#198 – Nguồn gốc và cách thức vận dụng sức mạnh tiền tệ

this_one_142662286

Nguồn: Alan Wheatley (2013). “Chapter one: The origins and use of currency power”, Adelphi Series, 53:439, pp. 17-44.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Linh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Khía cạnh kinh tế chính trị của quan hệ tiền tệ quốc tế

“Các cường quốc đều có những đồng tiền vĩ đại”

                                                                   Robert Mundell

Khả năng triển khai sức mạnh về quân sự, kinh tế và tiền tệ là một đặc điểm tiêu biểu của những quốc gia hàng đầu. Mỗi một khía cạnh của sức mạnh đều tăng cường cho những khía cạnh còn lại. Chẳng phải ngẫu nhiên khi mà khoảng 150 năm trở lại đây, đất nước nào có đồng tiền thống trị thế giới cũng là quốc gia có lực lượng hải quân hùng hậu nhất. Ở thời điểm đỉnh cao của quyền lực bá chủ, nước Anh sẵn sàng cử các đội tàu chiến đi gom nợ và bảo vệ các quyền lợi thương mại của mình, một thực tế kéo dài cho đến tận thế kỉ 20.[1]

Những tháng ngày ấy đã qua đi, nhưng sức mạnh quân sự và tiền tệ vẫn là một phần trong kho vũ khí của quốc gia bá chủ. Giờ đây, quốc gia ấy là Hoa Kỳ. Bằng việc phát hành những đồng dollar, Hoa Kỳ có được những khoản chi phí đi vay thấp hơn đáng kể, giúp củng cố cho nền kinh tế lớn nhất hành tinh, và dễ dàng hơn trong việc trang trải cho lực lượng vũ trang cũng là hùng mạnh nhất thế giới. Sự kết hợp giữa kinh tế và quân sự này, đến lượt nó lại có tác động trở lại đồng dollar, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với các Ngân hàng Trung ương và nhà đầu tư trên khắp thế giới đang kiếm tìm một nơi trú ẩn an toàn cho đồng tiền của mình.

Khả năng huy động các nguồn lực trong một tình huống khẩn cấp thông qua một đồng tiền dự trữ rốt cuộc phụ thuộc vào uy tín tín dụng của Chính phủ phát hành. Đồng dollar sẽ không thể được chấp nhận một cách rộng rãi như hiện nay nếu như hơn hai thế kỷ qua Hoa Kỳ không xây dựng được một hồ sơ tín dụng vững chắc, từ thời Alexander Hamilton nhất quyết cho rằng Nhà nước cộng hòa non trẻ cần phải tôn trọng cam kết thanh toán các khoản nợ vay từ công dân của các quốc gia đang có chiến tranh với Mỹ.

Uy tín tín dụng vượt trội của nước Anh là một thứ vũ khí chiến lược trong cuộc Chiến tranh Bán đảo (Peninsular War) chống lại nước Pháp (1808-14). Theo như lời của Peter Garber ở Ngân hàng Đức (Deutsche Bank), quân đội của tướng Wellington có thể đảm bảo những nhu cầu tại chỗ bằng cách chi trả bằng giấy bạc của Ngân hàng Anh, loại tiền luôn sẵn sàng được chấp nhận, hoặc bằng những chi phiếu của quân đội. Trái lại, đội quân của Napoleon phải chi trả bằng vàng – hoặc đơn giản là vơ vét lấy những gì họ cần – bởi vì người Tây Ban Nha không tin tưởng vào tiền giấy của Pháp. Tương tự, uy tín tín dụng cao của người Hà Lan cũng đóng góp đáng kể vào chiến thắng của họ trong cuộc chiến giành độc lập từ tay người Tây Ban Nha: “Họ luôn luôn có thể sử dụng tín dụng của mình để mua lấy những đội quân đánh thuê, ròng rã từ năm này sang năm khác để chống lại người Tây Ban Nha chẳng hề có tín dụng. Tất cả những gì người Tây Ban Nha có được chỉ là khả năng tiếp cận những mỏ vàng ở Tân thế giới.” [2]

