Anh có phải trả giá cho sự cai trị thực dân ở Ấn Độ?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Shashi Tharoor, “The Price of Empire,” Project Syndicate, 20/02/2017.

Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Người Ấn Độ không hay nhắc lại quá khứ thuộc địa của đất nước mình. Dù là vì sức mạnh quốc gia hay là vì văn minh còn yếu, Ấn Độ lâu nay luôn không muốn lưu giữ sự oán hận nào đối với nước Anh về 200 năm nô dịch, bóc lột, và khai thác thực dân. Nhưng sự trầm tĩnh của người Ấn Độ về quá khứ không loại bỏ được những gì đã diễn ra.

Sự rút lui hỗn loạn của Anh khỏi Ấn Độ năm 1947, sau hai thế kỷ cai trị, kéo theo một cuộc chia cắt bạo lực và thù nghịch dẫn đến sự trỗi dậy của Pakistan. Nhưng điều đó xảy ra một cách lạ kỳ khi không hề có một sự oán giận nào với nước Anh. Ấn Độ đã chọn ở lại trong khối Thịnh vượng chung trong vai trò một nước cộng hòa thành viên và duy trì quan hệ thân mật với vị lãnh chúa cũ của mình.

Vài năm sau, Winston Churchill hỏi Thủ tướng Jawaharlal Nehru, người dành gần một thập niên của cuộc đời trong các nhà tù Anh, về việc ông không tỏ ra cay đắng. Nehru trả lời rằng “một người vĩ đại,” Mahatma Gandhi, đã dạy người Ấn “không bao giờ sợ hãi và không bao giờ căm ghét.”

Nhưng bất chấp bề ngoài đối nghịch như thế, những vết sẹo của chế độ thực dân vẫn chưa hoàn toàn phai mờ. Tôi đã học được điều đó trong mùa hè năm 2015, khi tôi có bài phát biểu tại Oxford Union công khai lên án những tội lỗi của chế độ thực dân Anh – một bài phát biểu, trước sự bất ngờ của tôi, đã truyền cảm hứng cho một phản ứng đầy mạnh mẽ trên khắp Ấn Độ.

Bài phát biểu nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, với một bài đăng thu được hơn ba triệu lượt tương tác chỉ trong 48 giờ, và nhiều trang web trên khắp thế giới đăng lại. Các đối thủ cánh hữu đã dừng “troll” tôi trên mạng xã hội đủ lâu để tán dương bài phát biểu của tôi. Chủ tịch Hạ viện (Lok Sabha), Sumitra Mahajan, đã ra mặt tán thưởng tôi trong một buổi họp có thủ tướng Narendra Modi, ông sau đó công khai chúc mừng tôi vì đã nói “những điều đúng đắn ở đúng chỗ.”

Các trường phổ thông và đại học đã phát bài phát biểu cho học sinh và sinh viên của họ nghe. Một trường đại học, Đại học Trung tâm Jammu, đã tổ chức một buổi hội thảo kéo dài cả ngày, tại đó các học giả xuất chúng diễn thuyết về những điểm đặc biệt mà tôi đã nêu ra. Hàng trăm bài báo viết đáp lại, theo cả hướng ủng hộ và phản đối các tuyên bố của tôi.

Hai năm sau, người lạ vẫn tiếp cận tôi ở các địa điểm công cộng để ca ngợi “bài phát biểu Oxford” của tôi. Cuốn sách của tôi về cùng chủ đề, An Era of Darkness, vẫn nằm trong danh sách bán chạy nhất tại Ấn Độ kể từ khi được xuất bản ba tháng trước. Ấn bản Anh của nó, Inglorious Empire: What the British Did to India, đã có mặt trên các kệ sách một tháng sau đó.

Với quan điểm lâu nay của Ấn Độ về chế độ thực dân, tôi đã không biết trước một sự đón nhận như thế. Nhưng có lẽ tôi nên biết trước. Suy cho cùng, người Anh đã chiếm đóng một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới – ước tính khoảng 27% GDP toàn cầu năm 1700 – và trong hơn 200 năm cai trị thực dân đã biến nó thành một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Anh đã hủy hoại Ấn Độ thông qua cướp bóc, chiếm đoạt, và ăn cắp trắng trợn – tất cả được thực hiện trong một tinh thần phân biệt chủng tộc sâu sắc và sự hoài nghi bất chấp luân lý. Người Anh bao biện cho hành động của họ, tiến hành bằng vũ lực hung bạo, với sự đạo đức giả và dối trá đáng kinh ngạc.

