Tác giả: Nguyễn Hồng Bảo Thi
Giải trừ quân bị là việc cắt giảm, hạn chế hoặc xoá bỏ vũ khí. Cần phân biệt khái niệm giải trừ quân bị (disarmament) với khái niệm “kiểm soát vũ khí” (arms control). Kiểm soát vũ khí chủ yếu liên quan tới việc kiềm chế sự phát triển về số lượng của các loại vũ khí chứ không nhất thiết bao gồm việc cắt giảm hoặc xóa bỏ các loại vũ khí mà một quốc gia sở hữu. Việc giải trừ quân bị chủ yếu dựa trên nhận định cho rằng bản thân các loại vũ khí cũng là một nguồn dẫn tới các loại xung đột.
Giải trừ quân bị thường áp dụng cho các quốc gia quân sự, hay nói cách khác là các quốc gia có tiềm năng quân sự mạnh với đa dạng các loại hình vũ khí. Việc giải trừ quân bị thường diễn ra theo nhiều cách khác nhau.
Thứ nhất, các quốc gia có thể bị buộc phải giải trừ quân bị, nhất là sau các cuộc chiến tranh. Ví dụ, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Hiệp ước Versailles buộc nước Đức giữa quân số ở mức dưới 100.000 người, hạn chế phát triển lực lượng hải quân hay không được xuất nhập khẩu vũ khí. Các quy định tương tự cũng được áp dụng cho Đức và Nhật sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thứ hai, các quốc gia có thể tự nguyện giải trừ quân bị. Theo đó các quốc gia có thể thương lượng với nhau về một khung pháp lý chấp nhận được cho phép các quốc gia cùng nhau cắt giảm quy mô quân đội và lực lượng vũ khí. Ví dụ tại Hội nghị thượng đỉnh Reykjavik, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đưa ra một đề xuất được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ủng hộ nhằm xóa bỏ toàn bộ số tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào năm 1996. Đáng tiếc là kế hoạch này đã không trở thành hiện thực. Tuy nhiên Mỹ và Nga ngày nay vẫn đang theo đuổi các cuộc đàm phán tự nguyện giải trừ quân bị tương tự và đã đạt được một số kết quả như các Hiệp ước START I và II, SALT I và II….
Trong những thập kỷ qua, cộng đồng thế giới đã có nhiều nỗ lực nhằm giải trừ quân bị. Các nỗ lực phổ biến nhất bao gồm việc giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt, giải trừ quân bị trong khoảng không vũ trụ, và giải trừ vũ khí thông thường.
Giải trừ quân bị toàn diện và triệt để
Giải trừ quân bị toàn diện và triệt để được Liên Hiệp Quốc khởi xướng từ năm 1959 và được coi là mục tiêu tối cao của các nỗ lực giải trừ quân bị. Nhiều đề nghị đã được các nước thành viên đưa ra nhằm giải trừ quân bị theo từng giai đoạn với những nội dung đa dạng (các chủng loại vũ khí, lực lượng vũ trang cần phải cắt giảm trước hết, số lượng cho phép tồn tại, thời hạn và phương thức thanh sát…). Mặc dù vấn đề này đã được bàn cãi nhiều năm tại Liên Hiệp Quốc, nhưng do quan điểm của các nước còn rất khác nhau, nên cho tới nay vẫn chưa đạt được bất cứ một thoả thuận nào về chất có liên quan tới vấn đề này.
Đại đa số các nước nhận thức rằng vấn đề giải trừ quân bị toàn diện và triệt để là mục tiêu khá xa vời, khó có thể đạt được. Vì vậy, từ những năm 1960 trở đi, các nước này chuyển sang tìm cách nhấn mạnh vào các biện pháp giải trừ quân bị từng phần. Tuy nhiên, các nước nói chung vẫn tìm cách duy trì nội dung đấu tranh trên trong các chương trình nghị sự tại Liên Hiệp Quốc. Chủ đề chương trình giải trừ quân bị toàn diện được thông qua năm 1969 tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khoá 24 nằm trong những nỗ lực đó. Nội dung chính của chủ đề trên là soạn thảo một chương trình toàn diện đề cập tới mọi khía cạnh của vấn đề chấm dứt chạy đua vũ trang, thực hiện giải trừ quân bị toàn diện và triệt để dưới sự kiểm soát quốc tế hữu hiệu. Đến năm 1978, Uỷ Ban Giải trừ Quân bị của Liên Hiệp Quốc đã thông qua được văn bản “Những yếu tố cấu thành chương trình toàn diện về giải trừ quân bị”. Tuy nhiên cho tới nay, vấn đề này vẫn chưa có tiến bộ gì đáng kể.