Ngày nay, những quyền lực dành cho Hoa Kỳ đến từ đồng dollar có thể được tập hợp lại dưới hai điểm chính sau.[3] Thứ nhất, Hoa Kỳ có sức mạnh để trì hoãn hoặc làm chệch đi những điều chỉnh trong cán cân thanh toán của mình để có thể tận hưởng cả “súng và bơ” trong một giai đoạn kéo dài thay vì phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa giảm chi tiêu quốc phòng và giảm tiêu dùng nội địa. Vì cầu đối với đồng dollar là rất lớn, do vậy Hoa Kỳ có thể tài trợ cho những khoản thâm hụt khổng lồ trong tài khoản vãng lai của mình – là tài khoản lớn nhất đo lường thương mại hàng hóa và dịch vụ và các khoản giao dịch vãng lai khác như thu nhập từ đầu tư. Bất kỳ quốc gia nào khác chìm sâu trong nợ nần chắc chắn sẽ bị ép buộc, bởi những áp lực từ phía thị trường tài chính, phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, hoặc thậm chí phải xoay sang cầu cứu gói cứu trợ tài chính của IMF. Đây chính là số mệnh của Hy Lạp và các quốc gia khác ở vùng ngoại vi của khu vực đồng euro. Đó cũng là nỗi sỉ nhục mà nước Anh phải chịu đựng vào năm 1976, khi nó bị Hoa Kỳ thay thế trong vai trò là đồng tiền dự trữ chủ đạo kể từ sau Thế chiến thứ nhất. Song Hoa Kỳ đến nay vẫn có thể duy trì khoản ngân sách lớn nhất thế giới dành cho quốc phòng trong khi vẫn bình thản duy trì một khoản thâm hụt tài khoản vãng lai lớn do tiêu dùng nội địa cao (dẫn tới nhập khẩu nhiều – NBT). Hoa Kỳ có sức mạnh để chuyển hướng các áp lực điều chỉnh kinh tế lên các nước khác, kể cả các đồng minh của nó. Đức và Nhật Bản thực tế đã bị Hoa Kỳ áp chế phải gánh phần áp lực thay cho Washington như sẽ được giải thích ở phần sau của chương này.

Thứ hai, đồng dollar trao cho nước Mỹ sức mạnh trong việc thuyết phục và ép buộc. Ví dụ, không quốc gia nào có thể sử dụng đồng tiền của mình để gây được ảnh hưởng tương tự như nước Mỹ đã làm ở Afghanistan. Liệu những người trong bộ lạc địa phương có thể được mua chuộc bằng đồng franc Thụy Sĩ hay không? Họ chắc chắn sẽ không chấp nhận đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, một đồng tiền không thể chuyển đổi. Nhưng tất cả mọi người sẽ chấp nhận đồng dollar. Trong khi các Chính phủ khác nắm giữ lượng lớn dollar mà họ có thể huy động được, thì lại chỉ có duy nhất một Chính phủ kiểm soát việc in ấn đồng tiền này.

Và, nếu như tất cả các biện pháp khác đều thất bại, thì nước Mỹ vẫn còn sức mạnh cưỡng ép. Vì dollar là đồng tiền giao dịch phổ biến, và tất cả các khoản chi trả bằng đồng dollar cuối cùng cũng đều phải chuyển qua Cục Dự trữ Liên bang, cho nên Hoa Kỳ có thể đe dọa cắt đứt quan hệ với bất kỳ định chế tài chính nào giao dịch với một chế độ đang chịu trừng phạt quốc tế do Mỹ điều khiển.

Các đồng minh cũng bị tác động

Điều đáng chú ý trong giai đoạn gần đây là khả năng sẵn sàng triển khai quyền lực tiền tệ của nước Mỹ, và sức ảnh hưởng mà nó có được lên các đồng tiền khác, chống lại cả những đồng minh cũng như kẻ thù của nó. Năm 1956, liên quân Anh-Pháp tấn công Ai Cập nhằm giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Suez, một con đường chở dầu huyết mạch, nhưng đã bị Tổng thống Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa. Hoa Kỳ đã gây áp lực dữ dội lên nước Anh, khi đó đang có đồng bảng Anh bị bán tháo và nguy cơ bị cấm vận từ các nước xuất khẩu dầu mỏ Ả rập, qua đó buộc Anh phải rút quân. Tổng thống Dwight D.Eisenhower đã bác bỏ đề nghị vay một khoản vay khẩn cấp từ IMF của Luân Đôn và sau đó chuyển một tối hậu thư cho Thủ tướng Anthony Eden: nước Anh hoặc phải rút lui, hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả tài chính, bao gồm cả việc bán tháo các trái phiếu của Anh mà Mỹ đang nắm giữ. Với khoản dự trữ ngoại hối đang ở mức thấp đáng báo động, nước Anh giận dữ tuyên bố rằng nước này đang bị tống tiền. Nhưng cuộc chơi vẫn tiếp diễn. Đối mặt với hạn chót phải ngừng bắn vào lúc nửa đêm, Thủ tướng Eden đã phải chịu khuất phục vào 5h chiều. Sức mạnh tiền tệ đã thắng thế.[4]

