#213 – Hệ thống tiền tệ quốc tế

Print Friendly, PDF & Email

d3a8f034-1a61-47a0-98ca-cad45eaf7715Nguồn: David N. Balaam & Michael Vaseth, “The International Monetary System,” in D. N. Balaam & M. Vaseth, Introduction to International Political Economy,  (New Jersey: Pearson Education, 2001), pp. 133-156.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Introduction to International Political Economy

Tổng quát

Nền kinh tế chính trị quốc tế bao gồm các quốc gia và thị trường được liên kết bởi những mối quan hệ tương tác hoặc các cấu trúc vốn ảnh hưởng đến hoạt động và tác động của chúng. Cấu trúc tài chính miêu tả tập hợp những quan hệ tiền tệ hoặc tài chính mà trong khuôn khổ đó các quốc gia và thị trường tồn tại. Những mối quan hệ tài chính này ảnh hưởng ở một mức độ nào đó đến tất cả những thể loại tương tác giữa các quốc gia và các thị trường.

Cơ cấu tài chính này tồn tại bên trong cái gọi là hệ thống tiền tệ quốc tế, một trong những bộ phận trừu tượng và bí ẩn nhất của nền kinh tế chính trị quốc tế. Hệ thống tiền tệ quốc tế có thể được hiểu như một tập hợp các nguyên tắc và thông lệ quản lý việc chi trả nợ giữa các quốc gia như thế nào. Luôn luôn có một câu hỏi, đó là ai được lợi?  – ai là người được lợi trong cơ cấu tổ chức tài chính thế giới hiện nay. Chương này tập trung vào hệ thống tiền tệ quốc tế, là một bộ phận quan trọng của khuôn khổ tài chính trong nền kinh tế chính trị quốc tế. (Chương 8, chương về nợ quốc tế, sẽ tiếp tục phân tích cơ cấu tài chính).

Những cơ cấu khác của Nền kinh tế chính trị quốc tế thường được đề cập đến là những mối quan hệ dựa trên an ninh, sản xuất (và thương mại), tiếp cận tri thức và công nghệ. Tập hợp những mối quan hệ này cũng sẽ được đề cập đến trong những chương tiếp theo. Bất kỳ lúc nào cũng luôn tồn tại một tập hợp những mối quan hệ hoặc cơ cấu liên kết những quốc gia và thị trường trong lĩnh vực tài chính, sản xuất, an ninh và tri thức.

Chương này sẽ tập trung nghiên cứu khía cạnh kinh tế chính trị quốc tế của tỷ giá hối đoái và hệ thống tiền tệ quốc tế, tập trung vào lịch sử phát triển của nó sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, những vấn đề và khó khăn chủ yếu tồn tại trong thế giới tài chính quốc tế hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đề cập đến những cơ quan tài chính quốc tế quan trọng nhất (Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới) và nghiên cứu một trường hợp đặc biệt, đó là đồng frăng CFA (sử dụng tại các nước Trung Phi) là ví dụ cho những vấn đề của đồng tiền yếu tại các nước Châu Phi là thuộc địa cũ của Pháp.

——-

… trong hệ thống này, song song với quyền lực là sự mỏng manh – và tôi cũng sẽ không quá lời nếu gọi đó là sự nguy hiểm. Chỉ vì chúng ta quá quen thuộc với hệ thống nên chúng ta bị mù quáng trước sự kỳ diệu của nó.[1]Tất nhiên tôi không phải là kẻ gieo hoang mang. Tôi tin tưởng vào hệ thống của chúng ta, mặc dù nó kỳ quặc và lạ thường nhưng có thể hoạt động một cách an toàn. Nhưng nếu chúng ta muốn nó hoạt động, chúng ta phải nghiên cứu nó. Chúng ta không được phép nghĩ chúng ta có một nhiệm vụ đơn giản khi đó là một nhiệm vụ khó khăn, hoặc nghĩ chúng ta đang sống trong một trạng thái tự nhiên trong khi thật sự chúng ta đang sống trong một trạng thái nhân tạo. Đồng tiền không thể tự quản lý được và phố Lombard phải quản lý một khối lượng tiền lớn.[2]

Walter Bagehot (1873)

Phố Lombard là một con phố ngắn ở London, nằm sát Cầu Tower. Dọc phố Lombard là các ngân hàng và công ty tài chính mà đến tận bây giờ vẫn còn trưng những biển hiệu màu sắc của những thương gia người Italia đã đi đầu trong ngành ngân hàng vào thời kỳ trung cổ và phục hưng tại Anh, khiến cho khu phố có dáng vẻ của một phố chợ nhỏ nhộn nhịp như xưa. Vào thế kỷ 19, Phố Lombard là trung tâm của thế giới tài chính. Những giao dịch tiền tệ quốc tế liên quan đến các quốc gia và thị trường khắp thế giới đều được gắn kết hoặc bị ảnh hưởng một phần bởi hoạt động của những con người và tổ chức trên phố Lombard.

