#133 – Kinh tế chính trị của đồng Euro

Nguồn: Paul De Grauwe (2013). “The Political Economy of the Euro”, Annual Review of Political Sciences, 16, pp. 153–170.

Biên dịch: Bùi Thu Thảo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: #91 – Khủng hoảng nợ công Châu Âu

Tình trạng khủng hoảng của các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện nay bắt nguồn từ chính quyết định được đưa ra khi thành lập khối này. Quyết định tạo lập một liên minh tiền tệ được thúc đẩy bởi những mục đích chính trị mà không cân nhắc đến khía cạnh kinh tế của liên minh tiền tệ. Lãnh đạo của các quốc gia đã không thấy được những điều kiện kinh tế cần thiết cho một liên minh tiền tệ vững mạnh, và cũng không nhận ra những bất ổn tồn tại trong chính liên minh mà họ tạo lập. Họ cũng cho thấy một sự thiếu hiểu biết đáng quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ công của các nền kinh tế trong năm 2010. Họ đã nhìn nhận sai vấn đề và đưa ra những quyết định tai hại khiến cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng. Bài viết này sẽ giải thích những sai lầm đó và kết luận bằng một vài khuyến nghị nhằm giải cứu đồng Euro.

Giới thiệu

Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn. Tương lai của khối này ngày càng khó đảm bảo. Trong bài viết này, tôi bàn về vấn đề kinh tế chính trị xoay quanh sự ra đời của đồng Euro và những quyết sách trong khủng hoảng của khối  Eurozone. Trước hết, tôi muốn làm rõ sự tương tác giữa các mục đích chính trị với các thực tiễn kinh tế vốn đã dẫn đến sự ra đời của đồng  Euro như thế nào; thứ hai, cách nó tạo ra những bất cập trong điều hành, quản lý đồng tiền chung này; và cuối cùng, nó đã góp phần vào những sai lầm nghiêm trọng trong kiểm soát khủng hoảng ra sao. Để kết luận, tôi sẽ đưa ra một vài giải pháp nên thực hiện để đưa khu vực đồng tiền chung châu Âu vào một lộ trình phát triển bền vững.

Kinh tế chính trị của sự ra đời đồng Euro: Sự áp đảo của các mục đích chính trị

Trong suốt thập kỉ 60, 70 của thế kỉ trước, các nhà kinh tế học đã phát triển một học thuyết mà ngày nay thường được biết đến với tên gọi lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu (Optimal Currency Areas – OCA). Lý thuyết này nghiên cứu những điều kiện mà các quốc gia phải đáp ứng để đảm bảo các thành viên của liên minh tiền tệ đều được cải thiện phúc lợi. Lý thuyết OCA rất quan trọng bởi thiếu đi những điều kiện này, các quốc gia sẽ gặp rủi ro khi gia nhập vào một liên minh tiền tệ. Một thời gian trôi qua và người dân nhận ra rằng phúc lợi kinh tế của các quốc gia thành viên không được cải thiện mà thực tế có thể còn bị suy giảm, thì sự thất vọng mà liên minh gây ra sẽ ngày càng dâng cao và làm suy yếu sự chấp thuận về mặt chính trị và xã hội đối với liên minh.

Những tác động của lý thuyết OCA

Vậy, theo lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu, cần có những điều kiện gì để đảm bảo rằng liên minh sẽ giúp cải thiện phúc lợi kinh tế? Lý thuyết OCA nhấn mạnh ba điều kiện quan trọng.[1] Chúng tôi xin phép liệt kê và sau đó phân tích mối tương quan (hay sự đánh đổi) giữa chúng.

Điều kiện đầu tiên là các quốc gia không nên bị bó buộc vào những định hướng kinh tế khác biệt mà họ không thể thích nghi nổi. Ví dụ, những thay đổi lớn và kéo dài trong vị thế cạnh tranh giữa các nước thành viên nên được hạn chế bởi những biến động này sẽ gây ra những vấn đề khó khăn lớn trong việc điều chỉnh. Mức độ chi phí của các điều chỉnh đến lượt nó lại phụ thuộc vào điều kiện thứ hai được nói đến trong lý thuyết OCA. Theo đó, các nước thành viên của liên minh tiền tệ nên có sự linh hoạt cần thiết trong thị trường hàng hóa và thị trường lao động, bao gồm cả sự dịch chuyển lao động.

