Tác giả: TS. Vũ Lê Thái Hoàng[1]
Mở đầu
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đưa các quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước lớn và các nước láng giềng, đi vào chiều sâu và ổn định, chú trọng hiệu quả, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo sự đan xen lợi ích nhằm củng cố vị thế của ta và bảo đảm lợi ích quốc gia trong quan hệ với các nước này. Trong quá trình này, Việt Nam mong muốn “là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Đây là một thông điệp đối ngoại phù hợp vì việc xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ tin cậy lẫn nhau góp phần đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định của quan hệ (tránh rủi ro và những sự cố bất ngờ) cũng như sự hợp tác nhiều mặt giữa các bên.
Nghiên cứu về “Lòng tin” và “Quan hệ tin cậy lẫn nhau” trong QHQT đã được phát triển thành một dòng nghiên cứu riêng và bắt nguồn từ lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học, xã hội học, chính trị trong nước, và các lý thuyết QHQT chủ yếu. Các nghiên cứu tình huống chủ yếu tập trung vào một số ví dụ thành công điển hình (đặc biệt là quá trình xây dựng lòng tin và hòa giải Pháp – Đức) và qua phương pháp so sánh để phân tích và lý giải những tình huống chưa thành công khác.
Thế nào là “Lòng tin”?
Khái niệm Lòng tin được phân tích đầu tiên trong Lý thuyết Trò chơi (gồm trò chơi Tình trạng Tiến thoái Lưỡng nan của Tù nhân và Săn Hươu), trong đó nhấn mạnh mức độ liên lạc, giao tiếp và sự tin cậy lẫn nhau sẽ mang đến ít rủi ro nhất và lợi ích lớn hơn cho tất cả các bên. Thay vì đề cao sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia, thuyết Hiện thực nhấn mạnh sự cạnh tranh giành quyền lực và nghi ngờ, lợi dụng lẫn nhau để tối đa hóa lợi ích xuất phát từ các quan niệm về “tình trạng vô chính phủ”, “lợi ích so sánh tương đối”, “tổng lợi ích bằng không”, “tự cứu mình”, và “tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh”. Thuyết Thể chế tuy kế thừa một số giả định chính của Thuyết Hiện thực nhưng lạc quan hơn về mức độ tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia với quan niệm về “lợi ích tuyệt đối” và vai trò của các tổ chức/thể chế trong việc chia sẻ thông tin, thúc đẩy lòng tin, tăng cường hợp tác, ngăn ngừa bội ước. Thuyết Kiến tạo Xã hội cũng kế thừa những giả định chính của các thuyết trên nhưng nhấn mạnh đến các yếu tố phi vật chất trong việc thúc đẩy lòng tin và sự hợp tác giữa các quốc gia thông qua “sự đồng dạng thể chế” và “sự thể chế hóa/quốc tế hóa các chuẩn mực, quy tắc”. Hai yếu tố này có thể đạt được nhờ quá trình “xã hội hóa” trong QHQT, tức là quá trình các quốc gia triển khai quan hệ với nhau, tham gia vào các tổ chức/thể chế, và thiết lập nên các cộng đồng.[2]
Về cơ bản, “Lòng tin” có những thuộc tính sau[3]:
Lòng tin là thái độ sẵn sàng gửi gắm lợi ích của mình vào những đối tượng khác (hay nói cách khác là đặt lợi ích của mình lệ thuộc vào hành vi, chính sách của những đối tượng khác).
– Là một trạng thái tâm lý và một dạng nhận thức vì biểu hiện của lòng tin là sự trông đợi/kỳ vọng về hành vi của đối tượng. Tuy nhiên, lòng tin không chỉ là sự đánh giá hay kỳ vọng về đối tượng.
– Có tính tương quan giữa các chủ thể.
– Là hành vi chọn lựa/quyết định có cơ sở về việc đặt lòng tin vào đối tượng.
– Sự lựa chọn tin cậy hay không tin cậy phụ thuộc rất lớn vào nhận thức về rủi ro của chủ thể. Lòng tin là thái độ/quyết định chấp nhận rủi ro và chấp nhận rủi ro có thể là kết quả của lòng tin chứ không phải là tiền đề của lòng tin. Nói một cách khác, chỉ trong tình huống có rủi ro (về sự bội ước) chúng ta mới cần đến sự tin cậy và tin cậy một đối tượng nào đó tức là chấp nhận rủi ro với đối tượng đó. Vì vậy, lòng tin mang tính tình huống: một đối tượng đáng tin cậy trong tình huống này nhưng có thể không đáng tin cậy trong một tình huống khác mặc dù không thể loại trừ trên thực tế có nước giữ được lòng tin của nước khác trong nhiều tình huống.
