Khủng hoảng Ukraine và tư duy của người Nga

Print Friendly, PDF & Email

putin_2827916b

Tác giả: Ghia Nodia | Biên dịch: Nguyễn Đắc Thành

Bài liên quan: Liệu Putin có thể sống sót?/ Tại sao cuộc khủng hoảng Ukraine là do lỗi của phương Tây

Khủng hoảng Ukraine đã làm tiêu tan những giả định chủ yếu của Phương Tây về nước Nga. Và nhiều nhà phân tích cũng như các chính trị gia vội vàng kết luận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hành xử một cách thiếu lý trí. Nhưng chính những giả định của Phương Tây về nước Nga mới phải được xem xét lại. Nhất là, điều gì đã khiến nước Nga hăng hái thách thức trật tự quốc tế hiện nay, đầu tiên là ở Gruzia năm 2008 và hiện nay là ở Ukraine?

Vẻ bề ngoài, những chiến dịch này dường như là các cuộc xung đột lãnh thổ thời kỳ hậu đế chế. Theo quan điểm này, Nước Nga chấp nhận rằng nó không thể phục hồi lại được đế chế cũ trước đây. Vì vậy, thay vào đó, nó lấn chiếm dần những phần lãnh thổ láng giềng và biện minh những hành động của mình bằng khái niệm mơ hồ về công lý lịch sử và sắc tộc. Và giống như Cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic, Putin tô vẽ sự xâm lược bên ngoài như là một hành động cứu quốc nhằm củng cố sự ủng hộ trong nước và gạt bỏ các đối thủ cạnh tranh.

Cách tiếp cận của Putin khá giống với tầm nhìn đã được Alexander Solzhenitsyn, người Nga đoạt giải Nobel, đề xuất trong bài viết của ông những năm 1990 “Xây dựng lại nước Nga”. Nhắc tới các quốc gia vệ tinh Xô-viết trước đây, ông gợi ý từ bỏ những ”dân tộc vô ơn” này nhưng giữ lại những phần lãnh thổ hợp pháp của Nga như Đông và Nam Ukraine, Bắc Kazakhstan, và Đông Estonia, những nơi có dân số gốc Nga sinh sống, và khu vực Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia, những khu vực văn hóa mở rộng của vùng Bắc Cáp-ca-dơ thuộc Nga.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng  Putin chỉ là một kẻ cuồng tín dân tộc chủ nghĩa không-kiểm-soát được. Putin đã nhắm vào Gruzia và Ukraine không phải nhằm khẳng định lại tình cảm và cam kết của người Nga đối với Nam Ossetia hay Crimea, mà nhằm trừng phạt những quốc gia này vì các liên hệ nguy hiểm với Phương Tây – nhất là ước muốn gia nhập NATO của Gruzia và mong muốn ký kết hiệp định liên kết với Liên minh Châu Âu của Ukraine. Thực sự, phản ứng của Nga phù hợp với quan niệm phổ biến là nước Nga đang bị “xua đuổi” ra khỏi khu vực láng giềng và bị bao vây bởi các cường quốc thù địch Phương Tây.

Bằng những nỗ lực mơ hồ thuyết phục Putin rằng việc mở rộng NATO và Liên minh Châu Âu về phía Đông sẽ đem lại lợi ích cho nước Nga thông qua việc tạo lập một khu vực hòa bình và thịnh vượng dọc biên giới nước Nga, các chính trị gia Phương Tây đã ngây thơ và xúc phạm người Nga. Người Mỹ hay người Châu Âu không thể chỉ bảo cho người Nga biết cái gì có lợi và cái gì không có lợi cho nước Nga, cho dù họ có thể lập luận thuyết phục như thế nào chăng nữa.

Theo quan điểm của chế độ ở Nga hiện nay, những tuyên bố rằng mở rộng NATO và EU chỉ là nhằm phổ biến các giá trị, các thể chế có trách nhiệm giải trình và quản trị tốt chứ không phải cạnh tranh về kinh tế và quân sự, là sự đạo đức giả quá mức.

