương mại – hiệp định này bao gồm những điều khoản bảo vệ lợi ích kinh tế của những thành phần phản đối thương mại tự do ở cả ba nước.[10]

Đầu tiên, NAFTA sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu ở gần 9000 hạng mục hàng hóa được bán ở Bắc Mỹ tính đến năm 2008. Ngày 1/1/1994, khối lượng hàng hoá được miễn thuế của Mỹ xuất khẩu sang Mexico đã tăng từ 20% lên 50%, và 2/3 hàng hoá của Mexico vào Mỹ cũng được miễn thuế nhập khẩu. Theo như bản hiệp định này thì những dòng thuế nhập khẩu khác sẽ biến mất trong thời gian 5, 10 hay 15 năm tới; sự trì hoãn này là nhằm cho phép các hãng và các ngành kinh tế có thời gian chuẩn bị cho việc thực hiện mậu dịch tự do. Trước khi có NAFTA, Mexico có mức thuế nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan cao hơn Mỹ, vì vậy ngưòi Mexico cần phải có mức giảm thuế nhập khẩu nhiều hơn.

Chỉ những hàng hoá tuân thủ “luật nguồn gốc” của NAFTA vận chuyển qua biên giới Bắc Mỹ mới được hưởng ưu đãi miễn thuế: hàng hoá phải được sản xuất ở Bắc Mỹ thì mới đủ điều kiện miễn thuế. Những hàng hoá được lắp ráp ở Bắc Mỹ từ những bộ phận được nhập khẩu từ các nơi khác chỉ phù hợp với điều kiện miễn thuế nếu sản phẩm sau đó khác hẳn với những thành phần được nhập khẩu – ví dụ, gỗ được Mexico nhập khẩu từ Brazil sau đó được vận chuyển bằng tàu vào Mỹ hoặc Canada sẽ không được hưởng miễn giảm thuế, nhưng giấy sản xuất ở Mexico từ bột gỗ nhập từ Brazil sẽ đủ điều kiện miễn thuế. NAFTA cũng yêu cầu một vài sản phẩm phải có “thành tố Bắc Mỹ” đáng kể thì mới được miễn thuế. Ví dụ, ô tô, giày dép, và hoá chất phải chứa ít nhất 50% thành phần sản xuất từ Bắc Mỹ. Theo hiệp định này thì quốc tịch của người chủ nhà máy không có liên quan. Ví dụ Nissan có thể vận chuyển ô tô từ những cơ sở sản xuất hiện đại của mình ở Mexico đến Mỹ mà không bị tính thuế miễn là những ô tô này đáp ứng các yêu cầu của hiệp định NAFTA về “thành tố Bắc Mỹ”.

Thứ hai, NAFTA bảo vệ quyền sở hữu của những nhà đầu tư xuyên biên giới ở Bắc Mỹ và xoá bỏ những thông lệ một thời gian dài đã ngăn cản đầu tư nước ngoài vào Mexico. NAFTA yêu cầu mỗi quốc gia ký kết đối xử với những nhà đầu tư nước ngoài không khác với những nhà đầu tư trong nước và cấm chính phủ áp đặt bất kỳ “yêu cầu hoạt động” nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ: trước NAFTA, Mexico thường yêu cầu các công ty thuộc sở hữu nước ngoài phải mua một số nguyên liệu đầu vào tại địa phương, hoặc phải xuất khẩu một tỷ lệ phần trăm cụ thể hàng hoá của họ. Những yêu cầu này là các “hàng rào phi thuế quan” đối với thương mại và xâm phạm hiệp định mậu dịch tự do. Những công ty đối mặt với tình thế như vậy có thể kháng cáo lên ban hội thẩm gồm đại diện của 3 nước. Hơn nữa, trong một điều khoản khác nhắm trực tiếp vào Mexico, NAFTA ngăn cản việc quốc hữu hoá các doanh nghiệp tư nhân bằng cách yêu cầu các chính phủ phải trả ngay lập tức và công bằng những khoản bồi thường cho chủ sở hữu của những công ty bị quốc hữu hoá. Mexico đang khan hiếm những khoản đầu tư nước ngoài, và những sự bảo vệ dành cho nhà đầu tư dựa vào điều khoản này chắc chắn sẽ làm đầu tư tại đây tăng lên thông qua “việc mở rộng mô hình quyền sở hữu kiểu Mỹ trên khắp lục địa này. Các nhà đầu tư có thể di chuyển tự do từ Mỹ đến Mexico cũng như từ Ohio đến Kentucky”.[11]