Hai điều kiện OCA đưa ra có mối quan hệ mật thiết với  nhau. Để thấy được điều này, giả sử rằng một quốc gia bị mất khả năng cạnh tranh đáng kể so với các nước còn lại. Điều này có thể phát sinh như một hệ quả của sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ khiến tiền công và giá cả tăng ở mức lớn hơn so với các nước thành viên khác. Sự suy giảm khả năng cạnh tranh này phải được khắc phục bằng cách nào đó.  Một quốc gia không thuộc liên minh tiền tệ có thể làm điều đó bằng cách phá giá đồng tiền. Song, một thành viên của liên minh tiền tệ thì không thể làm vậy bởi đồng tiền chung có giá trị như nhau tại mọi nơi thuộc liên minh. Cách duy nhất mà quốc gia này có thể khôi phục được khả năng cạnh tranh của mình là làm hạ mức tiền công và giá. Các nhà kinh tế học gọi đây là một sự phá giá nội bộ (internal devaluation). Lúc này, thành công của sự phá giá nội bộ này phụ thuộc vào điều kiện thứ hai đề cập đến trong lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu, đó là độ linh hoạt của tiền công và mức giá. Nếu độ linh hoạt này đủ lớn thì sự phá giá nội bộ có thể được thực hiện dễ dàng. Nếu độ linh hoạt rất thấp thì sự phá giá nội bộ vẫn là cần thiết, song sẽ rất tốn kém. Các công ty nội địa mất khả năng cạnh tranh nhưng không thể dễ dàng phục hồi bằng cách giảm tiền công và giá buộc phải sa thải nhân công hoặc là ngừng kinh doanh. Như vậy, chúng ta có thể thấy một sự đánh đổi ở đây: cú sốc bất cân xứng càng lớn thì nền kinh tế càng cần phải linh hoạt để có sự điều chỉnh hợp lý mà không phải gánh chịu quá nhiều phí tổn thể hiện ở phần việc làm và sản lượng mất đi.

Trước khi thành lập khu vực đồng tiền chung châu Âu, đã có một sự nhất trí chung giữa các nhà kinh tế cho rằng hai điều kiện mà lý thuyết OCA đưa ra đã không được thỏa mãn ở nhóm các quốc gia đã sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu tiền tệ của mình. Một số ít các nước có thể thỏa mãn những điều kiện này, nhưng với toàn bộ khối đồng tiền chung châu Âu thì không. Kết luận chung này đã được củng cố thêm bởi một lượng văn liệu thực nghiệm lớn (xem thêm Bayoumi & Eichengreen 1997, Bayoumi et al. 1995, Beine et al. 2003, Eichengreen 1990, De Grauwe & Vanhaverbeke 1993, Erkel-Rousse & Méliz 1995, và De Grauwe 2012). Như tôi sẽ chứng minh ở phần sau, sự xuất hiện của các cú sốc bất cân xứng và sự thiếu linh hoạt về mức tiền công và giá đóng vai trò quan trọng trong sự gia tăng khủng hoảng của khối đồng tiền chung châu Âu trong những năm cuối của thập niên 2000-2010.

Thực tế rằng hai điều kiện của lý thuyết OCA dường như không được thỏa mãn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu không nói lên rằng khu vực này không thể là một khu vực tiền tệ tối ưu. Điều kiện thứ ba mà các nhà kinh tế đưa ra có thể làm thay đổi những sự đánh đổi mà chúng ta đã chỉ ra. Điều kiện thứ ba này cho rằng liên minh tiền tệ nên được gắn vào một liên minh về ngân sách. Lý do ở đây là liên minh ngân sách giữa các mước thành viên của liên minh tiền tệ sẽ tạo nên một cơ chế bảo hiểm quan trọng phòng khi có một nước thành viên bị tác động bởi cú sốc tiêu cực. Do vậy, ngân sách trung ương có tác động chuyển thu nhập từ các nước thành viên có nền kinh tế khỏe mạnh sang các nước đang gặp khó khăn. Điều này giúp các nước gặp khó khăn giảm được chi phí của việc làm thành viên của một liên minh tiền tệ. Giống như trong mọi hệ thống bảo hiểm, các quốc gia khác sẵn lòng chấp nhận sự san sẻ này bởi họ biết rằng khi họ gặp cú sốc tương tự như vậy thì họ cũng có thể được sự giúp đỡ từ chính cơ chế bảo hiểm đó.

Như vậy, một liên minh ngân sách làm hạn chế các chi phí của các nước thành viên trong liên minh tiền tệ khi phải chịu một cú sốc bất cân xứng và chịu đựng sự cứng nhắc của thị trường hàng hóa và lao động (Kenen 1969). Nói theo một cách nào đó thì ngân sách chung giống như một sự hỗ trợ bổ sung cho phép các nước thành viên của liên minh tiền tệ chấp nhận cú sốc bất cân xứng với chi phí thấp hơn (xem European Commission 1997).

Rõ ràng là các nước Eurozone đã ở rất xa (và vẫn rất xa) so với một liên minh ngân sách. Ngân sách của Liên minh châu Âu chỉ tương ứng với khoảng 1% GDP của khối. Trước khi ra đời khu vực đồng tiền chung châu Âu, đã có (và ngày nay vẫn có) rất ít triển vọng cho một sự tập trung ngân sách đáng kể từ các nước thành viên.

