Chính trị dầu lửa

10262153_866970069993345_2599219049952750966_n

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

Về các diễn biến an ninh, chính trị hiện nay, những điều được bàn và trao đổi thường xuyên là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, khủng hoảng ở miền Đông Ucraina, Mỹ xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc trỗi dậy… Điều đó đúng, không sai. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế cũng như các các tác động của kinh tế đối với an ninh, chính trị lại ít được bàn đến. Thực ra, trên bình diện quốc gia và quốc tế, kinh tế chính là chính trị và làm chính trị cũng vì mục tiêu kinh tế là chính.

Đáng chú ý là một diễn biến kinh tế quan trọng, bắt đầu từ vài tháng vừa qua nhưng lại ít được xem xét đúng mực cả về khía cạnh kinh tế, lẫn chính trị và an ninh, đó là: giá dầu giảm từ mức 114 USD/thùng trong tháng 6/2014 xuống còn 83 USD/thùng vào ngày 17/10/2014 và vẫn đang tiếp tục giảm.

Mức giảm đều và liên tục tới 27% chỉ trong một thời gian ngắn như vậy đã khiến không ít kẻ mừng và lắm người lo. Với một hộ gia đình người Mỹ, mức giảm này đồng nghĩa với việc làm tăng ngân sách chi tiêu của họ thêm khoảng 600 USD một năm. Còn với nước Nga, mỗi thùng dầu giảm 1 USD làm cho ngân sách quốc gia bị mất đi 2 tỷ USD. Không phải ngẫu nhiên mà phát biểu tại Cuộc họp Cấp cao Á-Âu (ASEM) tại Milan ngày 17/10 Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay chặn đứng đà sụt giảm của giá dầu nhằm ngăn kinh tế thế giới tránh khỏi nguy cơ sụp đổ. Nói điều này có vẻ hơi quá vì nếu kinh tế Nga chẳng may có “cơ sự” thì cũng không có nghĩa kinh tế thế giới sẽ “sụp đổ” theo. Tuy nhiên, xét dưới bất kỳ góc độ nào, đây là một câu chuyện “đáng bàn” và “đáng quan tâm”.

Chưa rõ mức giá này sẽ duy trì được bao lâu vì châu Âu và Bắc Mỹ hiện bắt đầu bước vào mùa đông. Nhưng nếu đà giảm tiếp tục hoặc giá thấp được duy trì trong ít nhất 1 năm hoặc lâu hơn, các hệ lụy đối với kinh tế, an ninh, chính trị và môi trường toàn cầu sẽ rất sâu rộng và làm cho tình hình thế giới hiện nay vốn đã bất ổn, lại càng thêm bất ổn hơn.

Chính trị dầu lửa trong lịch sử

Để bảo vệ lợi ích dầu mỏ và kinh tế, đầu những năm 1960 một số nước đang phát triển sản xuất và xuất khẩu dầu lửa chủ yếu đã lập ra OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) và hiện OPEC có 12 thành viên. Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 1970, OPEC mới “ra đòn” tăng giá đầu tiên, đánh trực tiếp vào các nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu gây ra khủng hoảng dầu lửa 1973-1974 và suy thoái kinh tế thế giới sau đó. Thậm chí các nước Ả rập trong OPEC còn “dọa cắt” xuất khẩu dầu sang Nhật Bản nếu Nhật tiếp tục lập trường ủng hộ Israel trong cuộc xung đột Israel-Ả rập và Nhật buộc phải thay đổi lập trường. Dầu lửa lần đầu tiên được đem ra sử dụng cho mục đích ngoại giao và chính trị và được sử dụng thành công. Từ đây ra đời thuật ngữ mới là “ngoại giao dầu lửa”.

Khái niệm “Đô la dầu lửa” bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ này. Do nguồn đô la thu được ào ạt đổ về các quốc gia Trung Đông xuất khẩu dầu lửa nhờ giá dầu tăng liên tục trong những năm 1970 nên các nước Ả rập đã tích lũy được số tiền dự trữ lớn, có lúc lên tới gần 700 tỷ USD vào cuối những năm 1970 và họ dùng so tiền này để:

  • Củng cố sự thống trị của vương quyền. Các khái niệm “Ông hoàng”, “Bà chúa” dầu lửa ở Trung Đông;
  • Hiện đại hóa đất nước;
  • Đầu tư vào các nước tư bản, vừa được dùng là “của để dành”, vừa là đòn bẩy kinh tế và chính trị.

