Nguồn: Robert B. Zoellick (2013). “U.S., China and Thucydides”, The National Interests, (July/August 2013).
Biên dịch: Bùi Đức Sơn | Hiệu đính: Nghiêm Hồng Sơn
TRONG THỜI GIAN thăm Hoa Kỳ năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra ý tưởng “mối quan hệ kiểu mới giữa các siêu cường”. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama Tom Donilon đáp lời rõ ràng vào tháng Ba năm nay bằng cách bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng một “mô hình quan hệ mới giữa một cường quốc hiện tại và một cường quốc đang lên”. Tháng Sáu này, lãnh đạo hai nước đã gặp nhau ở California để tìm hiểu xem liệu các quan điểm chiến lược của họ có thống nhất được với nhau không.
Tôi đoán rằng quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình phản ánh việc nghiên cứu lịch sử của vị lãnh đạo cấp cao này. Tại cuộc họp năm ngoái về Đối thoại kinh tế và Chiến lược Trung Quốc – Hoa Kỳ, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào phát biểu rằng, “chúng ta phải chứng mình rằng suy nghĩ truyền thống là các siêu cường phải giải quyết mâu thuẫn bằng xung đột là sai, và [thay vào đó] hãy tìm kiếm những cách thức mới phát triển mối quan hệ giữa các nước lớn trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa.”
Tại Hoa Kỳ, giáo sư Graham Allison và Joseph Nye của Harvard đã gọi thách thức này là “cái bẫy Thucydides”: khi giải thích nguyên nhân của cuộc đại chiến Peloponnesse thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhà sử học Thucydides đã chỉ ra lý do của cuộc chiến là sự trỗi dậy của thành Athens và nỗi sợ hãi của thành Sparta. Từ nhiều thế kỷ nay, các học giả đã nghiên cứu việc chuyển đổi quyền lực đã dẫn đến những căng thẳng tranh chấp như thế nào: đôi khi kiểm soát được và đôi khi dẫn đến xung đột.
Bài viết này đặt ra một câu hỏi: Điều gì là bản chất của mối quan hệ siêu cường kiểu mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ?
Kevin Rudd, cựu thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao của Úc, cũng đã đề cập đến vấn đề này trong một loạt bài phát biểu sâu sắc. Cách tiếp cận của ông chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và nỗ lực hợp tác.
Tôi sẽ bổ sung cho những quan sát của ông Rudd bằng cách gợi ý các chính sách cụ thể nhằm kiến tạo mối quan hệ kiểu mới này. Tôi sẽ tập trung đặc biệt về các vấn đề kinh tế và an ninh, cũng như những trở ngại mà Trung Quốc và Mỹ cần phải giải quyết.
Năm 2005, tôi đề nghị Hoa Kỳ nên khuyến khích Trung Quốc trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong một hệ thống quốc tế đã hỗ trợ quá trình tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa phi thường của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan nhận ra rằng Trung Quốc mở cửa có thể giúp quốc gia này tận dụng hệ thống quốc tế hiện có về thương mại, đầu tư, công nghệ, phát triển và an ninh. Nhờ có sự nỗ lực của nhân dân Trung Quốc, những nhận định của Đặng Tiểu Bình được chứng minh là đúng đắn.
Hệ thống quốc tế của những năm cuối thế kỷ XX cần phát triển với thời đại mới. Trách nhiệm trong việc bảo vệ và mở rộng những lợi ích hệ thống – và thích ứng với những thách thức mới – cần được xem xét như là một phần trong lợi ích quốc gia của các siêu cường. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc và những nước khác sẽ không thể thích ứng thành công với một hệ thống thay đối nếu họ không cùng có một cam kết cơ bản cho hệ thống quốc tế này.
Một số nhà quan sát tin rằng Trung Quốc đã hành động như một “thành viên bất đắc dĩ”, đặc biệt trong việc chuyển những lợi ích chung thành những chính sách hỗ trợ những lợi ích đó. Trong khi tìm hiểu lý do tại sao, các nhà quan sát đã đặt ra một câu hỏi: liệu có phải là Trung Quốc vẫn còn đang cân nhắc hay đang thích nghi với vai trò của mình không? Hay là, theo như một số phát ngôn của Trung Quốc, có phải Trung Quốc muốn có một hệ thống mới? Nếu như vậy, thì hệ thống mới đó sẽ như thế nào? Có phải Trung Quốc muốn đưa thêm nội dung tư tưởng khác vào quan hệ quốc tế – điều sẽ thể hiện một sự thay đổi so với chính sách của Trung Quốc trước đây?