Năm 1944, Hoa Kỳ cũng đã vận dụng mềm dẻo sức mạnh tài chính của mình trong các cuộc đàm phán ở hội nghị Bretton Woods về việc thiết kế nên một trật tự tiền tệ toàn cầu thời hậu chiến. Tất cả đi đến thống nhất rằng tỷ giá hối đoái sẽ được neo giữ vào đồng dollar, đồng tiền có thể chuyển đổi sang vàng theo nhu cầu. Cho đến cuối thập niên 1960, với thâm hụt cán cân thanh toán ngày càng mở rộng và lạm phát leo thang do chiến tranh Việt Nam, hệ thống Bretton Woods đến bên bờ vực sụp đổ. Tướng De Gaulle phẫn nộ với những “đặc quyền quá đáng” mà nước Mỹ giành được từ hệ thống này, vốn không áp đặt kỷ luật lên đồng tiền chủ chốt của hệ thống. Chỉ có nước Mỹ mới có thể tài trợ cho thâm hụt của mình bằng chính đồng tiền giấy của nó, tạo điều kiện thuận lợi cho Washington theo đuổi các mục tiêu trong chính sách ngoại giao, và trao cho các công ty Hoa Kỳ nguồn sức mạnh để mở rộng mạnh mẽ thị phần ở châu Âu. Nước Pháp không vừa ý bắt đầu đổi từ tiền mặt dollar sang vàng. Lo sợ kho dự trữ vàng của mình sẽ bị cạn kiệt, Hoa Kỳ sau đó đã gây “áp lực chính trị đặc biệt”[5] và giành được một lời hứa bằng văn bản của Karl Blessing, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), vào tháng 3 năm 1967 rằng Ngân hàng Trung ương Đức sẽ không đổi dollar sang vàng với khối lượng lớn.[6] Dự trữ dollar được tích lũy một phần do chi tiêu quân sự thời Chiến tranh Lạnh ở Châu Âu. Tây Đức lo sợ một cuộc bán tháo đồng dollar sẽ khiến Mỹ chuyển quân (đồn trú ở châu Âu) về nước để cân bằng cán cân thanh toán của mình. Về phần mình, giới cầm quyền Mỹ e ngại rằng việc rút quân có thể khuyến khích Tây Đức phát triển vũ khí hạt nhân, qua đó khơi mào cho các phản ứng thù địch từ phía Liên Xô. Chính trị tiền tệ và chiến lược quân sự đã gắn bó mật thiết với nhau: chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ ở thời điểm đó xoay quanh các vấn đề an ninh ở Châu Âu.[7]

Paul Volcker, một quan chức cấp cao ở Bộ Tài chính Hoa Kỳ, sau này trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, cho biết các Tổng thống Lyndon B.Johnson và Richard Nixon không muốn chấp nhận rằng những lựa chọn quân sự của họ bị giới hạn bởi sự suy yếu của đồng dollar:

Hãy cân nhắc vấn đề duy trì lực lượng quân đội ở Đức và Nhật Bản. Sẽ là đơn giản hóa quá mức nếu quy tất cả lạivào một phép tính rằng bao nhiêu sư đoàn của Mỹ ở nước ngoài thì ứng với bao nhiêu lượng vàng phải bỏ ra. Nhưng những người đứng trên phương diện tài chính của chúng ta chắc chắn sẽ nghĩ rằng sự ổn định và sức mạnh đồng tiền của chúng ta là tối quan trọng đối với việc duy trì vai trò rộng lớn của nước Mỹ trên thế giới, và rằng sự cân nhắc kỹ lưỡng về điều đó cần phải được đưa vào cán cân của việc ra quyết định.[8]