Sau một thời gian bị động cả về chiến lược và sách lược, Mỹ và phương Tây đã dần tìm cách thích ứng và “phản công”:

  • Họ thúc đẩy cách mạnh công nghệ, khoa học kỹ thuật để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, sản xuất nhiều đơn vị sản phẩm/đơn vị năng lượng;
  • Dùng chiêu bài đẩy lạm phát và phá giá đồng tiền để làm giảm giá trị thực của đô la dầu lửa (phải cả chục năm sau các nước Ả rập mới biết đến chiêu này);
  • Tạo sự chia rẽ, phân hóa làm suy yếu OPEC từ bên trong khiến OPEC khó đạt được sự nhất trí theo hướng chỉ có lợi cho họ, nhưng lại có hại cho các nền kinh tế trong G7 và kinh tế thế giới.

Trong những năm 1970, là nước sản xuất lớn nhất và xuất khẩu dầu lửa lớn thứ hai thế giới, Liên Xô được lợi rất lớn từ nguồn thu do xuất khẩu dầu lửa đem lại và cũng là một trong những nguồn lực chính giúp Liên Xô nâng cao phúc lợi của người dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Giá dầu đi xuống trong những năm 1980 cũng khiến nền kinh tế Liên Xô “lao đao”. Nguồn thu ngoại tệ từ dầu giảm cộng với việc các cam kết quốc tế vượt khả năng nền kinh tế có thể kham nổi, trình độ quản lý yếu kém, gánh nặng ngân sách quân sự và một số yếu tố khác đã đưa đến sự “sụp đổ” của Liên Xô vào cuối những năm 1980, đầu 1990.

Dầu lửa: “Của trời” hay “của nợ”?

Thực ra dầu lửa vừa là “của trời” nhưng cũng lại là “của nợ”. Nếu biết cách khai thác, sử dụng nguồn thu từ tài nguyên này một cách hữu ích, các quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa sẽ hùng cường, người dân có cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Trái lại, nếu ỷ lại, trông chờ vào nguồn thu tưởng như là của trời này nhưng không cải cách, đổi mới kinh tế thì “tấm gương” tày liếp mà rất nhiều nước gặp phải là: (i) nền kinh tế phát triển phiến diện; (ii) tham nhũng tràn lan; (iii) bất ổn xã hội và chính trị, thậm chí dẫn đến nội chiến (như Sudan, Nigeria); (iv) Nền kinh tế dễ bị tổn thương do chịu tác động mạnh từ sự lên xuống của giá dầu.

Nauy là một trong những nước biết cách sử dụng tài nguyên dầu lửa Biển Bắc một cách thông minh, số tiền bán dầu từ khai thác ngoài Biển Bắc họ cho vào Quỹ hưu trí ( Pension Fund). Với 1.000 tỷ USD đạt được vào năm nay, hiện Quỹ hưu trí của Nauy là Pension Fund lớn nhất thế giới. Ngoài ra, với dân số vẻn vẹn 5 triệu người, điều này cũng có nghĩa khi một đứa trẻ ngay khi chào đời đã có sẵn 200.000 USD trong tài khoản để đảm bảo cho tương lai sau này. Các nước khác như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Qatar ngay từ cách đây 20 năm đã thiết kế và ráo riết triển khai một tương lai kinh tế “hậu dầu lửa” và họ đã thành công.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dầu lửa được tìm ra và khai thác trên quy mô công nghiệp tại Texas và trở thành trụ cột chính trong kinh tế Mỹ, nhưng may mắn cho nước Mỹ là điều này kéo dài không lâu và họ gọi đó là “OIL MOMENT” (Khoảnh khắc dầu lửa – nghe mới lãng mạn làm sao!). Một số quốc gia phụ thuộc nguồn thu chính từ dầu lửa và khai thác với giá thành cao là Nga (xuất khẩu dầu chiếm 50% tổng thu ngân sách), Venezuela (xuất khẩu đem lại 95% nguồn thu) thì hiện nay và thời gian trước mắt là những thời khắc “vật vã” phải gồng mình với khó khăn.

Tác động của việc giá dầu giảm hiện nay

Với việc giá dầu lửa lao dốc nhanh như hiện nay, 4 “nạn nhân” dễ thấy nhất là Nga, Venezuela, Iran và Iraq.

