Đằng sau cuộc đối đầu giữa Hy Lạp và châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

_81048451_tv025906172

Nguồn: Yanis Vaoufakis, “Democratizing the Eurozone”, Project Syndicate, 01/09/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Giống như Macbeth,[1] những người làm chính sách thường phạm thêm những sai lầm mới để che giấu những tội lỗi cũ. Và các hệ thống chính trị (phải) chứng minh giá trị của chúng bằng việc nhanh chóng chấm dứt các sai lầm chính sách triền miên và chất chồng lên nhau của các quan chức. Nhưng nếu đánh giá bằng tiêu chuẩn nay, thì khu vực Eurozone, bao gồm 19 nền dân chủ lâu đời, bị tụt lại đằng sau nền kinh tế phi dân chủ lớn nhất thế giới.

Sau khi bị suy thoái tấn công sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc mất 7 năm để thay thế nhu cầu xuất khẩu giảm dần bằng một bong bóng đầu tư nội địa, được bơm lên bằng việc các chính quyền địa phương bán đất quyết liệt. Và khi thời khắc quyết định đã đến, các lãnh đạo Trung Quốc chi 200 tỉ đôla tiền dự trữ ngoại tệ họ đã cất công tích lũy để đóng vai vua Canute[2] nhằm cố gắng đẩy lùi cơn sóng tạo ra bởi cuộc tháo chạy tán loạn của thị trường chứng khoán.

Nếu so sánh với Liên minh châu Âu thì những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để sửa chữa những sai lầm của họ – thông qua việc rốt cuộc để cho lãi suất và giá cổ phiếu tụt dốc – nhìn giống như một bằng chứng mẫu mực về tốc độ và sự hiệu quả. Đúng là “chương trình củng cố và cải cách tài khóa” của Hy Lạp đã thất bại, và việc các lãnh đạo châu Âu đeo bám vào nó bất chấp những bằng chứng trong năm năm qua cho thấy chương trình không thể nào thành công, là biểu hiện của những thất bại sâu rộng về điều hành của EU, một thất bại với nguồn gốc lịch sử sâu sắc.

Trong đầu thập niên 1990, sự tan vỡ đau đớn của Cơ chế Tỷ giá Hối đoái châu Âu chỉ làm củng cố thêm quyết tâm của các lãnh đạo EU trong việc chống đỡ nó. Khi mà kế hoạch được phơi trần là không hề bền vững, thì các quan chức lại càng bám chặt vào nó thêm và câu chuyện họ kể ngày càng lạc quan hơn. “Chương trình” Hy Lạp chỉ là một hiện thân khác của những trì trệ chính sách dưới lăng kính màu hồng.

Những hoạch định chính sách trong vùng Eurozone trong năm năm qua là một vở hài kịch đáng chú ý của những sai lầm. Danh sách sai lầm chính sách gần như là không ngừng: tăng lãi suất vào tháng 7/2008 bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu và một lần nữa vào tháng 4/2011; việc ép buộc những chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc nhất cho những nền kinh tế đối mặt với suy thoái nặng nề nhất; những luận thuyết mang tính độc đoán khuyến khích chính sách phá giá nội bộ mang tính cạnh tranh lợi mình hại người; và một liên minh ngân hàng thiếu kế hoạch bảo hiểm tiền gửi hợp lý.

Tại sao các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể thoát khỏi sự trừng phạt? Dầu sao đi nữa thì việc họ không bị trừng phạt chính trị rất trái ngược không chỉ với Mỹ, nơi mà các quan chức ít ra phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, mà còn với Trung Quốc, nơi mà người ta thường nghĩ rằng các quan chức ở đây phải chịu ít trách nhiệm giải trình hơn so với những người đồng nhiệm ở châu Âu. Câu trả lời nằm trong bản chất rời rạc và không chính thức một cách có chủ ý của liên minh tiền tệ châu Âu.

Các quan chức Trung Quốc có thể không phải chịu trách nhiệm trước một quốc hội dân cử, nhưng các quan chức chính phủ phải chịu trách nhiệm giải trình đối với những thất bại của họ trước một cơ quan thống nhất: Ban Thường vụ bảy thành viên của Bộ Chính trị. Eurozone thì khác, vì vùng này được điều hành bởi một nhóm mang tính không chính thức một cách chính thức (officially unofficial) tên là Eurogroup, bao gồm bộ trưởng tài chính của các nước thành viên, cộng với các đại diện của ECB và, khi bàn bạc đến “các chương trình kinh tế liên quan” thì còn có cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chỉ đến rất gần đây, do các vòng đàm phán căng thẳng của chính phủ Hy lạp với các chủ nợ, thì các công dân châu Âu mới nhận ra rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới, khu vực Euronzone, được điều hành bởi một tổ chức thiếu quy tắc hoạt động thành văn, tranh luận những vấn đề quan trọng “trong phòng kín” (và không có biên bản cuộc họp), và họ không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ cơ quan dân cử nào, thậm chí cả Quốc hội châu Âu.