Vì vậy, rõ ràng là khối đồng tiền chung châu Âu đã không thỏa mãn các điều kiện của lý thuyết OCA cho một sự thống nhất tiền tệ có khả năng cải thiện phúc lợi. Điều này được rất nhiều nhà kinh tế nhận ra ngay từ trước khi khi vực này ra đời. Vậy tại sao các quốc gia này vẫn quyết định làm điều đe dọa tới lợi ích kinh tế của chính mình? Đây chính là vấn đề kinh tế chính trị mà tôi muốn phân tích lúc này.

Lý thuyết OCA được giảng dạy ở các trường đại học hầu như không có tác động gì tới quá trình ra quyết định thành lập khu vực đồng tiền chung châu Âu. Sự thành lập khu vực này bị chi phối bởi những mục đích chính trị của hai nước ra quyết định chính là Pháp và Đức. Mặc dù mục tiêu chính trị của hai quốc gia này khác xa nhau nhưng họ vẫn tìm được một lý do chung cho phép hai bên cùng tiến tới và thành lập nên khối đồng tiền chung châu Âu.

Liên minh tiền tệ với tư cách một mục tiêu chính trị

Pháp có các mục tiêu chính trị khá rõ ràng. Kể từ sau khi thành lập Hệ thống Tiền tệ châu Âu (EMS) vào năm 1979, trên thực tế Pháp đã chuyển quyền tự chủ tiền tệ của mình cho Đức. EMS là một hệ thống nhằm ổn định tỷ giá hối đoái giữa các nước EU. Nó được lập ra để loại trừ sự biến động mạnh của tỷ giá hối đoái giữa các nước thành viên, điều có thể gây bất lợi cho việc hội nhập thương mại trong liên minh. Vốn có tiếng về độ ổn định tiền tệ, Ngân hàng trung ương Đức nhanh chóng nổi lên như một chủ thể chính trong hệ thống, đặt mức lãi suất cho Đức và toàn bộ EMS. Do đó, các quốc gia như Pháp chỉ có lựa chọn giữa việc đi theo các quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ương Đức hoặc bỏ neo đồng tiền của mình khỏi đồng Mark Đức. Lo sợ rằng việc bỏ neo này sẽ dẫn tới sự bất ổn tiền tệ, Pháp và các nước khác buộc phải miễn cưỡng chọn cách tuân theo trò chơi tiền tệ mà Ngân hàng trung ương Đức chỉ đạo. Đức trở thành “người cầm trịch” trong EMS, giống như Mỹ đã từng là người cầm trịch trong hệ thống Bretton Woods (Méliz et al., 1988).

Thế chiếu dưới mà Pháp bị ép phải chịu ở EMS cung cấp một lý do cho nước này đề xuất về một liên minh tiền tệ. Một liên minh tiền tệ như vậy hứa hẹn sẽ phá vỡ thế bá chủ Đức đang chiếm giữ. Trong khi trong kỷ nguyên EMS chỉ có người Đức ngồi ở Frankfurt ra quyết định về các tình trạng tiền tệ ở cả EMS và Pháp, thì trong liên minh tiền tệ Đức và Pháp sẽ có vị thế ngang nhau, giống như thành viên khác trong liên minh. Một liên minh tiền tệ sẽ cho Pháp chỗ đứng ngang bằng với Đức trong các quyết định chính sách tiền tệ. Do vậy đối với Pháp, liên minh tiền tệ gần như có duy nhất một mục đích chính trị, đó là hạn chế sức mạnh của Đức và gia tăng quyền lực của Pháp trong các vấn đề tiền tệ.

Các mục đích của Đức khi đó cũng mang tính chính trị nhưng về cơ bản khác nhiều so với Pháp. Những mục đích này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Helmut Kohl – thủ tướng Đức khi đó, người đã coi liên minh tiền tệ như một bước tiến tới sự hợp nhất chính trị, mà mục đích tối thượng của việc hợp nhất này là xây dựng một mối liên kết lâu bền giữa vận mệnh của hai nước Đức và Pháp để từ đó loại bỏ nguy cơ về các cuộc chiến trong tương lai ở châu Âu. Trái với những tính toán của Pháp, những toan tính chính trị của thủ tướng Đức không phải là kết quả của một sự nhất trí chung ở nước này. Sự phản đối của Ngân hàng trung ương Đức đối với dự án khu vực đồng tiền chung châu Âu là hiển nhiên. Tuy nhiên, cuối cùng thì thủ tướng Đức đã thắng thế và đưa liên minh tiền tệ đi ngược lại nguyện vọng của phần đông dân số (xem thêm Marsh 1993, Berhnolz 1999).[2]