Hơn nữa, trong khi NAFTA hạ thấp nhiều hàng rào thương mại, hiệp định này cũng cung cấp các đảm bảo mang tính bảo hộ cho một số nhà sản xuất nội địa ở cả ba nước. Đầu tiên, sẽ có cái gọi là điều khoản “thoái lui” (snap-back) cho phép chính phủ tái áp đặt thuế nhập khẩu tạm thời để bảo vệ một số ngành kinh tế cụ thể thoát khỏi thua lỗ do nhập khẩu với lượng lớn gây ra. Ví dụ, nếu khoai tây của Mexico tràn lan sang khắp thị trường Hoa Kì và khiến cho giá hạ thấp thì Washington có thể đặt ra những hàng rào thuế quan ngăn cản khoai tây được nhập khẩu trong khi những người nông dân ở Mỹ có thể thích nghi với môi trường cạnh tranh mới. Thứ hai, mỗi nước cương quyết bảo vệ một vài ngành nội địa và hiệp định này bao gồm nhiều thỏa thuận riêng như vậy. Ví dụ, Mexico bảo vệ dầu các hãng khoan dầu và khí đốt của mình, Mỹ bảo vệ ngành công nghiệp tàu biển. Thứ ba, nhiều điều khoản bảo hộ đã nổi lên thông qua tiến trình chính trị ở Mỹ. Tổng thống Clinton đã đưa ra nhiều nhượng bộ với các thành viên Quốc hội, đặc biệt những người đại diện cho ngành nông nghiệp, và Mexico đã đồng ý điều chỉnh lại một điều khoản nguyên bản của Hiệp định NAFTA để cho phép thực hiện những nhượng bộ đó. Một thỏa thuận như vậy đã cho phép Mỹ quyền áp đặt những mức thuế rất cao đối với nước cốt cam nếu xuất khẩu của Mexico tăng và giá bán giảm xuống tới một mức cụ thể trong khoảng thời gian 5 ngày.[12] Những điều khoản này vi phạm tinh thần của tự do thương mại nhưng lại cần thiết nhằm hoàn thành bản hiệp định “tự do thương mại” – những nhà lập pháp đã từ chối ủng hộ NAFTA cho đến khi những sự thay đổi này được thực hiện.

Mặc dù đó là những yếu tố chính của NAFTA, hiệp đinh này còn có nhiều thành tố quan trọng khác. Có những điều khoản (nhắm đến Mexico) yêu cầu mỗi quốc gia phải bảo vệ những quyền “sở hữu trí tuệ” như vấn đề bản quyền hay nhãn hiệu thương mại và những quy tắc cho phép các ngân hàng Mỹ và Canada thâm nhập vào dịch vụ tài chính ở thị trường Mexico. Văn bản gốc của Hiệp định NAFTA sau đó được bổ sung “các thỏa thuận bên lề” do chính quyền Clinton đàm phán, bao gồm những điều khoản quan trọng về sức khoẻ và môi trường. NAFTA không yêu cầu ba nước thông qua những quy tắc giống nhau trong việc bảo vệ nguồn cung cấp lương thực và môi trường. Ba nước này đã đưa ra cam kết không ràng buộc nhằm tìm kiếm “những tiêu chuẩn cao nhất” của bảo hộ, nhưng không có cách nào ép buộc bất cứ một nước nào phải nâng tiêu chuẩn của mình lên. Hiệp định này yêu cầu mỗi bên sử dụng những tiêu chuẩn quốc tế đã được thiết lập bởi nhiều thể chế quốc tế làm cơ sở cho những qui tắc của mình. Các quốc gia có thể thiết lập tiêu chuẩn cao hơn nếu họ cho rằng điều đó là cần thiết, nhưng nếu những tiêu chuẩn mới đó thiếu “cơ sở khoa học”[13] thì sẽ bị coi là những rào cản thương mại không công bằng. Ví dụ, Mỹ khăng khăng rằng tiêu chuẩn kiểm soát tác hại của thuốc trừ sâu trong sản xuất của mình chính xác hơn tiêu chuẩn quốc tế, nhưng nếu cơ sở khoa học này bị nghi ngờ, Mexico có thể phản đối quy định của Mỹ.

