Nguồn: Ramses Amer (2013). “Domestic Political Change and Ethnic Minorities – A Case Study of the Ethnic Vietnamese in Cambodia”, Asia-Pacific Social Science Review, Vol. 13, No. 2, pp. 87-101.>>PDF
Biên dịch: Đỗ Hải Yến | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: #76 – Những vị khách được nuông chiều hay những nhà yêu nước tận tụy? Người Hoa ở Bắc VN thời kỳ 1954-1978
Mục tiêu chính của nghiên cứu này[1] là phân tích ảnh hưởng của biến động chính trị trong nước ở Campuchia[2] đối với người Việt[3] tại đất nước này. Những diễn biến chính trị tại Campuchia kể từ thập niên 1950 và ảnh hưởng của chúng lên tình hình người Việt sẽ được khảo sát. Giới tinh hoa Campuchia thường xuyên bày tỏ quan điểm chống người Việt. Nghiên cứu sẽ khảo sát nguồn gốc của những quan điểm này và ảnh hưởng của chúng lên các chính sách của Campuchia đối với người Việt. Dòng quan điểm chống người Việt ở Campuchia chỉ ra rằng nhận thức của giới tinh hoa Campuchia về Việt Nam với tư cách một nhà nước đã tác động đến các thái độ của họ về người Việt và các thái độ này đã ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách liên quan đến nhóm người thiểu số này. Các chính sách phân biệt đối xử do nhà cầm quyền Campuchia thực hiện và các vụ tấn công do các chính sách này khuyến khích đã dẫn đến việc xóa bỏ chính thức cộng đồng người Việt vào những năm 1970, thời điểm khoảng 420.000 người Việt bị trục xuất hoặc phải chạy trốn về Việt Nam.
Thập niên 1980, người Việt có xu hướng quay trở lại Campuchia. Các vụ tấn công vì động cơ chính trị nhằm vào người Việt được tiến hành nhiều lần vào thập niên 1990 và chúng đặt ra một mối đe dọa thực sự cho cộng đồng người Việt. Dòng quan điểm chính trị trong nước tại Campuchia đã thể hiện giọng điệu chống người Việt, không những hướng đến Việt Nam mà đến cả người Việt tại Campuchia. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp liên quan đến một số đảng đối lập. Nghiên cứu sẽ tìm hiểu tính liên tục và/hoặc thay đổi trong dòng quan điểm chính trị này.
Cách tiếp cận phương pháp luận là định tính. Phương pháp này được tiến hành thông qua một nghiên cứu tình huống phân tích, trong đó có so sánh giữa các giai đoạn khác nhau. Cách tiếp cận phương pháp luận này cho phép phân tích sâu hơn về vấn đề nghiên cứu đồng thời tính đến tính liên tục và thay đổi xuyên suốt giai đoạn được nghiên cứu.
Phần thực nghiệm của nghiên cứu này được cấu trúc theo thời gian. Phần phân tích của nghiên cứu phục vụ hai mục tiêu chính. Mục tiêu đầu là phân tích các chính sách đối với người Việt trong bối cảnh các diễn biến trong nước nói chung cũng như các phương diện hữu quan của quan hệ với Việt Nam. Mục tiêu thứ hai là đánh giá tác động của quan điểm chống người Việt tại Campuchia và những thách thức mà nó đặt ra đối với việc bảo vệ sắc dân thiểu số này. Trong bài nghiên cứu này, trọng tâm được đặt nặng vào phần phân tích hơn so với phần thực nghiệm.
Người Việt tại Campuchia từ thời điểm độc lập năm 1953[4]
Thời kỳ Sihanouk: 1953 đến 1970
Sau khi Campuchia giành được độc lập từ tay Pháp vào năm 1953, nhà cầm quyền Campuchia nỗ lực điều chỉnh hoạt động của các cộng đồng nhập cư trong nước, trong đó có người Việt. Campuchia buộc đa số họ phải nhập tịch Campuchia. Quan hệ của Campuchia với hai chính quyền Việt Nam trở thành vấn đề ngày càng gây quan ngại khi chiến tranh Việt Nam leo thang vào thập niên 1960, kéo theo sự gia tăng quan điểm chống người Việt. Khó có thể xác định chắc chắn quy mô của cộng đồng người Việt do những tiêu chuẩn được áp dụng để phân loại các nhóm sắc tộc là khác nhau. Theo các cuộc điều tra dân số chính thức dùng quốc tịch làm cơ sở phân loại chẳng hạn thì có 217.774 người Việt vào năm 1962. Ước tính đáng tin cậy nhất thể hiện số người Việt tại Campuchia là khoảng 450.000 vào cuối những năm 1960, trên tổng dân số khoảng 7.300.000 người (Migozzi, 1973).
