Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận trong bảo vệ chủ quyền

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Việc Trung Quốc quyết định di chuyển dàn khoan Hải Nam số 9 (Hai nan jiu hao) vào biển Đông, mà cụ thể là tới tọa độ gần cửa vịnh Bắc Bộ, cho thấy quyết tâm cao độ của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền của mình tại biển Đông. Bất chấp các phản ứng của Việt Nam cũng như bất chấp việc uy tín của mình đang bị giảm xuống nhanh chóng, hành vi của Bắc Kinh đã chứng minh rằng các cách tiếp cận “mềm dẻo” hiện tại của Việt Nam trên thực địa đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ngoại giao nước nhỏ và phản ứng của nước lớn

Trước hết, cần phải xác định rằng việc Việt Nam chỉ đưa lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư ra thực địa để đối phó với hành vi hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) cho tới thời điểm hiện tại là hoàn toàn phù hợp. Về mặt luật pháp, hành động này chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia tôn trọng các chuẩn tắc mà thế giới đã quy định liên quan tới tự do hàng hải. HD-981 di chuyển trong vùng biển quốc tế, và tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam phù hợp với những gì mà UNCLOS đã quy định về quyền đi qua không gây hại. Khi HD-981 “dừng lại”, Việt Nam cũng đã phản đối và thể hiện quyền tài phán của mình bằng cách sử dụng các lực lượng bán quân sự để tránh đẩy căng thẳng lên cao và châm ngòi cho một xung đột không cần thiết.

Về mặt ngoại giao, Việt Nam cũng đã tận dụng tất cả các kênh ngoại giao song phương và đa phương để tuyên truyền, nói rõ với bạn bè thế giới về lập trường, về chủ quyền của mình cũng như vạch trần hành vi sai trái của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất đã phát đi những thông điệp đanh thép về việc bảo vệ cho bằng được chủ quyền của quốc gia. Thậm chí, biện pháp kiện Trung Quốc ra tòa cũng đã được Thủ tướng nêu ra. Cuộc chiến tuyên truyền bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không chịu thay đổi lập trường của mình, và dàn khoan thứ hai vẫn được kéo vào biển Đông.

Tại sao Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi ngoại giao mềm dẻo và vẫn chưa đưa các tàu hải quân chính thức ra điểm nóng? Có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, ngoại giao vẫn được Việt Nam coi là công cụ hàng đầu chống lại chính sách bá quyền của Trung Quốc hiện tại. Với một nước nhỏ, lập luận rằng chỉ có ngoại giao và các phương thức tập hợp lực tiếng nói ủng hộ của quốc tế mới có thể tạo ra ưu thế là điều tương đối dễ hiểu nếu xét tới bối cảnh chênh lệch lực lượng quá lớn như hiện nay tại biển Đông. Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng sự xuất hiện của hải quân có thể khiến cho tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát và sẽ “vướng” vào cái bẫy mà Trung Quốc sẽ giăng ra nhằm cáo buộc Việt Nam là bên gây hấn. Một cuộc đụng độ bằng vũ khí nóng giả định nếu xảy ra thì phần thua chắc chắn thuộc về phía Việt Nam và như vậy Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội đó vi phạm nghiêm trọng hơn nữa chủ quyền của Việt Nam. Thứ ba, có khả năng các yếu tố mang tính chính trị đã trì hoãn những hành động cứng rắn hơn từ phía Việt Nam, khi Đảng Cộng sản của hai nước có mối quan hệ khăng khít từ lịch sử. Tâm lý cho rằng Trung Quốc sẽ từ từ giảm căng thẳng hiện tại có thể là một tâm lý hết sức sai lầm. Bắc Kinh thừa hiểu rằng ngoài ngoại giao, Việt Nam có rất ít các công cụ khác để đối phó với các hành vi gây hấn của nước này tại biển Đông.