Sau cú sốc giá dầu đầu tiên vào năm 1973, Hoa Kỳ đã làm rõ với các đồng minh của mình, đặc biệt là Đức và Nhật Bản, rằng đồng dollar sẽ được phép giảm giá trừ phi các nước này vực dậy được nền kinh tế của mình. Như John Connally, Bộ trưởng Tài chính thời Nixon, nêu lên, “Dollar là đồng tiền của chúng tôi, nhưng là vấn đề của các anh”.[9] Bị thôi thúc bởi lợi ích an ninh và kinh tế riêng khi phải đối mặt với việc đồng dollar đang suy sụp,tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bonn vào năm 1978, họ đã nhất trí đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu thông qua việc kích cầu. Thủ tướng Đức Helmut Schmidt sau đó cay đắng hối hận vì đã chịu khuất phục trước áp lực từ phía Hoa Kỳ, khi mà cú sốc giá dầu lần thứ hai sau đó mấy tháng đã khuếch trương tác động gây lạm phát của chính sách tiền tệ mở rộng của Đức. Schmidt đã thất bại trong việc tái đắc cử.[10]

Sức mạnh nhằm trì hoãn những điều chỉnh trong cán cân thanh toán, hoặc chuyển hướng chúng sang các quốc gia khác, là một đặc tính quan trọng khác của đồng tiền dự trữ. Quyền tự chủ về mặt chính sách này lại được thể hiện một lần nữa trong bản hiệp định được kí tại Khách sạn Plaza (New York) vào tháng 9 năm 1985 và sau đó nữa. Lo sợ rằng khoản thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục đang thổi bùng áp lực bảo hộ trong Quốc hội, Mỹ đã thuyết phục Đức, Nhật Bản, Anh và Pháp bán bớt dollar trên các thị trường ngoại hối để đồng tiền của họ tăng giá (bản thân Mỹ cũng can thiệp mạnh vào các thị trường này). Thông qua việc thống nhất điều chỉnh đồng dollar vốn được nhất trí là bị định giá quá cao, Hiệp định Plaza là một thành công trong việc phối hợp chính sách quốc tế. Song, gánh nặng của những điều chỉnh chính sách kinh tế nội địa đi kèm lại đổ dồn hết lên vai các đối tác của Hoa Kỳ. Khi thâm hụt vãng lai của Hoa Kỳ vẫn không giảm, Washington đã sử dụng vũ khí tỷ giá hối đoái thêm một lần nữa: Bộ trưởng Tài chính Mỹ James Baker đe dọa sẽ tiếp tục giảm giá đồng dollar trừ phi Đức và Nhật Bản kích cầu nhằm giúp tăng xuất khẩu của Mỹ. Mâu thuẫn với Đức trở nên nghiêm trọng đến mức trở thành một nhân tố dẫn tới sự đổ vỡ thị trường chứng khoán vào Ngày thứ hai đen tối năm 1987.[11] Về phần mình, lợi ích của Nhật Bản từ lâu đã phụ thuộc vào những lợi ích của Mỹ, trước đây là quốc gia chiếm đóng và bây giờ là nhà bảo hộ quân sự của Nhật. E sợ làm mếch lòng Washington, Nhật Bản không bao giờ dám đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ để thoát khỏi đồng dollar. Song, ngay cả đến Tokyo cũng tức giận khi Mỹ không giữ lời hứa trong Hiệp định Plaza và không chịu làm gì hơn để cắt giảm thâm hụt. Toyoo Gyohten, một quan chức cấp cao của Nhật Bản, người đã có kinh nghiệm hàng thập kỷ trong việc hoạch định chính sách tiền tệ quốc tế, nhớ lại rằng:

Về phía Mỹ, các nhà hoạch định chính sách tin rằng cách tốt nhất và duy nhất để đối phó với Nhật Bản là áp đặt áp lực; họ thường sử dụng việc đe dọa đồng dollar giảm giá và mối nguy từ chủ nghĩa bảo hộ, trong khi lại quên mất rằng một phần của vấn đề nằm trong chính sự thất bại của Mỹ trong việc làm những gì cần thiết để khắc phục tình trạng thâm hụt tài khóa của mình.[12]

Nhưng rồi qua thời gian, đồng dollar vẫn giảm giá. Trong khi đó, đồng mark Đức và yên Nhật đã tăng giá gấp đôi chỉ trong vòng hai năm. Ngân hàng Trung ương Nhật tìm cách chống đỡ đà giảm phát bằng cách tích cực thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, dẫn tới khuếch đại bong bóng bất động sản và giá cổ phiếu vốn tan vỡ vào đầu thập niên 1990, dẫn tới hai thập kỷ khốn đốn của tăng trưởng thấp và giảm phát.