Cộng hòa Khmer: 1970 đến 1975
Sau một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng sâu sắc, Hoàng thân Norodom Sihanouk bị phế truất khỏi vị trí Nguyên thủ Quốc gia vào tháng 3 năm 1970 và Cộng hòa Khmer được thành lập. Việc phế truất được tiến hành khi một chiến dịch tuyên truyền chống người Việt đang diễn ra. Trên thực tế, chỉ trích đối với Sihanouk phần lớn tập trung vào lập trường được cho là ủng hộ người Việt của ông. Chiến dịch tuyên truyền chống lại cộng đồng người Việt sớm chuyển thành các cuộc bạo động và tấn công khắp đất nước Campuchia. Nhà cửa, thuyền bè, tài sản và các đền thờ tôn giáo của người Việt bị tấn công. Văn phòng và nơi ở tại Phnom Penh của các đại diện ngoại giao từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Nam DCCH) (miền Bắc) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời hình thành bên trong Việt Nam Cộng hòa (Việt Nam CH) (miền Nam), bị cướp phá. Bạo lực chống lại người Việt leo thang khi các phần tử thuộc lực lượng vũ trang và cảnh sát tham gia vào các vụ tấn công và tàn sát. Đây là nguyên nhân gây nên cái chết của hàng ngàn người Việt.
Thay vì bảo vệ người Việt, nhà cầm quyền mới của Campuchia đề xuất nhiều biện pháp phân biệt đối xử. Người Việt chỉ được phép đi lại từ 7 đến 11 giờ sáng, họ không thể đến trường và đi làm. Ngư dân người Việt bị thu hồi giấy phép đánh bắt. Các tổ chức công và tư cũng như những người sống trong nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị cấm thuê mướn lao động người Việt. Ngoài ra, nhà cầm quyền khuyến cáo không được dùng tiếng Việt nơi công cộng.
Nhà cầm quyền Việt Nam CH đã can thiệp một cách chính thức. Nhà cầm quyền Campuchia dần nhận thức được hậu quả quốc tế tiêu cực của các vụ tấn công nhằm vào người Việt và điều này đã kéo theo một sự thay đổi về quan điểm. Nhà cầm quyền Campuchia kêu gọi người dân tích cực bảo vệ người Việt trên tinh thần duy trì mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước. Việt Nam CH và chính quyền Campuchia đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề người Việt ở Campuchia vào ngày 27 tháng 5 năm 1970.
Bất chấp những tín hiệu mới, người Việt tiếp tục trốn chạy khỏi nơi ở của mình và tìm chốn nương náu trong 18 trại tị nạn vốn được thành lập tại một số thành phố Campuchia – chủ yếu là ở Phnom Penh – nhằm đương đầu với dòng người tị nạn trong nước. Tháng 5 năm 1970, lượng người trong các trại tị nạn lên đến con số đỉnh điểm 90.000. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1970, số người tị nạn này được trả về Việt Nam CH. Ngày 13 tháng 8, trại tị nạn cuối cùng bị đóng cửa tại Phnom Penh. Tuy nhiên, cuộc di cư của người Việt từ Campuchia vẫn tiếp tục và tới cuối tháng 9 năm 1970, tổng cộng 197.378 người Việt đã chính thức trở về Việt Nam CH. Theo nhà cầm quyền Việt Nam CH, 28% số người hồi hương tuyên bố họ là công dân Campuchia. Trên thực tế, nhà cầm quyền Việt Nam CH ước tính 300.000 người Việt sống ở Campuchia trước cuộc di tản đã mang quốc tịch Campuchia. Tháng 3 năm 1971, Việt Nam CH chính thức ước tính khoảng 250.000 người Việt từ Campuchia đã được hồi hương (Pouvatchy, 1976).[5]
Campuchia Dân chủ: 1975 đến 1979
Sau cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, Chính phủ Hoàng gia của Liên minh Quốc gia Campuchia do Đảng Cộng sản Campuchia (ĐCS Campuchia) dẫn dắt đã chiếm được thủ đô Phnom Penh vào ngày 17 tháng 4 năm 1975 và đánh bại Cộng hòa Khmer. ĐCS Campuchia dần kiểm soát toàn bộ quyền lực chính trị trong nước. Đất nước được đổi tên thành Campuchia Dân chủ. Người Việt tiếp tục phải di tản khi có khoảng 170.000 người bị trục xuất khỏi Campuchia vào năm 1975. Ước tính có khoảng 200.000 người Việt vào giữa thập niên 1970, như vậy chỉ còn khoảng 30.000 người còn lưu lại Campuchia và đa số chết vì đói khát, bệnh tật hoặc bị hành hình trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1978. Điều này có nghĩa là người Việt hầu như hoàn toàn biến mất khỏi Campuchia.[6] ĐCS Campuchia duy trì quyền lực cho đến khi bị lật đổ thông qua một cuộc can thiệp quân sự do Việt Nam khởi xướng vào ngày 25 tháng 12 năm 1978.