Khi mà Walter Bagehot[3] viết về phố Lombard vào thế kỷ 19, ông ta thực sự đã viết về hệ thống tài chính thế giới và khuôn khổ, cơ cấu thiết lập nên nhiều quan hệ giữa các quốc gia và thị trường. Ở đoạn trên, ông ta nhấn mạnh quyền lực cũng như sự mỏng manh của cơ cấu tài chính và nhu cầu cần phải quản lý nó một cách có hiệu quả. Phố Lombard vẫn là một trung tâm quan trọng của thế giới tài chính, tuy nhiên nay không còn là trung tâm của thế giới tiền tệ nữa.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa cơ cấu tài chính thời Bagehot hơn 100 năm trước và cơ cấu tài chính hiện nay đó là thời Bagehot, người ta có thể đến những nơi như phố Lombard và gặp những người tham gia vào cơ cấu hữu hình của nền tài chính thế giới. Chỉ cần có mặt 1 ngày ở văn phòng ngân hàng hoặc sàn giao dịch thị trường chứng khoán, ta có thể tìm hiểu được thế giới tài chính của nền kinh tế chính trị quốc tế. Ngày nay, thế giới đó phi tập trung hơn rất nhiều và ngày càng mang tính toàn cầu, với mạng máy tính và viễn thông thay thế những mối quan hệ trực tiếp như thời Bagehot. Vì vậy việc quan sát mạng tài chính và theo dõi cơ cấu hệ thống tiền tệ quốc tế trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên về cơ bản nó vẫn tồn tại một cách tương tự. Chương này sẽ giúp bạn nhận biết những nét chính và hiểu được quá trình phát triển của hệ thống tiền tệ thế giới. Ở chương 8, chúng ta sẽ nghiên cứu một khía cạnh khác của cơ cấu tài cính – đó là nợ quốc tế, được sinh ra trong môi trường tài chính do hệ thống tiền tệ quốc tế thiết lập.

Chương này bao gồm hai phần chính. Phần đầu nói về thế giới hối đoái, một thế giới đôi khi gây khó hiểu và khám phá những nguyên nhân và hậu quả của việc thay đổi tỷ giá hối đoái. Phần thứ hai của chương tập trung vào hệ thống tiền tệ quốc tế, hệ thống quản lý quan hệ tài chính giữa các quốc gia. Ở đây chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế làm hài lòng nhu cầu của các quốc gia và thị trường trong một thế giới năng động và biến đổi. Mục đích của chương này là cho phép sinh viên hiểu được hệ thống tiền tệ quốc tế là gì và hoạt động hối đoái thực hiện như thế nào, qua đó, chúng ta có thể hiểu những vấn đề tiền tệ quan trọng nhất hiện nay và đánh giá được tác động của nó đối với chúng ta, với tư cách là những công dân, những quốc gia và những công ty kinh doanh.

Chỉ dẫn cho sinh viên về hối đoái

Cũng giống như người dân ở mỗi quốc gia nói những ngôn ngữ khác nhau (đòi hỏi phải có phiên dịch để hiểu nhau), họ cũng có xu hướng giao dịch kinh doanh bằng những đồng tiền khác nhau, đòi hỏi phải đổi từ loại tiền này sang loại tiền khác. Để hiểu được hệ thống tiền tệ quốc tế và ảnh hưởng của nó đến các cơ cấu khác nhau của nền kinh tế chính trị quốc tế, đầu tiên chúng ta phải hiểu một ít về tỷ giá hối đoái và làm quen với một vài thuật ngữ chuyên môn của tài chính quốc tế.

Đa số chúng ta đều đã từng cảm nhận được sự lên xuống bất thường của tỷ giá hối đoái khi đi ra nước ngoài và phải đối mặt với một vấn đề rất thực tiễn: chúng ta sẽ mất bao nhiêu đô-la để mua peso, bảng Anh, mác, yên ..mà chúng ta cần để đi lại. Con người đã nhanh chóng làm quen với những phép tính của hối đoái – sử dụng tỷ giá hối đoái để đổi từ ngoại tệ sang đô-la và ngược lại. Ví dụ như tỷ giá hối đoái là 1.5$/1£, điều đó có nghĩa là 1 chiếc vé 10 bảng vào rạp hát tại London tính ra tiền Mỹ là 15 đô-la (10 £ x 1,5 $/£= 15$). Tương tự như vậy, một cốc cà phê latte tại sân bay Tokyo giá 1000 yên tương đương với 10 USD nếu tỷ giá yên-USD là 100 ¥ /1 $ (1000 ¥ ÷ 100 ¥/$ = 10$). Đã từ lâu, khách du lịch đã có thể rèn luyện trí não của mình bằng cách sử dụng tỷ giá hối đoái để đổi tiền từ đồng tiền này sang đồng tiền khác.

Bảng 7-1 giới thiệu tỷ giá hối đoái của một số đồng tiền so với đồng đô-la vào ngày 12 tháng 8 năm 1992. Tỷ giá hối đoái phần lớn bị chi phối bởi các nhân tố thị trường và biến đổi hàng ngày do xu hướng và những sự kiện trong nền kinh tế chính trị quốc tế vốn làm thay đổi cung cầu của một đồng tiền này so với đồng tiền khác.