Nga

Xuất khẩu dầu lửa và khí đốt ngày càng trở nên quan trọng và đóng góp tới 50% ngân sách của Nga trong năm 2013. Nhìn con số này dễ thấy “sức mạnh” kinh tế Nga dựa trên nền tảng khá yếu và cơ cấu kinh tế giống với một nước đang phát triển khai thác tài nguyên để bán hơn là một “cường quốc” kinh tế. Trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống (2000-2008), Ông Putin có được may mắn là giá dầu lên một mạch thẳng đứng từ 18,5 USD tới đỉnh là 132 USD vào năm 2008. Nhờ vậy, Nga đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 5% thời kỳ này, tăng nguồn dự trữ ngoại tệ lên đến 750 tỷ USD vào năm 2008, và tiếng tăm ông Putin nhờ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” cũng nổi lên từ đây.

Hiện nay, cùng với giá dầu xuống, lệnh trường phạt kinh tế của phương Tây khiến Nga không chỉ bị “thảm họa kép”, mà thực sự đang đối mặt với các khó khăn kinh tế lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay: Đồng Rúp mất giá tới 20% kể từ tháng 4 đến nay, lạm phát tăng, đầu tư giảm, dòng tư bản dịch chuyển ra nước ngoài… Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay từ 0%-0,3%, nhiều chương trình y tế, phúc lợi bị cắt giảm, còn triển vọng cho các năm sau cũng chưa thấy sáng sủa và có nhiều vấn đề xã hội tiềm ẩn. Thậm chí Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov còn đề nghị xem xét lại kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng trị giá 550 tỷ USD từ nay đến năm 2020 vì “không biết lấy tiền ở đâu ra”.

Venezuela

Do xuất khẩu dầu lửa đóng góp tới 95% ngân sách, Venezuela là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor giữa tháng 9/2014 đã hạ mức độ tín nhiệm đối với Venezuela từ B- sang CCC+, và “dọa” sẽ tiếp tục đánh tụt hạng nếu giá dầu hạ. Điều này có nghĩa S&P đặt cược khả năng 50-50 Venezuela sẽ “vợ nợ” trong 1-2 năm tới nếu không có đột phá về giá dầu trên thị trường quốc tế hoặc có thay đổi trong chính sách trợ cấp năng lượng của chính phủ nước này. Hiện lãi suất vay nợ mà Venezuela phải trả trên thị trường tài chính quốc tế là 16,7%. Do toàn bộ các hàng hóa thiết yếu của Venezuela đều phải nhập khẩu, nên không những giá thành cao mà còn khan hiếm. New York Times còn cho rằng dầu ăn và giấy vệ sinh tại Venezuela thậm chí còn khan kiếm hơn tại quốc gia đang có nội chiến là Syria! Venezuela đã khẩn thiết kêu gọi OPEC có cuộc họp khẩn cấp bàn về cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên cao. Tuy nhiên, Arab Saudi và một số nước khác đã “bác” đề nghị này, cho là không cần thiết do thị trường đang trong giai đoạn “điều chỉnh” và vẫn quyết định thời gian cuộc họp “thường lệ” vào ngày 27/11/2014 như dự kiến.

Iraq

Mặc dù tình hình an ninh bất ổn, phải giao chiến với phiến quân Nhà nước Hồi giáo nhưng sản lượng dầu của Iraq vẫn ổn định và tăng đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, chi phí sản xuất của Iraq khá cao do: (i) tăng chi phí an ninh để bảo vệ các cơ sở lọc dầu; (ii) tăng chi phí đầu tư, bảo hiểm; (iii) giá nhân công cao do lo ngại an ninh. Giá dầu giảm sẽ càng gây thêm khó khăn cho chính quyền của Thủ tướng mới al-Abadi trong việc tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm trang thiết bị, tăng cường các hoạt động an ninh nhắm đối phó với phiến quân IS. Thậm chí, nếu không đủ sức mạnh quốc phòng cần thiết thì Iraq sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn đà tiến công của IS với các hệ quả chưa thể lường hết đối với Trung Đông.

Iran

Iran đang sắp bước vào vòng đàm phán quyến định với Nhóm P5 (năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc) về tương lai chương trình hạt nhân của mình. Các lợi ích từ việc Mỹ và phương Tây nới lỏng đôi chút lệnh cấm vận đối với Iran được cảm nhận khá rõ từ sự “dễ thở” của người dân, lẫn các tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, nguy cơ tiền thu dầu cạn đi, cộng với “quả tạ” cấm vận trở lại treo lủng lẳng trên đầu buộc giới lãnh đạo Iran phải cân nhắc kỹ hơn giữa việc theo đuổi chương trình hạt nhân dân sự hay nối lại việc làm giàu Uranium.