Cộng hòa Nhân dân Campuchia/Nhà nước Campuchia: 1979 đến 1992
Sau khi Phnom Penh sụp đổ vào đầu tháng 1 năm 1979, một chính quyền Campuchia mới được thành lập và sau đó đổi tên nước thành Cộng hòa Nhân dân Campuchia (CHND Campuchia). Thời kỳ của CHND Campuchia/Nhà nước Campuchia[7] kéo dài trên thực tế cho đến khi thành lập Chính quyền Quá độ của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia vào tháng 3 năm 1992. Chính quyền gặp phải kháng cự vũ trang từ ba nhóm – lực lượng Campuchia Dân chủ bị lật đổ còn được biết đến là Đảng Campuchia Dân chủ, tức Khmer Đỏ; Mặt trận Giải phóng Dân tộc Nhân dân Khmer; và Đảng Bảo hoàng FUNCINPEC. Họ thành lập Chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ vào ngày 22 tháng 6 năm 1982.[8]
Trật tự mới thiết lập tại Campuchia vào đầu năm 1979 diễn ra với sự hỗ trợ lớn của Việt Nam và những người từng tị nạn ở Việt Nam thời kỳ 1975-1978 đã quay trở lại Campuchia. Tiến trình này không chỉ bao gồm người Khmer mà cả người Việt, dẫn đến sự tái xuất hiện của một bộ phận thiểu số người Việt ở Campuchia. Sự quay lại của người Việt đã gây ra lo ngại quốc tế khi người Việt được xem là một phần trong quá trình “Việt Nam hóa” đất nước này. Dù người Việt là những người từng bị buộc rời khỏi Campuchia suốt thập niên 1970 hay những người di cư mới, họ đều bị xem là một phần của kế hoạch lớn hơn của Việt Nam nhằm gây ảnh hưởng và thậm chí biến Campuchia thành thuộc địa.
Người Việt định cư tại Campuchia trở thành một trong những vấn đề chính trong luận điệu của các nhóm Campuchia chống lại CHND Campuchia/Nhà nước Campuchia cũng như ảnh hưởng của Việt Nam lên đất nước này. Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Campuchia Dân chủ[9] đã đưa ra những ước tính về số người định cư Việt Nam vào năm 1979 là 300.000 và vào năm 1981 là 500.000. Năm 1984, Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ, Hoàng thân Norodom Sihanouk, đưa ra con số 600.000. Năm 1986, ông cho rằng có 700.000 người Việt đã định cư tại Campuchia. Năm 1988, Son Sann, Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ, tuyên bố con số nằm trong khoảng 800.000 tới 1 triệu. Năm 1989, ông ta cho rằng có 1 triệu người Việt định cư ở Campuchia.
Năm 1983, các chính sách chính thức của CHND Campuchia đối với cư dân Việt Nam được phác họa trong một ấn phẩm của Bộ Ngoại giao (“Chính sách của Cộng hòa Nhân dân Campuchia”, 1983). CHND Campuchia ước tính tới giữa năm 1983, có khoảng 56.000 cư dân Việt Nam tại Campuchia và họ đã quay lại sau khi CHND Campuchia cho phép (“Chính sách của Cộng hòa Nhân dân Campuchia”, 1983, trang 7). Chính sách chính thức của CHND Campuchia đối với người Việt là nhằm quản lý chứ không phải ngăn chặn vấn đề di cư của người Việt sang Campuchia.
Có một sự chênh lệch đáng kể giữa tuyên bố của CHND Campuchia về 56.000 người Việt năm 1983 và xác nhận của Chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ về 600.000 người định cư năm 1984. Cần lưu ý rằng năm 1984, tổng dân số Campuchia được ước tính vào khoảng 7,2 triệu người, tức là xấp xỉ ngang bằng với thời điểm cuối những năm 1960.