Mỗi tỷ giá hối đoái đều có thể được trình bày bằng hai phép tính tương đương nhau. Ví dụ tỷ giá hối đoái giữa đồng Đô-la Mỹ và đồng Pê-sô Mê-hi-cô có thể được trình bày là 9 pê sô/USD hoặc 11 cent/pê sô.[4] Đối với 1 số đồng tiền như bảng Anh, nhiều người cảm thấy dễ theo dõi tỷ giá bằng đồng USD hơn (khoảng 1,6 USD/bảng Anh) trong khi đó một số đồng tiền như yên Nhật, sẽ dễ hiểu hơn khi sử dụng cách ngược lại – khoảng 116 yên/USD.[5] Đối với một số đồng tiền như Dua-ti Ba lan hay Pê-sô Mê-hi-cô, cả hai cách đều dễ hiểu.[6]

Bảng 7-1 Tỷ giá hối đoái ngày 12 tháng 8 năm 1999 – Một số nước chọn lọc

Quốc gia Đồng tiền Tỷ giá hối đoái so với USD
Braxin Real 1.86
Ca-na-đa Đô-la Ca-na-đa 1.47
Bờ biển ngà Franc CFA 620.70
Liên minh Châu Âu Euro 1.05
Pháp Phờ răng 6.20
Đức Đê-mác 1.85
Hungari Phô-ring 239.58
Italia Lia 1832.00
Nhật Bản Yên 115.90
Ma-lai-xia Ring-gít 3.80
Mê-hi-cô Pê-sô mới 9.39
Ba lan Dua-ty 3.98
Hàn quốc Uôn 1206.00
Tây Ban Nha Pê-sê-ta 157.44
Thái Lan Bạt 38.02
Thổ Nhĩ Kỳ Lia-ra 437750.00
Vương quốc Anh Bảng Anh 1.60

Nguồn: Financial Times, 16 tháng 8 năm 1999, trang 20

Tuy nhiều người cảm thấy thú vị vì một số đơn vị tiền tệ có vẻ có giá trị hơn nhiều so với đồng tiền khác (1 bảng Anh nhiều hơn 1 Đô-la, còn 1 yên chỉ bằng 1 xu), thật ra đấy không phải là khía cạnh quan trọng của tỷ giá hối đoái. Tỷ giá hối đoái chỉ là một cách chuyển giá trị của đơn vị đo lượng của nước này sang của nước khác. Đơn vị nào được sử dụng thật ra không quan trọng. Điều quan trọng nhất là phép đo này có giá trị hay không và thay đổi theo thời gian như thế nào.

Vé hối đoái – Giá trị của đồng tiền phụ thuộc vào cái nó có thể mua được

Chúng ta có thể nghĩ quốc tệ là một chiếc vé có thể đổi lấy hàng hóa và dịch vụ tại nước phát hành ra nó. Có hai loại phiếu: Đồng tiền mạnh phát hành bởi các nước lớn có nền kinh tế vững chắc, có thể dự báo được và quan hệ chính trị đối nội đối ngoại ổn định. Đồng tiền này được giao dịch rộng rãi và có giá trị được nhiều người biết đến. Chúng ta có thể đổi đồng tiền mạnh sang tiền địa phương ở hầu hết các nước trên thế giới. Ngày nay, các quốc gia phát hành những đồng tiền mạnh nhất là Mỹ (đô-la), EU (euro), Nhật (yên), Vương quốc Anh (bảng) và Thụy sĩ (Franc Thụy sĩ).[7]

Đồng tiền yếu không được chấp nhận một cách rộng rãi, đồng tiền yếu thường được sử dụng trong nước chứ không phải ở nơi khác vì giá trị của nó không chắc chắn hoặc số lượng giao dịch không đủ để tham gia vào mạng lưới kinh doanh quốc tế. Những quốc gia kém phát triển và những nước thuộc hệ thống XHCN cũ thường có đồng tiền yếu vì quan hệ chính trị của họ thiếu ổn định hơn các nước khác, ngoài ra những nền kinh tế này nhỏ so với thị trường thế giới và đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Nước có đồng tiền yếu phải thường xuyên tìm kiếm nguồn tiền mạnh (thông qua xuất khẩu hoặc vay mượn) để mua hàng hóa và dịch vụ từ những quốc gia khác. Ngược lại, nước có đồng tiền mạnh, có thể đổi tiền của mình trực tiếp sang đồng tiền mạnh khác cũng như mua hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, đấy là một lợi thế rõ ràng. Vì chỉ có những đồng tiền mạnh mới được thế giới sử dụng, chúng ta sẽ tập trung nghiên cứu những đồng tiền mạnh trong chương này.

Một đặc điểm quan trọng của “vé” hối đoái, khác với các loại vé khác, đó là nó có thể được đổi thành nhiều thứ khác nhau. Ví dụ, một chiếc vé xem vở kịch “Phantom of the Opera” chỉ có thể đổi để có cơ hội xem một buổi biểu diễn nhất định. Nhưng vé “đồng bảng Anh” có thể đổi thành nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư ở Vương quốc Anh. Thậm chí chúng ta có thể coi vé “đồng bảng Anh” nhưng một tờ vé số, để đầu cơ, với hy vọng giá trị của nó sẽ tăng và sẽ có lời.

Giá trị của tấm vé “đồng bảng Anh” hoặc “đồng đô-la Mỹ” đối với người nước ngoài tùy thuộc vào việc nó có thể đổi thành hàng hóa, dịch vụ, đầu tư hay khả năng trúng số như thế nào. Giá trị của đồng tiền thường lên hoặc xuống tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư đồng tiền đấy có thể mua trên thị trường nội địa. Những tác nhân mạnh mẽ của cung và cầu biến giá trị của tấm vé “đồng đô-la Mỹ” thành tỷ giá hối đoái trên thị trường ngoại hối quốc tế.