Những bất trắc này làm dấy lên một câu hỏi quan trọng nữa là: có phải những phê bình của Trung Quốc đối với hệ thống quốc tế hiện hành đã cân nhắc cái giá phải trả và phản ứng của các nước khác về những mục tiêu mới của Trung Quốc? Không phải ngẫu nhiên mà những vấn đề này đang nảy sinh chủ yếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vì vậy, khi xem xét khả năng hình thành mối quan hệ siêu cường kiểu mới, chúng ta cần trao đối nghiêm túc, sâu sắc về việc liệu giữa Trung Quốc và Hoa kỳ có tồn tại những lợi ích hệ thống chung hay không – cũng như về các chính sách cụ thể. Sự phụ thuộc lẫn nhau bản thân nó không thể giải quyết các vấn đề và các mối đe dọa của thế kỷ 21. Chúng ta cần phải xem xét kinh tế và an ninh tương tác như thế nào trong chính sách đối ngoại ngày nay.
***
NHỮNG THẮNG LỢI KINH TẾ đáng kinh ngạc của Trung Quốc – tăng trưởng trung bình 10%/năm trong 30 năm qua – đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nơi giao thương dịch vụ và hàng hóa lớn thứ hai thế giới, và là quốc gia nhận vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn thứ hai thế giới.
Nhưng Hoa Kỳ vẫn chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu. Mặc dù các nền kinh tế tiên tiến khó tiếp tục tăng năng suất khi đạt tới đỉnh cao công nghệ, những phát kiến gần đây của Hoa Kỳ về năng lượng, phần mềm và mô hình kinh doanh cho thấy một nền kinh tế đã phát triển nhưng vẫn duy trì được một khả năng thích nghi và tái sinh lạ thường. Trái ngược với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác – và thậm chí so với nhiều nước đang phát triển – triển vọng về nhân khẩu học của Mỹ là tương đối tích cực. Hội nhập của Mỹ với các đối tác ở Bắc Mỹ cũng cho thấy triển vọng tốt.
Tuy nhiên, một loạt các chuyển dịch cơ cấu toàn cầu, đặc biệt là sự trỗi dậy nhanh chóng của các nền kinh tế đang phát triển, cùng với sự phục hồi toàn cầu đang còn bấp bênh từ sau cuộc Đại suy thoái, đòi hỏi phải có sự thay đổi nhiều hơn nữa từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và toàn thế giới.
Những thách thức cho sự phát triển của Trung Quốc được mô tả đầy đủ trong bản báo cáo hoàn thành năm ngoái với tiêu đề “Trung Quốc năm 2030” của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc Vụ Viện (tức Chính phủ) cùng với các Bộ khác của Trung Quốc và một nhóm chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã tìm cách giải quyết vấn đề cơ bản là làm cách nào Trung Quốc có thể tránh được cái gọi là bẫy thu nhập trung bình – xu hướng năng suất và tăng trưởng chậm lại sau khi các nền kinh tế đang phát triển đạt được mức thu nhập trung bình. Các đồng nghiệp Trung Quốc của chúng ta đã khôn ngoan nhận ra rằng dự báo tăng trưởng theo đường thẳng hiếm khi xảy ra.
Hãy xem xét vấn đề này trong bối cảnh lịch sử: khi Ngân hàng Thế giới xem xét hoạt động của 101 nền kinh tế được xếp loại là các nước có mức thu nhập trung bình vào năm 1960 thì họ phát hiện rằng vào năm 2008, tức khoảng 50 năm sau, chỉ 13 nước vươn lên được mức thu nhập cao. Và một trong các nước đó là Hy Lạp!
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các tài sản cố định chủ yếu do chính phủ đầu tư, và tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Trung Quốc cần phải thích ứng với những chuyển đổi cơ cấu toàn cầu: hiện nay các nền kinh tế đang phát triển chiếm một nửa sản lượng toàn cầu – và quả thực chiếm khoảng hai phần ba mức tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm qua – Trung Quốc không thể tiếp tục phụ thuộc mô hình tăng trưởng chủ yếu đến từ việc bán hàng cho các nước phát triển.
Trung Quốc cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào mức tiêu thụ và nhu cầu trong nước ngày càng lớn – cũng như vai trò ngày càng lớn của thành phần tư nhân. Việc đầu tư vào nguồn vốn con người sẽ ngày càng quan trọng vì nó khích lệ tinh thần cải tiến của những nhân tài Trung Quốc. Sự biến đổi này cũng có thể cho phép nhiều người Trung Quốc thụ hưởng thành quả sau hàng thập niên vất vả, đồng thời gia tăng tiêu thụ nội địa có thể làm dịu những căng thẳng xã hội.
