Philippines và Úc nên học cách Việt Nam ứng phó với TQ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Euan Graham,What the Philippines and Australia can learn from Vietnam about living with China”, The Interpreter, 05/10/2016.

Biên dịch: Phạm Nguyễn Anh Thư | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Mặc dù còn quá sớm để nhận định, nhưng Tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte ngày càng tỏ rõ ý định đảo ngược chính sách Biển Đông mạnh bạo và xu hướng thân Mỹ của người tiền nhiệm để  nghiêng về phía Trung Quốc.

Khuynh hướng quay ngoắt 180 độ trong lập trường của Philippines trong mối quan hệ với các cường quốc cho thấy nhiều yếu tố. Một là sự vắng mặt của một truyền thống chiến lược. Điều này thể hiện rõ ràng trong ưu tiên của ông Duterte đối với những thách thức trong nước so với an ninh bên ngoài, thậm chí kể cả khi đó là vấn đề liên quan tới sự xâm lấn chiến lược của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, một hành động vi phạm pháp luật đã bị phán quyết trọng tài The Hague cảnh báo rõ ràng. Hai là sự quan tâm quá mức của Philippines dành cho Mỹ, đồng minh quân sự của Manila. Việc này có hiệu ứng “bóp méo” thực tế, dù đó là theo lập trường ủng hộ hay phản đối liên minh.

Trong một hội thảo tôi tham dự gần đây, một đại biểu Philippines lập luận rằng chính sự ‘gần gũi’ về mặt địa lý đã buộc Manila phải thỏa hiệp hơn với Trung Quốc sau năm năm căng thẳng với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Về điểm này, Việt Nam lại cho thấy một bài học trái ngược, và không chỉ với Philippines.

Việt Nam có 1.200 km biên giới đất liền chung với Trung Quốc được phân định bằng các thỏa thuận chung. Chỉ cần một phần biên giới đất liền bị tranh chấp cũng tạo ra một cục diện khác cho mối quan hệ song phương. Mặc dù Việt Nam kết thúc chiến tranh biên giới năm 1979 với kết quả tốt hơn, khác với các quốc gia Đông Nam Á yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Hà Nội vẫn phải chịu đựng tình trạng dễ bị tấn công tăng cao. Nếu muốn, Bắc Kinh có thể triển khai lực lượng ở biên giới để gây áp lực với Hà Nội trong một cuộc khủng hoảng. Lực lượng không quân của Trung Quốc cũng không còn như thời năm 1979. Tỉnh Hải Nam, nơi tập trung rất nhiều vũ khí hải quân và không quân tân tiến của Trung Quốc, đe dọa bờ biển miền Bắc Việt Nam theo một hình thế bán bao vây. Hà Nội cách biên giới Trung Quốc 173km – gần tương đương khoảng cách từ Canberra tới Bowral – và có thể ngay lập tức bị đe dọa nếu những căng thẳng thù địch giữa hai bên bùng nổ.

Nếu như khoảng cách địa lý là nhân tố quyết định thì Việt Nam đáng lẽ phải khúm núm trước Trung Quốc hơn bây giờ. Thay vào đó, quốc gia này đã thể hiện khả năng chấp nhận rủi ro chiến lược rất cao, trong đó có quãng thời gian đối đầu với Trung Quốc do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng nước tranh chấp hồi năm 2014. Việt Nam lựa chọn leo thang trong vụ việc đó bằng cách huy động lực lượng biển khiêm tốn của mình để chống lại giàn khoan cùng lực lượng đi kèm của Trung Quốc trong hơn hai tháng, suốt thời gian mà nguy cơ va chạm và đối đầu luôn thường trực. Cuối cùng, Trung Quốc đã rút lui.

Trong một cuộc xung đột toàn diện, lực lượng vũ trang của Việt Nam khó có cơ hội thắng được lực lượng Giải phóng quân (PLA) của Trung Quốc. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn hướng nguồn lực hiếm hoi vào việc mua sắm vũ trang cho hải quân và không quân trong những năm gần đây, mang lại cho lực lượng hải quân và không quân năng lực sắc bén hơn với mục đích thiết lập một mức độ răn đe phòng vệ khả tín bằng vũ khí thông thường. Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới. Lực lượng cảnh sát biển cũng được mở rộng, nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài như trường hợp của Philippines.

Việc tăng cường năng lực đầy tham vọng này được thực hiện dù ngân sách chi cho quốc phòng của Việt Nam chỉ xấp xỉ Malaysia và nhỉnh hơn Philippines một chút. Tuy nhiên, xét về phương diện năng lực thì hai nước kia không thể sánh bằng: lực lượng không quân của Philippines gần đây mới đưa vào sử dụng lại máy bay chiến đấu sau một thời gian dài không sử dụng, trong khi đó tàu chiến tiền tuyến của hải quân nước này là một tàu Tuần duyên do Mỹ tặng được đóng trong Chiến tranh Việt Nam và được sửa chữa lại. Duterte muốn đảo ngược xu hướng hiện đại hóa hướng tới phòng vệ chống lại nước ngoài vốn đã bị bỏ bê từ lâu này, thay vào đó tái nhấn mạnh việc chống nổi dậy trong nước như một chức năng cơ bản của lực lượng vũ trang.