Trong số nhiều tác nhân kinh tế ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, 2 tác nhân quan trọng nhất đó là lạm phát và thay đổi lãi suất. Nếu như mọi yếu tố khác đều giống nhau, quốc tệ thường mất giá nếu như lạm phát ở quốc gia này cao hơn. Lạm phát, sự tăng giá nói chung, có nghĩa là đồng tiền có sức mua thực tế thấp hơn trên thị trường nội địa. Điều này khiến cho đồng tiền trở nên kém hấp dẫn đối với những người mua nước ngoài. Như vậy đồng tiền sẽ bị mất giá trên các thị trường hối đoái quốc tế để thể hiện giá trị thực trong nước của nó bị giảm. Cũng như vậy, nếu quốc gia A có lạm phát thấp hơn quốc gia B, đồng tiền của quốc gia này sẽ tăng giá, thể hiện sức mua cao hơn của nó.

Lãi suất cũng thể hiện tỷ giá hối đoái vì nó ảnh hưởng đến giá trị và sự mong muốn đầu tư mà mỗi đồng tiền có thể có được. Ví dụ, nếu như lãi suất ở Mỹ tăng, lúc đó cầu của đồng đô-la sẽ tăng để mua trái phiếu chính phủ Mỹ và những đầu tư khác có lãi suất, đẩy tỷ giá hối đoái đồng đô la tăng. Tương tự như vậy, lãi suất thấp sẽ dẫn đến nhu cầu đồng đô-la giảm vì những đầu tư bằng đồng đô la sẽ ít hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài.

Nhìn chung, mối quan hệ đơn giản giữa lãi suất và tỷ giá hối đoái này là đúng trong thực tế, tuy nhiên cần phải lưu ý đến những ngoại lệ quan trọng khi một vài tác nhân liên quan đến nhau cùng tác động lên thị trường ngoại hối. Ví dụ, đôi khi lạm phát trong nước gia tăng sẽ kéo theo việc tăng lãi suất, như vậy lực đẩy giá đồng đô-la xuống của lạm phát sẽ vượt qua khả năng đẩy giá đô-la lên của lãi suất. Các nhà kinh tế học cho rằng lãi suất thực (sau khi đã loại bỏ lạm phát) mới thật sự ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, chứ không phải lãi suất danh nghĩa (chưa loại bỏ lạm phát).

Các quốc gia có thể ảnh hướng đến tỷ giá hối đoái thông qua những chính sách tác động đến giá trị đồng tiền của mình so với đồng tiền khác. Thay đổi lãi suất, luật thuế, lạm phát trong nước và hàng loạt những quy định có thể tác động đến tỷ giá hối đoái. Vì đô-la thực sự là một tấm vé có thể đổi lấy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tại Mỹ, giá của đồng đô-la phụ thuộc vào những gì đô-la có thể mua. Nói một cách khác, tỷ giá đồng đô-la phụ thuộc vào khả năng mua hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tại Mỹ của đô-la và giá trị của những tài nguyên đó đối với người nước ngoài.

Trong thế giới ngày nay, với một thị trường tài chính toàn cầu, những quốc gia có đồng tiền mạnh có thể thay đổi một cách có hiệu quả tỷ giá hối đoái đồng tiền của mình thông qua việc thao túng lãi suất. Nếu như lãi suất tăng (hay giảm) tại Mỹ, những đầu tư vào lãi suất sẽ có giá trị nhiều (hoặc ít) hơn đối với người nước ngoài. Khi mọi điều kiện khác không đổi, giá trị tăng (hoặc giảm) này sẽ được thể hiện qua tỷ giá hối đoái. Ví dụ năm 1993, lãi suất dài hạn của Mỹ giảm, điều đó khiến cho việc đầu tư vào đồng đô-la kém hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài vì những tài sản mang lại lãi suất tại Mỹ trở nên kém sinh lời hơn. Điều tiếp theo xảy ra là đồng đô la năm 1993 đã bị mất giá so với nhiều đồng tiền khác.[8]

Có những thuật ngữ riêng được sử dụng khi chúng ta bàn về tỷ giá hối đoái. Nếu như một đồng tiền trở nên có giá trị hơn so với những đồng tiền khác, chúng ta gọi là lên giá (appreciate). Khi nó trở nên ít giá trị hơn so với những đồng tiền khác, chúng ta gọi là mất giá (depreciate). Ví dụ, giả thiết đồng bảng Anh hiện nay được giao dịch ở mức 1,5$/1£. Nếu như đồng bảng Anh lên giá (có giá trị hơn), nghĩa là cần phải có nhiều đô-la hơn để mua 1 bảng, vì vậy tỷ giá có thể thay đổi là 1,6$/1£. Đồng bảng đã lên giá, còn đồng đô-la mất giá (mất giá trị so với đồng bảng).[9] Sự thay đổi tỷ giá hối đoái có vẻ hơi phức tạp cho đến khi bạn quen với nó. Bạn sẽ nói gì về đồng yên và đồng đô-la nếu như tỷ giá hối đoái đổi từ 120¥/1$ thành 130¥/1$[10] hay đồng pê-sô Mê-hi-cô và đồng đô la nếu như tỷ giá đổi từ 11 xu/1 pê-sô thành 15 xu/1 pê-sô.[11]