Văn liệu khoa học không đưa ra bất kỳ đánh giá rõ ràng nào về các số liệu hay quy mô thực tế của cộng đồng người Việt ở Campuchia. Một vài nhà nghiên cứu chỉ đơn giản trích dẫn những tuyên bố của Chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ hoặc tìm cách chứng minh những tuyên bố này (Martin, 1984; Pouvatchy, 1984; “The Vietnamisation of Kampuchea”, 1984). Các nhà nghiên cứu khác đã đưa ra những ước tính khiêm tốn hơn so với Chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ nhưng lại cao hơn số liệu của CHND Campuchia năm 1983. Theo những ước tính này, số người Việt dao động trong phạm vi từ 300.000 đến 450.000, tức là có quy mô thấp hơn hoặc ngang bằng thời điểm trước khi diễn ra hai cuộc di tản vào thập niên 1970 (Chandler, 1993; Tarr, 1992; Vickery, 1986).
Chiến dịch Gìn giữ Hòa bình của Liên Hiệp Quốc: 1992 và 1993
Sau một tiến trình hòa bình vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 vốn đưa đến việc ký các Hiệp định Paris về Campuchia vào tháng 10 năm 1991, một chiến dịch gìn giữ hòa bình được tiến hành bởi Liên Hiệp Quốc tại Campuchia kể từ tháng 3 năm 1992, tức là khi Chính quyền Quá độ của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia (UNTAC) chính thức được thành lập, cho đến tháng 9 năm 1993 khi sứ mệnh của UNTAC kết thúc sau khi một hiến pháp mới của Campuchia được Hội đồng Lập hiến thông qua.[10]
Từ cuối tháng 6 năm 1992, quan điểm chống người Việt dường như gia tăng với tiếng nói áp đảo nhất từ các đại diện của Đảng Campuchia Dân chủ. Tuy nhiên, đại diện của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Nhân dân Khmer cũng thể hiện quan điểm tương tự. Có vẻ như mục đích là nhằm tạo áp lực thúc giục UNTAC hành động và giải quyết những vấn đề mà họ nhận thức là vấn đề người Việt. Đầu tháng 7, Đảng Campuchia Dân chủ bắt đầu đem sự hiện diện của người Việt tại Campuchia vào lời chỉ trích của mình đối với Liên Hiệp Quốc, cho rằng UNTAC đang thờ ơ trước một đợt nhập cư được xem là ồ ạt và bất hợp pháp của người Việt. Đảng Campuchia Dân chủ cho rằng 700.000 người Việt đã có thẻ căn cước Campuchia. Tư tưởng chống người Việt dường như được củng cố hơn khi một dòng người Việt đổ vào Campuchia do bị lôi cuốn bởi sự tự do hóa kinh tế và sự hiện diện của hàng ngàn viên chức UNTAC cũng như người nước ngoài có thu nhập cao.
Các bên trước đây của Chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ (sau đổi thành Chính phủ Quốc gia Campuchia) cố gắng hạn chế số người Việt có khả năng tham gia vào các cuộc tổng tuyển cử theo kế hoạch. Điều này thể hiện rõ nhất trong cuộc thảo luận diễn ra trước khi Luật Bầu cử được thông qua vào năm 1992. Vấn đề những ai được phép bỏ phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử của Campuchia đã khiến cho bốn bên Campuchia có mặt trong Hội đồng Quốc gia Tối cao phải bận tâm.[11] Ngày 5 tháng 8 năm 1992, Hội đồng Quốc gia Tối cao thông qua luật bầu cử do UNTAC soạn thảo. Luật bầu cử trao quyền bỏ phiếu cho mọi cá nhân 18 tuổi sinh ở Campuchia, có bố hoặc mẹ sinh tại đất nước này, hoặc trường hợp những người sinh ra ở nước ngoài thì phải có bố hoặc mẹ sinh ở Campuchia và ông hoặc bà cũng phải được sinh ra ở nước này. Điều này đã tạo nên một sửa đổi đối với các quy định của Hiệp định Paris về Campuchia, nêu rõ mọi cá nhân 18 tuổi sinh ở Campuchia hoặc là con của một người sinh ở Campuchia sẽ có đủ tư cách bỏ phiếu. Đảng Campuchia Dân chủ phản đối luật bầu cử chủ yếu vì luật này cho phép người Việt ở Campuchia được bỏ phiếu. Mục đích của luật là nhằm tước quyền bầu cử của những người Việt mới định cư, không phải người Việt sống tại đất nước này thời kỳ trước năm 1970.