“Một khoản thâm hụt không có nước mắt”

Sự bùng nổ rồi suy thoái của Nhật Bản chỉ là một trong rất nhiều chương của sự bất ổn vốn liên tiếp diễn ra kể từ sự đổ vỡ của hệ thống bản vị vàng Bretton Woods vào đầu những năm 1970, bao gồm những cơn khủng hoảng nợ công ở Mỹ Latinh đầu thập niên 1980; sự sụp đổ hệ thống quỹ tín dụng (savings-and-loan banks) của Mỹ cuối thập niên 1980; khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997; vụ vỡ nợ của Nga một năm sau đó; cuộc đổ bể của các chứng khoán dotcom năm 2000; và lên đến đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Nhưng, xuyên suốt thời kì bất ổn, địa vị đồng tiền dự trữ của đồng dollar bị thử thách song không bị lật đổ. Dù tỉ lệ của đồng dollar trong các khoản nắm giữ dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm từ 70% ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ,[13] xuống còn 62% tính đến giữa năm 2013, song nó vẫn duy trì ổn định ở trên mức thấp là 45% vào năm 1990 –thời điểm khi mà đồng mark Đức và yên Nhật đạt mức cực đại trong dự trữ toàn cầu, tương ứng là 20% và 9%. Nếu vai trò tài sản dự trữ của đồng dollar giảm sút trong dài hạn, thì những bằng chứng ủng hộ là chưa đủ sức thuyết phục.[14]

Đôi khi cũng có những năm khủng hoảng. Năm 1978, đồng dollar suy yếu đến mức mà Mỹ phải phát hành trái phiếu bằng đồng mark và yên, chịu chấp nhận rủi ro tiền tệ thay vì đẩy nó cho những nước khác. Mỹ đã không trông cậy vào một gói cứu trợ tài chính tiêu chuẩn của IMF, nhưng nó vẫn phải vay khoảng 3 tỷ USD từ IMF bằng đồng mark Đức và yên Nhật để trợ giúp cho đồng dollar, đồng tiền mà IMF xem như đã suy yếu đến mức mà nó không thể đảm đương được vai trò của mình.[15] Tuy nhiên, nhìn chung Hoa Kỳ vẫn có thể thu hút dòng tiền tư nhân từ nước ngoài một cách dễ dàng nhằm chi trả cho khoản thâm hụt cán cân vãng lai của mình. Vì các chủ nợ của Mỹ hân hoan rót các dòng tiền dollar thu được từ hoạt động xuất khẩu đầu tư ngược trở lại vào Mỹ, điều này thực sự là một “khoản thâm hụt không có nước mắt” như chuyên gia tư vấn kinh tế Jaques Rueff  của Tổng thống Charles de Gaulle từng than thở:

Quốc gia với đồng tiền chủ chốt do vậy luôn ở trong trạng thái phồn vinh giả hiệu vì nó không bao giờ phải trả hết các khoản nợ quốc tế của mình. Số tiền mà nó trả cho các chủ nợ nước ngoài lại quay trở về túi của nó, giống như một chiếc boomerang vậy. Chính vì thế, sự vận hành của hệ thống tiền tệ quốc tế giống như một trò trẻ con mà ở đó, sau mỗi vòng chơi, người chiến thắng lại trả lại những viên bi ve cho kẻ thua cuộc.[16]

Lực hút nam châm của đồng dollar

Theo định nghĩa, những người nắm giữ một đồng tiền dự trữ có thể cần phải bán nó thật nhanh khi khủng hoảng diễn ra. Thị trường trái phiếu, cổ phiếu và các sản phẩm phái sinh ở Mỹ là không có đối thủ cả về chiều sâu và tính thanh khoản. Các Ngân hàng trung ương và các tổ chức đầu tư lớn biết rằng họ có thể bán hàng tỷ dollar trái phiếu và hối phiếu của bộ Tài chính Hoa Kỳ mà không sợ giá cả sụt giảm. Quan trọng là, các nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường đồng dollar Mỹ. Lòng tin là một đặc điểm quan trọng, dù là vô hình, của đồng tiền dự trữ, điều này được xây đắp trong suốt hàng thập kỷ, khi mà các quy tắc và thiết chế được phát triển để đảm bảo rằng thị trường không bị thao túng, các hợp đồng được đảm bảo thực thi bởi các tòa án không thiên vị và các quyền sở hữu được tôn trọng.