– Là sự tính toán xác suất hay dự báo các khả năng xảy ra/hành vi của đối tượng. Việc xây dựng lòng tin dựa trên sự tính toán được-mất (của hành vi trung thành hay bội ước một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau) nhằm tối đa hóa lợi ích của chủ thể. Việc tính toán khả năng có tác động trực tiếp đến sự trông đợi/kỳ vọng của chủ thể vì khi khả năng một đối tượng có thể giữ đúng cam kết của mình là rất cao thì chủ thể kỳ vọng vào một kết quả tích cực và ngược lại.
– Có tiền đề là sự đáng tin cậy về ý đồ, hành vi, năng lực, vai trò của đối tượng. Lòng tin và nhận thức về sự đáng tin cậy là thuộc tính của chủ thể, và sự đáng tin cậy là thuộc tính cơ bản của đối tượng. Sự đáng tin cậy có tác động lớn đến lòng tin của chủ thể. Nhận thức về sự đáng tin cậy xuất phát từ hiểu biết, thông tin về đối tượng.
– Có tác động trực tiếp đến ý đồ và hành vi của chủ thể. Nói cách khác, việc tin cậy một đối tượng sẽ thúc đẩy chủ thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro và có những hành động tương ứng.
Thế nào là “Quan hệ Tin cậy lẫn nhau”?
Trong QHQT, hợp tác đòi hỏi một mức độ lòng tin nhất định giữa các quốc gia. “Ngưỡng lòng tin” cần thiết cho sự hợp tác phụ thuộc vào một loạt các biến số như sức mạnh so sánh của một quốc gia[4] hay chi phí cho một cuộc xung đột.
Quan hệ tin cậy lẫn nhau là những biểu hiện hành vi của lòng tin và nhằm thúc đẩy đối thoại, trao đổi thông tin, và hợp tác. Quan hệ này được hình thành khi các chủ thể trao quyền kiểm soát lợi ích của mình cho nhau vì tin vào độ tin cậy và tính nghiêm chỉnh của nhau sẽ không làm phương hại đến lợi ích của các bên. (Dĩ nhiên, những lợi ích quốc gia này bao gồm cả lợi ích tương đồng và lợi ích khác biệt). Trong quan hệ đó, các chủ thể liên quan sẵn sàng chấp nhận rủi ro và trông đợi tất cả các bên sẽ tôn trọng nghĩa vụ cam kết cụ thể của mình.[5]
Thái độ tin cậy và việc gửi gắm hay trao quyền kiểm soát lợi ích là hai yếu tố tạo nên quan hệ tin cậy lẫn nhau. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì không thể gọi là quan hệ tin cậy lẫn nhau. Xung đột có thể xảy ra giữa các quốc gia tin cậy lẫn nhau, và khi đó 1 trong các bên hoặc tất cả các bên trở thành không còn đáng tin cậy.[6]
Việc phân biệt giữa lòng tin và quan hệ tin cậy lẫn nhau là rất quan trọng trong QHQT. Trong QHQT, người ta thường ít quan tâm đến lòng tin hơn là quan hệ tin cậy lẫn nhau vì quan hệ tin cậy lẫn nhau mô tả tình huống và liên quan đến hoạch định chính sách của các chính phủ. Lòng tin là vấn đề nhận thức, còn quan hệ tin cậy lẫn nhau là hành động.[7]
Quan hệ tin cậy lẫn nhau khác với các hình thức hợp tác khác vì các quan hệ hợp tác này thiếu ít nhất 1 trong 2 đặc điểm nói trên. Ví dụ, Mỹ và Nga có thể hợp tác kiểm soát vũ khí nhưng không giao quyền kiểm soát lợi ích cho nhau hoặc không tin vào sự đáng tin cậy của nhau. Tuy nhiên, hợp tác không dựa trên lòng tin vẫn xảy ra vì Mỹ và Nga đề ra các cơ chế và các công cụ giám sát rất tốn kém để đảm bảo lợi ích của mỗi bên không bị đe dọa.
Dĩ nhiên, các nước ưa thích quan hệ tin cậy lẫn nhau hơn là các hình thức hợp tác không tin cậy vì chi phí giám sát thấp hơn. Ví dụ, chi phí để quản lý an ninh biên giới giữa Ixraen và Ai Cập cao hơn nhiều so với chi phí quản lý biên giới giữa Mỹ và Canađa.[8]
Tuy lợi ích và hiệu quả của quan hệ tin cậy lẫn nhau là rất cao nhưng quan hệ này không dễ xây dựng. Quan hệ tin cậy lẫn nhau có ít công cụ và cơ chế kiểm soát/bảo đảm nên dễ dẫn đến chủ nghĩa cơ hội, thực dụng ngắn hạn hơn là quan hệ không tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, sự nghi kỵ là không thể không khắc phục được.