Điều gì đằng sau việc giá dầu giảm?

Nga và Venezuela cho rằng dường như có một “âm mưu” quốc tế nào đó đang tìm cách thao túng giá dầu nhằm đạt các mục tiêu chính trị. Ở đây có một số chuyện liên quan:

  • Thực ra, như đã nêu từ đầu, kinh tế là chính trị và khi các diễn biến kinh tế không diễn ra theo ý mình mong muốn thì việc một số người/một số nước nghĩ đến “thuyết âm mưu” chính trị sau đó cũng là điều bình thường;
  • Kinh tế có những quy luật vận hành riêng, và phản ứng của các nhà đầu tư cũng vậy, không thể suy đoán theo logic thông thường. Các nhà đầu tư tiên liệu nền kinh tế toàn cầu sẽ xấu đi trong thời gian tới, trong khi không nhìn thấy khả năng OPEC đưa ra các quyết định có thể đảo ngược xu thế của thị trường nên đã có tâm lý phản ứng tiêu cực đối với giá dầu;
  • Khi giá dầu tăng nhanh như từ 2000-2008, chẳng thấy Nga hay thành viên OPEC nào đề nghị “họp khẩn” để chặn đà đi lên của giá dầu. OPEC không chỉ nên quan tâm đến lợi ích của riêng mình (bên bán), mà còn phải tính đến lợi ích, tâm lý của bên mua nữa, ngay cả lục thị trường đang lên;
  • Trong bối cảnh thị trường đi xuống, nhiều nước thành viên OPEC không muốn giảm sản lượng, nhằm “giữ” thị phần và “giữ” chân khách hàng.

Trong các diễn biến liên quan đến giá dầu vừa qua, nhân tố có vai trò quyết định xu hướng giá cả và thị trường là Arab Saudi lại ít được bàn đến. Có thể nói không quá cường điệu, nhưng thực tế là Arab Saudi có tiếng nói quyết định nhất trong bất cứ quyết định nào của OPEC, do: (i) sản lượng dầu khai thác của nước này chiếm tới hơn 1/3 của cả OPEC gộp lại; (ii) giá thành khai thác dầu của Arab Saudi rất rẻ (dưới 75 USD một thùng); và (iii) nguồn dự trữ ngoại tệ đứng thứ 3 thế giới (750 tỷ USD). Việc Arab Saudi đủ khả năng tham gia bất kỳ cuộc chiến nào về giá dầu cho thấy đây sẽ là cuộc chơi phức tạp, chừng nào một trong các người chơi chủ chốt chưa đạt được mục đích của mình. Vậy tại sao Arab Saudi muốn duy trì giá dầu thấp như hiện nay?

Một là, đối với Arab Saudi, Iran luôn được coi là kẻ thù không đội trời chung và việc Iran phát triển chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa trực tiếp an ninh của Arab Saudi. Việc không thuyết phục được Mỹ và châu Âu tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran đã buộc Arab Saudi chuyển sang “phương án B”, theo đó dùng sức ép kinh tế (giảm giá dầu) nhằm buộc Iran đi vào đàm phán thực chất với P5.

Hai là, giá dầu sụt giảm làm các nhà đầu tư Mỹ ngần ngại không muốn đầu tư nghiên cứu và thương mại hóa khí đá phiến (shale gas), và do vậy sẽ làm “chậm lại” quá trình Arab Saudi bị “truất ngôi vương” trong việc thao túng giá dầu. Arab Saudi cho rằng tuy Mỹ là nước đi đầu thế giới trong công nghệ cracking, nhưng giá thành shale gas hiện ở mức cao và cần phải có nhiều nghiên cứu và đột phá công nghệ hơn nữa để hạ giá thành.

Ba là, Arab Saudi cho rằng việc làm của mình là “có trách nhiệm”. Giá dầu giảm sẽ giúp đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế và khi kinh tế thế giới phục hồi và tăng trưởng thì khả năng thế giới sẽ tiêu thụ nhiều dầu hơn và giá dầu sẽ tăng trở lại.

Hiện các tính toán của Arab Saudi cũng khá trùng hợp với các tính toán chiến lược của Washington. Tuy nhiên, câu hỏi còn để ngỏ là sự song trùng lợi ích này giữa Mỹ và Arab Saudi sẽ còn kéo dài được bao lâu và bao xa.

TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết tổng hợp những phân tích đăng lần đầu trên trang Facebook của tác giả, thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.