Sử gia người Mỹ Will Durant đã gọi sự nô dịch thực dân Ấn Độ của nước Anh là “tội ác lớn nhất trong toàn bộ lịch sử.” Dù người ta có đồng ý hay không, có một điều chắc chắn: chủ nghĩa đế quốc không phải, như một vài kẻ biện hộ gian xảo người Anh đã khẳng định, là một công trình vị tha.

Anh đang trải qua tình trạng “mất trí nhớ” về lịch sử liên quan đến chủ nghĩa thực dân. Như Moni Mohsin, một cây viết người Pakistan, vừa chỉ ra, chủ nghĩa thực dân Anh rõ ràng đang vắng mặt trong chương trình giảng dạy phổ thông ở Anh. Hai đứa con của Mohsin, dù đi học tại các trường tốt nhất ở London, chưa hề được học một bài nào về lịch sử thực dân.

Người London ấn tượng trước vẻ đẹp hoa lệ của thành phố, nhưng biết rất ít về sự tham lam và cướp bóc đã gây dựng nên nó. Nhiều người Anh hoàn toàn không biết về những tội ác mà tổ tiên họ đã phạm phải, và có người còn sống trong ảo tưởng đầy sung sướng rằng Đế quốc Anh là một kiểu sứ mệnh khai sáng để dìu dắt người dân bản xứ ngu dốt.

Điều này mở lối cho sự thao túng các câu chuyện lịch sử. Các chương trình dài kỳ trên truyền hình, với sự lãng mạn hóa nhẹ nhàng thời kỳ người Anh cai trị Ấn Độ (“Raj”) của chúng, đã đem lại một bức tranh được tô hồng về thời kỳ thực dân. Một vài sử gia người Anh đã viết những cuốn sách vô cùng thành công, ca tụng những mỹ đức được gán cho đế chế.

Nhất là trong một hai thập niên qua, những câu chuyện lịch sử đại chúng về Đế quốc Anh, được viết bởi những người như Niall Ferguson và Lawrence James, đã miêu tả nó bằng các từ ngữ lấp lánh. Những lời kể như thế không thừa nhận sự tàn ác, khai thác, cướp bóc, và phân biệt chủng tộc vốn là nền tảng của đế chế.

Tất cả những điều này lý giải – nhưng không biện hộ được – cho sự thiếu hiểu biết của người Anh. Không thể hiểu hiện tại chỉ qua những so sánh lịch sử đơn giản, nhưng những bài học của lịch sử thì không thể bỏ qua. Nếu không biết xuất xứ của mình, làm sao bạn hiểu được nơi mình sẽ đến?

Điều này không chỉ đúng với người Anh, mà còn đúng với cả đồng bào Ấn Độ của tôi, những người đã thể hiện một năng lực tha thứ và lãng quên phi thường. Nhưng, dù nên tha thứ, chúng ta không nên lãng quên. Theo nghĩa đó, phản ứng đầy mạnh mẽ với bài phát biểu năm 2015 của tôi ở Oxford Union là rất đáng khuyến khích.

Mối quan hệ hiện đại giữa Anh và Ấn Độ – hai quốc gia chủ quyền và bình đẳng – rõ ràng là rất khác so với mối quan hệ thuộc địa trong quá khứ. Khi cuốn sách của tôi có mặt tại Delhi, Thủ tướng Anh Theresa May vừa mới rời đi vài ngày sau một chuyến thăm để tìm kiếm đầu tư từ Ấn Độ. Như tôi thường nói, bạn không cần trả thù cho lịch sử. Lịch sử là sự trả thù của chính nó.

Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cựu Quốc vụ khanh về Phát triển Nguồn nhân lực và Quốc vụ khanh về Ngoại vụ của Ấn Độ, hiện là nghị sĩ Đảng Quốc đại Ấn Độ và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đối ngoại. Ông là tác giả cuốn Pax Indica: India and the World of the 21st Century.

Xem thêm:

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Price of Empire
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]