Sẽ là một sai lầm khi liên tưởng cuộc đối đầu giữa chính phủ Hy Lạp với Eurogroup như là một cuộc xung đột giữa những người Hy Lạp cánh tả và những người theo cánh hữu chính thống ở châu Âu. “Mùa Xuân Athens” của chúng tôi là vì một điều sâu sắc hơn: quyền của một quốc gia châu Âu nhỏ bé thách thức một chính sách thất bại đang hủy hoại tương lai của cả một (hoặc hai) thế hệ không chỉ ở Hy Lạp, mà còn ở những nơi khác trong khu vực châu Âu.

Mùa Xuân Athens bị đàn áp vì những lý do không liên quan đến nền chính trị cánh tả của chính phủ Hy Lạp. Lần này đến lần khác, Liên minh Châu Âu khước từ và xem thường các chính sách hợp lý.

Ví dụ hàng đầu là quan điểm của hai bên về chính sách thuế. Trong tư cách bộ trưởng tài chính Hy Lạp, tôi đề xuất giảm mức thuế bán lẻ, thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp, để mở rộng nguồn thu thuế, tăng thu ngân sách, và tạo nên một cú hích cho nền kinh tế tan vỡ của Hy Lạp. Không một môn đồ nào của Ronald Reagan (người theo tư tưởng kinh tế tân tự do – NHĐ) sẽ tranh cãi với kế hoạch của tôi. EU thì ngược lại, họ yêu cầu, và áp đặt, mức tăng cho cả ba loại thuế.

Như vậy thì nếu cuộc vật lộn giữa Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu không phải là cuộc đối đầu giữa cánh tả và cánh hữu, thì nó là cái gì? Nhà kinh tế học Clarence Ayres từng viết, dường như để mô tả các quan chức EU: “Họ ca tụng thực tại bằng cách quy cho nó tính nghi thức, nhưng họ làm vậy chỉ để xác nhận địa vị của mình, chứ không phải để đạt được hiệu quả công nghệ.” Và họ không bị trừng phạt bởi vì những người có quyền quyết định trong Eurozone không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ một chính thể tối cao nào.

Bây giờ thì phận sự đổ lên vai những ai trong chúng ta mong muốn cải thiện sự hiệu quả của châu Âu, và làm giảm những bất công trắng trợn, để đi đến việc tái chính trị hóa vùng Eurozone như là bước đầu tiên để tiến đến dân chủ hóa khu vực này. Rốt cuộc thì chẳng phải châu Âu xứng đáng có một chính quyền ít nhất là có trách nhiệm giải trình hơn nước Trung Quốc cộng sản hay sao?

Yanis Varoufakis, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, là một đại biểu quốc hội thuộc Đảng Syriza và là giáo sư kinh tế tại Đại học Athens.

Hình: Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis. Nguồn: BBC.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Democratizing the Eurozone

——————

[1] Macbeth là nhân vật chính trong vở bi kịch cùng tên của Shakespear. Macbeth sát hại và tiếm ngôi của vua Scotland là Duncan. Bị ám ảnh bởi tội lỗi nhưng ông lại bị thôi thúc phạm phải các tội ác khác, giết thêm nhiều người để bảo vệ mình trước kẻ thù và những sự ngờ vực. Kết cục là Macbeth rơi vào trạng thái cao ngạo, điên rồ và cuối cùng là cái chết (NHĐ).

[2] Canute (hay Cnut) Đại đế là hoàng đế của Đế chế Biển Bắc thời thế kỷ 11, bao gồm Đan Mạch, Anh, Na Uy và một phần Thụy Điển. Theo một câu chuyện được ghi lại, ông nói với các quần thần trong triều đình rằng bất chấp quyền lực của mình thì ông vẫn không thể điều khiển được các con sóng thủy triều, và giải thích rằng quyền lực của người trần sẽ không là gì nếu so với quyền lực tối thượng của Chúa trời (NHĐ).