Dòng quan điểm chính trị không phải là ví dụ duy nhất cho các hoạt động chống người Việt ở Campuchia. Tháng 4 và tháng 5 năm 1992, hai vụ tấn công vũ trang nhằm vào người Việt ở tỉnh Kompong Chhnang đã khiến bảy người chết. Vụ tấn công khác diễn ra vào ngày 21 tháng 7 tại tỉnh Kampot gây ra cái chết của tám người Việt. Vào tháng 10, các vụ tấn công vũ trang nhằm vào người Việt ở tỉnh Koh Kong đã dẫn đến thương vong nhiều hơn nữa. Ba vụ tấn công khác nhằm vào người Việt cũng diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 tại Sihanoukville. Hai vụ tấn công được đưa tin vào tháng 12, ngày 16 tại tỉnh Stung Treng và ngày 27 tại tỉnh Kompong Chhnang. Sau một thời gian không có vụ tấn công nào diễn ra vào tháng 1 và tháng 2, các đợt tấn công tăng lên đột ngột vào tháng 3 sau một tuyên bố của UNTAC vào ngày 1 tháng 3 rằng họ phát hiện ba người Việt từng phục vụ cho lực lượng Việt Nam tại Campuchia và là những người UNTAC xem là lực lượng nước ngoài. UNTAC yêu cầu Việt Nam đưa ba người này trở về với tư cách công dân Việt Nam. Trong suốt tháng 3, nhiều vụ tấn công được tiến hành nhằm vào người Việt ở Campuchia. Ngày 10 tháng 3, tại một ngôi làng ở tỉnh Siem Reap, một vụ tấn công đã khiến 33 người Việt thiệt mạng và 24 người bị thương. Hai vụ tấn công nữa nhằm vào người Việt được UNTAC báo cáo trong tháng 3. Lần thứ nhất vào ngày 24 tháng 3 tại tỉnh Kompong Chhnang. Lần thứ hai vào ngày 29 tháng 3, ít nhất bốn khu vực tại Phnom Penh mà những người nói tiếng Việt hay lui tới bị tấn công. Các vụ tấn công này khiến cho đông đảo người Việt bỏ chạy khỏi Campuchia từ cuối tháng 3, và tới ngày 28 tháng 4, tổng cộng 21.659 người đã vào Việt Nam thông qua các trạm kiểm soát của UNTAC. Các vụ tấn công vũ trang nhằm vào người Việt tiếp tục diễn ra vào tháng 4 và tháng 5. Thậm chí sau cuộc tuyển cử vào cuối tháng 5, các đợt tấn công vẫn được báo cáo vào tháng 6.[12]
Sau cuộc tuyển cử vào cuối tháng 5, các đảng chính trị đại diện trong Hội đồng Lập hiến đã thành lập Chính quyền Lâm thời chung – Chính phủ Quốc gia Campuchia Lâm thời – để điều hành đất nước cho đến khi một Hiến pháp mới được thông qua và Hội đồng Lập hiến được chuyển thành một hội đồng lập pháp. Ngày 1 tháng 7, Hội đồng Lập hiến bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ Lâm thời.
Diễn biến sau Chiến dịch Gìn giữ Hòa bình
Các diễn tiến chính trị không khiến cho các vụ tấn công làm người Việt thiệt mạng chấm dứt mà tấn công vẫn tiếp tục diễn ra vào các ngày 6, 8 và 10 tháng 7, đồng thời một vụ tấn công còn diễn ra vào tháng 8. Các vụ tấn công này đã dẫn đến những phản đối chính thức từ Việt Nam.
Trong suốt quá trình rút lui của UNTAC từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1993, Hiến pháp mới của Campuchia đã được thông qua. Xem xét kỹ hơn Hiến pháp cho thấy nó không chứa đựng bất kỳ điều khoản nào quy định vấn đề bảo vệ nhân quyền hay bất kỳ nghĩa vụ và đặc quyền nào dành cho kiều dân nước ngoài sống ở Campuchia. Hiến pháp quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân Campuchia mà không nhắc đến thành phần dân tộc của các công dân này.[13] Vì vậy, bản thân Hiến pháp không loại trừ bất cứ nhóm sắc tộc nào ra khỏi tư cách công dân Campuchia. Tuy nhiên, vào cuối tháng 9 năm 1993, có báo cáo cho thấy trong các tranh luận tại Quốc hội về vấn đề ai được xem là người Campuchia, các thành viên Quốc hội mở rộng khái niệm nhằm bao gồm người Chăm và người Hoa nhưng loại trừ người Việt. Vì vậy, địa vị cũng như quyền lợi của người Việt ở Campuchia tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi.
Từ tháng 9 năm 1993 đến tháng 3 năm 1994, không có vụ tấn công vũ trang nào nhằm vào người Việt để dẫn tới phản đối chính thức từ Việt Nam. Sau đó, đầu tháng 4, các vụ tấn công lại tiếp tục. Cũng vào tháng 4 năm 1994, một thông cáo chung Campuchia-Việt Nam được đưa ra khi chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt kết thúc. Thông cáo tuyên bố rằng một tổ công tác sẽ được thành lập nhằm thảo luận và giải quyết vấn đề người Việt ở Campuchia theo pháp luật Campuchia và pháp luật quốc tế. Thông cáo cũng cho biết người Việt sẽ được đối xử như các kiều dân khác (BBC, 1994).