Việc truyền bá thể chế và giá trị Phương Tây chính là điều mà Putin lo ngại nhất. Ủng hộ dân chủ xung quanh vùng biên giới nước Nga có thể gây nên hiệu ứng “làm gương” nguy hiểm bằng cách khuyến khích người dân Nga yêu cầu dân chủ cho chính họ. Thực tế, Putin tin tưởng rằng các cuộc nổi dậy vì dân chủ trong 10 năm qua ở Gruzia và Ukraine chính là âm mưu cấu kết của Phương Tây nhằm chống lại Nga. Điều này có vẻ là hoang tưởng, nhưng nỗi lo của Putin là có lý. Dân chủ kiểu Châu Âu tại các nước láng giềng của Nga có thể khiến việc duy trì chế độ cai trị chuyên chế tại Nga trở nên khó khăn hơn nhiều.

Nhưng sự xúc phạm mà những nỗ lực mở rộng NATO và EU mang đến còn sâu sa hơn. Thất bại của Nga trong Chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của đế chế Nga đã biến một nước từ siêu cường toàn cầu trở thành một cường quốc khu vực hạng hai chỉ trong vòng vài năm, cùng với một thập kỷ tiếp theo đầy bất ổn và suy giảm kinh tế. Sự sụp đổ địa chính trị này một phần là vì người Nga (chưa kể đến những quốc gia chịu ảnh hưởng ở Trung và Đông Âu) bị dụ dỗ tin rằng dân chủ theo kiểu Phương Tây và thị trường tự do có thể hoạt động tốt hơn. Điều này cũng hàm ý rằng Phương Tây là tốt hơn về mặt đạo đức – một quan niệm khó có thể chấp nhận đối với dân tộc của Puskin và Dostoyevsky.

Với cách nghĩ này, Putin và những người ủng hộ ông ở trong và ngoài nước Nga nhìn nhận dân chủ và thị trường tự do không phải con đường tới thịnh vượng và hòa bình mà là một âm mưu đen tối nhằm tiêu diệt nước Nga. Thử nghiệm của người dân Nga với dân chủ những năm 1990 cũng không tốt đẹp chút nào. Họ chỉ nhớ tới những đau khổ và tủi nhục.

Lãnh đạo Phương Tây tự dối mình nếu họ nghĩ rằng lựa lời thuyết phục Putin, hay đưa ra những cử chỉ tỏ vẻ tôn trọng ông ta, có thể thay đổi được cách nghĩ này. Nhưng nhắm mắt làm ngơ trước hành động xâm chiếm của Nga, như Phương Tây đã từng làm khi Nga tấn công Gruzia năm 2008 – bằng cách coi đây chỉ là sự đụng độ giữa hai thủ lĩnh nóng giận- cũng không phải là một sự lựa chọn hợp lý.

Tựu trung lại, dù việc Phương Tây mong muốn Nga là một đối tác là hoàn toàn hợp lý nhưng Nga lại coi Mỹ và EU là đối thủ (enemies). Phương Tây không thể đưa ra các điều kiện đối tác khả thi mà Putin có thể chấp nhận được. Hoặc là Phương Tây phải vứt bỏ những giá trị nền tảng của mình, hoặc là nước Nga phải thay đổi.

Lịch sử chỉ ra rằng nước Nga chỉ thay đổi khi nó gặp phải một thất bại địa chính trị thực sự. Thất bại trong cuộc chiến Crimea 1853-1856 đã dẫn đến việc tan rã của chế độ nông nô và các cải cách tự do khác. Thất bại trước Nhật Bản năm 1905 mang lại Nghị viện đầu tiên của Nga và những cải cách của Pyotr Stolypin. Khủng hoảng sa lầy ở Afghanistan những năm 1980 tạo môi trường dẫn đến cải tổ (perestroika) của Mikhail Gorbachev.

Rốt cuộc, chỉ có người Nga mới có thể tự quyết định thế nào là một thất bại. Nếu Putin có thể thuyết phục người dân Nga rằng việc tấn công vào Ukraine của ông là một thắng lợi, nước Nga sẽ tiếp tục hành xử tung tác và đầy dọa nạt trên trường quốc tế. Nhưng nếu người dân Nga tin rằng Ukraine là một sai lầm mạo hiểm, thì một đất nước rất khác sẽ có thể ra đời.

Ghia Nodia là Chủ tịch của Viện Hòa bình, Dân chủ và Phát triển Cáp-ca-dơ tại Tbilisi, Gruzia.

Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate