#141 – Phát Diệm: Chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và bản sắc trong chiến tranh Pháp – Việt Minh

Print Friendly, PDF & Email

top-5-nha-tho-o-viet-nam-duoc-nhieu-nguoi-biet-den-nhat-4

Nguồn: Ronald H. Spector (2013). “Phat Diem: Nationalism, Religion, and Identity in the Franco–Viet Minh War”, Journal of Cold War Studies, Vol. 15, No. 3, pp. 34–46.

Biên dịch: Phạm Trang Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong cuốn sách Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, có lẽ là cuốn tiểu thuyết tiếng Anh về Việt Nam được đọc nhiều nhất, nhà báo Anh Thomas Fowler đến một chiến trường giữa Pháp và Việt Minh ở thị trấn Phát Diệm tại rìa phía nam Đồng bằng châu thổ sông Hồng cách Hà Nội 120 dặm về phía đông nam. Ông miêu tả khu vực như sau:

Tôi đã biết rõ về Phát Diệm trong những ngày trước cuộc tấn công – con đường hẹp dài có những quán hàng bằng gỗ, cứ khoảng 100 thước lại có một kênh đào, một nhà thờ và một cây cầu. Ban đêm thị trấn chỉ được thắp sáng bằng nến hay những ngọn đèn dầu nhỏ … và dù ngày hay đêm thì đường phố cũng luôn đông đúc và ồn ã. Trong cách thức trung cổ kì lạ của nó, dưới cái bóng và sự bảo vệ của Giám mục vương quyền (Prince Bishop, tức một chức vị vừa cai quản về mặt chính quyền, vừa là giám mục cai quản giáo xứ – NHĐ), nó từng là thị trấn giàu sức sống nhất nước và giờ đây là nơi chết chóc nhất. Gạch vụn và thủy tinh vỡ và mùi vữa và sơn cháy và con đường dài trống rỗng dài ngút tầm mắt.[1]

Những cuộc giao tranh ở Phát Diệm là một phần của đợt tấn công quy mô lớn do Việt Minh tiến hành vào tháng 5-tháng 6 năm 1951 ở khu vực sông Đáy và nhằm vào các thị trấn Nam Định, Ninh Bình, Phát Diệm và Phủ Lý. Giao tranh kéo dài từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, khi lực lượng Việt Minh, hết vũ khí và bị tách khỏi các tuyến đường tiếp tế, buộc phải rút lui. Tuy nhiên, bằng cách cầm chân lực lượng phòng thủ người Pháp và quân tiếp viện của họ ở bốn thị trấn trọng tâm này, các đơn vị tấn công của Việt Minh đã tạo điều kiện cho các đơn vị Việt Minh khác xâm nhập vào những phần khác của vùng đồng bằng, chiếm giữ các vụ thu hoạch lúa, và tuyển thêm quân.[2]

Tổn thất ở cả hai bên đều lớn, mặc dù không biết được con số cụ thể. Người Pháp tuyên bố rằng Việt Minh tổn thất tổng cộng khoảng 9.000 người. Số thương vong của phía Pháp bao gồm cả con trai Tướng Delattre de Tassigny, Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Đông Dương. Ngày nay Quốc lộ 1 chạy qua đồng bằng sông Đáy vẫn còn nhiều nghĩa trang quân sự.

Bài viết này gợi ý rằng cả các mối liên hệ về văn chương (như trong tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng – NHĐ) của Phát Diệm lẫn ý nghĩa quân sự của nó đều không phải là nguyên nhân làm cho thị trấn này đáng chú ý. Thay vào đó, Phát Diệm thể hiện rõ nét một cách khác thường bản chất thực sự của Chiến tranh Lạnh ở châu Á trong một thập niên từ khi người Nhật đầu hàng năm 1945 tới Hội nghị Geneva năm 1954. Với nhiều người, cụm từ “Chiến tranh Lạnh” nghĩa là cuộc đối đầu mở rộng giữa Liên Xô và Mỹ ở châu Âu từ năm 1947 đến năm 1989. Viết về thời kì này, nhà sử học John Lewis Gaddis đã sử dụng cụm từ “nền hòa bình dài lâu” để mô tả thời kì thù địch liên tiếp và đôi khi khủng hoảng nhưng không có xung đột quân sự thực thụ, một cụm từ rất nhanh được các tác giả khác chú ý và sử dụng.[3]

Vào khoảng cùng lúc cụm từ “nền hòa bình dài lâu” của Gaddis nhận được sự tán đồng của giới học giả, Thiếu tá I. S. Gibb, một binh sĩ Anh, đang hoàn thành cuốn hồi kí về giai đoạn thực hiện nghĩa vụ quân sự ở nhiều khu vực tại châu Á. Hồi tưởng về “40 năm kể từ khi tôi lần đầu tiên đặt chân đến Bombay năm 1945”, Gibb xúc động nhấn mạnh, “từ đó đến nay xảy ra bao cuộc giao tranh, bao cuộc nổi loạn, bao cuộc chiến đưa Pakistan chống lại Ấn Độ, Ấn Độ chống lại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên chống lại Nam Triều Tiên, rồi Thời kì khẩn cấp ở Malaya, Đối đầu ở Borneo, Cách mạng ở Trung Quốc, Bắc Việt Nam chống lại Nam Việt Nam.”[4] Trong 10 năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, ước tính khoảng 2.500.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột quân sự ở Trung Quốc, khoảng 2.000.000 người ở Triều Tiên, và khoảng 400.000 người ở Đông Dương. Hàng chục nghìn người khác đã chết trong các cuộc chiến ở Malaysia, Indonesia, và Philippines cùng lúc đó.

Ở châu Á, khi đó, Chiến tranh Lạnh không thực sự là một thời kì “hòa bình dài lâu”. Nó cũng không nhất thiết là về Chủ nghĩa Cộng sản, vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa tư bản, ngăn chặn (cộng sản), hay dân chủ. Nói rằng nó là chiến tranh về “phi thực dân hóa” có lẽ có vẻ chính xác hơn, nhưng những cuộc xung đột “hậu thực dân” này không chỉ là cuộc đấu tranh giành lấy quyền tự quyết và độc lập. Như Frederick Cooper đã nhận định, các nhà sử học về thời kì phi thực dân hóa thường không thể nhận ra “rằng các nhóm khác nhau trong một dân tộc bị thực dân hóa có thể đưa lịch sử và lợi ích riêng của họ vào một dàn xếp phức tạp với một cường quốc thực dân.”[5] Ở nhiều nước châu Á, cuộc chiếm đóng của người Nhật và sự kết thúc hay suy yếu sau đó của chế độ thực dân đã làm bung ra những lực lượng chính trị và ý thức hệ mới, đồng thời thúc đẩy sự tái sinh những mối bất hòa và những mục tiêu cũ. Các chính quyền ở mọi cấp độ trở nên yếu kém hơn, và các đối thủ mới xuất hiện tranh giành quyền lực. Các biên giới và các mối ràng buộc cũ của cộng đồng bắt đầu biến mất. Sự khác biệt về vùng miền, sắc tộc và tôn giáo càng sâu sắc hơn.

Kết quả là các cuộc chiến tranh hậu thực dân ở châu Á, mặc dù thường được người Mỹ xem như những cuộc đấu tranh giữa các lực lượng cộng sản và phi cộng sản hay giữa các phong trào thực dân và độc lập, thường có nhiều khía cạnh của nội chiến, cướp bóc, và xung đột tôn giáo, sắc tộc, hay vùng miền. Điều này thể hiện rõ ràng nhất là ở Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng cũng khá rõ ở Indonesia, nơi người Java, Sumatra, Ambon, người Hoa, và người lai Âu Á (In-đô và Hà Lan – NHĐ) chiến đấu để ủng hộ lẫn chống đối nền Cộng hòa, và ở Malaysia, nơi mà “Tình trạng khẩn cấp” đã đưa ra những vấn đề về tương lai của ba nhóm sắc tộc chính cũng như cuộc chiến chống lại sự nổi dậy của lực lượng cộng sản.[6] Như nhà nhân học Heonik Kwan đã nhận định, “Ở những khu vực mà Chiến tranh Lạnh được tiến hành dưới hình thức nội chiến hay các dạng chia rẽ triệt để và mạnh mẽ giữa các lực lượng xã hội khác … xung đột hai cực không chỉ diễn ra theo ý định của các chủ thể nhà nước siêu cường mà còn dựa trên cơ sở của các điều kiện và dự tính về cấu trúc và quy phạm cụ thể đang tồn tại ở địa phương.”[7]