Việc Đức thiếu đi sự nhất trí trong mong muốn thành lập một liên minh tiền tệ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệp ước Maastricht – hiệp ước xác định các điều kiện để gia nhập vào một liên minh tiền tệ (Maastricht Treaty 1992). Phần lớn sự phản đối liên minh tiền tệ ở Đức là do sự thiếu tin tưởng đối với các nước Nam Âu. Người Đức lo ngại rằng những nước này, vốn được cho là thiếu kỷ luật đối với vấn đề lạm phát và các chính sách ngân sách, sẽ kìm hãm sự ổn định của liên minh tiền tệ tương lai. Để làm dịu nỗi lo này cũng như làm cho liên minh tiền tệ dễ được dư luận Đức chấp nhận, các điều kiện gia nhập hiệp ước Maastricht đã được công bố. Các quốc gia ứng viên sẽ phải thể hiện sự quyết tâm trong kiềm chế lạm phát và ổn định hóa vấn đề ngân sách trước khi gia nhập vào liên minh tiền tệ (xem thêm De Grauwe 2012).

Kì lạ là các điều kiện gia nhập này không có chút nào liên quan tới các điều kiện OCA đã nói tới ở trên. Mục đích duy nhất của chúng là mục đích chính trị, đó là trấn an sự phản đối thành lập liên minh tiền tệ mà Helmut Kohl muốn làm tới cùng. Rõ ràng là các điều kiện gia nhập này hoàn toàn thất bại với tư cách là một cơ chế lựa chọn mà lẽ ra nên giữ các nước đó nằm ngoài liên minh khu vực tiền tệ tối ưu.

Mặc dù Pháp và Đức có những động cơ chính trị khác nhau trong việc thành lập liên minh tiền tệ, song họ không tạo ra chướng ngại đối với việc đi đến thỏa thuận. Do đó, Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) gần như hoàn toàn dựa trên những mục tiêu chính trị của hai nhân vật chính này. Theo nghĩa đó có thể thấy rằng, khu vực đồng tiền chung châu Âu, với các mục đích chính trị, đã bất chấp những cảnh báo của nhiều nhà kinh tế phản đối sự ra đời của liên minh tiền tệ. Các chính trị gia khởi xướng liên minh tiền tệ này không thật sự quan tâm tới những cảnh báo của các nhà kinh tế và chấp nhận một rủi ro mà phải sau hai thập kỉ thì người ta mới nhìn thấy rõ hậu quả của nó.

Chủ nghĩa tiền tệ trở thành cứu cánh của các lãnh đạo chính trị

Năm 1936, Keynes từng viết: “Những người có đầu óc thực tiễn cho rằng họ hoàn toàn không bị chi phối bởi bất kì ảnh hưởng của học thuyết nào lại thường là nô lệ của một nhà kinh tế học quá cố nào đó”. Điều này cũng đúng đối với những người làm chính sách đã đẩy châu Âu vào một cuộc mạo hiểm liên minh tiền tệ. Mặc dù hai nhà hoạch định chính sách quan trọng nhất lúc đó là tổng thống Pháp Mitterand và thủ tướng Đức Kohl có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhà kinh tế dù còn sống hay đã quá cố,  nhưng điều tương tự không đúng đối với các nhà hoạch định chính sách khác, nhất là các thống đốc ngân hàng trung ương. Chính các vị thống đốc này chiếm đa số thành viên của Ủy ban Delors (1989) – ủy ban được thành lập năm 1989 để chuẩn bị một kế hoạch chi tiết cho liên minh tiền tệ tương lai. Các thống đốc ngân hàng trung ương này đã trở nên bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa tiền tệ (monetarism) – luận thuyết điển hình của kinh tế học vĩ mô trong suốt những năm 1980. Theo luận thuyết này, một ngân hàng trung ương không nên cố tác động vào sản lượng và thất nghiệp mà thay vào đó nên chú trọng kiềm chế lạm phát. Kiềm chế lạm phát được xem như đóng góp khả thi nhất của ngân hàng trung ương để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và ổn định tài chính nói riêng. Bất kì tham vọng nào của ngân hàng trung ương nhằm “tinh chỉnh” nền kinh tế, như là cố kích thích nó trong thời kỳ suy thoái, sẽ tạo ra xu hướng lạm phát và cuối cùng sẽ đưa nền kinh tế vào thế bất ổn (Barro & Gordon 1983). Với thế giới quan tiền tệ chủ nghĩa này, trách nhiệm duy nhất của ngân hàng trung ương là duy trì ổn định giá cả. Quan điểm này ảnh hưởng lớn tới kiểu mẫu ngân hàng trung ương được thiết kế cho khối đồng tiền chung châu Âu. Như ta sẽ thấy, điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sự ứng phó của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đối với cuộc khủng hoảng nợ công nổ ra năm 2010.