Trong khuôn khổ đa phương, một nước lớn đóng vai trò lãnh đạo/bá quyền có thể đáng tin cậy và thúc đẩy hợp tác nếu sức mạnh và uy tín của nước đó được các nước khác thừa nhận tự nguyện.
Phân loại “Quan hệ Tin cậy lẫn nhau” như thế nào?
Theo Aaron Hoffman, có 4 thước đo chính để xác định quan hệ tin cậy lẫn nhau:[9]
Thứ nhất, sự kết hợp giữa lịch sử những quyết định/ lựa chọn chính sách trong quá khứ và những quyết định/ lựa chọn chính sách trong hiện tại của các nhà lãnh đạo cấp cao dựa trên nhận thức và lòng tin về sự đáng tin cậy của các nhà lãnh đạo phía đối tác.
Thứ hai, mức độ tương đồng về lợi ích và mối quan tâm giữa các bên liên quan (trong QHQT khó có sự song trùng lợi ích hoàn toàn giữa các quốc gia). Lợi ích quốc gia được thể hiện qua ý chí và mong muốn của giới lãnh đạo, và có thể được chia thành lợi ích sống còn, lợi ích chiến lược, dài hạn, lợi ích quan trọng và những lợi ích khác ngắn hạn hơn.
Thứ ba, sự tồn tại các công cụ, cơ chế giám sát/đánh giá hành vi do các bên liên quan lập ra. Các biện pháp giám sát cho phép các chủ thể có được biên độ tự do lớn hơn trong việc ra các quyết định thì phù hợp với kiểu quan hệ tin cậy lẫn nhau.
Thứ tư, các quy tắc, luật lệ được các chủ thể đề ra trong các thỏa thuận bằng văn bản (ví dụ như hiệp ước hay hiệp định) nhằm kiềm chế hoạt động/hành vi của các bên trong trường hợp cần thiết. Có 2 loại thỏa thuận chính: thỏa thuận theo khuôn khổ thể chế (framework-oriented) và thỏa thuận theo quy chế, quy tắc ứng xử (statute-oriented). Tương tự như thước đo thứ hai, các quy định trong các quan hệ tin cậy lẫn nhau cho phép các chủ thể có được biên độ tự do lớn nhất trong việc ra các quyết định. Sự tồn tại rất nhiều thể chế và hiệp ước/hiệp định trong QHQT hiện nay không nhất thiết có nghĩa là thế giới rất thiếu lòng tin lẫn nhau vì bản thân chúng không biểu thị lòng tin hay sự nghi kỵ giữa các quốc gia.
Dựa trên 4 thước đo này, có thể tạm phân loại các cấp độ quan hệ theo mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia liên quan như sau:
– Cấp độ 1 (Tin cậy cao): không có hoặc có rất ít vấn đề trong lịch sử và cả trong hiện tại; có mức độ tương đồng lợi ích cao (có chung lợi ích sống còn, lợi ích chiến lược dài hạn, lợi ích ngắn hạn); có các công cụ, cơ chế hiệu quả để giám sát/đánh giá hành vi; có các quy tắc, luật lệ và thể chế đa phương để điều chỉnh hành vi.
– Cấp độ 2 (Tin cậy): không có hoặc có rất ít vấn đề trong lịch sử và cả trong hiện tại; có mức độ tương đồng lợi ích vừa phải (tương đồng về lợi ích sống còn và lợi ích chiến lược dài hạn không cao bằng lợi ích ngắn hạn và các lợi ích khác; hoặc có chung lợi ích hợp tác với nhau nhưng không có chung lợi ích sống còn); có các công cụ, cơ chế hiệu quả để giám sát/đánh giá hành vi; có các quy tắc, luật lệ và thể chế đa phương để điều chỉnh hành vi.
– Cấp độ 3 (Vừa hợp tác, vừa cảnh giác): có một số vấn đề trong lịch sử và cả trong hiện tại chưa được giải quyết; có mức độ tương đồng lợi ích vừa phải (lợi ích ngắn hạn lớn hơn lợi ích dài hạn; tương đồng về lợi ích ngắn hạn và các lợi ích khác nhưng xung đột về lợi ích sống còn như biên giới lãnh thổ, bảo vệ chế độ,…); có các công cụ, cơ chế hiệu quả để giám sát/đánh giá hành vi; có các quy tắc, luật lệ và thể chế đa phương để điều chỉnh hành vi.