Tỷ giá hối đoái thường thay đổi theo thời gian rất phức tạp và hay bất ngờ. Bảng 7-2 cho thấy đồng tiền của một số quốc gia đã thay đổi giá trị như thế nào trong những năm 1995-1999. Nếu như bạn nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bảng này, chúng ta sẽ thấy một số đồng tiền lên giá so với đồng đô-la, một số mất giá, một số khác lúc lên lúc xuống ở mỗi thời điểm khác nhau. Chúng ta sẽ giải thích qua một vài xu hướng trong đó.

So sánh Thổ Nhĩ Kỳ và Ác-hen-ti-na. Tỷ giá hối đoái của Ác-hen-ti-na đối với đồng đô-la Mỹ rất ổn định, trong vòng 4 năm chỉ thay đổi không đến 1 xu. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua sự mất giá nặng nề. Cả hai đều có đồng tiền yếu. Tại sao lại có sự khác biệt to lớn như vậy? Câu trả lời là cả 2 đều gặp vấn đề với lạm phát. Thổ Nhĩ Kỳ đã không tìm được giải pháp cho những khó khăn của nước mình. Giá cả trong nước tăng ồ ạt và đồng Lia-ra có thể mua ngày càng ít đồ hơn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo lý thuyết về sức mua tương đương, nếu giá trị của nó tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giảm thì giá trị hối đoái cũng sẽ giảm và trên thực tế là như vậy, từ 41 nghìn lira/ 1 USD năm 1995 lên 400 nghìn lira/1 USD năm 1999.

Bảng 7-2 – Tỷ giá hối đoái theo thời gian.

Đơn vị ngoại tệ tính bằng đô-la Mỹ                                                                  
Đồng tiền 17/8/99 25/6/98 30/3/98 15/3/96 24/2/95
Ác-hen-ti-na 0.99 0.99 0.99 1.00 1.00
Ca-na-đa 1.47 1.46 1.42 1.36 1.39
Pháp 6.24 6.02 6.18 5.04 5.15
Đức 1.85 1.79 1.84 1.47 1.46
Italia 1842.49 1772 1820 1562 1626
Nhật Bản 114.05 142.3 132 105.93 97
Ma-lai-xia 3.8 3.99 3.62 2.54 2.55
Mê-hi-cô 9.31 8.95 8.51 7.52 5.68
Thái Lan 37.98 41.16 37.75 27.45 24.93
Thổ Nhĩ Kỳ 438700 263765 239695 67942 41353
Vương quốc Anh 0.62 0.59 0.59 0.65 0.62

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ giá hối đoái giống như chiếc nhiệt kế cho thấy giá cả ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng vùn vụt đốt cháy giá trị của đồng tiền. Ngược lại, Ác-hen-ti-na đã giảm lạm phát một cách hiệu quả thông qua việc sử dụng hệ thống “ban kiểm soát tiền tệ”. Hệ thống này kiểm soát lạm phát nội địa bằng cách liên kết đồng tiền yếu một cách trực tiếp nhất có thể với một đồng tiền mạnh – đồng đô-la. Vì những lý do thiết yếu nhất, Ác-hen-ti-na dựa vào tiêu chuẩn đồng đô-la và đã thành công cả trong việc giảm lạm phát lẫn ổn định tỷ giá đồng tiền.

Ma-lai-xia, Mê-hi-cô và Thái Lan đều phải trải qua sự mất giá nhanh chóng và mạnh mẽ của đồng quốc tệ trong thời gian trên, tuy không nhiều như Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đều ở mức 50%. Tuy nhiên lạm phát không phải là vấn đề tại các nước này. Ma-lai-xia, Mê-hi-cô và Thái Lan là ví dụ của những nước gặp phải khủng hoảng tiền tệ. Về cơ bản, khủng hoảng tiền tệ là một thay đổi mạnh đột ngột trong hoạt động của thị trường. Nguồn cầu của đồng tiền biến mất và cung tăng mạnh, kéo giá xuống thấp. Khủng hoảng tiền tệ là vấn đề sẽ được đề cập đến chi tiết hơn trong chương này.

Cuối cùng, Nhật Bản cho thấy giá trị của ngoại hối có thể lên xuống theo thời gian như thế nào. Đồng Yên mất giá liên tục từ 1995 đến 1998 nhưng sau đó lên giá (từ 142 yên lên 114 yên / 1 đô-la) giữa những năm 1998-1999. Thời gian dài mất giá thể hiện một phần suy thoái kinh tế Nhật Bản diễn ra vào những năm 1990. Vào cuối những năm 1990, có rất ít nhu cầu mua quỹ đầu tư vào Nhật Bản khi lãi suất rớt xuống còn ít hơn 1%. Tất nhiên, những nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao sẽ không mua yên và đầu tư vào Nhật Bản, họ muốn bán yên và đầu tư ở nơi khác, có thể là vào nền kinh tế đang bùng nổ của Mỹ chẳng hạn. Đối với Nhật Bản, tỷ giá hối đoái như một máy đo huyết áp và đồng yên rớt giá cho thấy hệ thống kinh tế không có nhịp đập khỏe cho lắm. Mỹ và Nhật Bản đã cố đẩy mạnh đồng yên vào năm 1999 thông qua sự can thiệp và mua lại đồng yên trên những thị trường quốc tế – một chính sách gây nhiều tranh cãi và sẽ được bàn đến vào phần sau của chương.

