Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Năm 2015 sắp tới sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình quan hệ Việt – Mỹ, đó là kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ song phương (11/7/1995). Trong suốt gần 20 năm qua, quan hệ giữa hai “cựu thù” đã đạt được những tiến triển nhanh chóng khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên, và giờ hai bên đã là “đối tác toàn diện” của nhau. Tuy nhiên, quan hệ song phương nhìn chung vẫn còn mới ở giai đoạn sơ khởi, đã xây dựng được những nền tảng căn bản nhưng vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng chưa được khai phá. Trong năm 2015 cũng như những năm sau đó, hai nước cần phải cùng nhau tiếp tục nỗ lực để quan hệ song phương đạt được những phát triển thực chất và sâu sắc hơn.
Trước hết, về quan hệ chính trị, việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước, đặc biệt là giới lãnh đạo và hoạch định chính sách cấp cao cần phải được tăng cường hơn nữa. Lòng tin giữa hai bên trong suốt những năm qua còn những rào cản chủ yếu xuất phát từ việc hai bên có thể chế chính trị, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khung giá trị khác nhau. Tuy nhiên, những khác biệt này cần được hạ thấp, đồng thời những điểm đồng về lợi ích chiến lược cần phải được đề cao.
Thực tế, trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy thách thức trật tự, hòa bình cũng như vị thế của Mỹ ở khu vực, nhiều người trong giới học giả cũng như hoạch định chính sách Mỹ đã lập luận rằng bản thân Mỹ cần đưa các lợi ích chiến lược trong quan hệ với Việt Nam lên trên các cân nhắc khác. Đương nhiên, chính giới Mỹ, đặc biệt là các nghị sĩ trong quốc hội, sẽ không từ bỏ việc gây áp lực đối với Việt Nam về các vấn đề như dân chủ – nhân quyền. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng đây phần lớn là do áp lực từ các cử tri đã bầu họ lên. Vì vậy chừng nào nền chính trị Mỹ còn tiếp tục vận hành theo các nguyên tắc và thể chế như hiện nay, các áp lực như vậy, đặc biệt là từ Quốc hội Mỹ, sẽ còn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, về phía chính quyền hành pháp cũng như một bộ phận các nghị sĩ, những người có xu hướng thực dụng hơn, họ đề cao ý nghĩa chiến lược trong quan hệ với Việt Nam, và những tiến triển gần đây trong quan hệ song phương một phần lớn bắt nguồn từ thực tế này.
Về phía mình, Việt Nam cũng đã đáp lại bằng những hành động tích cực, tiêu biểu như việc sửa đổi Hiến pháp hay có những cải thiện về tình hình dân chủ – nhân quyền phù hợp với các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đây sẽ là một tiến trình lâu dài, tiệm tiến. Điều quan trọng là Việt Nam đã có thiện chí và đạt được các tiến triển nhất định. Bản thân người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước nên cùng chia sẻ nhận thức rằng trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng trên Biển Đông, chúng ta cần có sự đoàn kết và đồng thuận vì các lợi ích tối thượng của quốc gia.
Trong bối cảnh đó, trong năm 2015, hai nước Việt – Mỹ cần tăng cường các cuộc đối thoại, tiếp xúc, can dự lẫn nhau tại tất cả các cấp độ và các kênh quan hệ, bao gồm không chỉ kênh chính quyền mà còn cả kênh đảng. Theo đó, một chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và một chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam trong năm 2015 sẽ không chỉ là những sự kiện mang tính biểu tượng đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ, mà còn là một bước đi mang lại sự hiểu biết và niềm tin chiến lược cao hơn giữa hai nước. Ngoài ra, có thể vẫn còn hơi sớm để nâng cấp quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược” ngay trong năm 2015, nhưng hai bên hoàn toàn có thể tính tới điều này trong năm 2018 khi hai bên kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Thứ hai, về kinh tế, hai nước đã đạt được những tiến triển mạnh mẽ trong suốt 20 năm qua, và hiện Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau EU). Trong năm tới, nếu hai nước cùng các quốc gia liên quan có thể hoàn tất được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì đây sẽ là một sự kiện ý nghĩa góp phần đánh dấu 20 năm quan hệ. Sau khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, nhiều khả năng Mỹ sẽ thúc đẩy đàm phán TPP vì theo truyền thống Đảng Cộng hòa có xu hướng ủng hộ giới doanh nghiệp cũng như tự do thương mại. Ngoài ra, do TPP không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang tính chiến lược, nên bản thân Mỹ cũng như các đồng minh, đặc biệt là Nhật, sẽ có thể sớm giải quyết được các bất đồng để kết thúc đàm phán, ít nhất là trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama kết thúc.
