Nguồn: Daniel Deudney & G. John Ikenberry (2009). “The Unravelling of the Cold War Settlement”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 51, No. 6, pp. 39-62.>>PDF
Biên dịch: Đặng Mạnh Tuân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Hai mươi năm trước, khi Chiến tranh Lạnh sắp sửa kết thúc, các lãnh đạo của Mỹ và Nga đã cùng nhau nhìn thấy trước được một trật tự thế giới mới đang nổi lên. Họ cũng đã dự thảo một dàn xếp với các nguyên tắc và thỏa thuận nhằm thiết lập một nền hòa bình giữa các cường quốc cũng như mở rộng trật tự tự do quốc tế. Không giống với bất kì dàn xếp nào trước đó, trọng tâm của dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh về kiểm soát vũ khí không phải dựa trên điểm mạnh của bên chiến thắng hay điểm yếu của bên bại trận mà dựa trên mối đe dọa chung mà cả hai phe đều phải đối mặt từ một loại vũ khí mới. Xuất hiện sau năm thập kỉ đối kháng và cạnh tranh mãnh liệt, sự tái thiết ngoại giao này giữa Nga và phương Tây dường như đã đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong chính trị thế giới. Ngày nay, lời hứa mà các thỏa thuận này từng mang lại bây giờ dường như thật xa vời. Trong thập kỉ vừa qua, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã dần trở nên gay gắt và xung khắc. Mối quan hệ của cả hai phía bây giờ được đánh dấu bằng một cảm giác bất bình, thất vọng và các kì vọng tan vỡ. Nhiều người mong đợi một tương lai không phải dựa trên mối quan hệ hợp tác đối tác mà thay vào đó là một cuộc xung đột địa lý chính trị và cạnh tranh mới, về cơ bản là một sự trở lại với thế kỷ 19.1
Chính quyền mới của tổng thống Barack Obama coi việc phục hồi lại mối quan hệ với Nga là mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại, và đang nỗ lực một cách đầy tham vọng nhằm tái thiết mối quan hệ và đặt nó lên trên một nền tảng tích cực hơn. Những nỗ lực này bắt đầu với các cuộc đối thoại trong chuyến thăm Moscow của Obama vào tháng 7/2009 và đã tạo ra một sự thay đổi chính sách đối ngoại quan trọng với quyết định thay thế việc triển khai các căn cứ đánh chặn tên lửa đạn đạo và hệ thống radar ở Đông Âu bằng một hệ thống trên biển và trên đất liền linh hoạt hơn. Chính sách mới này ngay lập tức gây nên một làn sóng lên án rằng Hoa Kỳ đang xoa dịu Nga và hy sinh lợi ích quốc gia lẫn lợi ích của các đồng minh dân chủ ở Đông Âu và khu vực Liên Xô cũ.2 Trong thực tế, chính sách của Obama là một động thái hướng đến việc khôi phục một số phương pháp tiếp cận chính sách đối ngoại thành công nhất của Mỹ, các chính sách đã đạt đến một đỉnh cao vào cuối thời kì Chiến tranh Lạnh dưới thời chính quyền Reagan và George H.W. Bush sau này.
Tiền đề của các chính sách mới của Obama là lợi ích bị tác động trong mối quan hệ với Nga là rất lớn – thậm chí còn lớn hơn nhiều những gì được đánh giá. Những người ủng hộ chính sách này nhận ra rằng việc đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích của Mỹ trong nhiều lĩnh vực – vũ khí hạt nhân và chống phổ biến hạt nhân, khủng bố, nguồn cung năng lượng và biến đổi khí hậu, và sự thay đổi hòa bình trong khu vực không gian Xô-viết cũ – tất cả đòi hỏi một mối quan hệ hợp tác với Nga.3 Một sự suy thoái thêm trong các mối quan hệ sẽ không chỉ làm suy yếu đi các mục tiêu này, mà còn dẫn đến một viễn cảnh không mấy hấp dẫn về sự trở lại của một cuộc cạnh tranh toàn diện vốn từng chấm dứt với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Nga không đủ mạnh để thống trị hệ thống quốc tế hay thậm chí là một đối thủ cạnh tranh xứng tầm, nhưng Nga lại có khả năng đóng vai trò là một kẻ phá hoại. Việc tái khởi động một cuộc đua vũ khí hạt nhân và một mối quan hệ cạnh tranh toàn diện với Nga sẽ là trở ngại chính cho lợi ích an ninh cơ bản của Mỹ. Các lợi ích bị đe dọa trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga không lớn như trong Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn quan trọng bởi rủi ro chung của hai quốc gia trước sự tàn phá của vũ khí hạt nhân.