Tác động của sự biến đổi tỷ giá hối đoái

Khách du lịch thường học rất nhanh nguyên tắc trò chơi hối đoái này. Khách du lịch nào cũng quan tâm đến việc tăng tối đa sức mua và giảm thiểu chi phí, nên họ muốn ngoại tệ mà họ có tăng giá nhất. Ví dụ bạn đi Tokyo, bạn muốn đồng đô-la lên giá (còn đồng yên giảm giá) từ 100¥ lên 120¥, để bạn có thể mua được nhiều yên, như vậy giá trị của mỗi đồng đô-la bạn sở hữu cũng tăng lên. Ngược lại, một sinh viên Nhật sang Mỹ lại hy vọng đồng đô-la xuống giá, để sức mua của đồng yên đối với đồng đô-la tăng.

Như vậy, sự biến đổi tỷ giá hối đoái có một tác động tương đối đơn giản và có thể dự đoán được đối với những vị khách nước ngoài. Tuy nhiên cuộc sống phức tạp hơn đối với các quốc gia và doanh nghiệp quốc tế, vì sự biến đổi tỷ giá hối đoái có nhiều tác động khác nhau đối với họ. Để có thể nhận biết điều này và thấy được các quốc gia có thể sử dụng tỷ giá hối đoái như một lợi thế như thế nào, chúng ta hãy xem ví dụ sau.

Một ví dụ đơn giản giữa hai quốc gia Mỹ và Ma-lai-xia, với hai đồng tiền đô-la và ring-git, chúng ta sẽ tập trung vào một mặt hàng, đó là áo phông thể thao làm bằng vải bông, đại diện cho những mặt hàng được buôn bán giữa hai nước này. Giả sử giá áo phông do Mỹ sản xuất là 30 đô-la còn áo phông sản xuất tại Ma-lai-xia là 60 ring-gít (Xem bảng 7-3). (Điều tất nhiên là những nhà sản xuất áo phông sẽ tính giá hàng của họ bằng quốc tệ của mình). Như vậy áo phông của Mỹ sẽ có giá bao nhiêu tại Ma-lai-xia và giá áo phông Ma-lai-xia tại Mỹ là bao nhiêu? Câu trả lời cho những câu hỏi này phụ thuộc chủ yếu vào tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền.

Giả sử đơn giản tỷ giá hiện nay là 2 ring-gít ăn 1 đô-la hay 50 xu 1 ring-gít. Với tỷ giá này, giá áo phông sản xuất tại Ma-lai-xia và Mỹ rất cạnh tranh với nhau. Thật vậy, sau khi quy đổi, áo phông Ma-lai-xia có giá 60 ring-gít sẽ được bán với giá 30 đô-la tại Mỹ, bằng giá áo phông Mỹ[12]. Như vậy áo phông của cả hai nước sẽ có giá trị tương đương nếu như không có sự khác biệt về kiểu dáng, chất lượng để người mua có thể thích áo phông này hơn áo phông khác.

Điểm xuất phát này là một ví dụ của tỉ suất sức mua ngang nhau, khi mà đồng tiền có sức mua tương đương trong và ngoài nước. Với tỷ giá hối đoái này, những nhà sản xuất có hiệu quả bằng nhau ở các nước khác nhau sẽ có sức cạnh tranh tương đương trên thị trường quốc tế.[13] Nói một cách đơn giản, một người có 30 đô-la có thể mua một áo phông, do Mỹ hoặc Ma-lai-xia sản xuất, tại Mỹ hoặc Ma-lai-xia. Khi tỷ giá hối đoái với tỉ suất ngang nhau, tầm quan trọng của tỷ giá hối đoái không còn nữa. Việc mua bán được thực hiện dựa trên những lý do khác chứ không phải giá trị tỷ giá hối đoái.

Bảng 7-3 So sánh giá 2 áo phông thể thao

Mặt hàng Giá tại Mỹ Giá tại Ma-lai-xia
Áo phông sản xuất tại Mỹ 30 đô-la 60 ring-gít
Áo phông sản xuất tại Ma-lai-xia 30 đô-la 60 ring-gít

Tỷ giá hối đoái 1 đô-la = 2 ring-gít

Sự biến đổi tỷ giá hối đoái sẽ thay đổi sự cân bằng sức cạnh tranh giữa các quốc gia, khiến cho hàng hóa của một nước này có giá trị tốt hơn của nước khác. Giả sử, đồng đô-la lên giá so với đồng ring-gít, từ 2 ring-gít=1 đô la lên 4 ring-gít=1 đô la (điều này tương đương với việc đồng ring-gít mất giá từ 50 xu xuống 25 xu 1 ring-gít). Sự thay đổi tỷ giá này trên thực tế sẽ có ảnh hưởng lớn đến người bán và mua ở cả Ma-lai-xia và Mỹ. Bảng 7-4 cho ta thấy những ảnh hưởng này.