Chủ nghĩa tiền tệ còn tác động tới nhận thức của những người làm chính sách theo một cách khác. Trong khi lý thuyết OCA khiến người ta hoài nghi về nguyện vọng thành lập liên minh tiền tệ ở châu Âu thì chủ nghĩa tiền tệ đã có một thông điệp tích cực về liên minh tiền tệ. Đối với những người theo chủ nghĩa tiền tệ, việc mất quyền tự chủ đối với chính sách tiền tệ quốc gia gần như không phải là một sự mất mát bởi các chính sách tiền tệ quốc gia đã không có hiệu quả trong việc giải quyết các cú sốc bất cân xứng. Thêm nữa, với những người theo chủ nghĩa tiền tệ, việc sử dụng các chính sách tiền tệ một cách hệ thống để tinh chỉnh nền kinh tế đã tạo ra những bất ổn vĩ mô nghiêm trọng tại rất nhiều nước châu Âu (như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha). Cách tốt nhất để loại trừ những bất ổn này là gỡ bỏ các công cụ chính sách tiền tệ quốc gia và đặt nó vào tay một ngân hàng trung ương châu Âu có mô hình phỏng theo Ngân hàng trung ương Đức.

Do vậy, chủ nghĩa tiền tệ đã cung cấp một khung nhận thức cho cả nguyện vọng và thiết kế về một liên minh tiền tệ ở châu Âu. Lý thuyết OCA cùng sự hoài nghi về liên minh tiền tệ đã bị ném qua cửa sổ. Năm 1990, Ủy ban châu Âu đã phát hành một báo cáo nhiều ảnh hưởng mang tên “Một đồng tiền, một châu Âu” trong đó tán dương về những kì tích có thể có của liên minh tiền tệ tương lai. Báo cáo này bị ảnh hưởng mạnh bởi luận thuyết chủ nghĩa tiền tệ.

Chủ nghĩa tiền tệ cũng có ảnh hưởng quan trọng trong việc thiết kế nên các thể chế nhằm duy trì liên minh tiền tệ tương lai, mà cụ thể là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). ECB được xem như một ngân hàng trung ương với mối quan tâm chính là ổn định giá cả. Ý tưởng cho rằng ngân hàng trung ương nên chịu trách nhiệm ổn định tài chính đã bị làm ngơ. Đây là một kỳ tích phi thường. Trong lịch sử, các ngân hàng trung ương đều được thành lập để giải quyết các vấn đề đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, đó là khả năng xảy ra các chu kỳ bùng nổ và suy thoái với đỉnh cao là các khủng hoảng ngân hàng (Kindleberger 2005). Các nhà tạo lập nên khu vực đồng tiền chung châu Âu đã làm ngơ tất cả những điều này bởi một lý thuyết của giới học giả cho rằng tình trạng bất ổn tài chính không thể diễn ra trong một thế giới nơi mà các ngân hàng trung ương giữ cho lạm phát ở mức thấp. Như vậy, một thể chế đã được thiết lập với sự chuẩn bị ngèo nàn để đối mặt với các cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Tôi sẽ trở lại với điều này trong mục tiếp theo khi phân tích các mục đích khác của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Những bất trắc trong việc xây dựng khu vực đồng tiền chung châu Âu

Một câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao các nhà kinh tế học hoài nghi về sự khả dĩ của liên minh tiền tệ lại không phản đối mạnh mẽ hơn. Câu trả lời là lý thuyết OCA vốn được sử dụng để diễn đạt mỗi nghi ngờ này vẫn chưa hoàn thiện. Nó đánh giá chưa đúng mực sự mong manh của liên minh tiền tệ khi không có liên minh ngân sách đi kèm. Nói cách khác, lý thuyết OCA đã không phân tích đủ các nguy cơ có thể xảy ra khi thành lập một đồng tiền mà không có quốc gia chủ quản, tức không có các quyền lực của một chính phủ để chống đỡ giá trị của đồng tiền. Việc cho ra đời một đồng tiền không quốc gia từng thi thoảng được nhắc tới như là một cuộc cách  mạng. Song, hóa ra nó lại mang đến một nhược điểm nghiêm trọng về cấu trúc, gây ra sự mỏng manh lớn trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và là nguyên nhân trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công sẽ nổ ra vào cuối những năm 2000 (De Grauwe 2011). Chúng ta hãy phân tích tại sao lại như vậy.