Quá khứ – cả xa xưa và gần đây – đã phủ một bóng đen lê thê lên những nỗ lực hiện tại để tái thiết mối quan hệ. Tính cách và cư xử của Nga với thế giới nằm dưới một gánh nặng, tạo nên qua hàng thế kỉ, của các chính sách đối nội chống dân chủ và chống tự do và một mối quan hệ đối kháng thường trực một cách quyết liệt với hệ thống quốc tế. Quá khứ và tình hình hiện tại của Nga khiến người Mỹ dễ dàng kết luận rằng Nga và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có một mối quan hệ thù địch. Tuy nhiên, phản ứng dễ hiểu này lại chưa thừa nhận vai trò chủ chốt của dàn xếp hậu Chiến tranh Lạnh và các kỳ vọng của Nga xuất phát từ dàn xếp này trong vai trò là một phần nguyên nhân độc lập và có thể sửa chửa được cho sự thù địch của Nga đối với phương Tây. Một thực tế căn bản về mối quan hệ hiện tại là nhiều người Nga, với một lý do chính đáng, nghĩ rằng Hoa Kỳ về cơ bản đã không giữ lời hứa về các vấn đề chủ chốt trong dàn xếp với nước Nga hậu Xô-viết. Kết quả là, hầu hết những gì đánh dấu định hướng của Nga với thế giới, và Hoa Kỳ nói riêng, là một tràng dày đặc các bất mãn nguy hiểm. Mấu chốt cho một chính sách tái thiết quan hệ thành công là việc để Hoa Kỳ giải quyết các bất mãn này vốn chỉ có thể hiểu được nếu nhìn nhận qua khuôn khổ dàn xếp hậu Chiến tranh Lạnh.
Lý do cơ bản cho sự chống đối của Nga với Mỹ là do nhận thức phổ biến của Nga cho rằng Washington đã xâm phạm các lợi ích quốc gia và an ninh có từ lâu đời và hợp pháp của Nga, điều đã được thỏa thuận trong dàn xếp. Ba vấn đề nổi cộm trong dòng quan điểm này: hai thập kỷ mở rộng của NATO xâm lấn vào khối Hiệp ước Warsaw cũ và các khu vực hậu Xô-viết, và viễn cảnh mà Gruzia và Ukraine cũng có thể gia nhập; sự chấm dứt Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM) và việc chính quyền George W. Bush lên kế hoạch cho việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu; và những nỗ lực của Mỹ để sắp xếp các tuyến đường ống dẫn dầu từ lòng chảo lòng chảo biển Caspi để đi vòng qua Nga. Những động thái này của Mỹ nhấn mạnh và làm trầm trọng thêm tình trạng bất mãn sâu sắc ở Nga, xuất phát từ việc nước này đánh mất địa vị và tầm ảnh hưởng bị giảm sút. Trong khi đó, những vấn đề về phía Nga, đặc biệt là khuynh hướng chủ nghĩa chuyên chế mới của Thủ tướng Nga Vladimir Putin (thời điểm này Putin vẫn đang trong nhiệm kỳ thủ tướng – NHĐ), đã làm suy yếu sự kiêng nể Moscow của Mỹ và giúp biện minh cho hành động rút lại các nguyên tắc trong dàn xếp hậu Chiến tranh Lạnh. Không phải các khác biệt trong chính sách hiện tại mà chính cái bóng từ quá khứ đã gây cản trở nhiều nhất cho mối quan hệ Mỹ – Nga.