Giải trừ vũ khí hạt nhân
Giải trừ vũ khí hạt nhân luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Vấn đề này cũng đã được thảo luận ở nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết. Nhìn chung, nội dung chủ yếu của giải trừ vũ khí hạt nhân được tập trung vào một số lĩnh vực sau:
- Chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân và thực hiện giải trừ vũ khí hạt nhân;
- Không sử dụng vũ khí hạt nhân và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân;
- Ngưng sản xuất vũ khí hạt nhân;
- Cấm sản xuất nguyên liệu nhiệt hạch vào mục đích sản xuất vũ khí;
- Không sản xuất vũ khí neutron;
- Ngừng thử vũ khí hạt nhân;
- Cấm thử vũ khí hạt nhân từng phần;
- Cấm thử toàn diện vũ khí hạt nhân;
- Không phổ biến vũ khí hạt nhân;
- Đảm bảo an ninh cho những nước không vũ khí hạt nhân;
- Sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân;
- Hình thành các khu vực hoà bình phi vũ khí hạt nhân như ASEAN, Mỹ La-tinh, Nam Á….
Giải trừ các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác
Nỗ lực này tập trung vào việc thủ tiêu hoàn toàn hai loại hình vũ khí huỷ diệt hàng loạt chủ yếu là vũ khí sinh học và vũ khí hoá học. Ngoài ra, còn phải kể tới những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự ra đời và phát triển của các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác có thể có do sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến như vũ khí phóng xạ, vũ khí có tác dụng làm thay đổi môi trường. Đây là lĩnh vực đạt được nhiều thành công nhất về giải trừ quân bị với ba văn kiện quan trọng được đại đa số các nước tham gia ký kết nhằm thúc đẩy việc thủ tiêu hoàn toàn một số loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt (Nghị đinh thư Geneva 1925 cấm sử dụng trong chiến tranh hơi độc, hơi ngạt và các loại hình vũ khí sinh học; Công ước Cấm sử dụng vào mục đích quân sự hoặc thù địch các kỹ thuật làm thay đổi môi trường; Công ước 1972 cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí sinh học và độc hại và về việc thủ tiêu các loại vũ khí trên; Công ước 1993 về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ vũ khí hoá học và về việc thủ tiêu các loại vũ khí trên).
Giải trừ quân bị trong khoảng không vũ trụ
Nỗ lực giải trừ quân bị trong khoảng không vũ trụ tập trung vào hai nội dung chính là sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hoà bình và ngăn chặn chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Lĩnh vực này đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng như Hiệp ước năm 1966 về các nguyên tắc chỉ đạo hoạt động của các quốc gia trong việc thám hiểm và sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm cả mặt trăng và các thiên thể khác do Liên Xô và Mỹ đồng soạn thảo và được Liên Hiệp Quốc thông qua cùng năm, bắt đầu có hiệu lực năm 1967. Nhóm làm việc về ngăn ngừa chạy đua vũ trang trong vũ trụ cũng đã được thành lập.
Giải trừ vũ khí thông thường
Các quy định về vũ trang và giải trừ vũ khí thông thường đã được Liên Hiệp Quốc quan tâm nghiên cứu song song với vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân và được thảo luận tại nhiều cơ quan khác nhau trong hệ thống Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng chi phí quân sự ngày càng tăng ở các nước vì mục tiêu thực hiện giải trừ quân bị toàn diện và triệt để. Nội dung trọng tâm là việc giải trừ các lực lượng và vũ khí chiến lược thông thường. Ngoài ra, trong lĩnh vực này, các nước đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề cụ thể như giải trừ vũ khí gây sát thương quá đáng hoặc bừa bãi (gần đây là vấn đề mìn sát thương); giảm quân số ở Trung Âu; tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin; kiểm soát việc buôn bán và chuyển giao vũ khí, trong đó có súng nhỏ và vũ khí nhẹ.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).