Phát Diệm nhìn theo nhiều cách đều là phiên bản thu nhỏ của những tư tưởng chủ nghĩa vùng miền, chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo đối lập đó. Năm 1945 nó là một khu vực Công giáo đậm nét trong một nước Việt Nam hầu như phi Thiên Chúa giáo. Giám mục của khu vực, Tổng Giám mục Thaddeus Lê Hữu Từ, có vai trò không chỉ là lãnh đạo tinh thần mà còn là người cai trị thế tục gần như tuyệt đối.[8] Giáo phận Phát Diệm bao gồm phần lớn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Người Công giáo chiếm khoảng 25% toàn bộ dân số, nhưng nhiều làng và huyện lại có tới gần 100% người Công giáo.

Một nhà báo người Pháp đã mô tả Phát Diệm và giáo phận lân cận Bùi Chu như sau

Một lãnh địa phong kiến, đất phong của giáo hội nhân danh Chúa. Khu vực này mang đậm cảnh quan nhà dòng. Mỗi khu vực đều có một nhà thờ lớn cao hơn và vượt trội hơn mọi thứ khác. Mỗi khu vực có nhà thờ ở giữa là một giáo xứ; thánh chức tôn giáo là lãnh chúa và giáo dân là nông nô. Vì lợi ích về thể xác và tâm hồn, người nông dân bị thống trị bởi một nhóm nhỏ gồm các thầy tu châu Á với gương mặt béo ú và áo chùng sáng bóng; và đó là chưa tính đến những nữ tu người An Nam.[9]

Nhiều khu vực trong lãnh địa của Từ chỉ có thể tiếp cận được bằng đường thủy, và giám mục đi quanh khu vực trên một chiếc thuyền “có lá cờ trắng vàng tiêu chuẩn của Giáo hoàng và thủy thủ đoàn gồm những chàng trai trẻ tuổi mang trên vai biểu tượng riêng của Lê Hữu Từ, một con rồng Trung Hoa quấn quanh một cây kèn trumpet.”[10]

Lê Hữu Từ là người Việt Nam thứ 4 được thụ phong Giám mục, sản phẩm của một nỗ lực do Giáo hoàng Benedict XV và Pius XI vào những năm 1920 để thành lập một “giới giáo phẩm bản địa”, thậm chí ở các cấp bậc cao nhất, tại những khu vực ngoài châu Âu. Việc thụ phong mục sư cho bốn người đó được nhiều giáo dân người Việt ủng hộ nhiệt tình. Giáo dân ở Việt Nam thường xuyên phải chịu đựng sự kỳ thị vì bị gắn với một tôn giáo do người Pháp áp đặt. Kết quả là, sự xuất hiện của thứ bậc giáo chức nhà thờ Việt Nam có thể được xem là một bước quan trọng nhằm thành lập một giáo hội quốc gia độc lập không có bất cứ liên hệ nào với chủ nghĩa thực dân.[11]

Trong những năm 1920 và 1930, nhiều giám mục “bản xứ” khác đã được thụ phong ở Trung Quốc và các khu vực khác trong thế giới thực dân. Tuy nhiên, Giám mục Từ và hàng xóm là Đức cha Phạm Ngoc Chi, giám mục (giám quản tông tòa) Bùi Chu, là những mục sư duy nhất bên ngoài Vatican có quân đội riêng. Một phóng viên báo Time đã viết rằng quân đội của ông Từ gồm 1.700 người, một số có trại lính trong phần đất của thánh đường. Họ được chỉ huy bởi “thiếu tá” Ngô Cao Tùng, một cựu chiến binh trong quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, và được trang bị khoảng một tá xe jeep và xe tải quân sự. Lực lượng của Từ cũng bao gồm khoảng 6.000 dân quân được trang bị thô sơ. Ngay cạnh chỗ ở của các tu sĩ là một “nhà máy nhỏ để chế tạo lựu đạn, đạn súng cối và súng phóng lựu.”[12]