Tái thiết mối quan hệ một cách thành công không chỉ yêu cầu việc nhìn về phía trước và xây dựng dựa trên lợi ích quốc gia chung, giống những gì chính quyền Obama đang nỗ lực thực hiện, mà cũng cần phải nhìn lại và giải quyết các hậu quả tai hại bắt nguồn từ sự đổ vỡ của dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh. Dàn xếp này có rất nhiều yếu tố nhưng một đặc điểm lớn, nếu không muốn nói là trung tâm, là sự kết hợp giữa việc kiềm chế các cường quốc và việc xây dựng trật tự tự do. Các nguyên tắc về hòa giải, kiềm chế và hội nhập tạo nên dàn xếp đến lượt chúng là các biểu hiện của một chương trình nghị sự lớn hơn và lâu đời hơn của việc kiến tạo hòa bình giữa các cường quốc và việc xây dựng trật tự tự do của Mỹ và phương Tây. Do vậy, điểm mấu chốt để tái thiết lập quan hệ là trở lại và làm mới cấu trúc và nguyên tắc của dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh.
Giải quyết Chiến tranh Lạnh
Khi nghĩ về bóng đen quá khứ gần đây phủ lên quan hệ Mỹ-Nga, cần phải đặt dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh vào một quan điểm lịch sử và lý thuyết phù hợp. Chiến tranh Lạnh không những kết thúc, nó còn được giải quyết. Như vậy, nó mở ra sự so sánh với các cuộc xung đột khác vốn cũng tạo nên các vụ dàn xếp quan trọng trong lịch sử thế giới. Xuyên suốt lịch sử của hệ thống nhà nước hiện đại, các vụ dàn xếp xuất hiện sau các cuộc xung đột lớn đã trở thành những cột mốc xác lập trật tự mà ở đó các thể chế và luật lệ của trật tự quốc tế được đặt trên bàn đàm phán và thay đổi. Thành phần cơ bản của các dàn xếp là các hội nghị hòa bình, các điều ước quốc tế bao quát và các thỏa thuận sau chiến tranh về các nguyên tắc của trật tự.
Tại những thời điểm bước ngoặt hiếm hoi này, các cường quốc buộc phải vật lộn và đi đến thống nhất về các nguyên tắc và thỏa thuận chung của trật tự quốc tế. Những thời khắc xác lập trật tự này không chỉ quyết định kết quả chiến tranh mà còn đặt ra các hiểu biết, các luật lệ và kỳ vọng chung, và các quy trình giải quyết mâu thuẫn. Các dàn xếp vì vậy đã thực hiện một chức năng gần giống như hiến pháp. Trong thực tế, chúng đã cung cấp khuôn khổ cơ bản mà trong đó các mối quan hệ quốc tế sau đó đã diễn ra.4 Lô-gíc và hệ quả của chúng không giống như những chính sách đối ngoại ‘bình thường’ và các đại chiến lược vốn có xu hướng bị áp đảo bởi những cân nhắc mang tính ngắn hạn, tiệm tiến và theo thói quen thông thường. Nhưng có một xu hướng là các bên vốn theo đuổi đều đặn các lợi ích quốc gia lại xem các khuôn khổ này là mặc nhiên, và các chính khách thường không triển khai các bước đi để bảo vệ và duy trì chúng.