Suốt quãng thời gian còn lại của năm 1994, quan hệ giữa hai chính phủ tập trung vào vấn đề người Việt ở Campuchia, trước hết là liên quan đến các vụ tấn công nhằm vào người Việt kèm theo sự phản đối của Việt Nam trước các cuộc tàn sát người Việt, sau đó là liên quan đến Luật Di trú do Quốc hội Campuchia thông qua vào ngày 26 tháng 8.[14] Việc ban hành luật này làm gia tăng lo ngại từ phía Việt Nam rằng luật sẽ được áp dụng để chống lại người Việt.
Vụ tấn công đầu tiên của giai đoạn này diễn ra vào tháng 5 tại tỉnh Kompong Chhnang. Vụ tấn công thứ hai cũng xảy ra tại tỉnh này vào ngày 3 tháng 7. Vụ tấn công thứ ba xảy ra ngày 15 tháng 7 tại tỉnh Pursat. Vụ tấn công thứ tư diễn ra ngày 26 tháng 7 tại tỉnh Kampot. Một vụ tấn công khác xảy ra ngày 5 tháng 9 tại tỉnh Kandal. Vụ tấn công gây chết người tiếp theo xảy ra ngày 20 tháng 10 tại tỉnh Kompong Chhnang. Vụ tấn công gây chết người cuối cùng của năm 1994 diễn ra ngày 7 tháng 12 tại tỉnh Kandal.
Chuyến thăm của Thủ tướng thứ nhất Campuchia, Hoàng thân Norodom Ranariddh, tới Việt Nam vào tháng 1 năm 1995 đã đem lại cho hai nước cơ hội thảo luận về vấn đề người Việt ở cấp độ chính trị cao nhất. Họ đồng ý tổ chức một cuộc họp các chuyên gia để thảo luận về vấn đề. Campuchia cam kết rằng Luật Di trú sẽ không nhằm mục đích hạn chế hay trục xuất các kiều dân Việt Nam. Campuchia cũng tuyên bố sẽ cố gắng hết sức, tuân theo các quy định của Campuchia và trong khả năng cho phép, đảm bảo an toàn cho người Việt tại Campuchia (BBC, 1995a, 1995b).
Cuộc họp đầu tiên của tổ công tác cấp chuyên gia về vấn đề người Việt ở Campuchia được tổ chức tại Phnom Penh vào ngày 29 và 30 tháng 3. Báo cáo cho hay hai bên đã có “những thảo luận thẳng thắn, thân tình” và đạt được “một số kết quả” (BBC, 1995c). Cuộc họp thứ hai được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 28 và 29 tháng 7 đồng thời đi đến một thỏa thuận về các biện pháp ổn định cuộc sống cho số người Việt tị nạn tại Chrey Thom thuộc tỉnh Kandal. Hai bên cũng đồng ý tiếp tục thảo luận về các vấn đề khác. Sau đó vào ngày 28 tháng 10, Campuchia tuyên bố người Việt tạm cư ở Chrey Thom sẽ được gửi trả về các tỉnh thành của họ trong lãnh thổ Campuchia.
Đầu tháng 4 năm 1996, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thăm chính thức Campuchia. Trong thông cáo báo chí được đưa ra trong chuyến thăm, các vấn đề về kiều dân Việt Nam tại Campuchia là chủ đề gây chú ý và hai bên nhất trí các tổ chuyên gia sẽ tổ chức cuộc họp thứ ba tại Phnom Penh càng sớm càng tốt. Nếu rốt cục được tổ chức thì cuộc họp đã không được công khai.
Tháng 5 năm 1996, các vụ tấn công nhằm vào người Việt lại tái diễn và Việt Nam đã phản đối vụ giết hại 14 người Việt tại tỉnh Pursat. Sau đó vào đầu tháng 8, Việt Nam tuyên bố 50 kiều dân Việt Nam sống ở Campuchia đã quay về Việt Nam sau cuộc thảm sát 25 người Việt của Đảng Campuchia Dân chủ. Ngày 10 tháng 10, Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh phản đối vụ giết hại hai kiều dân Việt Nam tại tỉnh Kompong Chhnang.
Ngày 9 tháng 10 năm 1996, Luật Quốc tịch Campuchia được ban hành. Luật định rõ các tiêu chuẩn để mang quốc tịch Campuchia cũng như các yêu cầu mà người nước ngoài phải đáp ứng nhằm có được quốc tịch Campuchia, nghĩa là được nhập tịch.[15] Việt Nam không chính thức công khai bất kỳ quan ngại nào về cách thức luật sẽ được áp dụng đối với người Việt tại Campuchia.