Trong khi giá áo phông trên thị trường nội địa sẽ không thay đổi (áo phông Mỹ vẫn có giá là 30 đô-la và áo phông Ma-lai-xia có giá là 60 ring-gít), giá của chúng ở thị trường nước ngoài sẽ thay đổi. Áo phông có giá 30 đô la tại Ma-lai-xia sẽ có giá 120 ring-gít. Vì đô-la đã đắt hơn so với ring-gít nên hàng hóa của Mỹ cũng đắt lên. Nếu như kiểu dáng và chất lượng như nhau, chúng ta có thể dự đoán người dân Ma-lai-xia sẽ chuyển từ hàng hóa Mỹ sang mua sản phẩm của Ma-lai-xia.

Tình trạng như vậy cũng xảy ra ở Mỹ. Áo phông Ma-lai-xia vẫn có giá là 60 ring-gít nhưng bây giờ mỗi ring-gít chỉ bằng 25 xu, so với 50 xu trước đây. Như vậy, áo phông Ma-lai-xia sẽ chỉ có giá là 15 đô-la tại Mỹ (60 ringgít/ 4=15 USD). Người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chuyển sang mua hàng hóa Ma-lai-xia và không mua hàng đắt tiền hơn do Mỹ sản xuất.

Việc đồng đô la lên giá và đồng ring-gít giảm giá đã thay đổi giá cả so sánh giữa hàng hóa của hai nước. Người tiêu dùng đã chuyển sang mua hàng hóa của nước có đồng tiền rẻ hơn. Việc mua hàng hóa Ma-lai-xia tăng làm cho sản xuất, việc làm và thu nhập tại Ma-lai-xia cũng tăng. Trong khi đó, cầu đối với hàng hóa Mỹ giảm, sản xuất, việc làm và thu nhập tại Mỹ cũng giảm. Như vậy sự thay đổi tỷ giá hối đoái đã phân phối lại việc làm và thu nhập giữa các nước, nếu như mọi thứ khác không thay đổi. Tác động này có thể là tương đối nhỏ đối với nước Mỹ, vì nền kinh tế nội địa Mỹ lớn so với sự tham gia của nó vào thị trường toàn cầu, nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những nước như Ma-lai-xia có thị trường xuất khẩu hàng hóa tương đối lớn.

Tỷ giá hối đoái tác động đến những chiếc áo phông được lấy làm ví dụ ở đây cũng như tác động đến tất cả những thức khác mà một nước mua và bán trên thị trường quốc tế. Thật ra tỷ giá hối đoái là một loại giá ảnh hưởng đến tất cả những loại giá khác. Sự ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến sức mạnh và sự giàu có của một quốc gia là rất quan trọng.[14]

Khi mà giá trị hối đoái của một đồng tiền thấp hơn so với giá trị sức mua cân bằng giá quốc tế, đồng tiền đang bị định giá thấp. Ví dụ khi tỷ giá Sức mua tương đương của đồng ring-gít là 50 xu/1 ring-gít nhưng trên thị trường giá trị đồng ring-gít rớt xuống 25 xu. Như chúng ta thấy, những quốc gia theo thuyết trọng thương sẽ mong muốn có một đồng tiền rẻ thông qua việc thao túng bằng một cách nào đó thị trường hối đoái. Đồng tiền rẻ sẽ chuyển dịch sản xuất quốc tế về phía có lợi cho quốc gia này. Việc có đồng tiền rẻ là điều tốt cho công nghiệp nội địa, vì nhập khẩu giảm còn xuất khẩu tăng. Tuy nhiên vẫn có mặt trái của việc đồng tiền mất giá. Những hàng hóa mà chúng ta phải nhập khẩu sẽ đắt hơn khi đồng tiền của bạn rẻ đi. Nếu như một quốc gia phải nhập khẩu những sản phẩm thiết yếu ví dụ như thực phẩm, dầu lửa, tác động này sẽ làm giảm tiêu chuẩn sống và kìm hãm phát triển kinh tế cũng như tăng lạm phát. Trong đa số trường hợp, rất khó có thể khẳng định đồng tiền rẻ là tốt hay xấu đối với một quốc gia. Việc tỷ giá hối đoái thay đổi sẽ gây ra hàng loạt những biến đổi trong quan hệ kinh tế đối ngoại, cả tích cực lẫn tiêu cực và rất khó xác định được tác động chung cuộc.

Bảng 7-4 So sánh giá sau khi giá Ring-gít giảm

Mặt hàng Giá tại Mỹ Giá tại Ma-lai-xia
Áo phông sản xuất tại Mỹ 30 đô-la 120 ring-gít
Áo phông sản xuất tại Ma-lai-xia 15 đô-la 60 ring-gít

Đôi khi những quốc gia kém phát triển cố gắng tận dụng tỷ giá hối đoái bằng cách định giá cao đồng tiền của mình để thay đổi điều kiện mua bán có lợi cho mình và tiếp cận được hàng nhập khẩu rẻ hơn. Chi phí nhập khẩu hàng hóa, bao gồm cả thực phẩm, vũ khí, hàng công nghiệp thấp một cách giả tạo vì giá trị đồng tiền quá cao. Các nước kém phát triển có thể áp dụng chiến lược này nếu như họ gặp khó khăn trong nhập khẩu công nghệ hoặc những sản phẩm thiết yếu như dầu lửa. Mặc dù hàng hóa của họ trở nên kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài, ít ra họ cũng có được những sản phẩm nhập khẩu ở mức chi phí thấp hơn.