Mặc dù các dàn xếp khác nhau về các đặc điểm và mức độ thành công, vài thế kỷ qua đã có một sự tiến triển của một số dàn xếp tương đối thành công. Những dàn xếp này là một đặc điểm chính của trật tự quốc tế và trật tự tự do của Mỹ, và đã xuất hiện trong hai giai đoạn chồng lấn nhau. Trong giai đoạn đầu, diễn ra dưới hệ các siêu cường Châu Âu, những dàn xếp thành công dần dần được hiểu như là sự phản ánh các nguyên tắc về kiềm chế gắn liền với ‘xã hội của các nhà nước’. Lối suy nghĩ này tiếp tục là một thành phần chính của các thói quen chủ nghĩa hiện thực ôn hòa để duy trì trật tự và hòa bình quốc tế. Giai đoạn thứ hai dựa vào cảm hứng của người Mỹ, tràn vào Châu Âu vào năm 1919 với chương trình nghị sự tự do táo bạo của Woodrow Wilson được nêu ra tại hội nghị Versailles. Mặc dù không thật sự là điểm trọng tâm trong thỏa thuận hòa bình của Thế chiến thứ nhất, chương trình nghị sự này của Mỹ đã được chọn và được xây dựng với quy mô lớn hơn rất nhiều như là nền tảng cho dàn xếp giữa các quốc gia phương Tây sau Thế chiến thứ hai.
Trong khuôn khổ lịch sử của hệ thống nhà nước hiện đại, các nhà lịch sử ngoại giao thường xác định các dàn xếp Westphalia, Utrecht, Vienna, Versailles và Potsdam/ Yalta như là các cột mốc hiến pháp quốc tế chính. Đặc biệt mẫu mực cho giai đoạn đầu thực hiện các dàn xếp và cho hình mẫu thành công của chủ nghĩa hiện thực là dàn xếp Vienna sau Cách mạng Pháp và các cuộc Chiến tranh Napoleon. Các nhà lịch sử ngoại giao đã coi dàn xếp Vienna là một thành công đặc biệt vì nó dựa trên sự kiềm chế giữa các cường quốc. Nó dung nạp nước Pháp bại trận, thừa nhận các lợi ích quốc gia và an ninh hợp pháp của Pháp, và đưa ra một tiến trình ngoại giao cho việc giải quyết các vấn đề cấp bách dựa trên những hiểu biết và nguyên tắc chung. Kết quả là Khối Hòa hợp quyền lực Châu Âu được nhìn nhận rộng rãi như là một hình mẫu của một trật tự quốc tế hòa bình và ổn định.5
Ngược lại, dàn xếp Versailles là một sự kết hợp mâu thuẫn giữa các biện pháp trừng phạt và tiến bộ. Trừng phạt ở chỗ nó thể hiện nhu cầu phục thù của Anh và Pháp; áp đặt các khoản bồi thường chiến tranh nặng nề, giải trừ vũ khí bất cân xứng và việc chiếm đóng một phần lãnh thổ của Đức; và bỏ qua lợi ích an ninh- quốc gia chính đáng của Đức. Các nhà lịch sử ngoại giao và chủ nghĩa hiện thực chỉ ra các biện pháp trừng phạt này là nguyên do chính cho thất bại sau cùng của dàn xếp. Cùng lúc đó, dàn xếp Versailles đã hình thành Hội Quốc Liên vốn được những người ủng hộ sự tiến bộ hy vọng sẽ mở ra một hệ thống quan hệ giữa các quốc gia hoàn toàn mới dựa trên các nguyên tắc tự do tiên tiến.
Dàn xếp Thế chiến thứ hai phức tạp hơn nhiều so với dàn xếp của các cuộc xung đột trước. Không có một cuộc đàm phán nào với bên bại trận, Đức và Nhật, và các cuộc đàm phán diễn ra ở Potsdam và Yalta là giữa các bên thắng trận, những nước cơ bản đã phân chia Châu Âu với nhau. Trong khi đó, Mỹ đã tiến hành một cuộc tái thiết toàn diện Đức và Nhật trở thành các nước dân chủ tự do, dựa trên hiến pháp, và đấu tranh cho sự hội nhập của các nước này vào trật tự quốc tế tự do thời hậu chiến do Mỹ dẫn đầu. Dàn xếp này của Mỹ khác với dàn xếp Vienna, vốn tôn trọng tính toàn vẹn nội bộ của bên bại trận, nhưng lại giống với mặt tiến bộ trong thỏa thuận Versailles bởi nó tìm cách đưa các quốc gia bại trận vào một hệ thống an ninh tập thể. Các thành tựu này có xu hướng bị lu mờ bởi cuộc đối kháng Chiến tranh Lạnh theo sau đó giữa các bên chiến thắng nòng cốt trong chiến tranh, nhưng chúng lại đánh dấu các bước tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng trật tự tự do.