Năm tháng cuối năm 1996 và bước sang năm 1997, quan hệ giữa hai nước đã cải thiện thông qua các chuyến viếng thăm lẫn nhau. Tháng 11 năm 1996, báo cáo cho hay Campuchia có các bước đi nhằm cấp giấy phép tạm cư cho người Việt đã có mặt tại đất nước này trước năm 1993. Trong giai đoạn này, chuyến viếng thăm quan trọng nhất diễn ra vào cuối tháng 2 năm 1997, khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đến thăm Campuchia. Hai bên nhất trí rằng các cuộc đàm phán nhằm tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến kiều dân Việt Nam tại Campuchia sẽ được tiếp tục.
Tình hình người Việt tại Campuchia vẫn khó giải quyết và đến cuối tháng 5 năm 1997, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia chính thức phản đối nhà cầm quyền Campuchia về các vụ tấn công của Đảng Campuchia Dân chủ nhằm vào người Việt. Bốn vụ tấn công đầu tiên diễn ra ngày 22 tháng 4. Vụ tấn công thứ hai và thứ ba diễn ra ngày 27 tháng 4 tại tỉnh Ratanakiri. Vụ tấn công thứ tư cũng diễn ra tại tỉnh Ratanakiri vào tháng 5. Thêm nữa, bằng chứng cho tư tưởng chống người Việt là một vụ đánh bom nhằm vào đài tưởng niệm Quân Tình nguyện Việt Nam tại Sihanoukville.
Việc Thủ tướng thứ nhất, Hoàng thân Norodom Ranariddh, bị phế truất vào tháng 7 năm 1997 và việc bầu Ung Huot vào vị trí này đã đưa đến một giai đoạn quan hệ song phương được cải thiện. Nửa sau năm 1997 và quý đầu của năm 1998, không còn phản ứng nào từ Việt Nam trước các vụ tấn công nhằm vào người Việt ở Campuchia.
Sau đó vào tháng 4, Đảng Campuchia Dân chủ xác nhận đã giết hại 45 người và làm bị thương nhiều người Việt tại tỉnh Kompong Chhnang. Bằng chứng xa hơn về tình trạng bấp bênh của người Việt đó là tuyên bố chống người Việt của phe đối lập trong cuộc vận động bầu cử diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 26 tháng 7 năm 1998. Căng thẳng chính trị giữa các đảng Campuchia dẫn đầu sau tuyển cử và quy trình khó khăn trong việc thành lập một chính phủ liên hiệp được biểu thị bằng những hành động chống lại người Việt. Đầu tiên là vụ tấn công Tượng đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tại Phnom Penh vào cuối tháng 8. Tiếp theo là hai sự cố vào ngày 3 và 4 tháng 9 khiến ba người Việt thiệt mạng, năm người bị thương và 10 người bị bắt cóc tại Phnom Penh.
Việc thành lập một chính phủ liên hiệp mới tại Campuchia vào ngày 25 tháng 11 đã mở ra một thời kỳ mà ở đó tình hình chính trị ổn định hơn và các hành động nhằm vào người Việt cũng suy giảm. Đáng chú ý là bài diễn văn của Thủ tướng Hun Sen trước Quốc hội Campuchia về cương lĩnh của chính phủ liên hiệp mới vào ngày 30 tháng 11 năm 1998 có đoạn nêu rằng Chính phủ “tuyệt đối ngăn cấm tình trạng phân biệt chủng tộc, một hành động vi phạm pháp luật và nhân quyền” (BBC, 1998).
Giai đoạn từ tháng 12 năm 1998 đến tháng 7 năm 1999 diễn ra nhiều cuộc gặp cấp cao và vấn đề người Việt được đề cập trong các cuộc gặp này. Bất chấp các cuộc gặp cấp cao cũng như mối quan tâm của các cuộc gặp này về vấn đề người Việt ở Campuchia, các vụ tấn công nhằm vào người Việt vẫn diễn ra vào tháng 2 và tháng 3 năm 1999 tại khu vực Phnom Penh.
Đầu năm 2000, các quan điểm chống người Việt tại Campuchia lại có biểu hiện phục hồi với ba cuộc biểu tình do sinh viên Campuchia tiến hành vào tháng 1 năm 2000. Hai cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản đối các thỏa thuận biên giới giữa Campuchia và Việt Nam được ký vào thập niên 1980, trong khi cuộc biểu tình thứ ba bên ngoài Đại sứ quán Việt Nam lại yêu cầu Đại sứ quán đưa các kiều dân Việt Nam ở Campuchia hồi hương. Vào tháng 3, các tăng ni và sinh viên tổ chức các cuộc biểu tình trước chùa Chak Angre Leu và trước Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh, thúc giục chính phủ Campuchia trục xuất những người Việt Nam sống ở khu vực chùa.
