Từ ngữ thú vị (11-20)

oxford-english-dictionary

20. Canary in the coal mine

Đây là thành ngữ chỉ một dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một điều nguy hiểm nào đấy đang đến gần. Thành ngữ này bắt nguồn từ việc các thợ mỏ ở các nước phương Tây trước kia có thói quen mang một lồng chim hoàng yến (canary) xuống hầm mỏ. Khi lượng khí độc như methane hay CO2 trong hầm vượt quá nồng độ an toàn thì con chim hoàng yến sẽ chết trước, giúp thợ mỏ nhận ra nguy hiểm và kịp thời rút ra khỏi hầm.

Ví dụ: In some exceptional cases, democracy could be at risk. The canary in the coal mine may be Hungary, which has come under intense criticism for Prime Minister Viktor Orban’s efforts to consolidate his party’s hold on power.
(Trong một số ngoại lệ, nền dân chủ có thể đối mặt với rủi ro. Một nhân tố cảnh báo sớm có thể là Hungary, đất nước đã phải chịu nhiều chỉ trích vì Thủ tướng Viktor Orban đang cố gắng củng cố sự cầm quyền của Đảng mình).

19. Beggar-thy-neighbor policy

Đây là từ để chỉ các chính sách có lợi cho nước mình nhưng có hại cho các nước láng giềng. Một ví dụ điển hình là việc phá giá đồng nội tệ sẽ giúp một nước tăng xuất khẩu, nhưng đồng thời sẽ làm giảm sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của các nước láng giềng.

Ví dụ: Rising populism and nationalism would inhibit regional cooperation and make beggar-thy-neighbor policies much more likely.
(Sự gia tăng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc sẽ ngăn cản hợp tác khu vực và dễ dẫn đến các chính sách có lợi cho mình nhưng có hại cho láng giềng hơn).

18. Pork barrel politics

Đây là cụm từ chỉ hoạt động chính trị mà trong đó các chính trị gia tìm cách đưa các dự án có thể tạo công ăn việc làm, doanh thu và các lợi ích khác (nhất là các dự án cơ sở hạ tầng) về các đơn vị bầu cử mà họ đại diện, qua đó có thể giành được sự ủng hộ từ các cử tri ở một khu vực nhất định mà họ đại diện trong khi ảnh hưởng tiêu cực hoặc không tính tới lợi ích của các đơn vị bầu cử khác.

Từ pork barrel (thùng thịt heo) được dùng theo nghĩa này được cho là từ khoảng thời kỳ Nội chiến Mỹ (1861-1865), liên quan đến một tục lệ trong đó các nô lệ được phát một thùng thịt heo làm phần thưởng và họ phải tranh giành nhau để giành được phần của mình.

17. Bondholder haircut.

Trong lĩnh vực tài chính haircut nghĩa là phần chiết khấu khỏi giá trị thật của tài sản khi tài sản được thế chấp tại ngân hàng. Ví dụ, một lô đất giá trị 100 đồng nhưng ngân hàng chỉ chấp nhận thế chấp ở mức 75 đồng, để đề phòng rủi ro tài sản giảm giá, và phần chênh lệch 25 đồng được gọi là haircut. Tương tự, trong khủng hoảng các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, người ta áp dụng biện pháp này để buộc các trái chủ chấp nhận giảm giá trị trái phiếu đang gửi tại các ngân hàng (tức con nợ của họ) theo một tỉ lệ nhất định để giúp giảm số nợ của ngân hàng. Số chiết khấu này cũng có thể được biến thành cổ phần của các trái chủ trong các ngân hàng đó, làm giúp tăng quy mô vốn cho các ngân hàng. Giải pháp này được nhiều nước ủng hộ trong quá trình tái cơ cấu nợ của các ngân hàng vì nó chuyển chi phí sang các trái chủ, trong khi nếu dùng giải pháp giải cứu (bail out) thì nhà nước phải dùng ngân sách, tức tiền thuế của dân, để làm việc đó, dẫn tới các phản đối của người dân.

16. Rapprochement

Một số bạn khi dịch các bài về quan hệ Mỹ – Trung đã dịch từ “Sino-American rapprochement” là “bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung”. Dịch như vậy không thật chính xác mà phải dịch “rapprochement” là “quá trình xích lại gần nhau” giữa hai nước, vì thực tế quá trình này (rapprochement) bắt đầu từ khoảng (trước) 1972, với việc diễn ra chuyến thăm của Nixon tới Bắc Kinh và ngoại giao bóng bàn giữa hai nước, trong khi việc bình thường hóa chính thức (normalization) phải tới đầu năm 1979 mới diễn ra.

15. Quisling regime

Từ này bắt nguồn từ Vidkun Quisling (1887–1945), nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy trước 1941, người đã làm thủ tướng trong một chính phủ hợp tác với Đức Quốc xã trong phần lãnh thổ Na Uy bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến II, từ năm 1941 đến năm 1945. Từ “Quisling” sau đó được dùng để mô tả các các chế độ bù nhìn bản địa được dựng lên để hợp tác với Đức Quốc xã (như ở Pháp, Hi Lạp, Nam Tư… trong Thế chiến II) nói riêng, hay các chế độ hợp tác với kẻ thù nói chung.

14. Burgher

Đây là từ chỉ những người thuộc tầng lớp thị dân sống trong các thành phố (thường có tường thành bao quanh) ở Châu Âu thời kỳ Trung Cổ. Từ này bắt nguồn từ chữ burgh trong tiếng Đức hay Hà Lan (chuyển thành burg trong tiếng Anh), nghĩa là các thành phố, thị trấn như vậy.

Từ “burgh” hoặc “burg” xuất hiện trong tên nhiều thành phố ở Mỹ và Châu Âu, ví dụ như Pittsburgh (thành phố của Pitts), hay tương tự là Petersburg, Endinburg…

13. Tulip mania (Cơn sốt hoa tulip)

Đây là từ chỉ cuộc đầu cơ hoa tulip diễn ra ở Hà Lan trong Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan (TK 17), theo đó giá hợp đồng của hoa tulip, lúc đó mới được đưa vào trồng ở Hà Lan, đã tăng vọt tới mức bất thường rồi đột ngột sụp đổ. Đây nhìn chung được coi là bong bóng đầu cơ đầu tiên được ghi lại trong lịch sử. Thuật ngữ này ngày nay được dùng như một cách nói ẩn dụ để chỉ các bong bóng kinh tế lớn.

12. Samizdat

Đây là từ chỉ các ấn phẩm, báo chí bí mật, hoặc bị cấm, ngoài luồng, do các (nhóm) cá nhân tự xuất bản mà không được chính quyền cho phép lưu hành chính thức. Được mượn từ tiếng Nga, từ này gồm hai phần: sam (nghĩa là tự) và izdat (viết tắt của từ izdatel’stvo, nghĩa là nhà xuất bản).

11. Phân biệt hai từ “Muslim” và “Islamist”:

– Muslim là từ chỉ các tín đồ theo đạo Hồi nói chung
– Islamist là từ để chỉ những người theo tư tưởng chính trị Hồi giáo, muốn biến Hồi giáo thành nền tảng định hướng đời sống chính trị – xã hội của một quốc gia.