Báo cáo “Trung Quốc 2030” đã vạch ra con đường đi lên mô hình tăng trưởng mới bao gồm: hoàn thành việc chuyển đổi sang thị trường đối với các lĩnh vực đất đai, lao động, doanh nghiệp và tài chính; hướng đến hệ thống cải tiến mới, giúp Trung Quốc tiến tới bước tiếp theo trong chuỗi giá trị sản xuất; tạo cơ hội bình đẳng và an sinh xã hội cơ bản cho người dân Trung Quốc; cơ cấu lại hệ thống tài chính cho phù hợp với trách nhiệm giải trình đối với doanh thu và chi tiêu ở các cấp chính quyền khác nhau; làm sạch môi trường và định giá các nguồn tài nguyên khan hiếm; đồng thời xem xét các tác động quốc tế từ việc chuyển đổi cơ cấu ở Trung Quốc.
Tôi không mong đợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc hành động theo kiểu cải cách “Bùng Nổ”. Tôi cho rằng họ và các nhà lãnh đạo cấp tỉnh sẽ theo đuổi thử nghiệm thực tế. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chỉ ra đô thị hóa chính là cánh cửa để qua đó Trung Quốc có thể thay đổi có kế thừa, kết hợp các vấn đề xã hội, đất đai, doanh nghiệp, giáo dục và các dịch vụ khác, tiêu dùng, mức sống, cơ sở hạ tầng mới, nhà ở, phát triển bền vững, tài chính và vấn đề quản trị.
Chỉ việc nhận thức nhu cầu thay đổi cũng là một bước tiến lớn. Ngược lại, hơn 20 năm trước tôi đã chứng kiến hệ thống chính trị và hành chính Nhật Bản đã phản kháng đối với nhu cầu về một mô hình tăng trưởng mới. Hiện nay Thủ tưởng Shinzo Abe phải theo đuổi những bước đi táo bạo nhằm khắc phục việc phản kháng đối với thay đổi của Nhật Bản.
Tuy nhiên việc thúc đẩy cải tổ tiếp theo của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Lãnh đạo Trung Quốc cần phải cân bằng chiến lược tăng trưởng ngắn hạn, chủ yếu phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế hiện nay, với sự cần thiết phải thay đổi cấu trúc hiện tại cho tăng trưởng sau này.
***
QUAN HỆ SIÊU CƯỜNG kiểu mới phải tiên lượng các thay đổi về kinh tế và thậm chí cả những thay đổi về thể chế ở phía trước. Trung Quốc và Hoa Kỳ phải xác định những lợi ích chung trong việc hỗ trợ cải tổ cơ cấu và “tái cân bằng” ở cả hai nước.
Hãy xem xét việc tìm kiếm một phương pháp tiếp cận kinh tế hợp tác mới đòi hỏi những gì:
-
- Chẳng hạn, để nâng cao năng suất, tạo việc làm, mở rộng cơ hội kinh doanh và tăng tiêu dùng, Trung Quốc cần mở rộng sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ. Thành phần kinh tế tư nhân Trung Quốc cần mở rộng vai trò của mình. Ngoài ra, Hoa Kỳ và các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài có thể mang phương pháp, công nghệ và kết nối toàn cầu hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ được mở rộng của Trung Quốc. Sự hợp tác này có thể góp phần làm giảm sự mất cần bằng thương mại và những xung đột trong khi thúc đẩy lợi ích chung.
- Chương trình đổi mới của Trung Quốc cần phải kết hợp giáo dục, công nghệ, đầu tư mạo hiểm, tác động liên kết, và nâng cao việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; xin nhắc lại, sự tham gia của Mỹ có thể hỗ trợ đồng thời cũng mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
- Phải thực hiện mạnh nhưng linh hoạt vấn đề an sinh xã hội ở Trung Quốc, điều này có thể rút ra từ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề bảo hiểm, tiết kiệm và cung cấp các mô hình dịch vụ. Đến lượt mình, Hoa Kỳ cũng cần phải giải quyết các vấn đề về chi phí, tài chính và các ưu đãi cho hệ thống an sinh già nua và đắt đỏ hơn rất nhiều của mình.
- Nhu cầu thực phẩm và bảo tồn nguồn nước của Trung Quốc có thể được đáp ứng bằng các sản phẩm, công nghệ và các hệ thống của Hoa Kỳ và nước ngoài bao gồm việc tập trung vào chất lượng và an toàn thực phẩm. Các thị trường mở cần phải mở rộng các hoạt động kinh doanh nông nghiệp bổ sung xuyên Thái Bình Dương đồng thời phải nâng cao mức sống.