Phóng viên báo Time mô tả mục sư Từ là “một nhân cách thú vị…một người đàn ông duyên dáng và có sức quyến rũ đáng kể.”[13] Những môn đồ của mục sư mô tả ông là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội Công giáo đặc trưng bởi “công bằng, lý tính, nhân văn, và khoan dung.”[14]

Nhà báo Pháp Lucien Bodard lại có ít lời khen ngợi hơn, kể lại thời kì ông Từ thuộc về dòng tu Trappist (dòng tu thành lập năm 1664 tại tu viện Trappe ở Normandy, nổi tiếng vì nguyên tắc khổ hạnh và giữ im lặng – NHĐ) ở làng Châu Sơn,

Ông bắt các thầy tu sám hối bằng các hình thức khổ hạnh đến mức họ chết vì chúng và ông ta tra tấn bản thân bằng roi vọt. Tại Phát Diệm Lê Hữu Từ như thể là một quan tòa xử dị giáo bảo vệ niềm tin – một thứ niềm tin không có tình yêu và nhân đạo; không có gì ngoài kỷ luật hà khắc… Ông ta là một nhà tiên tri của dòng kinh Cựu ước. So với ông ta, Đức cha Chi …có vẻ là một người hiền lành tốt tính. Ông ta thực tế khá độc đoán nhưng theo một cách thức khôn ngoan, kín đáo.[15]

Nhưng, cho dù nhiệt huyết tôn giáo của ông Từ và việc ông ta khăng khăng rằng chủ nghĩa cộng sản “đi ngược trực tiếp các giá trị tinh thần của nhà thờ” có lớn tới mức nào đi nữa, ông cũng là một người theo chủ nghĩa dân tộc và phản đối ách cai trị của Pháp ở Đông Dương.[16] Một quan sát viên người Pháp đã mô tả ông là “linh hồn chống lại nước Pháp” giữa các lãnh tụ Công giáo người Việt.[17] Với tư cách là Bề trên tiên khởi của dòng tu Trappist trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông đã hợp tác với các cán bộ của Việt Minh và thi thoảng che giấu họ trong tu viện để tránh bị người Pháp và người Nhật lùng bắt. Như lời Charles Keith, ông Từ là “đại diện của một nhà thờ công giáo Việt Nam có tầm nhìn vượt ra ngoài quá khứ truyền giáo và thực dân để hướng về tương lai trong một nước Việt Nam độc lập.”[18]

Ngay sau khi người Nhật đầu hàng, ông Từ và ba mục sư Công giáo người Việt khác ở Đông Dương, đáp lại yêu cầu của lãnh đạo Việt Minh, đã gửi một bức thư công khai cho Giáo hoàng, thỉnh cầu Vatican và mọi cộng đồng Công giáo ủng hộ sự độc lập của Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập.[19] Vào tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, và các lãnh đạo khác của chính phủ Việt Minh đã tới dự lễ thụ phong ông Từ làm mục sư ở Phát Diệm, và ông Từ được chỉ định là “cố vấn tối cao” cho chủ tịch nước. Hồ Chí Minh công khai thể hiện việc công nhận “sự tự trị” của Phát Diệm và quyền có dân quân của mục sư.[20]