Khoan hãy nói tới việc dàn khoan thứ 2 này có vi phạm EEZ của Việt Nam hay không, vì dù có hay không thì chắc chắn hành động táo tợn này sẽ còn lặp lại nhiều lần khác nữa. Sự táo bạo trong hành động của Trung Quốc khiến nhiều chiến lược gia của Việt Nam phải giật mình lo ngại. Tiên đoán trước về hành vi này của Trung Quốc có thể là có, tuy nhiên các chính sách đối phó về trung và dài hạn thì hầu như chưa được chuẩn bị kỹ càng. Việt Nam dường như đang đối phó một cách thụ động với các toan tính của Trung Quốc nhiều hơn là chủ động, và việc này cần phải được thay đổi một cách mạnh mẽ trước hết là trong các phản ứng tiếp theo.

Răn đe chủ động thông qua sử dụng hải quân

Các phương thức ngoại giao mềm dẻo và linh hoạt đã được tận dụng triệt để, sự kiên trì của các lực lượng chấp pháp biển đã được thể hiện và ghi nhận, tuy nhiên có lẽ đã đến lúc nên tiến hành các chiến thuật “răn đe chủ động” mạnh mẽ hơn nữa. Chuyển từ thụ động đối phó sang chủ động răn đe sẽ là bước đầu tiên nhằm gia tăng tiếng nói và tạo được một sức ép lớn hơn lên thực địa. Việc chính thức đưa lực lượng Hải quân ra các khu vực dàn khoan sẽ là lời đáp mạnh mẽ đầu tiên.

Thời thế hiện tại đã trở nên thuận lợi và “hợp lý” hơn cho lựa chọn đưa lực lượng Hải quân chính thức xuất hiện tại khu vực tranh chấp. Sự xuất hiện của dàn khoan thứ 2 và mới đây là thông tin cho rằng Trung Quốc trong tương lai sẽ đưa 16 giàn khoan xuống biển Đông cho thấy Bắc Kinh sẽ không ngừng các hành động leo thang căng thẳng và chiến lược “biến không tranh chấp thành tranh chấp” để từng bước khẳng định chủ quyền của mình. Trước mắt, Việt Nam có thể tiến hành điều chỉnh ngay lập tức cách tiếp cận của mình, với những lý do sau:

Đầu tiên, Hải quân là lực lượng quân sự chính thức nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của một quốc gia. Sự xuất hiện của các tàu hải quân sẽ tạo ra một xung lực mới cùng một sức ép lớn hơn trên thực địa. Hành động này ngầm đưa một thông điệp tới Trung Quốc rằng Việt Nam đã sẵn sàng đến mức tối đa nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của mình. Chiến thuật này cũng sẽ giúp tạo ra mặt thuận lợi nhà nước trong việc gia tăng sự ủng hộ của dân chúng. Việc sử dụng các tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã trở nên dần vô hiệu và khiến cho các sức ép trên thực địa trở nên không đủ mạnh. Tính răn đe trong trường hợp này sẽ mạnh mẽ hơn, và quan trọng đây sẽ là hàm ý ám chỉ trong tương lai về một Việt Nam cứng rắn và quyết tâm trong bảo vệ chủ quyền.

Thứ hai, việc đưa tàu hải quân ra thực địa lúc này sẽ chỉ được xem như một hành động tự vệ chính đáng của Việt Nam. Căng thẳng, và nghiêm trọng hơn là sử dụng chính các tàu quân sự và máy bay quân sự, máy bay trinh sát xâm phạm vùng biển và vùng trời hợp pháp của Việt Nam, với mục tiêu là bảo vệ HD-981. Một mặt, các tàu bán quân sự vẫn sẽ tiến hành nhiệm vụ của mình như từ trước tới nay, mặt khác sự xuất hiện của các tàu hộ vệ Gepard 3.9 hay các máy bay tuần thám của không quân hải quân sẽ khẳng định rõ hai điều: (1) chủ quyền vùng biển đặt dàn khoan HD-981 là của Việt Nam và Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đó và (2) Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình, kể cả biện pháp mạnh mẽ nhất. Chủ quyền lãnh thổ đã bị xâm phạm, và việc hải quân tham gia bảo vệ chủ quyền là việc làm hiển nhiên của bất cứ một quốc gia dân tộc nào.