Lô-gíc của dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh có thể được hiểu rõ hơn khi so sánh với các dàn xếp trước đó.6 Như các cuộc xung đột trước, Chiến tranh Lạnh đi đến kết thúc với một dàn xếp đàm phán tham vọng mà những người lập ra nó đã lạc quan kỳ vọng sẽ là khuôn khổ cho một trật tự quốc tế mới. Dàn xếp này không đến từ sau bất kỳ một sự kiện nào mà được mở ra sau một chuỗi các sự kiện và thỏa thuận: Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, sự rút lui qua đàm phán của quân đội Xô-viết và sự thống nhất nước Đức, việc giải trừ chung các vũ khí truyền thống và hạt nhân, và sự sụp đổ không ngờ đến của Liên Xô.7 Tất cả các việc này diễn ra một cách bất ngờ, hòa bình và nhanh chóng. Và các bước phát triển này được đánh dấu bằng một quá trình đàm phán liên tục. Các bước phát triển có khả năng bùng nổ (thành xung đột) được quản lý khéo léo bởi biện pháp ngoại giao tích cực và các hiểu biết và thỏa thuận thông qua đàm phán.8
Ở một cấp độ lớn hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trước đó, dàn xếp kết thúc Chiến tranh Lạnh có trọng tâm xoay quanh một vài các điều ước kiểm soát vũ khí chính. Sự phát triển mang tính cạnh tranh của vũ khí hạt nhân là vũ đài chính cho sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô và đã hoàn toàn làm lu mờ các khác biệt và các vấn đề khác. Điểm khiến cuộc cạnh tranh của Mỹ và Liên Xô không giống với bất kỳ cuộc xung đột nào trước đó giữa các cường quốc là việc các siêu cường này có khả năng xóa sổ không những đối thủ mà có lẽ là toàn bộ nền văn minh nhân loại trong tích tắc. Làm sao để kiểm soát mối đe dọa này chính là câu hỏi chiến lược trọng tâm của thời đại, và theo thời gian, trong một quá trình dài thích nghi và khởi động, nó đã trở thành nền tảng cho việc đạt được dàn xếp một cách hòa bình. Bước ngoặc chủ chốt đến vào những năm 1980 với một sự chia sẻ quan điểm không ngờ tới giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, nhìn nhận vấn đề hạt nhân đã vuợt xa sự răn đe truyền thống và sự khôn ngoan trong chiến lược chiến tranh của các cơ quan an ninh của cả Mỹ và Liên Xô. Một điểm quan trọng, bây giờ thường bị lãng quên, đó là mối đe dọa chung, không phải là sức mạnh lấn át của Mỹ, là nền tảng cho sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.
Do mối đe dọa chung này, trọng tâm ngoại giao của dàn xếp bao gồm một vài điều ước kiếm soát vũ khí. Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF) cấm hoàn toàn mọi lớp vũ khí đặt tại khu vực Châu Âu, và Hiệp ước START I bắt buộc cắt giảm mạnh các kho vũ khí hạt nhân chiến lược tầm xa của Mỹ và Liên Xô. Các hiệp ước này được xây dựng dựa trên những di sản từ thời kỳ hòa hoãn trước đó, đặc biệt là Hiệp ước ABM vào năm 1970. Sự hạn chế nghiêm ngặt của hiệp ước này đối với việc triển khai vũ khí phòng vệ được nhận thức một cách rộng rãi là các điều kiện tiên quyết cho việc cắt giảm các vũ khí tấn công sau này. Tầm nhìn tích cực về dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh là việc kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục, với nhiều loại biện pháp kiểm soát vũ khí hơn và việc mở rộng các thể chế an ninh.