Không bên nào thực sự hài lòng với thỏa thuận này. Việt Minh tiếp tục tổ chức các chi bộ và ủy ban xã trong lãnh địa của giám mục, bao gồm một nhóm mặt trận nhằm thu hút giáo dân tham gia kháng chiến. Mục sư Từ đáp lại bằng việc thành lập Liên Đoàn Công Giáo như là một phương tiện cho việc tổ chức cộng đồng giáo dân.[21] Cùng lúc đó, giáo phận tiến hành nhiều nỗ lực để trang bị vũ khí hiện đại cho dân quân. Sự việc càng phức tạp hơn khi Phát Diệm, tới năm 1946, đã bắt đầu thu hút số lượng đáng kể người ủng hộ các đảng dân tộc (hay quốc gia – NHĐ) chủ nghĩa chống Việt Minh như Đồng Minh Hội (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, hay Việt Cách – NHĐ) và Việt Nam Quốc Dân Đảng (hay Việt Quốc – NHĐ). Ở Hà Nội và những nơi khác những đảng này tham gia vào một cuộc đấu tranh đang trên đà thất bại trong việc tranh giành quyền lực với Việt Minh và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập của Hồ Chí Minh. Ở nhiều nơi thuộc Phát Diệm họ tổ chức các cuộc tấn công vào các cán bộ của Việt Minh, và ở một ngôi làng hơn 100 người ủng hộ Việt Minh đã bị giết hại.

Những cuộc tấn công này trùng với thời điểm người Trung Quốc chấm dứt chiếm đóng miền Bắc Việt Nam vào mùa xuân năm 1946 và thỏa thuận của Hồ Chí Minh cho phép người Pháp quay trở lại miền Bắc trong hòa bình để đổi lấy việc công nhận chính quyền của ông là “một nước tự do thuộc Liên hiệp Pháp” và hứa hẹn về các cuộc đàm phán sau đó. Một khi đã thoát khỏi sự can thiệp của người Trung Quốc và mối đe dọa khẩn cấp từ người Pháp, Việt Minh nhanh chóng trả đũa những người chống lại họ ở Phát Diệm. Ba ngôi làng đã từng là địa điểm của chiến dịch “thanh trừng cộng sản” bị quân Việt Minh tấn công. Vài tuần sau giám mục Từ bị bắn, nhưng không bị thương, bởi một người Việt mà theo các con chiên của giám mục là thành viên lực lượng an ninh của Việt Minh.[22] Đến lúc đó, Hồ Chí Minh, đang phải đối mặt với một cuộc chiến sắp tới với người Pháp ở phía Bắc, cố gắng hàn gắn mọi chuyện với giám mục và công khai xác nhận lại sự ủng hộ của ông đối với tự do tôn giáo. Giám mục Từ, cần nhiều thời gian hơn để vũ trang cho dân quân của mình, bề ngoài tỏ ra chấp nhận đề nghị của Hồ Chí Minh.

Sự bùng nổ chiến tranh toàn diện giữa người Pháp và Việt Minh vào tháng 12 năm 1946 đã mang lại thêm nhiều vấn đề cho Phát Diệm. Máy bay Pháp xuất hiện trên bầu trời Phát Diệm và đánh bom chợ trung tâm và nơi ở của giám mục, gây ra nhiều thương vong. Giám mục Từ công khai lên án “hành vi tàn bạo vô nhân tính này” và nhắc lại “chính sách trung lập của ông đổi với người Pháp và Việt Minh và kêu gọi họ tôn trọng nền tự trị của Phát Diệm.” Nhưng ở Hà Nội những người đại diện của giám mục lại bắt đầu đàm phán bí mật với các nhân viên tình báo người Pháp.[23]

Do kết quả của các cuộc thảo luận này, Cha Minh, đại diện bán chính thức của giám mục trước quân đội Pháp, nhận được sự chấp thuận cho phép Phát Diệm mua vũ khí từ miền nam Trung Quốc vốn vẫn nằm trong tay Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, và vận chuyển những vũ khí này qua Hà Nội. Vào tháng 12 năm 1947, 12 chiếc thuyền đi từ Phát Diệm tới một làng gần biên giới Trung Quốc, và vũ khí được chuyển lên tàu. Trong chuyến trở về các chiếc thuyền này bị tàu đánh cá có vũ trang của Việt Minh chặn lại ngoài khơi tỉnh Thái Bình. Một tàu chiến của Pháp đã can thiệp và tất cả tàu của Việt Minh đã bị phá hủy, để cho đoàn thuyền của ông Từ đến được Phát Diệm.[24]

…..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Phat Diem-CN Dan toc, ton giao va ban sac.pdf

 


[1] Graham Greene, The Quiet American (New York: Penguin, 2004), pp. 38-39.