Khi gia nhập vào một liên minh tiền tệ, các nước thành viên sẽ mất khả năng phát hành nợ (hay trái phiếu – NHĐ) bằng đồng tiền mà họ hoàn toàn kiểm soát. Như vậy, họ không thể cam đoan với các trái chủ rằng tiền mặt luôn có sẵn để trả cho họ vào thời điểm đáo hạn. Do đó, sự mất tự tin của các nhà đầu tư tự nó có thể đưa đất nước tới bờ vực vỡ nợ (xem thêm Kopf 2011). Nguyên nhân gây ra điều này có thể được lý giải như sau. Giả sử rằng các nhà đầu tư lo ngại về sự vỡ nợ của chính phủ Tây Ban Nha. Họ bán trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha khiến lãi suất tăng. Các nhà đầu tư nắm đồng euro có khả năng sẽ đầu tư những đồng euro này vào các tài sản an toàn, ví dụ như trái phiếu chính phủ Đức. Bằng cách đó, đồng euro rời khỏi hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha. Vì vậy tính thanh khoản (cung tiền) ở Tây Ban Nha giảm sút. Chính phủ Tây Ban Nha sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng thanh khoản do không đủ tiền để xoay vòng nợ tại các mức lãi suất hợp lý. Thêm nữa, chính phủ Tây Ban Nha không thể buộc Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha mua nợ công. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể cung cấp thanh khoản trên toàn thế giới, nhưng chính phủ Tây Ban Nha lại không có quyền kiểm soát thể chế đó.

Điều này sẽ không xảy ra ở quốc gia có khả năng phát hành nợ bằng đồng nội tệ. Quốc gia này cam đoan ngầm rằng tiền mặt luôn luôn có sẵn để thanh toán cho nhà đầu tư khi trái phiếu đáo hạn. Lý do là nếu giả dụ chính phủ Anh cạn tiền mặt thì ngân hàng trung ương Anh buộc phải hỗ trợ lượng thanh khoản cần thiết để trả cho các trái chủ. Do đó, chính phủ Anh được đảm bảo một lượng thanh khoản đủ để tài trợ cho các khoản nợ của mình. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư khó mà vướng phải một cuộc khủng hoảng thanh khoản ở Anh vốn cuối cùng có thể đưa nước này tới bờ vực vỡ nợ. Ở đây có một sức mạnh của kế sách cuối cùng mang tên Ngân hàng trung ương Anh.

Điểm khác biệt trên giữa các thành viên của một liên minh tiền tệ và các nước nằm ngoài liên minh đã hoàn toàn bị bỏ qua bởi những người hoài nghi về sự khả dĩ của một liên minh tiền tệ ở châu Âu. Do đó, sự mong manh của liên minh tiền tệ châu Âu EMU và tính nhạy cảm của nó đối với quan điểm thị trường vốn có thể đẩy các quốc gia tới chỗ vỡ nợ đã không được xem xét kĩ lưỡng, và các quốc gia thành viên đã tham gia vào khối đồng tiền chung châu Âu mà không hề nhận thức được về các rủi ro này cũng như không chuẩn bị để ứng phó với chúng. Có thể nói rằng, việc gia nhập một liên minh tiền tệ khiến các nước thành viên bị giáng cấp thành các quốc gia mới nổi vốn phải phát hành nợ bằng đồng ngoại tệ. Rõ ràng là các quốc gia này rất dễ bị tổn thương bởi những “điểm dừng đột ngột” về thanh toán các khoản nợ, dẫn tới những bất ổn vĩ mô nghiêm trọng, bao gồm các cuộc khủng hoảng ngân hàng (Calvo 1988, Eichengreen 2005).

Kinh tế chính trị trong thời kỳ bình lặng: Tác động của luận thuyết kinh tế học cổ điển

Các thành viên khối đồng tiền chung châu Âu đã tham gia vào một liên minh được dẫn dắt bởi những nhà cầm quyền không biết tí gì về sự mong manh của hệ thống họ tạo lập nên. Họ may mắn không phải gánh chịu hậu quả trong khoảng mười năm. Trong suốt thời gian đó, các nhà hoạch định chính sách đã phát triển một khung tri thức để tự thuyết phục mình rằng thế giới mà họ đang sống là thế giới tuyệt vời nhất có thể. Khung tri thức này được gọi là sự Đồng thuận Brussels – Frankfurt (De Grauwe 2006), cho rằng các thể chế của khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể đảm nhiệm được việc phải vận hành liên minh tiền tệ, và như vậy một liên minh chính trị xa hơn nữa là không cần thiết (Issing 2008). Sự đồng thuận này có thể được tóm lược như sau.

Thứ nhất, cách giải quyết các cú sốc bất cân xứng vốn có thể xuất hiện trong một liên minh tiền tệ là tăng tính linh hoạt của thị trường lao động. Do vậy, liên minh tiền tệ có thể đứng vững bằng cách thực hiện các cải cách về cấu trúc và các nước thành viên cần được thúc dục để đưa ra các cải cách này. Một liên minh ngân sách vốn có thể cung cấp một cơ chế bảo hiểm cho các quốc gia vấp phải cú sốc bất cân xứng là không cần thiết. Các nước có thị trường lao động linh hoạt có thể tự giải quyết những cú sốc này.