Tất nhiên, các dàn xếp trước đó cũng chứa đựng các quy định kiểm soát vũ khí, nhưng các dàn xếp này thường có đặc tính bất đối xứng cao. Kiểu mẫu phổ biến là các quy định về kiểm soát vũ khí sẽ chủ yếu nhằm xác nhận vị trí tối thượng đạt được bởi bên chiến thắng khi chiến tranh kết thúc. Điểm hoàn toàn mới về dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh là các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí mang tính cân xứng một cách triệt để và rõ ràng. Điều này không chỉ phản ánh tính bình đẳng tương đối trong các lực lượng hạt nhân được triển khai của hai bên mà còn là sự bình đẳng căn bản trước các mối đe dọa vốn đã thúc đẩy sự chuyển biến trong các mối quan hệ.
Chiến tranh Lạnh cũng không giống các cuộc xung đột kết thúc bằng các dàn xếp trước đó ở chỗ thật may mắn nó là một cuộc chiến tranh lạnh chứ không phải là một cuộc chiến tranh nóng. Liên Xô không xem mình là kẻ bại trận và chắc chắn là không bị tàn phá hay chiếm đóng, vì vậy tạo ra những dạng cơ hội rất khác cho việc tái thiết. Dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh là một sản phẩm lai, một sự kết hợp giữa việc hòa giải của các cường quốc giống dàn xếp Vienna và việc xây dựng thể chế quốc tế tự do giống dàn xếp Versailles. Các lợi ích của Nga sẽ được tôn trọng và chia sẻ, và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau của cường quốc này một cấu trúc mới cho các thể chế và hợp tác quốc tế có thể được xây dựng. Không giống dàn xếp Versailles, không có yếu tố trừng phạt, và nước Nga hậu Xô-viết (không như Cộng hòa Weimar của Đức) sẽ không hứng chịu việc trả thù hay cô lập ngoại giao. Và không giống Hội Quốc Liên, vốn loại trừ Đức, Liên Hợp Quốc sau Chiến tranh Lạnh tiếp tục có một vai trò quan trọng dành cho nước Nga mới. Các nhà cải cách của Nga hi vọng rằng Liên Hợp Quốc sau Chiến tranh Lạnh sẽ được phục hồi và mở rộng khi bây giờ nó đã hoàn toàn thoát khỏi tình trạng tê liệt gây ra bởi cuộc xung đột Đông-Tây.9
Trật tự tự do phương Tây và dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh
Ở nước Mỹ, sự lấn át của trường phái ‘chiến thắng của Reagan’ trong tư tưởng Chiến tranh Lạnh đã che khuất tầm quan trọng của việc tự kiềm chế giữa các cường quốc trong việc đưa chiến tranh đến hồi kết. Theo quan điểm này, việc áp đặt sức mạnh và các tư tưởng của Mỹ, được xúc tác bởi sự quyết đoán trong tư tưởng của Reagan và việc xây dựng quân đội, và xảy ra sau nhiều thập kỷ của chính sách ngăn chặn và yếu kém về mặt kinh tế dưới thời chủ nghĩa cộng sản, đã đẩy Liên Xô đến quyết định nhượng bộ.10 Nhưng quan điểm này quá đơn giản bởi nó nêu lên rằng sự quyết đoán chứ không phải sự tự kiềm chế của Mỹ là điểm quyết định. Nó bỏ qua vai trò của việc hòa giải, can dự và kiềm chế của phương Tây trong việc khiến cho tái định hướng chính sách ngoại giao trở nên hấp dẫn đối với Liên Xô. Moscow không chỉ được kiểm soát bởi mục đích và sức mạnh của Mỹ, mà còn hành động trong bối cảnh một hệ thống phương Tây nói chung đã làm cho sức mạnh của Mỹ bị hạn chế hơn và ít đe dọa hơn. Hệ thống này và phương pháp ngoại giao chủ động thể hiện trong các nguyên tắc của nó làm cho việc kiềm chế và tái định hướng của Liên Xô trở nên khả thi.