[2] Yves Gras, Historie de la Guerre d’Indochine (Paris: Plon, 1979), pp. 226-228; và Edgar O’balance, The Indo-China War, 1945-1954 (London: Faber and Faber, 1964), pp. 136-139.

[3] John Lewis Gaddis, The Long Peace: Inquiries into the History of the Cold War (New York: Oxford University Press, 1987).

[4] Major I. S. Gibb, “A Walk in the Forrests,” unpub. Ms., p. 129, trong Imperial War Museum.

[5] Frederick Cooper, “The Dialects of Decolonization: Nationalism and Labor Movements in Post-war French Africa,” trong Frederick Cooper và Ann Laura Stoler, eds., Tensions of Empire: Colonial Cultures in a Bourgeois World (Berkeley: University of California Press, 1977). p. 436.

[6] Để biết ba tác phẩm gần đây cùng có chung quan điểm này, xem Stein Tonnesson, “National Division in Indochina’s Decolonization,” trong Prasenjit Duara, ed., Decolonization: Perspectives from Now and Then (New York: Routledge, 2004), pp. 253-277; Shawn McHale, “Understanding the Fanatic Mind: The Viet Minh and Race Hatred in the First Indochina War,” Journal of Vietnam Studies, Vol. 4, No. 3 (Fall 2009), pp. 98-138; và Heonik Kwan, The Other Cold War (New York: Columbia University Press, 2010).

[7] Kwan, The Other Cold War, p.18.

[8] Peter Hansen nhận định, “lãnh đạo tôn giáo ở nhiều giáo xứ Công giáo miền Bắc đôi khi chấp nhận những khía cạnh của chính trị thần quyền toàn diện.” Xem Peter Hansen, “Bac Di Cu: Catholic Refugees from the North of Vietnam and Their Role in the Southern Republic, 1954-1959,” Journal of Vietnam Studies, Vol. 4, No. 3 (Fall 2009), p. 178.

[9] Lucien Bodard, The Quicksand War (Boston: Little Brown, 1967), p. 211.

[10] Eric Gibbs, “Battle of Indo-Chian: Arms and the Bishop,” Time, 8/01/1951.

[11] Charles Keith, “Annam uplifted: The First Vietnamese Catholic Bishops and the Birth of a National Church,” Journal of Vietnam Studies, Vol. 3, No. 2 (Summer 2008), pp. 143-145.

[12] Gibbs, “Battle of Indo-China”.

[13] Như trên

[14] Tam (Vu Van Cuong), Vietnam’s War, 1940-1975: The Causes of French and American Failures in Vietnam (Lawrenceville, VA: Brunswick Publishing, 1983), p.112. Ông Cường là thư kí và trợ lý hành chính cho giám mục Từ.

[15] Bodard, The Quicksand War, pp. 211-212.

[16] Tam, Vietnam’s War, p. 115.

[17] Trích trong Keith “Annam Uplifted,” p.159.

[18] Như trên, p.159.

[19] Như trên, p. 128.

[20] General Marcel Carpentier to Ministre de la France Outre-Mer, 29/10/1949, Château de Vincennes, Paris, in Service Historique de l’Armée de Terre (SHAT), 10H170, Dossier 1: Bodard, The Quicksand War, p.212; và Tam, Vietnam’s War, p. 118.

[21] Keith, “Annam Uplifted,” p. 159; Pham Van Bong, “Ngọn lửa kháng chiến” (Bảo vệ đồng bào và chống lại kẻ thù), trong Tập ký kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (Flames of the resistance war: Memoirs of the anti-French resistance war) (Hanoi: Party History Studies, 1978), pp. 113-116; and Tam, Vietnam’s War, p. 132.

[22] Tam, Vietnam’s War, p. 132.

[23] Như trên, pp.129, 131.

[24] Như trên, pp. 132-133