Ngoài giá trị răn đe làm tăng chi phí quân sự cho Trung Quốc (nếu Trung Quốc gây hấn với Việt Nam), Việt Nam cũng hiểu được sự tác động lẫn nhau phức tạp giữa sức mạnh quân sự và ngoại giao. Điều này bao gồm cả các khía cạnh tâm lý, trên tất cả là khả năng hành động độc lập biểu hiện ở năng lực quốc phòng luôn ở trạng thái sẵn sàng cao.

Kho vũ khí quốc phòng của Việt Nam bao gồm ra-đa của Israel, tên lửa đất đối không S-300 của Nga, máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30MK2, và tàu ngầm Kilo có trang bị tên lửa tấn công đất liền. Điều này giống với một phiên bản tuy tiết kiệm nhưng vẫn đầy sức mạnh của chính sách ‘chống tiếp cận’ và chống thâm nhập vùng biển của Trung Quốc đối với Mỹ.

Hà Nội còn tránh tâm lý bấp bênh hơn nữa bằng cách duy trì các mối quan hệ quốc tế theo chiều sâu, tránh phụ thuộc vào một đồng minh đơn lẻ, và đảm bảo rằng luôn có phương án thay thế khi một đối tác chiến lược toàn diện như Nga tỏ ra không đáng tin cậy. Việc phát triển các mối quan hệ chiến lược theo chiều rộng, một đặc tính có ở cả Hà Nội và Singapore, vượt ra ngoài lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao. Việt Nam luôn có ý thức theo đuổi các đối tác kinh tế đa dạng, tranh thủ đầu tư từ một nền tảng đối tác lớn và các thỏa thuận ‘chiến lược’ như  Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương để cân bằng lại sự phụ thuộc về thương mại vào Trung Quốc. Hà Nội theo dõi sát sao vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông, gợi ý rằng nước này sẽ khởi động tiến trình pháp lý của mình nếu bị ép quá mức.

Lịch sử thấm vào hành vi chiến lược của Việt Nam một cách tự nhiên, không đơn giản theo nghĩa ký ức của người dân về sự đối kháng và cuối cùng là chiến thắng những cường quốc vượt trội hơn nhiều về mặt vật chất trong các cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, và trong một phần lớn lịch sử độc lập của Việt Nam, là với Trung Quốc. Những cuộc đấu tranh này định hình cách Việt Nam tính toán những rủi ro chiến lược và chấp nhận chúng. Liên hệ với những hi sinh trong quá khứ, sự mạo hiểm của việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông có vẻ như là điều có thể chấp nhận được. Theo trực giác, Hà Nội hiểu được rằng một cách tiếp cận mà chỉ đơn thuần dựa vào việc né tránh mâu thuẫn và tránh leo thang với Trung Quốc tất yếu sẽ thất bại.

Con bài thật sự của Việt Nam nằm ở việc thể hiện rằng hoàn toàn có thể có một cách tiếp cận rõ ràng, mạch lạc với Trung Quốc, trong đó kết hợp sự đấu tranh, với các cuộc đối đầu, với sự can dự chính trị được duy trì liên tục. Đường dây nóng có thể không được trả lời; và các phái viên đôi khi bị lạnh nhạt. Nhưng những kênh khác, bao gồm kênh Đảng, vẫn được duy trì trong một mối quan hệ phức tạp vốn tôn trọng sự cùng tồn tại, dù miễn cưỡng, bất chấp những căng thẳng, tranh cãi và mất niềm tin chiến lược ở Biển Đông. Kẻ thù có thể được tha thứ nhưng láng giềng thì không thể thay đổi.

Việt Nam và Philippines đến từ những văn hóa và truyền thống khác nhau, nhưng khi Manila đang tròng trành giữa các cường quốc nhằm tìm kiếm một chính sách đối ngoại ‘độc lập’, thì nước này nên nhìn vào đối tác chiến lược của mình ở bên kia bờ Biển Đông để có những bài học tinh tường về những thực tế của sự tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia dù nằm ngay sát sườn rủi ro chiến lược. Thậm chí ngay cả Australia xa xôi, vốn đang cảm thấy những áp lực từ cuộc cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng trực diện hơn và có xu hướng xem xét mọi việc qua lăng kính liên minh, cũng có thể học tập Việt Nam trong cách quản lý một mối quan hệ đa chiều với Bắc Kinh, trong đó bao gồm cả sự hợp tác và cạnh tranh.