Việc liệu các nhà quản lí tiền tệ có đúng khi dành quá nhiều lòng tin vào nước Mỹ hay không thì lại là một vấn đề khác. Rốt cuộc, Hoa Kỳ đã phá giá đồng dollar hai lần chỉ trong vòng 14 tháng vào các năm 1971 và 1973, và nguy cơ vỡ nợ lại có thể hiện diện nếu như Quốc hội cản trở việc tăng trần nợ công mà Chính phủ có thể phát hành. Khi cuộc đối đầu xoay quanh trần nợ công của Mỹ kéo dài vào tháng 10 năm 2013, Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ nhất, đã bày tỏ quan ngại của họ một cách công khai. Các nhà hoạch định chính sách cao cấp của Châu Âu cảnh báo rằng tính bất ổn của ngân sách đe dọa địa vị đồng tiền dự trữ của đồng dollar, tương tự như các tổ chức xếp hạng tín dụng đã cảnh báo, và Tổng thống Obama thừa nhận rằng “cảnh tượng trước mặt” đang làm xói mòn uy tín của Hoa Kỳ.[17]

Hơn nữa, Chính phủ Mỹ thi thoảng đóng băng hoặc tịch thu các tài sản của những chính phủ không thân thiện. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài trực thuộc Bộ Tài chính chính thức được thành lập vào năm 1950 sau khi Trung Quốc tham gia vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên; Tổng thống Harry Truman đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và phong tỏa mọi tài sản của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ. Gần đây hơn, Iran, Iraq và Panama là những mục tiêu của chính sách cưỡng bức kinh tế của Mỹ. Như Peter Garber đã nhận định: “Có một sự thật gây tò mò rằng Hoa Kỳ kể từ Thế chiến thứ hai đã chiếm đoạt tài sản dự trữ của rất nhiều quốc gia – một cách nhất quán, ổn định, và thường xuyên – nhưng vẫn luôn có một lực cầu không thể thỏa mãn đối với tài sản của nước Mỹ, coi chúng như thể một đồng tiền dự trữ”.[18]

Mối liên kết an ninh

Hàng nghìn tỷ dollar đổ vào các trái phiếu kho bạc và các tài sản khác của Mỹ được tạo ra phần lớn bởi thặng dư thương mại từ các nước châu Á và các nước sản xuất dầu Vùng Vịnh. Những thặng dư này mang tính cơ cấu – tức nó không phải là kết cục của chu kỳ kinh doanh – và phải được tái quay vòng theo một cách nào đó. Để củng cố sức hấp dẫn tài chính của mình, Hoa Kỳ cung cấp một sự đảm bảo tối đa cho những nhà quản lí dự trữ e ngại rủi ro: đó là sự bảo vệ quân sự. Các nhà đầu tư thận trọng có thể yên tâm rằng, không giống với Tây Đức trong suốt Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ hầu như sẽ không bao giờ bị xâm lược. Chẳng phải ngẫu nhiên khi mà trước lúc Bức tường Berlin sụp đổ, bất kì một tín hiệu xâm lược nào từ phía Liên Xô hoặc bất ổn ở Đông Âu cũng có thể thôi thúc các nhà kinh doanh ngoại hối bán tháo đồng mark Đức và tìm chốn trú ẩn an toàn nơi đồng dollar. Về phía mình, các chính phủ thân cận có thể tính toán rằng, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, họ có cơ hội lớn hơn được nằm dưới sự che chở quân sự của Mỹ nếu như họ nắm giữ thật nhiều các khoản nợ của nước này. Điều này buộc một vài chính phủ, đặc biệt là các nước nằm dưới ô quân sự của Mỹ, phải trả một khoản “thuế an ninh” (security tax), bằng cách mua các trái phiếu Mỹ với mức lợi tức thấp hơn so với mua ở những nơi khác. Nói tóm lại, những người quản lý dự trữ thường bị cuốn hút bởi đồng dollar vì những lý do nằm ngoài các lợi ích tài chính.[19]