Trên thực tế, các nước kém phát triển rất khó có thể tận dụng được việc định giá cao đồng tiền của mình vì thường thì đồng tiền của họ rất yếu và không được sử dụng trong kinh doanh và tài chính quốc tế. Tuy nhiên, không thể ngăn cản họ làm điều này và nhiều đồng tiền của các nước kém phát triển đang được định giá quá cao một cách có hệ thống với mục đích nhập khẩu vũ khí với giá thấp hơn một chút. Điều này hầu như luôn luôn ngăn chặn sản xuất nội địa, khiến cho các nước kém phát triển lệ thuộc vào những nhà xuất khẩu và cho vay nước ngoài.

Khủng hoảng trong khu vực dùng đồng Franc CFA

Tính không ổn định của tỷ giá hối đoái

Giới thiệu hệ thống tiền tệ quốc tế

Hệ thống Bretton Woods

Những bài học từ Bretton Woods

Tỷ giá hối đoái thả nổi và bộ ba không hoàn hảo (unholy trinity)

Kỷ nguyên cực đoan

Download phần còn lại của văn bản tại đây: He thong tien te quoc te.pdf

——————–

[1] Walter Bagehot: “Lombard Street: A Description of the Money Market”. Philadelphia: Orion Editions, 1991. tr.8

[2] Sđd tr.10

[3] Walter Bagehot (1826-1877) là chủ bút của tờ the Economist từ 1860 đến 1877 và là một trong những tác giả về kinh tế chính trị có tầm ảnh hưởng lớn trong thời của ông.

[4] Biểu tượng của đồng đô la Mỹ là $. Biểu tượng của đồng peso là gì? $ hay là N$, bởi vì chính phủ Mê hi cô đã xác định lại đồng peso vài năm trước đây. Hầu hết các biểu tượng của đồng tiền có lịch sử lâu dài. Một số đồng tiền của các nước châu Âu có ký hiệu £. Ký hiệu này ít nhất xuất hiện từ hệ thống thống nhất của đồng bạc thời Charlemagne. Tại sao Mê-hi-cô lại sử dụng ký hiệu $ cho đồng tiền của mình? Câu trả lời là không phải như vậy, họ dùng kí hiệu đó cho đồng đô la. Trước đồng đô la Mỹ hàng trăm năm, ký hiệu của đồng peso đã được sử dụng ở các thuộc địa miền nam như là biểu tượng chung của giá trị đồng tiền dưới thời thuộc địa và vẫn tiếp tục được dùng cho đến ngày nay.

[5] Đối với đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ giá 262.980 lira/USD năm 1998, khó tính được tỷ giá theo cách khác nếu không xem các ghi chú khoa học.

[6] Theo truyền thống của thị trường hối đoái, tỷ giá hối đoái được xem như là đồng tiền “mềm hơn” theo thuật ngữ của đồng tiền “cứng hơn”. Vì vậy truyền thống cho rằng chúng ta luôn tạo ra một tỷ giá  như là đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ (mềm) với đồng đô la Mỹ (cứng). Tuy nhiên, truyền thống này thường được phân ra thành những trường hợp cụ thể khi mối lo ngại về độ chính xác hoặc sự thuận tiện tăng lên.

[7] Xem chương 11 phần về Liên minh tiền tệ châu Âu và đồng Euro. Trong đó, Anh không phải là thành viên của Liên minh tiền tệ châu Âu.

[8] Vấn đề chính là lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát ở một nước được so với ở nước khác. Nếu lãi suất ở Mỹ giảm thì ở Anh cũng giảm theo. Khi đó, rõ ràng tỷ gía hối đoái giữa hai đồng tiền cũng sẽ thay đổi.

[9] Tỷ giá luôn thay đổi ngược khi so sánh một đồng tiền này với một đồng tiền khác. Nếu tỷ giá giảm $1.3/£ thì có nghĩa là đồng bảng bị mất giá, đồng đô tăng giá.

[10] Khi đồng Yên mất giá, người ta sẽ dùng đồng yên để mua đô la. Đồng đô la sẽ tăng.

[11] Đồng peso tăng và đồng đô la giảm.

[12] Những tính toán này đã bỏ qua giá trị gia tăng gắn với việc giao dịch nước ngoài như vận chuyển, thuế v.v…

[13] Đây là “sân chơi công bằng”mà các doanh nhân và các nhà kinh tế học thấy cần thiết trong thương mại và tài chính quốc tế. Tuy nhiên đối với những đối tượng khác “sân chơi công bằng” là rào cản thương mại không phân biệt chẳng hạn như thuế, hạn ngạch và trợ cấp.

[14] Không phải lúc nào tất cả các nước đều bị ảnh hưởng giống nhau bởi sự thay đổi của tỷ giá hối đoái. Những quốc gia “mở” như Anh cũng bị ảnh hưởng mạnh hơn những quốc gia “đóng” như Mỹ. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái phụ thuộc vào nguyên nhân, định hướng., mức độ của sự thay đổi, những hành động tương đồng của các quốc gia khác.