- Có nhiều cơ hội chung trong lĩnh vực năng lượng và môi trường bao gồm các nguồn năng lượng ít thải các-bon, hệ thống và công nghệ thay thế, kinh nghiệm làm sạch không khí, nước, đa dạng sinh học và sử dụng đất.
- Để thích nghi cần phải có sự hỗ trợ từ các thị trường chuyên sâu hơn, đa dạng hơn và uyển chuyển hơn về tiết kiệm, tín dụng và đầu tư – đồng thời đảm bảo an toàn, bền vững và quản lý khủng hoảng hiệu quả. Trung Quốc cần chuyển từ một quốc gia của những người gửi tiết kiệm để lấy những đồng lợi nhuận tối thiểu trở thành một quốc gia của những người đầu tư có đóng góp cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc.
- Cuối cùng, Trung Quốc, Hoa Kỳ và những quốc gia khác cần có cơ chế tốt hơn để khuyến khích đầu tư lẫn nhau đồng thời quản lý an ninh quốc gia và những vấn đề nhạy cảm khác.
Ở chừng mực nào đó, các nhà lãnh đạo thế kỷ XXI của Trung Quốc có thể lưu tâm đến lý luận của Đặng Tiểu Bình và Chu Dung Cơ: là khai thác các thị trường, vận dụng các quy tắc, sự cạnh tranh, tận dụng những cơ hội và các tiêu chuẩn của nền kinh tế quốc tế để thúc đẩy tiến bộ và cải cách cơ cấu Trung Quốc.
Hoa Kỳ cũng cần phải cải cách cơ cấu – đặc biệt trong hệ thống lương hưu và chăm sóc y tế, cải cách thuế, quan hệ đối tác công – tư đối với cơ cở hạ tầng và giáo dục gắn liền với kỹ năng và nghề nghiệp. Các chương trình phúc lợi xã hội Hoa Kỳ mỗi năm phải chi cho mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở Hoa Kỳ 7.400 đô la Mỹ – nhiều hơn thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có lý do chính đáng, vì lợi ích của mình để theo đuổi cải cách cơ cấu và tái cân bằng toàn cầu. Mặc dù vậy, sự hợp tác giữa hai bên có thể thúc đẩy triển vọng lẫn nhau và khả năng là thành công. Hơn nữa, hiệu quả của cuộc cải cách của Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các điều kiện kinh tế toàn cầu và tăng cường khả năng cải cách hệ thống ở các nước khác.
Tôi có cảm giác rằng các cuộc đối thoại kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – dù dưới tiêu đề “chiến lược”, kết nối thương mại, G-20, APEC, WTO hay các diễn đàn khác – đã trở nên quá cứng nhắc, mang tính phòng thủ và không sáng tạo.
Chương trình phát triển mới của Trung Quốc và sự phục hồi của Hoa Kỹ đã mở ra cơ hội. Cả hai bên cần phải tìm ra sự liên kết đôi bên cùng có lợi. Không phải mọi ý kiến đều khả thi. Tuy nhiên, sự hình thành mối quan hệ kiểu mới có thể mở ra giải pháp và những cơ hội sáng tạo.
Ngoài ra, là hai cường quốc kinh tế chính, đã phát triển và đang phát triển, Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải xem xét việc họ hợp tác với nhau có thể thúc đẩy cải thiện hệ thống toàn cầu và khu vực như thế nào.
Ví dụ, mở cửa lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc – vốn phục vụ lợi ích của chính Trung Quốc – có thể được khai thác để thúc đẩy các cuộc đàm phàn tự do hóa lĩnh vực dịch vụ trong tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hiệp định Công nghệ Thông tin của WTO (ITA) trong những năm 1990 đã chứng tỏ là một lợi ích tuyệt vời đối với việc cung ứng toàn cầu, chuỗi cung ứng, hệ thống hậu cần, đổi mới và người tiêu dùng. Các thành viên của WTO đang thảo luận về một ITA thứ hai để nâng cấp danh mục các sản phẩm cũ và bổ sung dịch vụ. Trung Quốc và Hoa Kỳ cần thúc đẩy nỗ lực này. Cũng có nhiều cơ hội khác, từ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại đến các quy định chi tiêu của chính phủ cởi mở hơn. Áp lực sẽ gia tăng để làm rõ các quy định cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước. Một vài năm trước, các quỹ đầu tư quốc gia đã chứng tỏ rằng các bước theo hướng tăng minh bạch và khuyến khích các đơn vị hoạt động tốt nhất có thể ngăn chặn những lo lắng đồng thời nâng cao năng suất.
Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng cần phải thảo luận hệ thống tiền tệ quốc tế tương lai. Hệ thống này phải điều chỉnh được sự dịch chuyển toàn cầu và hậu quả của các chính sách tiền tệ quốc tế bất thường hiện nay. Thế giới cần phải cảnh giác trước nguy cơ phá giá tiền tệ do cạnh tranh. Khi Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và chuyển hướng sang một tài khoản vốn mở, một kỷ nguyên mới về các mối quan hệ siêu cường sẽ đòi hỏi các nền kinh tế lớn quản lý được sự phát triển hướng tới hệ thống dự trữ tiền tệ đa chủng loại.
Trung Quốc và Hoa Kỳ có kinh nghiệm và triển vọng phát triển có thể hỗ trợ các quốc gia khác – cho dù thông qua việc phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, mở rộng sản xuất và chuỗi cung ứng, phát triển lĩnh vực dịch vụ, cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư. Trung Quốc và Hoa kỳ cần phải có những lợi ích chung trong tăng trưởng có lợi cho toàn bộ người dân, có nền quản trị tốt, minh bạch và chống tham nhũng, thương mại và tránh chu kỳ bùng nổ và phá sản. Kỷ nguyên mới này có thể thúc đẩy hợp tác với các tổ chức đa phương và hệ thống khu vực tư nhân.
Các đề tài về môi trường cũng cần được khai thác – từ đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã đến phát triển với ít năng lượng các-bon.
Quả thực, nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc có mâu thuẫn về các chủ đề cần sự hợp tác xuyên quốc gia, thì hệ thống quốc tế không thể hoạt động hiệu quả; ngược lại, nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể hợp tác, thậm chí từng bước một, thì những quốc gia khác sẽ tham gia.
Chương trình nghị sự kinh tế về mối quan hệ siêu cường kiểu mới có thể được mở rộng. Tất nhiên, cần kiểm soát những yếu tố nhạy cảm và khác biệt, nhưng mạng lưới các mối quan hệ kinh tế mở rộng – chính phủ, tư nhân, liên quốc gia và đa quốc gia – có thể là khởi nguồn các ý tưởng giải quyết vấn đề, sáng tạo và thậm chí còn là tấm nệm để giảm sốc do khác biệt.
Tuy nhiên, về các vấn đề an ninh, dù là song phương hay đa phương, Trung Quốc và Hoa Kỳ lại không có một mạng lưới như vậy. Lỗ hổng này có thể bắt nguồn một phần từ sự khác biệt về cơ cấu. Ở Trung Quốc, Giải phóng Quân Nhân Dân (PLA) báo cáo với Quân ủy Trung ương, một tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ với một hoặc hai thành viên dân sự. Do đó, các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đến cấp Ủy viên Quốc vụ thường không thể can thiệp vào chủ đề an ninh cho đến sau khi PLA đã hành động và đôi lúc chỉ sau khi thiệt hại cho quan hệ đối ngoại của Trung Quốc đã xảy ra.
Trung Quốc không có hệ thống hội đồng an ninh quốc gia để hợp nhất an ninh, ngoại giao, quốc phòng và thậm chí cả những vấn đề kinh tế và chính trị. Kết quả là không có một hệ thống tổ chức Trung Quốc tương đương cho những cái được gọi là thảo luận “chính trị – quân sự”.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã từng có những cuộc trao đổi quân sự – quân sự, tuy nhiên những cuộc trao đổi này không diễn ra ở cấp phù hợp. Trung Quốc đã dừng các cuộc thảo luận để thể hiện sự bất mãn, khiến các cuộc trao đổi chuyên sâu cần thiết bị cản trở . Hơn nữa, quan hệ an ninh giữa các siêu cường kiểu mới đòi hỏi nhiều hoạt động hơn là chỉ các cuộc thảo luận quân sự.
Một số học giả và quan chức Trung Quốc nhận ra sự cần thiết phải hợp nhất đầy đủ hơn các quan điểm của Trung Quốc về an ninh và chính sách ngoại giao. Chẳng hạn, hệ thống Trung Quốc có thể trông chờ vào một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ để phối hợp quốc phòng, chính sách đối ngoại, an ninh và các chủ đề kinh tế, điều phối PLA, các quan chức của chính phủ và ĐCS. Hoặc giới lãnh đạo ĐCS có thể dựa vào các tiểu ban của họ.
….
Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Hoa Ky, TQ va bay Thucydides.pdf