– Cấp độ 4 (Ít tin cậy): có nhiều vấn đề trong lịch sử và cả trong hiện tại chưa được giải quyết; có mức độ tương đồng lợi ích vừa phải (lợi ích ngắn hạn lớn hơn lợi ích dài hạn; tương đồng về lợi ích ngắn hạn và các lợi ích khác nhưng xung đột về lợi ích sống còn như biên giới lãnh thổ, bảo vệ chế độ,…); có các công cụ, cơ chế giám sát/đánh giá hành vi nhưng không hiệu quả; có các quy tắc, luật lệ, thể chế đa phương để điều chỉnh hành vi.
– Cấp độ 5 (Nghi ngờ lẫn nhau): có nhiều vấn đề trong lịch sử và cả trong hiện tại chưa được giải quyết; có mức độ tương đồng lợi ích thấp (về tất cả các loại lợi ích) hoặc thậm chí bất đồng, xung đột lợi ích trong nhiều vấn đề; có không nhiều công cụ, cơ chế giám sát/đánh giá hành vi và các công cụ này không hoạt động hiệu quả; có không nhiều quy tắc, luật lệ và thể chế đa phương điều chỉnh hành vi và chúng không có nhiều tác dụng.
Nhìn chung, mấu chốt nhất trong việc phân loại cấp độ tin cậy lẫn nhau là tác động của các vấn đề lịch sử và mức độ tương đồng lợi ích. Chiến lược bảo đảm tốt nhất quan hệ tin cậy lẫn nhau cần phải thể hiện được sự kết hợp cùng một lúc 4 thước đo nói trên.
Hành vi hợp tác có xu hướng trấn an, hợp tác có tác dụng trấn an đối tác và xây dựng lòng tin. Trấn an là quá trình xây dựng lòng tin. Trấn an lẫn nhau xuất phát từ chỗ nghi kỵ, thông qua các biện pháp giảm nghi kỵ, tiến tới xây dựng lòng tin lẫn nhau. Việc xây dựng lòng tin không chỉ dừng lại ở những lời nói, tuyên bố mà phải bằng những biện pháp cụ thể thể hiện thái độ tin cậy lẫn nhau và cùng hợp tác của các bên.
Làm thế nào để xây dựng “Quan hệ Tin cậy lẫn nhau”?
Việc xây dựng một chiến lược phát triển quan hệ “tin cậy lẫn nhau” với các đối tác cụ thể đòi hỏi cần phải tiến hành một số bước đầu tiên như sau. Thứ nhất, xác định, đánh giá thực trạng cấp độ tin cậy của mối quan hệ (theo 4 thước đo) và đề ra mục tiêu duy trì hay phát triển quan hệ tin cậy lẫn nhau ở cấp độ nào (theo 5 cấp độ). Thứ hai, đánh giá, phân tích về lợi ích của mỗi bên trong quan hệ với nhau cũng như xác định ưu tiên của mối quan hệ đó trong chính sách đối ngoại của từng nước. Thứ ba, nhận định, dự báo về những rủi ro chính mà mỗi bên sẽ gặp phải trong quá trình triển khai quan hệ với nhau. Thứ tư, đánh giá, nhận định về những mong muốn và không mong muốn trong quan hệ của bên này đối với bên kia và ngược lại.
Về cơ bản, có thể xác định 3 nhóm biện pháp chính để xây dựng, vun đắp quan hệ tin cậy lẫn nhau. Đó là: nhóm biện pháp song phương theo kiểu tiệm tiến, từng bước (incremental strategy); nhóm biện pháp thể chế, đa phương (institutional strategy); nhóm biện pháp quản lý rủi ro, mang tính gián tiếp (risk management). Ba nhóm biện pháp này có tác động qua lại lẫn nhau và thường được triển khai kết hợp cùng nhau để chiến lược tổng thể đạt được kết quả mong muốn.