Thứ hai, Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định (SGP) vốn được ký kết ngay khi thành lập khu vực đồng tiền chung châu Âu và giới hạn mức thâm hụt ngân sách chính phủ cho phép đã giúp các nước có thể sử dụng các chính sách tài khóa quốc gia như một công cụ để xử lý các cú sốc bất cân xứng với các cấu phần (tạm thời) diễn ra theo chu kỳ. Bằng cách tuân theo các quy định của Hiệp ước SGP về cân bằng ngân sách trong trung hạn, các quốc gia đã có đủ sự linh hoạt để tự cho phép có mức thâm hụt ngân sách lên tới 3% trong thời kì suy giảm kinh tế. Như vậy, các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã có một công cụ để đối phó với các vận động của chu kỳ kinh doanh (Issing 2008).

Thứ ba, không cần thiết phải có một chính sách tài khóa trên toàn hệ thống để ổn định chu kỳ kinh doanh. Chính sách tiền tệ của ECB được xem như được trang bị hoàn hảo để mang đến sự ổn định vĩ mô ở khu vực đồng tiền chung châu Âu. Với việc tập trung vào ổn định giá cả, ngân hàng trung ương đã làm mọi cách có thể để ổn định biến động sản lượng ở cấp độ khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nếu cú sốc sản lượng là do dịch chuyển đường cầu thì đặt ra mức lạm phát mục tiêu sẽ giúp ổn định không chỉ tỷ lệ lạm phát mà còn cả những biến động sản lượng. Nếu các cú sốc sản lượng này là do dịch chuyển đường cung thì chúng không thể giải quyết được bằng chính sách tiền tệ lẫn chính sách tài khóa.

Thứ tư, ngân hàng trung ương không cần quan tâm tới sự ổn định tài chính. Một mức giá ổn định sẽ cho phép các nhà đầu tư cá nhân ra quyết định đúng do được hỗ trợ bởi thị trường tài chính hiệu quả. Các thị trường này được coi như có đủ khả năng tự điều chỉnh để bảo đảm cho một sự ổn định tài chính.

Từ phân tích này, kết luận được rút ra là các thể chế khu vực đồng tiền chung châu Âu và việc quản trị chúng được cho là có khả năng duy trì liên minh tiền tệ trong dài hạn.[3] Không cần phải gia tăng mức độ thống nhất chính trị, bao gồm liên minh ngân sách, mới có thể giữ liên minh tiền tệ bền vững. Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tồn tại về lâu dài mà không cần phải thành lập một nhà nước liên bang châu Âu (Issing 2008).

Sự đồng thuận Brussels-Frankfurt được dựa trên hai học thuyết. Một là lý thuyết chủ nghĩa tiền tệ đã phân tích ở trên, trong đó ngân hàng trung ương không có nhiều vai trò trong việc ổn định nền kinh tế. Nếu cứ cố gắng điều chỉnh, nền kinh tế sẽ sụp đổ với lạm phát cao hơn, do đó việc tốt nhất ngân hàng trung ương có thể làm là ổn định mức giá chung. Việc này sẽ có ảnh hưởng phụ là tạo ra kết quả khả dĩ nhất trên phương diện ổn định chu kỳ kinh tế. Chủ nghĩa tiền tệ có một suy luận là các thị trường nói chung và thị trường tài chính nói riêng đều có hiệu quả. Do đó, bong bóng và đổ vỡ kinh tế sẽ không thể xuất hiện trong các thị trường tài chính hiệu quả bởi các chủ thể sáng suốt sẽ không cho phép giá cả đi chệch khỏi các nguyên tắc cơ sở của chúng. Quan điểm này có hàm ý rằng các thị trường tài chính có thể tự mình xoay sở. Toàn bộ những gì chúng cần là một chính sách tiền tệ hướng tới sự ổn định, cho phép các chủ thể này tạo lập nên một thế giới tốt nhất có thể. Hai cuốn sách giáo khoa chính trong giai đoạn này (Woodford 2003, Walsh 2003) đã cung cấp các nền móng cho lý thuyết này. Đáng ngạc nhiên là ngân hàng trung ương không hề được nhắc đến với tư cách một người bảo vệ cho sự ổn định tài chính trong hai cuốn sách này, những cuốn sách đã và đang được sử dụng bởi hàng nghìn sinh viên kinh tế hàng năm nhằm nắm bắt được sự phức tạp của chính sách và lý thuyết tiền tệ.

Lý thuyết thứ hai ảnh hưởng tới đồng thuận Brussels-Frankfurt là lý thuyết “chu kì kinh tế thực”. Lý thuyết này cho rằng các chu kỳ kinh tế bắt nguồn từ các cú sốc trong công nghệ (các cú sốc cung) và những thay đổi về mong muốn (thất nghiệp chủ yếu là hệ quả của việc công nhân muốn có thêm thời gian nghỉ ngơi thư giãn). Ngân hàng trung ương không thể làm được gì nhiều để hạn chế những vận động này. Cách tốt nhất là kiểm soát giá cả ở mức cố định. Điều này giúp hạn chế tối đa ảnh hưởng của các cú sốc. Thêm nữa, một chính sách kinh tế vĩ mô dựa trên mục tiêu ổn định giá sẽ là điều tốt nhất mà ngân hàng trung ương có thể làm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Kydland & Prescott 1977).