Hiện tại xung đột sẽ rất khó xảy ra. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều hiểu được cái giá của xung đột hiện tại là lớn tới như thế nào. Bắc Kinh hiện tại cho rằng Việt Nam sẽ không muốn leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, chiến lược thông minh là ở chỗ căng thẳng leo thang những được kiểm soát để không gây ra xung đột, đặc biệt là khi căng thẳng phục vụ cho lợi ích quốc gia ở một mức độ nhất định. Căng thẳng sẽ báo hiệu bước chuyển chiến lược lớn của Việt Nam từ thụ động đối phó sang chủ động kiểm soát các xung đột. Căng thẳng cũng sẽ khiến cho Trung Quốc suy nghĩ kỹ hơn về các hành động của mình trong tương lai.

Vì vậy, làm thế nào để kiểm soát chủ động các căng thẳng hiện nay? Hay nói cách khác là làm thế nào để sự xuất hiện của các tàu hải quân không gây ra căng thẳng vượt tầm kiểm soát trên thực địa?

Trước hết, về mặt triển khai, tàu hộ vệ tên lửa mới được trang bị Gepard 3.9 của Hải quân cần xuất hiện với mật độ thường xuyên tại khu vực xung quanh dàn khoan. Khoảng cách hoạt động là vừa đủ để có thể theo dõi tình huống một cách sát sao, đồng thời khiến cho phía Trung Quốc nhận thấy được sự hiện diện khả dĩ của một lực lượng hải quân đủ sức đối phó với bất kỳ tình huống nào. Đi kèm với Gepard sẽ là các tàu tuần tra hạng nhẹ của Hải quân như là các lớp tàu Svetlyak hay TTP-400. Một biên đội hợp lý sẽ gồm một Gepard đi kèm với một hoặc hai tàu tuần tra. Đây là một sự xuất hiện hợp lý và mang tính răn đe phù hợp. Nhiệm vụ của biên đội tàu Hải quân này trước hết mang tính “hình thức”, giúp cân bằng lại lực lượng ở thực địa.

Thứ hai, đây sẽ là lực lượng sẵn sàng cơ động và phản ứng nhanh nhạy một khi có bất cứ sự gây hấn nào vượt tầm kiểm soát, áp dụng nguyên tắc “gây thiệt hại cho đối phương nhiều nhất có thể”. Bên cạnh biên đội tàu mặt nước thì các thủy phi cơ DHC-6 mới được trang bị cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc trinh sát và đáp trả lại các hành vi xâm phạm chủ quyền của các máy bay quân sự Trung Quốc.

Việc xuất hiện các tàu hải quân cũng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới hình ảnh về một Việt Nam yêu hòa bình và tuân thủ luật quốc tế nếu kết hợp chặt chẽ với các công cụ ngoại giao phù hợp. Hải quân Việt Nam không chỉ hoạt động tại các khu vực tranh chấp mà còn xuất hiện tại các khu vực khác, bảo vệ quyền tự do hàng hải và quyền đánh bắt cá hợp pháp của không những người Việt Nam mà của các nước khác trong khu vực. Điều này cần phải được định hướng như là một trong các chiến lược dài hơi của hải quân, khi mà diện tích của biển Đông là quá rộng lớn, mà trong đó bộ phận chủ quyền lãnh hải của Việt Nam là không hề nhỏ. Giải thích rõ ràng các động thái của Hải quân tới các nước khác sẽ là chìa khóa giúp hợp lý hóa việc triển khai này.

Trong dài hạn, Hải quân và Quân đội nói chung nên có nhiều hơn những biện pháp chủ động hơn. Các chiến lược nên được triển khai nhanh chóng và dứt khoát. Hiện tại, việc xuất hiện của Hải quân sẽ là bước đi cần thiết. Về mặt dài hạn, một chiến lược kiểm soát tổng thể dựa trên tác chiến phi đối xứng cần được thảo luận một cách kỹ càng hơn, đặc biệt trong bổi cảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng con bài “giàn khoan” nhằm gây sức ép với Việt Nam.

Nguyễn Thế Phương hiện là nghiên cứu viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TpHCM.