Thứ nhất là nhóm biện pháp song phương theo kiểu tiệm tiến, từng bước (incremental strategy).[10] Nhóm biện pháp này xuất phát từ quan niệm cho rằng sự đáng tin cậy là một đặc tính mà các chủ thể dần dần thể hiện ra đối với nhau trong quá trình quan hệ tương tác liên tục, kéo dài để học hỏi và rút kinh nghiệm. Vai trò của giới lãnh đạo nói chung và cá nhân các nhà lãnh đạo nói riêng trong việc xác định ưu tiên lợi ích quốc gia và lựa chọn ưu tiên chính sách là cực kỳ quan trọng. Nhóm biện pháp này thường được thực hiện thông qua các thỏa thuận chính thức thúc đẩy đối thoại, hợp tác, chia sẻ tương đồng, đan xen lợi ích qua các giai đoạn, theo lộ trình, bắt đầu bằng những vấn đề dễ giải quyết và kết thúc bằng những vấn đề khó giải quyết nhất. Kinh nghiệm của quá trình tương tác giúp các chủ thể thể hiện độ đáng tin cậy của mình qua một loạt các thử nghiệm giải quyết vấn đề và buộc các chủ thể này phải chọn lựa giữa những lợi ích dài hạn của việc giữ chữ tín và lợi ích ngắn hạn của việc bội ước, thất hứa, hay chủ nghĩa cơ hội. Thử nghiệm theo vấn đề sẽ đi từ nhỏ đến lớn cho đến khi các chủ thể tin chắc rằng họ có thể trao quyền kiểm soát các lợi ích cốt lõi của họ cho bên kia một cách an toàn. Chừng nào mà những lợi ích mang lại của chủ nghĩa cơ hội và bội ước còn lớn hơn thì chừng đó các bên vẫn chưa tin cậy nhau và một trong các bên sẽ có động cơ lợi dụng sự tin cậy của bên kia. Mức độ đan xen, ràng buộc lợi ích sẽ góp phần hạn chế chủ nghĩa cơ hội này. Ngoài ra, việc tăng cường số lượng và chất lượng thông tin của nhau (độ minh bạch về thông tin và tần số, cơ chế, cấp độ đối thoại) để cùng nhau phối hợp, hợp tác, sẽ giảm thiểu chủ nghĩa cơ hội và lợi ích của việc bội ước.
Trong các thể chế, độ tin cậy có thể được đánh giá qua quá trình tuân thủ các quyết định tập thể.
Thứ hai là nhóm biện pháp thể chế, đa phương (institutional strategy).[11] Rào cản lớn nhất đối với quan hệ tin cậy lẫn nhau là những tình huống dẫn đến động cơ cơ hội chủ nghĩa. Vì vậy, quan hệ tin cậy lẫn nhau muốn phát triển được thì cần phải có những công cụ đảm bảo hạn chế khả năng đối tác bội ước, lợi dụng. Trong QHQT, các quốc gia hay nói đúng hơn là giới lãnh đạo có 2 mối lo ngại cản trở quan hệ tin cậy lẫn nhau: sự lo ngại bị áp đặt/chèn ép từ bên ngoài và sự lo ngại áp lực từ phía cử tri/nội bộ trong nước. Các quốc gia tham gia vào và có ảnh hưởng đến các quyết định tập thể trong các thể chế/cơ chế (hoặc do các bên lập ra hoặc của quốc tế) có thể giảm mối lo này vì chúng giúp hạn chế những hậu quả tiêu cực của việc hợp tác. Tham gia vào các thể chế/cơ chế cũng giúp các chủ thể thăm dò, nắm bắt sớm ý đồ bội ước khi có cơ hội. Ngoài ra, giới lãnh đạo cũng rất lo ngại về những tác động trong nước của các thỏa thuận hợp tác tin cậy, đặc biệt là khi họ thay đổi bản chất quan hệ với những kẻ thù cũ. Vì vậy, những cơ chế/thỏa thuận nào ít gây sự chống đối của các phe phái trong nội bộ lãnh đạo và của các đảng đối lập thì càng có nhiều cơ hội thành công. Quyết định xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau cần diễn ra đồng thời với việc thiết lập/tham gia vào các thể chế/cơ chế đảm bảo. Trong các khuôn khổ đa phương này, các chủ thể sẽ đề cao vai trò của các quy định, quy tắc, chuẩn mực (hướng về tương lai) hơn là lịch sử hành vi và độ đáng tin cậy của đối tác trong quá khứ.[12]
Thứ ba là nhóm biện pháp quản lý rủi ro, mang tính gián tiếp (risk management). Như đã phân tích trong phần nội hàm khái niệm “lòng tin”, chỉ trong tình huống có rủi ro (về sự bội ước) chúng ta mới cần đến sự tin cậy và tin cậy một đối tượng nào đó tức là chấp nhận rủi ro với đối tượng đó. Trên thực tế, khó có thể tồn tại một mối quan hệ nào có sự tin cậy lẫn nhau tuyệt đối, hay nói cách khác, rủi ro luôn tồn tại ở các mức độ khác nhau trong các mối quan hệ quốc tế. Về lý thuyết, quản lý rủi ro là một quá trình liên tục, kéo dài nhằm xác định, đánh giá, giám sát và giảm thiểu rủi ro gắn liền với các nguy cơ phát sinh từ những yếu tố bên trong và bên ngoài của mỗi quốc gia. Các biện pháp ứng phó để giảm thiểu rủi ro gồm san sẻ rủi ro, tránh rủi ro, giảm tác động tiêu cực của rủi ro, và chấp nhận hậu quả của một số rủi ro nhất định. Nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế, thuyết Hiện thực cho