Thứ ba, về quốc phòng – chiến lược, hai bên cần có những bước đi mạnh mẽ và thực chất hơn nữa để cụ thể hóa mối quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước. Hai bên cần tăng cường các trao đổi và hợp tác, như tiếp xúc cấp cao giữa giới hoạch định chính sách chiến lược, trao đổi thông tin tình báo, các cuộc diễn tập hải quân, cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo song phương và đa phương… Việt Nam có thể cho phép Mỹ có quyền tiếp cận lớn hơn đối với các cơ sở dịch vụ hậu cần hải quân, nhất là cảng Cam Ranh. Trong khi đó, Mỹ nên cân nhắc việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ cũng nên tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực giám sát hàng hải. Tuyên bố của Mỹ về cung cấp cho Việt Nam 18 triệu đô-la để nâng cao năng lực hàng hải cần sớm được thực hiện.
Hiện tại có thể còn quá sớm để nói về một mối quan hệ liên minh chiến lược toàn diện giữa hai nước, nhưng hai bên có thể tách biệt các điểm đồng về lợi ích chiến lược khỏi các khác biệt khác để hình thành nên một liên minh bán chính thức trong lĩnh vực hàng hải, có thể cùng với các quốc gia đối tác và bạn bè khác có cùng nhận thức về lợi ích và các mối đe dọa tại Biển Đông, như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ và Australia. Việc thực hiện các bước đi đã nêu trên sẽ góp phần hiện thực hóa khả năng này. Ngoài ra, do nội bộ chính giới Mỹ đã đạt được đồng thuận về chiến lược “tái cân bằng” nên nếu Việt Nam và Mỹ cùng quyết tâm thì điều này hoàn toàn khả thi, bất chấp ứng cử viên của đảng nào sẽ lên cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 sắp tới.
Thứ tư, về ngoại giao, hai bên cần tiếp tục hỗ trợ nhau trực tiếp cũng như gián tiếp, đặc biệt là qua các kênh đa phương cũng như trên mặt trận công luận toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua, việc Mỹ là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và hiệu quả nhất về ngoại giao đã không những góp phần gây sức ép lên Trung Quốc mà còn tạo nên một sự thiện cảm rất lớn đối với nước Mỹ trong lòng công chúng Việt Nam, điều sẽ có lợi cho tương lai quan hệ song phương. Những sự hợp tác và hỗ trợ như vậy cần được tiếp tục trong thời gian tới. Chúng ta có thể không biết chắc chắn được Trung Quốc sẽ có hành động cụ thể nào trên Biển Đông trong tương lai, nhưng dù điều gì xảy ra, việc Mỹ và các nước bạn bè hỗ trợ Việt Nam về ngoại giao cũng như các mặt khác đều sẽ là thiết yếu để Việt Nam có thể đối phó tốt hơn với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, một xu hướng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Cuối cùng, các giao lưu, tiếp xúc giữa người dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, cần được thúc đẩy để tạo nên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau cao hơn, bởi thế hệ trẻ chính là những người sẽ dẫn dắt quan hệ giữa hai nước trong tương lai. Các chương trình trao đổi học giả, sinh viên, văn nghệ sĩ… có thể là những ưu tiên cần thực hiện.
Ngoài ra, đề nghị của Mỹ để Đội Hòa bình (Peace Corps) – một tổ chức tình nguyện chuyên về các hoạt động giáo dục và ngoại giao nhân dân – vào hoạt động tại Việt Nam nên được xem xét tích cực. Các cơ quan chức năng Việt Nam với bề dày kinh nghiệm của mình hoàn toàn có thể giúp đảm bảo hoạt động của Đội Hòa Bình vừa tuân thủ đúng pháp luật, vừa đáp ứng được mục tiêu thể hiện thiện chí của chính phủ Việt Nam, đồng thời giúp nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Bản thân các tình nguyện viên sau khi về Mỹ cũng có tiềm năng trở thành những người hoạt động tích cực giúp thúc đẩy quan hệ song phương như trường hợp của các cựu binh Mỹ ở Việt Nam, trong đó tiêu biểu là Thượng Nghị sĩ John McCain.
Tóm lại, quan hệ Việt Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong gần 2 thập niên qua. Nhưng nếu hình dung quan hệ song phương như một thiếu nữ thì với gần 20 năm, cô gái đó mới chỉ bước qua giai đoạn vị thành niên, và những năm tháng sung sức, tươi đẹp nhưng mặn mà, chín chắn nhất đang ở phía trước. Tương tự như vậy, đã đến lúc Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác để đưa quan hệ song phương bước vào một kỷ nguyên mới vững vàng và sâu sắc hơn, phục vụ những lợi ích chiến lược lâu dài của hai nước. Dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ vào năm tới sẽ là một cơ hội phù hợp để khởi động một tiến trình như vậy.
Lê Hồng Hiệp là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học KHXH&NV TPHCM, và là người sáng lập trang Nghiencuuquocte.net chuyên biên dịch và phát triển học liệu chuyên ngành nghiên cứu quốc tế tại Việt Nam.