Những người ủng hộ NAFTA lập luận rằng những quy tắc của Mỹ sẽ không bị đe doạ bởi thương mại tự do, nhưng những nhà phê bình lại nghi ngờ điều này. Họ chỉ rõ rằng trong khuôn khổ GATT, Mexico đã từng phản đối quy định của Mỹ hạn chế nhập khẩu cá ngừ vì cho rằng việc đánh bắt này đã giết hại cả cá heo là rào cản thương mại vô lý. Việc toà án GATT đứng về phía Mexico cho thấy tiêu chuẩn của Mỹ có lẽ sẽ lâm vào cảnh nguy hiểm.[14]

Các thỏa thuận bổ sung về môi trường và lao động

Như đã nói, quan ngại về ảnh hưởng của tự do thương mại đến tiêu chuẩn lao động và môi trường ở Mỹ đã phủ bóng mây lên khả năng thông qua NAFTA của Quốc hội. Như tất cả những nước nghèo khác trên thế giới, Mexico là một nước lạc hậu về môi trường với việc thi hành luật yếu và gần như không có cơ sở hạ tầng để có thể giải quyết những vấn đề môi trường. Những nhà phê bình NAFTA lo ngại (1) những quy tắc bảo vệ môi trường yếu của Mexico sẽ là nam châm hút các công ty trốn khỏi những luật lệ chặt chẽ hơn ở Mỹ và Canada; (2) áp lực cạnh tranh sẽ buộc Mỹ hạ thấp những tiêu chuẩn về môi trường của mình, và (3) sự phát triển kinh tế không có nguyên tắc ở Mexico sẽ ảnh hưởng rất xấu đến môi trường.

Tim Golden của báo New York Times đã viết:

Khi các quan chức gợi lên hình ảnh cuả  một thị trường lớn với vô vàn cơ hội đầu tư, việc thiếu những dịch vụ môi trường ở Mexico đang thu hút sự chú ý: theo số liệu của chính phủ, ở thung lũng Mexico, nơi có tới 16 triệu người, 9/10 lượng nước thải ra mà không được xử lý. Với khoảng 60.000 nhà máy công nghiệp nhưng chỉ có một khu rác thải độc hại. Không hề có một cơ sở xử lý rác thương mại nào để giải quyết những rác thải độc hại đó.[15]

Một mối quan tâm lớn của các nhà bảo vệ môi trường là điều kiện ở những khu vực biên giới, nơi đã trở thành một thảm hoạ môi trường do thành công của cái được gọi là chương trình “maquiladora”. Chương trình này bắt đầu giữa những năm 1960, cho phép các công ty nằm bên biên giới Mexico phát huy lợi thế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Mỹ. Thành công của maquiladoras dẫn đến sự phát triển của những nhà máy cần nhiều nhân công lộn xộn ở khu vực biên giới, những dân cư tập trung về nơi mới mà không có cơ sở hạ tầng hỗ trợ nên gặp một loạt vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng.[16] Những khách tham quan công viên quốc gia Big Bend ở đông nam Texas có thể thấy khói mù nhuốm màu nâu, một sản phẩm của maquiladoras; ở San Elizario, Texas, nơi lấy nước từ một mạch nước ngầm chảy xuyên biên giới, 35% trẻ em 8 tuổi đã mắc bệnh viêm gan, và 90% ngưòi lớn ở độ tuổi 35 mắc bệnh này.[17] Tình trạng hỗn độn ở biên giới bản thân nó là một vấn đề nghiêm trọng mà chi phí làm sạch ước tính lên tới 5 tỉ đến 15 tỉ đôla. Nhưng hơn thế nữa, nó đã trở thành biểu tượng cho hậu quả về môi trường của sự tăng trưởng kinh tế ở Mexico, và của việc kinh doanh vô trách nhiệm của các công ty ở khu vực biên giới.

Cũng có những e ngại đáng kể về tác động của NAFTA đối với vấn đề việc làm ở Mỹ. Năm 1992, mức lương trung bình mỗi giờ cho những công nhân sản xuất ở Mexico là 2,35 đôla một giờ, trong khi mức này ở Mỹ là 16,17 đôla một giờ.[18] Những nhà phê bình NAFTA tin rằng chiến lược trả tiền lương thấp của Mexico để thu hút đầu tư và việc làm sẽ rút ruột từng phần cơ sở công nghiệp của Mỹ, dẫn đến tình trạng mất việc có quy mô lớn ở những lĩnh vực làm việc đầu óc được trả lương cao ở Mỹ. Một số nhà kinh tế giải thích rằng lợi thế hiệu suất lao động cao của công nhân Mỹ tạo cho họ khả năng cạnh tranh với lao động ở Mexico, thậm chí khi họ có mức lương cao hơn nhiều; một số nhà kinh tế học khác lại lập luận, công nhân Mỹ đã đánh mất lợi thế so với công nhân Mexico ở một số công ty, và lợi thế đó sẽ mất hẳn trong tương lai.[19] Dù sao, vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tăng và tốc độ tăng lương giảm, nhiều công nhân Mỹ đã nhận thấy mối đe doạ trực tiếp từ NAFTA. Họ lo lắng không biết họ có duy trì được mức sống khi phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh với những công nhân đang được trả lương theo mức của Thế giới thứ Ba ngay phía nam biên giới không. Quả thực, NAFTA đã trở thành tâm điểm lo lắng về hoàn cảnh khó khăn của những công nhân trình độ thấp và không có tay nghề ở Mỹ.