rằng rủi ro luôn tồn tại ở mức cao và rất phổ biến trong quan hệ giữa các nước, vì vậy các biện pháp tự cứu mình hay cân bằng lực lượng được các quốc gia coi trọng. Để nâng cao thế và lực của bản thân, từng quốc gia có thể áp dụng biện pháp răn đe, kiềm chế quân sự, tăng cường sức mạnh quân đội; linh hoạt trong đa dạng hóa và duy trì cân bằng tương đối quan hệ với các đối tác quan trọng; tranh thủ các cơ chế, diễn đàn đa phương… Bản thân nhóm biện pháp quản lý rủi ro này có thể làm phát sinh thêm những rủi ro mới nhưng lợi ích mà chúng mang lại sẽ lơn hơn nếu được triển khai kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo với hai nhóm biện pháp nói trên. Trên thực tế, nhóm biện pháp này có tác động gián tiếp đến quan hệ giữa các nước và là bộ phận cấu thành mang tính bổ trợ cho 2 nhóm biện pháp kia trong chiến lược xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau.
Quan hệ Pháp – Đức: Mô hình về xây dựng lòng tin và hòa giải giữa các quốc gia
Quá trình hòa giải Pháp – Đức là một nghiên cứu tình huống rất quan trọng vì đây là mẫu mực của quá trình hòa giải thành công và toàn diện giữa hai quốc gia thù địch trong lịch sử. Quá trình hòa giải này tuy diễn ra trong thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh và có những đặc thù về bối cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo của châu Âu nhưng vẫn là một bài học kinh nghiệm rất hữu ích cho những mối quan hệ chưa được hòa giải sau Chiến tranh lạnh ở những khu vực khác. Việc Đức và Pháp không chỉ cùng nhau loại bỏ nguy cơ chiến tranh giữa hai nước mà còn vượt qua vòng luẩn quẩn bế tắc của sự thù địch, tiến tới xác lập quan hệ hữu nghị và đối tác thực sự cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của giới lãnh đạo chính trị hai nước và sự hòa giải này đã đặt nền móng và thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa châu Âu.
Pháp và Đức đã từng là “đối thủ truyền kiếp” trong lịch sử châu Âu vì xung đột liên miên trong lịch sử hai nước. Từ cuộc đối đầu giữa triều đại Francois I và Karl V đầu thế kỷ 16 đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Pháp và Đức đã trải qua 23 cuộc chiến tranh, trong đó cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1871 và CTTG I năm 1914 đặc biệt góp phần quan trọng vào quan niệm về “đối thủ truyền kiếp” của lãnh đạo và nhân dân hai nước. Trong CTTG II, người Pháp phải nhục nhã chịu sự chiếm đóng của phát xít Đức từ 1940-1944 nhưng Pháp lại là một trong 4 nước chiếm đóng Đức để bảo vệ Tây Béclin. Tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước xoay quanh việc Pháp tuyên bố bảo hộ hạt Saar giàu than đá tuy khu vực này trước đây thuộc Đức và là nơi người Đức sinh sống. Về yếu tố văn hóa, sắc tộc, người Đức luôn tự tôn về mặt sắc tộc nhưng lại tự ti về mặt văn hóa so với người Pháp và người Pháp rất tự tôn về mặt văn hóa so với người Đức. Bên cạnh đó, giới lãnh đạo hai nước thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền chính trị và giáo dục cho người dân những quan điểm tiêu cực, phiến diện về nhau và về lịch sử quan hệ hai nước.[13]
Hòa giải Pháp – Đức được thúc đẩy do bối cảnh quốc tế sau CTTG II. Dĩ nhiên, mục đích chính của quá trình hòa giải là loại bỏ hoàn toàn nguy cơ chiến tranh tái diễn. Tuy vậy, chính mối đe doạ về an ninh từ phía Liên Xô và kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm phục hồi và tái thiết châu Âu đã thúc đẩy Pháp và Đức hợp tác và thể chế hóa quan hệ qua cộng đồng than-thép châu Âu. Trong mối quan hệ đầy phức tạp này, giới lãnh đạo có vai trò cực kỳ quan trọng vì họ có quyết tâm và bản lĩnh chính trị, có quyền ra quyết sách và có những động thái phù hợp trong những thời điểm quyết định. Trong trường hợp này, Ngoại trưởng Pháp Robert Schuman và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer với tư tưởng hợp nhất châu Âu đã đóng vai trò chủ chốt trong việc ký kết Kế hoạch Schuman thành lập Cộng đồng Than – Thép châu Âu (4/1951) và đây được coi là bước đi đầu tiên của quá trình hòa giải. Việc Đức tham gia vào kế hoạch này giúp Pháp kiểm soát được sự phát triển của Đức và đối với Đức đây là con đường duy nhất để khẳng định vị thế mới ở Tây Âu mà vẫn đảm bảo được an ninh. Tháng 1/1957, hạt Saar được Pháp trả lại cho Đức sau một cuộc trưng cầu dân ý ở đây.