Các nhà cải cách Nga nhận ra rằng họ sống trong một bối cảnh quốc tế rất khác, với ít mối đe dọa hơn và nhiều tiềm năng thỏa hiệp hơn. Qua nhiều thế kỷ, đế chế Nga và Liên Xô đã đối mặt với một môi trường an ninh đe dọa từ phương Tây, mà đỉnh điểm là cuộc tấn công dữ dội của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Việc thái độ của Moscow đối với thế giới là sự mất lòng tin, hoang tưởng và cảnh giác vũ trang thái quá là điều dễ hiểu. Trong các kỷ nguyên trước, Nga và sau đó là Liên Xô đã đối mặt với môt hệ thống quốc tế hiếu chiến, các đế chế chống tự do, một thế giới của các quốc gia và các khối với mức độ tương tác và phụ thuộc lẫn nhau thấp. Trái ngược với trải nghiệm lịch sử của Nga, hệ thống phương Tây tương đối ôn hòa phổ biến vào nửa sau thế kỷ 20 hẳn là một điều mới mẻ. Sự trỗi dậy của Mỹ và việc tái thiết Tây Âu thời hậu chiến trở thành các chế độ dân chủ tự do đã đánh dấu một sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt trong môi trường an ninh Liên Xô.
Thực tế mới này đã làm cho việc tái định hướng của Liên Xô khả thi.11 Trong chuỗi sự kiện đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, sự kiện then chốt là quyết định rút lui của Liên Xô khỏi các tuyến phòng thủ mở rộng ở Trung và Đông Âu. Quyết định này dựa trên nhận định của lãnh đạo Liên Xô rằng phương Tây sẽ không tận dụng điểm yếu của nước này để xâm phạm vào các khu vực phòng vệ và phạm vi ảnh hưởng trong lịch sử của Liên Xô và đe dọa các lợi ích an ninh cốt lõi của nó. Nói cách khác, Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây của nó đã thành công trong việc ra tín hiệu kiềm chế đối với lãnh đạo Liên Xô. Việc rút lui của Liên Xô sẽ không bị lợi dụng và lợi ích cơ bản của nó sẽ không bị đe dọa. Nhìn trong bối cảnh lịch sử rộng hơn, việc rút lui tự nguyện của Moscow khỏi Đức và Đông Âu có rất ít tiền lệ. Đức từng là một đối thủ nguy hiểm đối với Liên Xô, và các quốc gia vệ tinh ở Đông Âu là thành quả khó khăn lắm mới có được từ những sự hy sinh vĩ đại trong Thế chiến thứ hai. Khi thực hiện sự rút lui chưa hề có tiền lệ trong lịch sử này, Liên Xô đã ra tín hiệu tự tin rằng các đồng minh của NATO sẽ không tận dụng vị thế mới bị phơi bày này của Liên Xô.
Môi trường an ninh mới này không chỉ ít đe dọa hơn mà còn mang đến những cơ hội tích cực. Liên Xô có thể làm nhiều hơn ngoài việc rút lui khỏi tư thế đối địch toàn cầu của nó. Nó có thể trở thành, như Gorbachev thường nêu rõ, một thủ lĩnh trong việc hợp tác xây dựng thể chế và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Các nhà cải cách ở Moscow tin rằng một Liên Xô tái định hướng có thể cách tân, phát triển và hòa nhập chỉ khi Chiến tranh Lạnh có thể được kết thúc. Hệ thống quốc tế không chỉ trở nên ôn hòa hơn, nó còn thay đổi theo những hướng quan trọng khác. Với sự xuất hiện của hệ thống phương Tây do Mỹ dẫn đầu kể từ Thế chiến thứ hai, hệ thống quốc tế đã trở nên dày đặc với các tổ chức quốc tế, các mối quan hệ giao thương và các mạng lưới xuyên quốc gia. Trong tất cả sự phức tạp của nó, hệ thống định hướng phương Tây hiện đại khuyến khích Liên Xô gia nhập và gặt hái các lợi ích từ việc hội nhập và tương tác. Sự bất hòa không chỉ trở nên tốn kém và không cần thiết, mà việc hòa giải còn mang đến những cơ hội trở thành thành viên và thậm chí có thể đóng vai trò lãnh đạo.