Trong suốt chiến dịch bầu cử năm 1992, Tổng thống Bill Clinton đã ủng hộ NAFTA về cơ bản, nhưng ông cho rằng hiệp định này cần được bổ sung các “thỏa thuận bên lề” nhằm bảo vệ môi trường cũng như lao động ở Mỹ trước khi ông ủng hộ hoàn toàn. Nhưng các thỏa thuận bên lề do chính quyền Clinton đàm phán thực tế đã không tạo ra bất kì một quy tắc về môi trường và lao động mới nào và không yêu cầu sự hoà hợp giữa tiêu chuẩn về lao động và môi trường của ba nước.[20] Thay vào đó, những thỏa thuận bên lề này thiết lập cơ chế khuyến khích 3 nước tăng cường các luật đã có về môi trường và lao động, và cấm vận những nước cố gắng lách luật để thu hút đầu tư và tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho các công ty của mình. Hơn thế nữa, Mỹ và Mexico đã thành lập Ngân hàng Phát triển Bắc Mỹ để giúp đỡ tài chính đối với những chi phí nhằm làm sạch khu vực ô nhiễm ở biên giới và xây dựng các công trình xử lý nước thải. Những thỏa thuận bên lề nhận được nhiều đánh giá khác nhau từ phía các nhóm nghiên cứu môi trường và đã bị các nghiệp đoàn ở Mỹ coi là hoàn toàn không đầy đủ.

NAFTA đã không đưa được “các tiêu chuẩn môi trường ra khỏi cạnh tranh” bằng việc ép buộc Mexico tuân thủ luật pháp Mỹ và Canada, nhưng một số nhóm nghiên cứu môi trường (gồm cả National Wildlife Federation và Audubon Society) đã hài lòng với hiệp định này. Những nhóm khác không quá lạc quan tin tưởng vào NAFTA. Trong một quảng cáo toàn trang của tờ New York Times, Sierra Club phác họa NAFTA là một “thảm hoạ môi trường”, phàn nàn rằng hiệp định này sẽ làm xói mòn luật môi trường và những nỗ lực bảo tồn của Mỹ, và những công ty đang chuyển tới Mexico để lẩn tránh Uỷ ban Bảo vệ Môi trường sẽ tạo ra “địa ngục nhiễm độc” ở phía nam biên giới.[21] Những nhà lãnh đạo nghiệp đoàn đã thống nhất phản đối NAFTA, lập luận rằng họ đã đạt được thậm chí ít hơn từ các bản hiệp định bên lề so với những nhà môi trường.[22] Chủ tịch AFL-CIO Lane Kirkland gọi hiệp định NAFTA là một viên thuốc độc và cho rằng:

Người dân chúng ta không cư ngụ trong những viện nghiên cứu kinh tế và họ không ngồi vẽ những đường cong Laffer trên khăn ăn cocktail, nhưng họ cũng không ngủ quên ở phía sau chiếc xe tải chở dưa hấu. Từ những kinh nghiệm đau đớn của mình, họ bíết điều gì sẽ xảy ra khi mở cửa cho những nhà kinh doanh phía nam biên giới Mỹ. Họ không muốn nhìn thấy Mexico trở thành một nền kinh tế của các ngân hàng Mỹ và các tập đoàn hùng mạnh không thuộc một quốc gia nào, cũng không muốn thấy những người dân ở đó sử dụng dịch vụ của họ ra sao.[23]

Rõ ràng là hiệp định này đã và vẫn là vấn đề tranh cãi trong một số giới.

Thị trường, dân chủ và chủ nghĩa bảo hộ 

Dân chủ và thị trường 

Dân chủ, thị trường và NAFTA

Kết luận: Dân chủ, NAFTA, và tương lai chính sách thương mại Mỹ 

Câu hỏi thảo luận

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Kinh te chinh tri cua NAFTA.pdf

 


[1] Trước khi có NAFTA, thuế suất trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Mexico chỉ khoảng 3.4%. Sidney Weintraub, “US-Mexico Free Trade: Implication for the United States,” Journal of inter-american Studies and World Affairs 34 (1992) .