Các vụ tấn công chấm dứt thời kỳ thập niên 2000
Phân tích quan điểm của Campuchia và các chính sách đối với người Việt
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Xem phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Bien dong chinh tri va sac dan thieu so – Nguoi Viet o Campuchia.pdf
[1] Nghiên cứu này dựa trên các nghiên cứu trước đây về cộng đồng người Việt ở Campuchia, tham khảo Amer (1994b, 2006). Nghiên cứu cũng dựa trên các phần liên quan thuộc các nghiên cứu về quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam (tham khảo Amer, 1997; 2010).
[2] Thuật ngữ Campuchia được sử dụng xuyên suốt nghiên cứu, trừ khi cần phân biệt giữa các chính phủ hay các đảng chính trị khác nhau của Campuchia.
[3] Thuật ngữ “người Việt” chỉ nhóm dân tộc lớn nhất tại Việt Nam, đó là dân tộc “Kinh”, và không chỉ các tộc người thiểu số ở đất nước này. Định nghĩa này bắt nguồn từ Quyết định số 121 – TCTK/PPCD về “Danh mục các dân tộc Việt Nam” do Tổng cục Thống kê ban hành ngày 2/3/1979 (Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 1985, trang 45-41).
[4] Để biết thêm mô tả bao quát thực tế về thời kỳ 1953-1993, tham khảo Amer (1994b, trang 210-238). Trừ khi có tuyên bố khác, thông tin liên quan đến giai đoạn này được lấy từ Amer (1994b). Để biết thêm mô tả bao quát thực tế về thời kỳ 1994 đến đầu những năm 2000, tham khảo Amer (2006, trang 388-409). Trừ khi có tuyên bố khác, thông tin liên quan đến giai đoạn này được lấy từ Amer (2006). Để biết các nguồn tài liệu tham khảo được sử dụng, xem Amer (1994, 2006).
[5] Pouvatchy thể hiện sự hoài nghi đối với con số 300.000 người Việt có quốc tịch Campuchia mà ông cho là qúa cao. Ông cũng lưu ý rằng nhà cầm quyền Campuchia “dường như” khuyến khích các công dân Campuchia gốc Việt rời khỏi đất nước này (Pouvatchy, 1976, trang 343).
[6] Năm 1978, Việt Nam yêu cầu Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) hỗ trợ nhằm đối phó với 341.400 người tị nạn đến từ Campuchia kể từ năm 1975. Trong số những người tị nạn này có 170.300 người Việt (Grant, 1979, trang 98).
[7] Ngày 30 tháng 4 năm 1989, CHND Capuchia chính thức đổi tên thành Nhà nước Campuchia.
[8] Chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân chủ đổi tên thành Chính phủ Quốc gia Campuchia vào tháng 2 năm 1990.
[9] Campuchia Dân chủ, chính quyền bị lật đổ tại Campuchia, được phép tiếp tục đại diện cho Campuchia tại Đại hội đồng từ năm 1979 và xuyên suốt thập niên 1980, chi tiết tham khảo Amer (1990; 1994a, trang 89-108).
[10] Về tổng quan và đánh giá về chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng như tiến trình hậu tuyển cử gắn liền với việc rút lui của UNTAC, tham khảo Amer (1993, trang 211-231; 1995).
[11] Tại một hội nghị tổ chức ở Jakarta vào ngày 9 và 10 tháng 9 năm 1990. Bốn đảng xung đột của Campuchia quyết định thành lập một Hội đồng Quốc gia Tối cao với 12 thành viên, sáu người từ Nhà nước Campuchia và hai người từ mỗi ba đảng còn lại – FUNCINPEC, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Nhân dân Khmer và Đảng Campuchia Dân chủ (tức Khmer Đỏ).
[12] Để biết thêm chi tiết về các vụ tấn công nhằm vào người Việt thời kỳ gìn giữ hòa bình, tham khảo Amer (1994b, trang 222-228).
[13] Nguyên văn đầy đủ của “Hiến pháp Vương quốc Campuchia”, tham khảo BBC (1993).
[14] Nguyên văn đầy đủ của luật, tham khảo Luật Di trú (1998, trang 113-129).
[15] Nguyên văn đầy đủ của luật, tham khảo Luật Quốc tịch (1998, trang 169-178). Văn bản cũng được in lại trong Nguyen và Sperfeldt (2012, trang 128-131).