Với các quốc gia sản xuất dầu vùng Vịnh, mối liên kết an ninh – tiền tệ này là đặc biệt quan trọng. Tất cả các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, ngoại trừ Kuwait mới gia nhập năm 2007, đều gắn đồng tiền của họ với đồng dollar. Tất cả các nước đều có các căn cứ quân sự của Mỹ. Đặc biệt, Ả-rập Saudi có mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ kể từ Thế chiến thứ hai. Hoa Kỳ mua dầu từ Ả-rập Saudi nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Canada.[20] Đổi lại, Riyadh dành hàng tỷ dollar mỗi năm để mua sắm các vũ khí tiên tiến của Hoa Kỳ, điều mang lại cho giới chức Saudi đặc quyền tiếp cận với giới hoạch định chính sách cấp cao của nước Mỹ.

Những cân nhắc về mặt an ninh cũng chi phối việc quản lý dự trữ ở một số vùng của Châu Á, nơi mà Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan nằm dưới sự che chở về ngoại giao và quân sự của Mỹ. Ngay cả khi không có sự bù đắp nào rõ ràng, thì cũng thật khó để tưởng tượng rằng các nước này sẽ hủy hoại mối quan hệ với Mỹ bằng cách bỏ rơi đồng dollar. Sự đa dạng hóa hạn chế sang các đồng tiền khác là điều dễ hiểu, song ví dụ như việc Nhật đe dọa công khai sẽ bán trái phiếu Mỹ vào năm 1998, được Yuriko Koike nhắc lại trong chương sau của tài liệu này, đã không tái diễn.

Một lần nữa, quá trình này mang tính tự củng cố. Chính vì địa vị toàn cầu của đồng dollar tăng thêm cho nước Mỹ cả những sức mạnh lẫn sức mạnh mềm, “sự tự chủ về tiền tệ…có thể tạo điều kiện thuận lợi để chống lại những áp lực chính trị hoặc quân sự từ bên ngoài.”[21] Do đó, sự ủng hộ cho đồng dollar càng gia tăng sức mạnh cho chiếc ô an ninh Hoa Kỳ, một trong những sức hút của đồng tiền này.

Tuy nhiên, cần phải thiết lập được tiêu chuẩn. Nước Mỹ cần kiểm soát khu vực tài chính công của mình để duy trì được lòng tin với các chủ nợ. Chính quyền Mỹ đang dựa vào “cổ tức hòa bình” (peace dividend) để cắt giảm khoản thâm hụt sau khi rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Cùng lúc đó, có lẽ cần phải đảo ngược các khoản cắt giảm khi đối mặt với những nguy cơ mới. Nếu một ngày Hoa Kỳ không còn là vị cảnh sát của thế giới, “thì các nước sẽ không còn niềm khao khát như trước đối với trái phiếu của nó nữa.”[22]

Do đó, vai trò đầu tàu quân sự và kinh tế bổ sung cho nhau. Adam Posen, giám đốc của Học viện Kinh tế học quốc tế Peterson, đồng ý rằng:

Vấn đề không chỉ là nếu như Hoa Kỳ mất đi vai trò thống trị của đồng tiền dự trữ, các hoạt động quân sự sẽ trở nên tốn kém hơn. Tuy nhiên, những phiêu lưu quân sự lớn của Mỹ cũng sẽ làm xói mòn sự sẵn sàng tin tưởng vào đồng dollar của các quốc gia khác, và vì thế, sẽ tạo ra một vòng xoáy phản hồi tiêu cực giữa các năng lực kinh tế và an ninh.[23]

Vì vậy sức hấp dẫn lâu dài của đồng dollar nói lên được nhiều điều khi vị thế toàn cầu của đồng tiền này đã không thể bị phai mờ bất chấp những gì mà nhiều người coi là hai cuộc phiêu lưu đầy trắc trở ở Iraq và Afghanistan.

Mô hình Châu Á

Quyền lực mềm

Lợi ích từ sự phổ biến của đồng dollar

Cuộc đại khủng hoảng tài chính

Sự khai sinh ra một trật tự mới?

Những khoản nợ của Mỹ liệu có an toàn?

Từ đồng bảng tới đồng dollar

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Nguon goc va cach thuc van dung suc manh tien te.pdf

————–

[1] Dưới sự chỉ đạo của những người nắm giữ trái phiếu, Anh quốc, cùng hành động với nước Đức, đã áp đặt một lệnh phong tỏa quân sự lên Venezuela từ tháng 12/1902 đến tháng 2/1903. Nước Anh khi đó cũng là thành viên của một liên minh đã vượt biển vào năm 1923 để bảo vệ những người thu nợ ở Quảng Đông.

