Từ ngữ thú vị (21-30)

oxford-english-dictionary

30. Knowns – Unknowns

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld từng có câu nói nổi tiếng như sau:

“…there are known knowns; there are things we know that we know. There are known unknowns; that is to say, there are things that we now know we don’t know. But there are also unknown unknowns – there are things we do not know we don’t know.”

Bạn có thể dịch câu nói này một cách trôi chảy, dễ hiểu không?

29. Phân biệt Preventive war (chiến tranh phòng ngừa) và Preemptive war (chiến tranh phủ đầu)

Chiến tranh phòng ngừa là nhằm loại bỏ mối đe dọa quân sự tiềm tàng từ phía đối thủ dù đối thủ không có ý định hoặc kế hoạch tấn công mình. Chiến tranh phòng ngừa do đó chủ yếu làm thay đổi cán cân lực lượng giữa hai bên.

Chiến tranh phủ đầu là nhằm đẩy lùi hoặc đánh bại một cuộc tấn công sắp sửa xảy ra của địch, hoặc nhằm giành lợi thế chiến lược trong một cuộc chiến sắp sửa xảy ra, trước khi kẻ thù tấn công mình.

Chiến tranh phòng ngừa thường được coi là bất hợp pháp hơn so với chiến tranh phủ đầu. Tuy nhiên, bên phát động tấn công thường tìm cách diễn dịch các cuộc chiến tranh phòng ngừa thành chiến tranh phủ đầu. Ví dụ tiêu biểu là chiến tranh Iraq năm 2003. Mỹ coi cuộc xâm lược Iraq là mang tính phủ đầu, nhưng nhiều người coi lập luận này không thỏa đáng vì khó có thể chứng minh Iraq lúc đó đã gây nên các mối đe dọa hiển hiện hoặc có ý định tấn công nước Mỹ.

28. Capital punishment & capital goods

Đây là hai cụm từ liên quan đến từ “capital” mà một số Cộng tác viên (CTV) đã dịch sai:

– Capital punishment: Án tử hình. Có CTV dịch là “trừng phạt tài chính”
– Capital goods: Tư liệu sản xuất (Máy móc thiết bị, hay hàng hóa đầu vào dùng cho sản xuất). Có CTV dịch là “sản phẩm tư bản”.

27. Phân biệt authoritarianism (chủ nghĩa chuyên chế) và totalitarianism (chủ nghĩa toàn trị)

Một số bạn CTV có xu hướng dịch hai từ này lẫn lỗn nhau, hoặc cho rằng chúng có nghĩa như nhau. Tuy nhiên hai khái niệm này có sự khác biệt về ý nghĩa nhất định. Theo đó, “authoritarianism” chỉ các chế độ chính trị đòi hỏi sự phục tùng cao độ của dân chúng đối với chính quyền, hạn chế các quyền tự do chính trị, tự do dân sự, và thường được đặc trưng bởi sự cầm quyền kéo dài của một chính đảng nào đó (thường là chế độ độc đảng).
Trong khi đó “Totalitarianism” cũng có những tính chất tương tự như vậy nhưng mức độ kiểm soát của chính quyền đối với cuộc sống người dân lớn hơn, tới mức có thể nói là mọi mặt cuộc sống của họ bị kiểm soát, quyền tự do chính trị, dân sự cực kỳ hạn chế.

Ở khu vực hiện nay, những chính thể như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia… có thể gọi là “authoritarian”, còn “totalitarian” sẽ phù hợp hơn để miêu tả chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay.

26. Good offices: Làm trung gian hòa giải (trong các cuộc xung đột)

Ví dụ: Such a charter would empower ASEAN’s secretary general to provide good offices.
(Một bản hiến chương như vậy sẽ trao quyền cho Tổng thứ ký ASEAN để thực hiện vai trò trung gian hòa giải)

25. So sánh “rule of law” và “rule by law”

“Rule of law” (nền pháp quyền) chỉ sự thượng tôn pháp luật, trong đó mọi hoạt động trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng. Trong khi đó “rule by law” (nền pháp trị) nghĩa là cai trị bằng pháp luật, dùng pháp luật để quản lý xã hội (ví dụ thay vì dùng tôn giáo), chủ yếu hàm ý phục vụ lợi ích của tầng lớp cai trị.