Nếu Schuman và Adenauer có công khởi xướng quá trình hòa giải thì Adenauer và de Gaulle có công duy trì quá trình này đến kết cục thành công. Hai nhà lãnh đạo đã thiết lập một tình bạn rất mật thiết và tháng 1/1963, hai nước đã ký Hiệp ước Thân thiện Pháp – Đức (hay còn gọi là Hiệp ước Elysee), nhấn mạnh hợp tác hai nước về đối ngoại, giáo dục và thanh niên. Tổ chức thanh niên Pháp – Đức ra đời.[14]
Với sự hậu thuẫn nhiệt tình của hai nhà lãnh đạo Jacques Chirac và Gerhard Schroeder, Pháp và Đức lần đầu tiên đã công bố sách giáo khoa lịch sử Pháp-Đức được biên soạn chung (5/2006), trong đó đề cập cả những vấn đề lịch sử được cho là nhạy cảm.
Nhìn chung, quá trình hòa giải Pháp – Đức diễn ra ở 2 cấp độ.[15] Thứ nhất là hòa giải giữa Chính phủ với Chính phủ. Biện pháp đầu tiên của quá trình hòa giải là việc các chính phủ ra những tuyên bố chung mang tính biểu tượng nhằm đạt được sự công nhận của quốc tế và tạo khuôn khổ cho tiếp xúc, đối thoại. Đặc biệt, trong các tuyên bố này thường không có điều khoản về an ninh. Trong trường hợp này là Hiệp ước Elysee. Hợp tác kinh tế trong khuôn khổ đa phương và song phương có vai trò đặc biệt quan trọng và tiên phong trong việc củng cố và duy trì quá trình hòa giải. Trong trường hợp này là Cộng đồng Than – Thép châu Âu.
Thứ hai là hòa giải ở cấp độ nhân dân. Hai đối tượng ưu tiên là giới trí thức, học thuật, và giới trẻ. Lĩnh vực ưu tiên là giáo dục, giao lưu thanh niên. Trong trường hợp này, việc lập ủy ban hỗn hợp biên soạn sách giáo khoa lịch sử, giao lưu thanh niên, liên kết các trường đại học, các viện nghiên cứu là những bước đi được coi là có ý nghĩa nhất./
————————–
[1] Tham luận tại Hội thảo “Lòng tin và các nhóm biện pháp tăng cường lòng tin trong QHQT và đối ngoại của Việt Nam”, Học viện Ngoại giao, Hà Nội, 25/2/2009. Những quan điểm trong bài tham luận này là của tác giả và không phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả đang làm việc. Tác giả xin bày tỏ sự cảm ơn đối với các đồng nghiệp về những đóng góp, bình luận rất quan trọng cho bài viết này.
[2] John Baylis & Steve Smith, The Globalization of World Politics: An introduction to international relations (3rd edition), Oxford University Press (2007); Andrew Kydd, Trust and Mistrust in International Relations, Princeton University Press (2005), Chapter 1.
[3] Bernard Barber, The Logic and Limits of Trust, Rutgers University Press (1983), tr.164-5; Kramer et al., “Trust and distrust in organizations: emerging perspectives, enduring questions”, Annual Reviews in Psychology, Vol.50, (2/1999); Mayer et al., “An integrative model of organizational trust”, Academy of Management Review, Vol.20, No.3 (1995); D.McAllister, “Affect- and cognition-based trust as foundations for interpersonal cooperation in organizations”, Academy of Management Journal, Vol.38, No.1 (1995); Niklas Luhmann, Trust and Power, Chichester: John Wiley&Sons (1979); Meyerson et al., “Swift trust and temporary groups”, in Kramer, R.M & Tyler T.R. (Eds.), Trust in Organizations: Frontiers of Theory and Research, Sage Publications, Thousand Oaks (1996), tr.166-195; D.Gambetta, “Can we trust trust?”, in Gambetta D. (ed.), Trust: Making and Breaking Cooperative Relationships, Basil Blackwell, New York (1988), tr.213-237; M.Deutsch, “The effect of motivational orientation upon Trust and suspicion”, Human Relations, Vol.13 (1960), tr.123-139.