[2]“The Geopolitical Impact of Internationalization of a Large Currency”, bài thuyết trình của Peter Garber tại trường đại học California San Diego, mùng 8/6/2012, có thể tham khảo tại vimeo.com/44338726.

[3]  Sự phân loại này chủ yếu dựa theo Benjamin J.Cohen, “The Macrofoundations of Monetary Power”, trong David M.Andrews (biên tập), “International Monetary Power” (Ithaca, NY: Nhà xuất bản đại học Cornell, 2006), trang 31-50.

[4] David M.Andrews, “Monetary Power and Monetary Statecraft”, trong David M.Andrews (biên tập), “International Monetary Power”, trang 7; Barry Eichengreen, “Exorbitant Privilege: The Rise and Fall of the Dollar and the Future of  the International Monetary System” (New York: nhà xuất bản Oxford, 2011), trang 154-59.

[5] Francis Gavin, “Ideas, Power and the Politics of  US International Monetary Policy during the 1960s”, trong Jonathan Kirshner (biên tập), “Monetary Orders: Ambiguous Economics, Ubiquitous Politics” (Ithaca, NY: nhà xuất bản đại học Cornell, 2003), trang 196.

[6] Xem http://www.bundesbank.de/Redaktion/EN/Standardartikel/Topics/2013_01_18_blessing_ letter.html

[7] Gavin, ‘Ideas, Power, and the Politics of U.S. International Monetary Policy during the 1960s’, in Kirshner (ed.), Monetary Orders, p. 217.

[8] Paul Volcker and Toyoo Gyohten, Changing Fortunes: The World’s Money and the Threat to American Leadership (New York: Random House, 1992), p. 61.

[9] Harold James, International Monetary Cooperation since Bretton Woods (Washington, DC: International Monetary Fund, 1996), p. 210, cited in Andrews (ed.), International Monetary Power.

[10] Như trên, p. 148.

[11] Như trên, p. 268.

[12] Như trên, p. 271.

[13] Các quốc gia chiếm 45% tổng dự trữ toàn cầu đạt 11.4 nghìn tỷ USD trong quý II năm 2013không tiết lộ cơ cấu dự trữ của mình với IMF. Các nước này bao gồm cả Trung Quốc. Xem tại http://www.imf.org/external/np/sta/cofer/eng/

[14] Arthur Kroeber, ‘China’s Global Currency: Lever for Financial Reform’, Brookings-Tsinghua Center for Public Policy, Monograph Series, no. 3, February 2013, p. 56

[15] Báo cáo của Tổng cục thống kê Hoa Kỳ gửi đến các Ủy ban quốc hội, “International Monetary Fund Observations on the IMF’s Financial Operations”, Washington DC, tháng 9/1999, trang 34; C.Fred Bergsten, “The International Monetary Fund and the National Interests of the United States”, điều trần trước Ủy ban hợp tác kinh tế của Quốc hội Mỹ, Washington DC, ngày 24/2/1998, http://www.iie.com/publications/testimony/testimony.cfm?ResearchID=307

[16] Jacques Rueff, “Le péché monétaire de l’occident” (Paris: Plon 1971)

[17] Paul Taylor, “US “soft power” takes a hit over government shutdown”, Reuters, ngày 17/10/2013; “Dollar’s reserve role at risk from US budget uncertainty – ECB’s Nowotny”, Reuters, 12/10/2013.

[18] Garber, ‘The Geopolitical Impact of Internationalization of a Large Currency’.

[19] Eichengreen, “Exorbitant Privilege”, trang 134.

[20] US Energy Information Administration, báo cáo đầy đủ của Ả rập Saudi, ngày 26/2/2013, http://www.eia.gov/countries/cab.cfm?fips=SA.

[21] Benjamin J.Cohen, “The Benefits and Costs of an International Currency: Getting of the Calculus Right”, Open Economies Review, tập 23, số 1, tháng 2/2012, trang 16.

[22] Kenneth Rogoff, “World is right to worry about US debt”, Finanacial Times, ngày 24/1/2013.

[23] Adam S.Posen, “Why the Euro will not rival the Dollar”, International Finance, tập 11, số , mùa xuân 2008, trang 96