Trong khi “rule by law” phổ biến ở mọi chế độ chính trị, thì “rule of law” không hẳn như vậy, vì luật pháp dù được áp dụng để quản lý xã hội nhưng vẫn có thể bị bẻ cong hoặc áp dụng một cách có chọn lọc, tùy tiện, phục vụ lợi ích của chính quyền. Nói cách khác, “rule by law” không đồng nghĩa với, hay tự động dẫn tới “rule of law”.

24. “Democrazy”, “freedamn”, “fewman rights”, “harmoney” 

Đây là những từ mà người dân Trung Quốc đã chế ra như một cách mỉa mai nền chính trị nước này. Theo đó democrazy (dân chủ điên rồ) là một cách nói chế nhạo nền dân chủ của Trung Quốc; “freedamn” (tự do chết tiệt) là một cách mỉa mai về quyền tự do của người dân nước này, “fewman rights” (quyền của một số người) là cách họ nói mỉa về tình trạng nhân quyền, trong khi “harmoney” (hài hòa nhờ tiền) là cách họ chế nhạo lý tưởng xây dựng một xã hội hài hòa của nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào!

23. Phân biệt từ “sign” và “conclude”

Nhiều bạn CTV thường không phân biệt giữa hai từ “sign” và “conclude”, và thường dịch theo nghĩa như nhau là “ký kết”. Tuy nhiên, hai từ này có ý nghĩa và cách dùng hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là khi nói tới các điều ước quốc tế đa phương.

Từ “sign” đơn thuần chỉ hành động ký vào văn bản đã được thỏa thuận của một điều ước, trong khi từ “conclude” nghĩa là bên ký đã hoàn thành toàn bộ quy trình pháp lý trong nước để cho điều ước đó có hiệu lực với mình (bao gồm việc ký, phê duyệt, hoặc phê chuẩn, hoặc các quy trình khác theo quy định pháp luật mỗi nước).

Vì vậy, “sign” cần phải dịch là “ký” chứ không phải “ký kết”, và một điều ước mới được ký thôi thông thường chưa tạo ra nghĩa vụ pháp lý ràng buộc đối với nước ký (signatory), trong khi “conclude” cần dịch là “ký kết”, nghĩa là khi đó điều ước đã trở nên ràng buộc với nước ký thông qua các quy trình pháp lý trong nước như đã kể trên. Khi đó, nước ký (signatory) trở thành bên tham gia, hay thành viên (party) của điều ước.

22. Dim sum bonds

Đây là từ chỉ các trái phiếu phát hành ở các nước ngoài Trung Quốc nhưng được định danh bằng đồng Nhân dân tệ chứ không phải đồng bản tệ. Trái phiếu dạng này được phát hành lần đầu ở Hong Kong năm 2007 nhưng nay đã được mở rộng ra các thị trường tài chính khác, và các nhà phát hành trái phiếu giờ đây không chỉ bao gồm các ngân hàng mà còn có cả các công ty đa quốc gia.

Trái phiếu dim sum thể hiện vai trò gia tăng của đồng NDT, và là một biện pháp được Trung Quốc khuyến khích nhằm quốc tế hóa đồng tiền này.

Từ dim sum bắt nguồn từ tên một món ăn phổ biến ở Hong Kong, nơi đầu tiên phát hành trái phiếu dạng này.

21. Pyrrhic victory 

Đây là cụm từ chỉ một “chiến thắng cay đắng”, trong đó tổn thất của bên thắng cuộc không khác gì so với bên thua cuộc.
Từ Pyrrhic bắt nguồn từ tên riêng của Pyrrhus (319-272 TCN), vua của xứ Epirus, một thành bang nằm ở rìa của Hy Lạp cổ đại. Năm 279 TCN Pyrrhus đánh bại người La Mã ở Asculum nhưng phải chịu tổn thất vô cùng nặng nề.

VD: Some Soviet military officers have asserted that victory is possible in nuclear war, but even they have acknowledged that such a victory would be Pyrrhic.
(Vài sĩ quan quân đội Xô Viết khẳng định rằng chiến thắng là điều có thể xảy ra trong chiến tranh hạt nhân, nhưng ngay cả họ thâm chí cũng thừa nhận rằng một chiến thắng như vậy sẽ cay đắng chẳng khác nào thất bại.)