Đương nhiên, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và dàn xếp của nó không chỉ đơn giản là một vấn đề về quan hệ quốc tế, mà còn được định hình mạnh mẽ bởi các kỳ vọng và chương trình nghị sự phục vụ sự chuyến đổi trong nước của Liên Xô và sau đó là Nga. Các chương trình nghị sự cải cách trong nước yêu cầu chấm dứt đối kháng quốc tế và vì vậy liên quan mật thiết đến sự sẵn sàng giảm đối kháng của Liên Xô. Hơn nữa, hệ thống các quốc gia phương Tây không chỉ tạo ra một bối cảnh quốc tế thích hợp cho sự thay đổi quốc nội lớn, nó còn cung cấp một chuỗi các hình mẫu mà các nhà cải cách hi vọng và mong muốn đạt được. Ban đầu, Gorbachev và các nhà cải cách Liên Xô thân cận của ông ta cho rằng dự án xã hội chủ nghĩa đã bị hướng sai đường nghiêm trọng trong suốt các thập kỷ từ Stalin đến Brezhnew. Họ coi chủ nghĩa xã hội như là sự hiện thực hóa chứ không phải là sự vi phạm dân chủ và nhân quyền. Chương trình perestroika (cải tổ) và glasnost (công khai hóa) của họ không phải là sự rủ bỏ chủ nghĩa xã hội mà nhằm mục đích cải cách và trở về với các nguyên tắc ban đầu bị đánh mất. Họ lạc quan dự đoán rằng chế độ xã hội chủ nghĩa được hồi sinh và làm mới của họ sẽ kết hợp các yếu tố dân chủ và tiến đến tương tự như các nền dân chủ xã hội tiên tiến của Bắc Âu. Kế hoạch này có vẻ hợp lý bởi nó có liên quan tới kỳ vọng rằng các xã hội công nghiệp hiện đại cuối cùng sẽ hội tụ tương tự nhau.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự thăng tiến của Boris Yeltsin trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Nga, mục tiêu của các nhà cải cách đã chuyển sang một hình mẫu khác cơ bản của phương Tây. Dân chủ xã hội phương Tây không còn là mục tiêu nữa mà là một nhà nước lập hiến dân chủ tư bản. Làn sóng thứ hai của các nhà cải cách cũng nắm giữ một tầm nhìn về sự hội tụ, nhưng giờ đây hình mẫu ưa thích gần với mô hình tân tự do Anh – Mỹ hơn nhiều so với nhà nước phúc lợi dân chủ – xã hội.
Mặc cho khác biệt sâu sắc giữa chúng, hai tầm nhìn về cải cách trong nước này có hai điểm chung. Thứ nhất, chúng đều là các hình mẫu phương Tây cơ bản. Thứ hai, những người ủng hộ của mỗi hình mẫu mong muốn rằng việc tái cơ cấu hệ thống Liên Xô theo hình mẫu ưa thích của họ có thể đạt được một cách nhanh chóng. Các lãnh đạo và nhà quan sát ở phương Tây cũng kỳ vọng nhiều vào việc các chương trình nghị sự cải cách quốc nội này có thể được thực hiện, và các kỳ vọng đó đóng vai trò chủ chốt trong suy nghĩ của phương Tây về trật tự quốc tế mới cũng như vai trò của Nga ở trong đó. Vì vậy, sự kết thúc Chiến tranh Lạnh và dàn xếp của nó sẽ không chỉ đạt được một sự tái điều chỉnh toàn diện quan hệ quốc tế mà còn cả sự tái điều chỉnh của chính nước Nga nhằm cho phép nước này vận hành bên trong trật tự thế giới mới này.
Sự sụp đổ của dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh
Sự mở rộng của NATO và việc kiểm soát vũ khí
Sự xâm phạm của phương Tây
Sự chuyển đổi trong nước của Nga
Những bài học cho đại chiến lược tự do
Tái thiết lập dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh
Chú thích
Download phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Su tan vo cua dan xep hau Chien tranh Lanh.pdf