Kết luận từ hai lý thuyết này là việc quản trị khu vực đồng tiền chung châu Âu là đúng đắn: ngân hàng trung ương chỉ quan tâm tới ổn định giá cả là sự đóng góp tốt nhất có thể cho việc duy trì ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô; còn các chính phủ thì vừa duy trì kỷ luật ngân sách, vừa cố gắng hết mình để có được sự linh hoạt thị trường. Trong một thế giới như vậy, các cú sốc do năng suất có thể được giải quyết tốt nhất bởi các chính phủ thông qua việc giữ vững cán cân ngân sách. Hơn nữa, trong thế giới đó, một chính sách tài khóa chủ động ở cấp độ toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu là không cần thiết.[4]

Bây giờ nhìn lại, thật đáng ngạc nhiên là những “con người thực tế” đó lại có thể đã tin vào một thế giới hư cấu như vậy trong một khoảng thời gian dài đến thế. Đó là thế giới của những chủ thể lý trí không mắc lỗi một cách hệ thống; một thế giới nơi mà những làn sóng của chủ nghĩa lạc quan và bi quan (“tâm lý bầy đàn”) không ảnh hưởng tới người tiêu dùng và nhà đầu tư, nơi không có bong bóng kinh tế, còn các thị trường tài chính thì luôn hiệu quả (Akerlof & Shiller 2009). Trong thế giới ấy, liên minh tiền tệ quả thực có thể vận hành dựa vào chương trình bay tự động mà không cần có một cơ trưởng tốt.

Đồng thuận Brussels-Frankfurt khiến các nhà hoạch định chính sách không thể nhìn thấy trước cuộc khủng hoảng sắp tới, chưa nói tới việc có các bước đi để ngăn chặn nó. Ví dụ tiêu biểu nhất về sự dự báo sai lầm này là bản báo cáo được Ủy ban châu Âu EC phát hành năm 2008 nhằm kỉ niệm mười năm thành lập khu vực đồng tiền chung châu Âu. Báo cáo kết luận rằng: “Liên minh tiền tệ châu Âu EMU là một thành công vang dội”. Mười năm từ khi thành lập, nó đã bảo đảm sự ổn định vĩ mô, thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Âu không chỉ thông qua sự mở rộng liên tiếp, đồng thời tăng khả năng phục hồi sau các cú sốc bất lợi và trở thành một trụ cột ổn định của khu vực và trên thế giới (tr.5). Báo cáo tiếp đó nhấn mạnh các thử thách trong tương lai: “Tuy nhiên, còn có thể thu thêm được nhiều lợi ích hơn nữa từ Liên minh tiền tệ châu Âu trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải cải thiện sự phối hợp về các chính sách kinh tế, tiến bộ hơn nữa trong các cải cách cấu trúc, một vai trò toàn cầu rõ rệt hơn cho khu vực đồng euro và một lời cam kết chắc chắn của các nước thành viên nhằm đạt được các mục tiêu này” (European Commission 2008, tr.6). Sự cần thiết của việc hướng tới một liên minh chính trị và ngân sách nhằm củng cố khối đồng tiền chung châu Âu mong manh không hề được đề cập tới. Khu vực đồng tiền chung châu Âu là một “thành công vang dội” mà không cần tới một cuộc đại tu căn bản cách quản trị của nó.

Kinh tế chính trị của khủng hoảng: Kinh tế học trở lại để trừng phạt

Chẩn đoán sai lầm về khủng hoảng nợ công

Sự mong manh của Eurozone trong khủng hoảng

Những thất bại của Ngân hàng trung ương châu Âu 

Những quyết định sai lầm của Hội đồng Châu Âu

Kết luận

Danh mục tài liệu tham khảo

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Kinh te chinh tri cua dong Euro.pdf

 


[1] Từ nguyên mẫu của Mundell (1960), McKinnon (1963), và Kenen (1969). Xem thêm Ishiyama (1975) và De Grauwwe (2012).

[2] Sự phản đối mạnh ở Đức không có nghĩa là đồng euro không dược ủng hộ. Để biết thêm chi tiết, xem Kaltenthaler & Anderson (2001) và Banducci et al. (2009).

[3] Padoa-Schioppa (2004), một người trong cuộc đã phát triển những chỉ trích mạnh mẽ về quan điểm này, đây cũng là hàm ý ẩn trong sự đồng thuận Brussel Frankfurt.

[4] Những người từng học lịch sử kinh tế sẽ không ngạc nhiên vì điều này vì những quan điểm như thế cũng phổ biến vào thời kỳ trước cuộc Đại Suy thoái.