[4] Sức mạnh quốc gia trong QHQT được thể hiện qua 3 tiêu chí chính: khả năng (capabilities); lợi ích (muốn phát huy sức mạnh đó như thế nào, ở đâu); và uy tín (prestige) hay sự công nhận sức mạnh quốc gia bởi các quốc gia khác.
[5] AAron M.Hoffman, “The structural causes of Trusting relationships: Why rivals do not overcome suspicion step by step”, Political Science Quarterly, Vol.122, No.2 (2007), tr.288.
[6] AAron M.Hoffman, “A Conceptualization of Trust in International Relations”, European Journal of International Relations, Vol.8, No.3 (2002), tr.376-9.
[7] AAron M.Hoffman, “The structural causes of Trusting relationships: Why rivals do not overcome suspicion step by step”, Political Science Quarterly, Vol.122, No.2 (2007), tr.289.
[8] AAron M.Hoffman, “The structural causes of Trusting relationships: Why rivals do not overcome suspicion step by step”, Political Science Quarterly, Vol.122, No.2 (2007), tr.289.
[9] AAron M.Hoffman, “A Conceptualization of Trust in International Relations”, European Journal of International Relations, Vol.8, No.3 (2002), tr.384-93.
[10] AAron M.Hoffman, “The structural causes of Trusting relationships: Why rivals do not overcome suspicion step by step”, Political Science Quarterly, Vol.122, No.2 (2007), tr.290-3; Andrew Kydd, “Trust, Reassurance and Cooperation”, International Organization, Vol.54 (Spring 2000); Andrew Kydd, Trust and Mistrust in International Relations, Princeton University Press (2005); Thomas C.Schelling, The strategy of conflict, New York: Oxford University Press (1960); Charles E.Osgood, An Alternative to War or Surrender, Urbana: University of Illinois Press (1962).
[11] AAron M.Hoffman, “The structural causes of Trusting relationships: Why rivals do not overcome suspicion step by step”, Political Science Quarterly, Vol.122, No.2 (2007), tr.292-3; Robert O.Keohane, After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy, Princeton University Press (1984), tr.65-109; Joseph M.Grieco, “State Interests and Institutional Role Trajectories: A Neorealist Interpretation of the Masstricht Treaty and European Economic and Monetary Union”, Security Studies, Vol.5 (Spring 1996); G.John Ikenberry, After Victory: Institutions, Strategic Restraint, and the Rebuilding of Order After Major Wars, Princeton University Press (2001), tr.50-79; Zeev Maoz & Dan S.Felsenthal, “Self-binding Commitments, the Inducements of Trust, Social Choice, and the Theory of International Cooperation”, International Studies Quarterly, Vol.31 (June 1987).
[12] Vấn đề xây dựng lòng tin luôn được đề cao trong các diễn đàn/cơ chế hợp tác đa phương. Ví dụ, trong lộ trình phát triển của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), các biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs) được xem là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho các giai đoạn tiếp theo là Ngoại giao phòng ngừa (PD) và Giải quyết xung đột (CR).
[13] Seung-Hoon Heo, “Reconciling Hereditary Enemy States: Franco-German and South Korean – Japanese Relations in Comparative Perspective”, The Journal of International Policy Solutions, Vol.8 (Winter 2008), tr.23-28; Lily Gardner Feldman, “The Principle and Practice of Reconciliation in German Foreign Policy: Relations with France, Israel, Poland and the Czech Republic”, International Affairs (Royal Institute of International Affairs), Vol.75, No.2 (1999), tr.333-356.
[14] Alice Ackermann, “Reconciliation as a Pace-building Process in Postwar Europe: The Franco-German Case”, Peace and Change, Vol.19, No.3 (1994), tr.229-51; Seung-Hoon Heo, “Reconciling Hereditary Enemy States: Franco-German and South Korean – Japanese Relations in Comparative Perspective”, The Journal of International Policy Solutions, Vol.8 (Winter 2008).
[15] Seung-Hoon Heo, “Reconciling Hereditary Enemy States: Franco-German and South Korean – Japanese Relations in Comparative Perspective”, The Journal of International Policy Solutions, Vol.8 (Winter 2008), tr.26-7.