[2] Paul Krugman, “The Uncomfortable Truth about NAFTA: It’s Foreign Policy, Stupid,” Foreign Affairs 72 (1993); pp. 13-14. For a critical view of NAFTA, see Jeff Faux, “The Crumbling case Cor NAFTA,” Dissent 40 (Summer 1993); pp. 309-315.

[3] Robert Gilpin, The Political Economy of International Relations (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1987); p.11.

[4] Robert A.Pastor, Intergratiion with Mexico (New York: Twentieth Century Fund Press, 1993), pp.17-20.

[5] M.Delal Baer, “North American Free Trade,” Foreign Affairs (Fall 1991); pp. 132-133.

[6] Tim Golden, “U.S Vote Crucial for Mexico’s Chief and His Party,” New York Times, 17 November 1993, p.A20.

[7] Douglas Payne, “Mexico, Bound,” New York Times, 20 November 1994, p.A21.

[8] Pastor, Intergration with Mexico, pp.14-15; Peter Morici, “Free Trade with Mexico,” Foreign Policy 87 (Summer 1992); p.88.

[9] Weintraub, “US-Mexico Free Trade,” pp. 32-33.

[10] Phần này dựa vào David S. Cloud, “The Nuts and Bolts of NAFTA,” Congressional Quarterty Weekly Report 51, 20 November 1993; pp. 3174-3183; “What’s in the Trade Pact?” New York Times, 14 November 1993, p. A14; and Anne M. Driscoll, “Embracing Change, Enhancing Competitiveness: NAFTA’s Key Provisions,” Business America,18 October 1993, pp.14-25. See also The NAFTA, vol.1 (Washington, DC: U.S. Government Printing Office, 1993).

[11] Jonathan Schlefer, “History Counsels ‘No’ on Nafta…” New York Times, 14 November 1993, p.C11.

[12] David E. Rosenbaum, “Administration Sweetens Trade Agreement,” New York Times, 4 November 1993, p.A19; Keith E. Bradsher, “Clinton’s Shopping List for Votes Has Ring of Grocery Buyer’s List,” New York Times, 17 November 1993, p.A21.

[13] The NAFTA, vol.1, pp.30-7-31.

[14] Lori Wallach, “Hidden Dangers of NAFTA and GATT,” in The Case Against Free Trade: GATT, NAFTA, and the Globalization of Corporate Power (San Francisco: Earth Island Books,1991), ppp.23-64. See also Marian Burros, “Eating Well,” New York Times, 28 April 1993, p.C4. On the dolphin issue, see David Phillips, “Dolphins and GATT,” in The Case Against Free Trade, pp. 133-138.

[15] Tim Golden, “A History of Pollution in Mexico Casts Clouds over Trade Accord,” New York Times, 16 August 1993, p.A1.

[16] Tới năm 1994, chương trình maquiladora bao gồm 2.155 nhà máy tuyển dụng 544.500 công nhân; khoảng 20% số nhân công trong lĩnh vực sản xuất của Mexico làm việc trong các maquiladora. NAFTA sẽ có thể chấm dứt sự phát triển của các maquiladora bằng cách xóa bỏ các lợi thế thương mại đặc biệt mà chúng được hưởng. Joshua Cohen, Business Mexico, 4 (1994); pp.52-55; xem thêm Pastor, Intergration with Mexico, pp.13-14.

[17] Pastor, Intergration with Mexico, pp.55.

[18] Sheldon Friedman, “NAFTA as Social Dumping,” Challenge (Septemper/October 1992): pp. 28-29.

[19] Harley Shaiken, “Two Myths about Mexico,” New York Times, 22 August 1993, p.D15.

[20] Xem NAFTA Supplemental Agrrements (Washington, D.C: Government Printing Office, 1993),p.3.

[21] The New York Times, 15 November 1993, p.A5. See also David S. Cloud, “Environmental Groups Look for Ways to Ensure a ‘Green’ Trade Agreement,” Congressional Quarterty Weekly Report, 28 November 1992, pp. 3712-3713.

[22] Anthony DePalma, “Law Protects Mexico’s Workers, but its Enforcement is Often Lax,” The New York Times, 15 August 1993, p. A1; Keith Bradsher, “Side Agreement to Accord Vary in Ambition,” The New York Times, 19 September 1993, p. A1.

[23] Lane Kirkland, “Labor Unions and Change,” Vital Speeches 60 (15 November 1993), pp.81-84. Xem thêm Mark Anderson, “NAFTA’s Impact on Labor,” in Mario Bognanno and Kathryn Ready, The North american Free Trade Agreement: Labor, Industry, and Government Perspectives (Westport, CT: Quantum Books, 1993), pp.55-60.